Mở Rộng ứng Dụng Quản Lý Thuế Tập Trung Trong Ngành Thuế

Mở rộng ứng dụng Quản lý Thuế tập trung trong ngành thuế

Ngày 22/08/2016

Ngoài các ứng dụng lõi như cung cấp dịch vụ điện tử cho người nộp thuế về Thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TTĐB, thuế TNCN ... Ngành Thuế sẽ tiếp tục mở rộng các ứng dụng mới, hỗ trợ tốt hơn cho người nộp thuế như thanh tra, kiểm tra, phân tích, đánh giá rủi ro Thuế,...

Mở rộng ứng dụng quản lý thuế

 

Ứng dụng tại 63 tỉnh thành

Hệ thống Quản lý thuế tập trung (TMS) là hệ thống công nghệ thông tin chính thức và duy nhất hỗ trợ cơ quan Thuế các cấp quản lý các loại thuế như: Thuế Giá trị gia tăng, thuế Thu nhập doanh nghiệp, thuế Tiêu thụ đặc biệt, thuế Thu nhập cá nhân và các loại thuế khác theo chính sách và các quy trình nghiệp vụ như quản lý hồ sơ thuế, xử lý tờ khai/quyết toán thuế, xử lý chứng từ, xử lý quyết định, hạch toán và theo dõi nghĩa vụ của người nộp thuế, kế toán thuế nội địa (chế độ mới), quản lý nợ thuế và tổng hợp các báo cáo đánh giá, phân tích hỗ trợ chỉ đạo điều hành.

Theo Tổng cục Thuế, TMS đã thay thế 16 ứng dụng hỗ trợ công tác quản lý thuế đang triển khai phân tán tại cục thuế và chi cục thuế, đã đáp ứng được toàn bộ các khâu xử lý dữ liệu cho các quy trình nghiệp vụ đăng ký thuế, quản lý hồ sơ, quản lý và xử lý kê khai/quyết toán thuế, kế toán thuế nội địa, quản lý nợ, sổ sách, báo cáo phân tích, đánh giá.

Ứng dụng TMS sẽ đem lại nhiều lợi ích cơ bản như: Dễ dàng áp dụng một quy trình nghiệp vụ quản lý thuế chuẩn trên toàn quốc ở cả 3 cấp của ngành Thuế; cung cấp các dịch vụ điện tử cho người nộp thuế một cách nhanh chóng, chính xác do không phải kết nối với nhiều ứng dụng lõi; tránh được các sai sót khi trao đổi dữ liệu giữa các cấp và các hệ thống; giảm thiểu chi phí vận hành và triển khai hệ thống (nhân lực, kinh phí…); nâng cấp dễ dàng và tận dụng được các tính năng công nghệ mới để tối ưu hóa tốc độ của hệ thống.

Đặc biệt, chế độ kế toán thuế nội địa là chế độ mới của ngành Thuế được ban hành trong năm 2014, theo dõi và hạch toán nghĩa vụ thuế của người nộp thuế bằng bút toán kép theo hệ thống tài khoản kế toán thống nhất, chỉ có thể thực hiện được trên nền tảng của hệ thống quản lý thuế tập trung TMS.

Ông Vũ Lê Huy, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Tổng cục Thuế cho biết, từ tháng 11-2015, ứng dụng TMS đã được triển khai tại 63 Cục Thuế và toàn bộ các Chi cục Thuế trực thuộc trên toàn quốc. Đến nay, ứng dụng TMS đã vận hành ổn định, các Cục Thuế đã thực hiện khóa sổ, đôn đốc, tính tiền chậm nộp tự động định kỳ hàng tháng đúng ngày quy định. Việc triển khai ứng dụng TMS đáp ứng quản lý thuế hộ kinh doanh khoán từ khâu xử lý tờ khai hộ khoán, lập bộ, in thông báo thuế, công khai thông tin hộ khoán trên website. Số hộ đưa vào TMS tính thuế lập bộ và công khai thông tin tăng từ 25% lên 30% hộ so với năm 2015.

Có thể nói, TMS đã tạo cơ sở nền tảng để đảm bảo tính thống nhất về nghiệp vụ, quy trình xử lý trong cả nước; dữ liệu thông tin được hạch toán đầy đủ, chính xác; đáp ứng cơ bản các nghiệp vụ quản lý thuế cốt lõi, đặc biệt đáp ứng yêu cầu thí điểm chế độ kế toán thuế nội địa; hỗ trợ tổng hợp và cung cấp dữ liệu quản lý thuế nhanh và tạo điều kiện để mở rộng các dịch vụ điện tử cung cấp cho người nộp thuế.

Thời gian tới, hệ thống TMS sẽ được tiếp tục mở rộng để tích hợp các cấu phần mới như: Thanh tra, kiểm tra kho cơ sở dữ liệu, phân tích đánh giá rủi ro.

Hạn chế vướng mắc phát sinh

Ông Vũ Lê Huy cho biết, trong quá trình triển khai, Tổng cục Thuế đã thường xuyên nắm bắt thông tin, ghi nhận đầy đủ các vướng mắc, đồng thời có phương án khắc phục, hỗ trợ các cơ quan Thuế chuyển đổi dữ liệu từ hệ thống cũ sang hệ thống mới, xử lý dữ liệu ổn định trên ứng dụng mới, đồng thời tiếp tục bổ sung các yêu cầu đầu ra theo yêu cầu của các cục Thuế.

Tuy nhiên ông Huy cũng thừa nhận, trong quá trình vận hành thử nghiệm không thể tránh khỏi những vướng mắc phát sinh. “Đối với các vướng mắc của các đơn vị đang triển khai, Cục Công nghệ thông tin sẽ tiếp tục xử lý và hoàn thiện, kịp thời hỗ trợ để TMS vận hành thông suốt, đáp ứng hiệu quả cho công tác quản lý thuế. Bên cạnh đó, những bài học hiệu quả đã đúc rút được trong công tác lựa chọn nhân sự, tập huấn ứng dụng, đào tạo nguồn nhân lực, chuẩn bị về hạ tầng kỹ thuật, hay sự điều hành, phối hợp trong triển khai... sẽ là kinh nghiệm được ngành Thuế nhân rộng để triển khai TMS được hiệu quả và thông suốt trong toàn ngành”, ông Vũ Lê Huy khẳng định.

Thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục phân tích và liên tục nâng cấp ứng dụng đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ về chế độ kế toán thuế, các quy trình nghiệp vụ đăng ký thuế, hoàn thuế, quản lý nợ thuế... và nhiều chính sách nghiệp vụ mới phát sinh. Thùy Linh  

Từ khóa » Hệ Thống ứng Dụng Quản Lý Thuế Tập Trung