Mô Tả Atlas – Nhóm Cây Công Nghiệp Ngắn Ngày – Phạm Tuyết Mai
Có thể bạn quan tâm
Phần III - Sản xuất nông nghiệp
Cây lúa
Sản xuất lúa gạo là ngành sản xuất truyền thống và lâu đời của người Việt nên luôn giữ vị trí trung tâm trong nông nghiệp và kinh tế Việt Nam, chiếm gần 37% GDP nông nghiệp và 26% tổng xuất khẩu nông sản trong giai đoạn 2000 - 2004. Cây lúa được gieo trồng ở hầu hết các vùng trong cả nước. Tại miền Bắc, do điều kiện khí hậu cận nhiệt đới nên lúa được trồng vào hai vụ chính là Đông Xuân và vụ Mùa; còn các tỉnh miền Nam, với điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa, lúa được trồng thêm một vụ nữa là vụ Hè Thu. Hai vùng sản xuất lúa chính của Việt Nam là Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long, chiếm khoảng 2/3 tổng diện tích và 70% sản lượng lúa gạo của cả nước.
Việt Nam đã đạt được những thành tựu lớn trong sản xuất lúa gạo và trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới với lượng xuất khẩu hàng năm 4 - 5 triệu tấn. Gạo xuất khẩu chủ yếu từ vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Các khu vực khác do vị trí địa lý và điều kiện khí hậu kém thuận lợi hơn nên sản xuất lúa gạo chủ yếu phục vụ tiêu dùng trong nước.
Năm 2004, năng suất lúa trung bình cả nước đạt 4,9 tấn/ha, diện tích gieo trồng lúa đạt 7,5 triệu ha (trong đó diện tích lúa Đông Xuân là 3 triệu ha, lúa Hè Thu 2,4 triệu ha, lúa Mùa 2,1 triệu ha), tổng sản lượng lúa đạt trên 36 triệu tấn (vụ Đông Xuân 17,1 triệu tấn, Hè Thu 10,4 triệu tấn, Mùa 8,6 triệu tấn). Trong suốt thập niên 1990, diện tích gieo trồng lúa liên tục tăng ở mức 2,7%/năm nhưng có sự biến đổi mạnh trong cơ cấu mùa vụ theo hướng tăng mạnh diện tích Hè Thu và Đông Xuân, giảm mạnh diện tích lúa vụ Mùa. Những năm gần đây do tác động của thị trường và chuyển dịch cơ cấu sản xuất nên diện tích gieo trồng lúa tuy có xu hướng giảm bình quân 0,7%/năm (chủ yếu vẫn là giảm diện tích lúa Mùa). Tuy nhiên, do tốc độ tăng năng suất lúa vẫn duy trì ở mức khá cao khoảng 3,2%/năm nên sản lượng lúa vẫn tăng ở mức 2,7%/năm.
Cây ngô
Ngô là cây lương thực cho hạt được trồng phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt là ở các vùng núi, với diện tích khoảng 1 triệu ha, sản lượng năm 2004 đạt 3,4 triệu tấn, là một trong những nguồn quan trọng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Nghề trồng ngô ở Việt Nam bắt đầu phát triển từ sau năm 1970. Đến nay Việt Nam trở thành một trong ba nước sản xuất ngô hàng đầu ở châu Á. Nhìn chung, diện tích gieo trồng, sản lượng và năng suất của ngô tăng mạnh và đều qua các năm, đạt mức bình quân lần lượt là 6,1%/năm, 12,4%/năm và 5,9%/năm trong suốt giai đoạn 1990 – 2004. Năm 1990 năng suất ngô bình quân mới chỉ đạt 1,6 tấn/ha thì đến năm 2004 con số này đã tăng hơn hai lần (3,5 tấn /ha). Giai đoạn 2000–2004, tốc độ tăng bình quân về diện tích trồng ngô là 7,9%/năm, sản lượng tăng bình quân 14,4%/năm, năng suất tăng đạt mức trung bình gần 6%/năm.
Cây ngô thích hợp với điều kiện thời tiết vùng đồi núi trung du và vùng đất đỏ bazan, do đó ngô được trồng tập trung tại các vùng Đông Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên và các tỉnh Thanh Hóa, Nghê An (ở vùng Bắc Trung Bộ), Đồng Nai, Bình Thuận (ở vùng Đông Nam Bộ). Tổng diện tích trồng ngô ở các vùng này chiếm gần 80% diện tích trồng ngô cả nước và sản lượng chiếm tới 76%. Một số tỉnh đồng bằng có diện tích và năng suất ngô đáng kể là Thái Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu và An Giang.
Cây có củ
Cây lương thực có củ ở Việt Nam chủ yếu gồm khoai lang và sắn, dùng làm nguyên liệu cho các ngành công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi, đồng thời là nguồn lương thực phục vụ sinh hoạt hàng ngày ở khu vực nông thôn, miền núi. Năm 2004, tổng diện tích của hai cây này là 590,4 nghìn ha (chiếm 95% tổng diện tích cây có củ); diện tích khoai lang và sắn tương ứng là 201,8 và 388,6 nghìn ha, sản lượng tương ứng đạt 1,5 và 5,8 triệu tấn.
Giai đoạn 1995 - 2004 có sự chuyển dịch đáng kể về cơ cấu diện tích trồng cây có củ. Tổng diện tích tăng trung bình 0.1%/năm, trong đó diện tích khoai lang giảm 4,5%/năm, diện tích sắn tăng 3,8%/năm (giai đoạn 2000 - 2004, các con số này tương ứng là 3,84%/năm, 5,62%/năm và 13,1%/năm). Do diện tích khoai lang giảm liên tục nên sản lượng giảm 1,2%/năm (giai đoạn 2000 - 2004 giảm 1,6%/năm); tuy nhiên năng suất lại tăng đạt mức 3,4%/năm (giai đoạn 2000 - 2004 là 4,3%/năm). Đối với sắn, nếu như ở giai đoạn 1995 - 1999, diện tích, năng suất, sản lượng giảm mạnh thì ở giai đoạn 2000 - 2004, diện tích, năng suất, sản lượng bình quân tăng nhanh lần lượt là 13,1%/năm, 15,7%/năm và 30,8%/năm.
Cây có củ chủ yếu được trồng ở vùng Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và một số tỉnh miền núi phía Bắc như Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ, Sơn La, Hòa Bình cùng với một số tỉnh ở vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Diện tích trồng và sản lượng cây có củ ở các vùng này chiếm hơn 80% so với cả nước. Vùng Đông Nam Bộ có diện tích trồng và năng suất cao nhất (19,4 tấn/ha). Vùng Bắc Trung Bộ mặc dù diện tích trồng đứng thứ hai nhưng năng suất thấp nhất (8,5 tấn/ha). Vùng Đồng bằng sông Cửu Long tuy chiếm diện tích không đáng kể nhưng năng suất cao so với trung bình, đạt 14,6 tấn/ha.
Cây Lạc
Nhờ đưa vào gieo trồng các giống lạc mới năng suất cao, trong giai đoạn 2000 - 2004, năng suất lạc tăng trung bình 5,2%/năm. Dù diện tích gieo trồng lạc tăng không nhiều (1,9%/năm), nhưng sản lượng lạc hàng năm tăng ở mức khá cao, trung bình 7,2%/năm trong giai đoạn 2000 - 2004.
Thích hợp với đất nhẹ tơi xốp và không cần nhiều dinh dưỡng, lạc được trồng phổ biến ở các vùng Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, trong đó tập trung nhiều nhất ở vùng Bắc Trung Bộ (chiếm 31% diện tích lạc cả nước). Bắc Trung Bộ cũng là vùng đóng góp lớn nhất cho tổng sản lượng lạc của cả nước (28,6%). Vùng có năng suất trồng lạc cao nhất lại là Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó cao nhất là vùng Đồng bằng sông Hồng với năng suất 3 tấn/ha (so với mức trung bình 1,9 tấn/ha của cả nước). Tuy được trồng khá phổ biến ở khu vực Tây Nguyên với tổng diện tích lên tới hơn 22 nghìn ha (chiếm 9,7% tổng diện tích lạc cả nước), nhưng đây lại là vùng có năng suất lạc thấp nhất cả nước (0,7 tấn/ha).
Cây Đậu tương
Đậu tương là cây trồng truyền thống có mặt từ lâu đời ở Việt Nam. Ngoài việc lấy hạt, cây đậu tương còn có tác dụng cố định đạm làm tăng dinh dưỡng cho đất, nên thường được nông dân trồng xen với các cây trồng khác với mục đích cải tạo đất. Diện tích gieo trồng đậu tương tăng rất nhanh, bình quân ở mức 10,3%/năm trong giai đoạn 2000 - 2004. Cùng với việc tăng năng suất trung bình 2,7%/năm, sản lượng đậu tương đạt mức tăng bình quân 13,3%/năm trong giai đoạn 2000 - 2004.
Cây đậu tương được trồng khá phổ biến ở miền Bắc, đặc biệt là ở vùng Đồng bằng sông Hồng (trồng luân canh với lúa) và vùng Đông Bắc. Ở miền Nam, cây đậu tương được trồng chủ yếu ở vùng Tây Nguyên và một số ít ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy có diện tích trồng đậu tương khá lớn (26.235 ha), chiếm 14,4% tổng diện tích đậu tương của cả nước, nhưng Tây Nguyên lại là vùng có năng suất đậu tương ở mức thấp nhất cả nước (1 tấn/ha). Cây đậu tương cho năng suất rất cao tại vùng Đồng bằng sông Hồng (8,7 tấn/ha), do vậy chỉ với diện tích trồng đậu tương chiếm 29,2% nhưng vùng Đồng bằng sông Hồng đã đóng góp 75,4% vào tổng sản lượng đậu tương của cả nước.
Cây Mía
Từ năm 1994, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Chương trình Tổng quan về phát triển ngành mía đường để phục vụ cho các mục tiêu kinh tế - xã hội. Nhờ đó, diện tích trồng mía trong giai đoạn 1995 - 1999 tăng lên nhanh với tỷ lệ trung bình 11,2%/năm so với 6,3%/năm của giai đoạn 1990 - 1994. Sau khi hoàn thành chương trình 1 triệu tấn đường vào năm 2000, việc mở rộng diện tích trồng mía đường được ngưng lại, thay vào đó là việc đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất. Do đó trong giai đoạn 2000 - 2004, năng suất mía tăng trung bình 2,4%, cao hơn so với mức tăng 2% của giai đoạn 1995 - 1999. Tính toàn bộ giai đoạn 1990 - 2004, sản lượng mía tăng trung bình 7,9%/năm.
Cây mía được trồng chủ yếu ở vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng là những vùng đóng góp nhiều nhất cho tổng sản lượng mía của cả nước. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích trồng mía lớn nhất cả nước, chiếm 23% tổng diện tích mía của Việt Nam. Đồng bằng sông Cửu Long cũng là vùng có năng suất mía cao nhất cả nước (trung bình 68,6 tấn/ha) nên mức đóng góp cho tổng sản lượng mía cũng lớn nhất (29,5%). Vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Bắc có năng suất mía ở mức thấp hơn nhiều so với mức bình quân cả nước do trồng mía quy mô nhỏ và vẫn sử dụng các giống mía cũ, năng suất thấp.
Cây thuốc lá
Cây thuốc lá cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Diện tích cây thuốc lá tăng khá trong giai đoạn 1995 - 1999 (4%/năm), kéo theo sự tăng nhanh về sản lượng (6,5%/năm). Bước sang giai đoạn 2000 - 2004, diện tích trồng thuốc lá có xu hướng giảm mạnh (mức tăng trưởng trung bình là -9,6%/năm). Tuy nhiên, nhờ năng suất tăng nên tổng sản lượng thuốc lá trong giai đoạn này cũng không giảm nhiều (-3,4%/năm). Đến năm 2004, Việt Nam đã có tới 39.925 ha trồng thuốc lá và tổng sản lượng thuốc lá nguyên liệu là 25.230 tấn. Hiện nay mỗi năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu khoảng 100 triệu USD nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến thuốc lá, cho nên việc mở rộng diện tích trồng cây thuốc lá, đặc biệt dưới hình thức hợp đồng cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy là cần thiết.
Cây thuốc lá được trồng nhiều nhất ở vùng Đông Bắc, chiếm tới chiếm tới 69,4% tổng diện tích thuốc lá của cả nước. Tuy nhiên, do năng suất không cao nên vùng Đông Bắc chỉ đóng góp 23,8% vào tổng sản lượng thuốc lá của cả nước. Thuốc lá cũng được trồng khá phổ biến ở vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Tuy diện tích trồng thuốc lá ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long không nhiều, nhưng đây lại là vùng trồng thuốc lá cho năng suất cao nhất cả nước. Vùng Tây Bắc hầu như không trồng thuốc lá. Tại các vùng Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ, diện tích trồng thuốc lá cũng không nhiều.
Cây cà phê
Trong những năm qua, diện tích cà phê của Việt Nam tăng nhanh từ vài chục ngàn ha lên tới 500 ngàn ha. Sản lượng cà phê tăng mạnh, đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 26%/năm trong giai đoạn 1995 - 1999. Trong 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng diện tích cà phê giảm mạnh do biến động trên thị trường thế giới và chính sách của chính phủ khuyến khích giảm diện tích trồng cà phê ở những vùng không thuận lợi. Giai đoạn 2000 - 2004, tốc độ tăng trưởng diện tích cà phê và sản lượng cà phê chỉ đạt lần lượt -3,1%/năm và 1%/năm. Cà phê chiếm khoảng 8% giá trị sản lượng nông nghiệp và khoảng 25% giá trị xuất khẩu nông nghiệp.
Cà phê của Việt Nam chủ yếu được dùng để xuất khẩu cho các tập đoàn rang xay và thương mại lớn trên thế giới, với lượng xuất khẩu chiếm tới hơn 90% tổng sản lượng và là nước xuất khẩu cà phê vối lớn nhất thế giới. Nghề trồng cà phê ở Việt Nam tạo nguồn thu nhập lớn cho một nhóm đông dân cư ở nông thôn, trung du và miền núi, tạo việc làm cho hơn 600 nghìn nông dân.
Cà phê chủ yếu được trồng ở các vùng đồi núi phía Bắc và Tây Nguyên có độ cao từ khoảng 800m trở lên. Diện tích cà phê tập trung nhiều nhất ở vùng Tây Nguyên, tại các tỉnh như Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và chủ yếu là cà phê vối. Diện tích cà phê của vùng này chiếm tới 72% tổng diện tích cả nước và sản lượng cũng chiếm khoảng 92% tổng sản lượng cả nước. Cà phê chè trồng với diện tích và sản lượng rất khiêm tốn chủ yếu ở vùng núi phía Bắc, tập trung nhiều ở tỉnh Sơn La và Điện Biên.
Cây cao su
Diện tích trồng cao su tăng trưởng mạnh nhất trong giai đoạn 1995 - 1999 với tốc độ hơn 9%/năm và tăng trưởng giảm dần trong giai đoạn 2000 - 2004 khoảng 2,5%/năm. Tốc độ tăng trưởng về sản lượng cao su mủ khô cũng giảm dần từ 19%/năm trong giai đoạn 1995 - 1999 xuống còn gần 10%/năm giai đoạn 2000-2004. Năng suất cao su tăng trong giai đoạn này, từ 12.2 tạ/ha năm 2000 lên 13.6 tạ/ha năm 2004.
Đất đai và khí hậu ở nhiều vùng sinh thái của nước ta, đặc biệt là vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên rất phù hợp với việc sinh trưởng và phát triển cây cao su. Năm 2004, diện tích cao su của vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên chiếm tới 94% tổng diện tích cả nước (trong đó, riêng vùng Đông Nam Bộ chiếm gần 70%). Nhờ vậy, sản lượng cao su của hai vùng này cũng chiếm tới 98% tổng sản lượng của cả nước. Ngoài ra, cao su cũng được trồng ở một số tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Quảng Trị nhưng sản lượng không đáng kể.
Cây hồ tiêu
Cây tiêu được trồng ở các vùng đất bazan (từ Quảng Trị trở vào đến các tỉnh vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và một số nơi khác của Nam Bộ như tỉnh Kiên Giang và An Giang). Nhìn chung tiêu phát triển tốt ở độ cao đến 900m so với mặt biển, trên đất đỏ bazan, đất phù sa, đất xám. Những năm giữa thập niên 1990 trở lại đây cây tiêu phát triển mạnh ở Việt Nam, sản lượng tăng nhanh và chiếm vị trí thứ 3 thế giới (chỉ sau Ấn Độ và Indonesia). Tiêu Việt Nam có ưu thế về chất lượng. Năm 2004, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu đạt trên 150 triệu đô la Mỹ, chiếm 2,8% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá nông lâm thuỷ sản cả nước. Tổng diện tích trồng tiêu tại Việt Nam năm 2004 khoảng 47.667ha, sản lượng đạt 66.423 tấn. So với năm 1990 diện tích tiêu năm 2004 đã tăng gấp gần 5,5 lần và sản lượng tăng 7,9 lần.
Diện tích trồng tiêu tập trung ở vùng Đông Nam bộ (27.479ha, chiếm 57,6% diện tích cả nước), Tây Nguyên (15.809ha, chiếm 33,2 %) và Bắc Trung Bộ (3.356ha, chiếm 7%). Năng suất tiêu không chênh lệch nhiều giữa các vùng. Tương ứng với tỷ lệ diện tích trên, sản lượng tiêu năm 2004 của vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Bắc Trung Bộ là 39.410, 22.906 và 2.314 tấn tương đương với 59,3%, 34,5% và 3.5% tổng sản lượng tiêu cả nước.
Cây điều
Cây điều không kén đất, dễ trồng và chịu được thời tiết khó khăn khắc nghiệt, vì thế rất thích hợp với đất đai và khí hậu tại vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Đây cũng là cây trồng mang lại lợi ích kinh tế cao. Cây điều luôn đứng trong nhóm những mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu lớn của Việt Nam. Chỉ tính riêng trong năm 2004, kim ngạch xuất khẩu điều đạt 430 triệu đô la Mỹ, chiếm 8% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản. Do sản phẩm hạt điều chủ yếu phục vụ xuất khẩu nên từ những năm 1990, khi giá điều trên thị trường thế giới tăng cao thì diện tích trồng điều cũng phát triển mạnh. Đặc biệt trong giai đoạn 2000 - 2004 khi giá xuất khẩu cao, giá thu mua trong nước vượt mức 15.000 đồng/kg thì diện tích điều tăng bình quân 10,9%/năm, đẩy sản lượng tăng lên mức kỷ lục là 31,9 %/năm.
Năm 2004, tổng diện tích điều của Việt Nam là 250.960ha, tập trung chủ yếu ở vùng Đông Nam Bộ (179.970ha, chiếm 71,7%). Sản lượng điều của vùng này cũng đứng đầu trên cả nước với tổng sản lượng năm 2004 là 142.361 tấn, chiếm 78,4% tổng sản lượng điều Việt Nam (181.568 tấn). Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ tuy diện tích trồng không nhiều (20.499ha, tương ứng 8,2%) nhưng do hầu hết diện tích trồng đang ở giai đoạn cho sản phẩm nên cũng đứng thứ hai của cả nước về sản lượng điều (21.826 tấn, chiếm 12%). Trong khi đó, vùng Tây Nguyên với diện tích trồng điều rộng lớn, chỉ đứng sau Đông Nam Bộ với tổng diện tích 49.69âh (tương đương 19,8%) lại chỉ đạt mức sản lượng là 16.956 tấn, chiếm 9,3% tổng sản lượng. Do bị cạnh tranh với các cây trồng khác nên vùng Đồng bằng sông Cửu Long chỉ trồng một diện tích nhỏ là 779ha, khoảng 0,3% tổng diện tích điều trên cả nước. Điều không được trồng tại miền Bắc và Bắc Trung Bộ.
Cây chè
Từ năm 1990 đến nay, diện tích chè Việt Nam tăng nhanh (trung bình 5,1%/năm). Đặc biệt, trong giai đoan 1995 - 1999 giá chè lên cao, tốc độ tăng trưởng diện tích bình quân lên tới 8,3%/năm. Năm 2004, tổng diện tích trồng chè ở Việt nam là 87.494ha. Song song với mở rộng diện tích, sản lượng chè cũng tăng, thậm chí còn nhanh hơn tốc độ tăng diện tích, đạt mức bình quân là 9,5%/năm trong giai đoạn 1990 - 2004. Do chất lượng chè Việt Nam thấp nên kim ngạch xuất khẩu chưa cao. Năm 2004, kim ngạch xuất khẩu chè mới đạt 91,5 triệu đô la Mỹ, chiếm khoảng 1,7% tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản.
Chè tập trung chủ yếu ở các vùng Đông Bắc, Tây Bắc và Tây Nguyên. Riêng các tỉnh trung du miền núi phía Bắc thuộc vùng Đông Bắc đã có 52.452ha, chiếm 59,9% tổng diện tích chè cả nước; tiếp theo là vùng Tây Nguyên với diện tích 26.952ha, chiếm 30,8%. Trong khi đó, tại vùng Tây Bắc, do điều kiện địa hình và thời tiết không thuận lợi, diện tích chè chỉ là 8.654ha tương đương với 9,2% tổng diện tích chè trên cả nước.
Vùng Tây Nguyên (nơi có độ cao trung bình) có điều kiện sinh thái phát triển các giống chè tốt, năng suất cao. Tuy diện tích chè vùng này chỉ chiếm 30,8% diện tích chè cả nước nhưng trong năm 2004 sản lượng đạt tới 155.668 tấn, chiếm 39,8% tổng sản lượng cả nước. Chè vùng Đông Bắc (vùng thấp) có khả năng phát triển khá tốt, thời kỳ sinh trưởng dài trong năm nên cũng đạt được mức sản lượng là 201.834 tấn, chiếm 51,5%. Vùng Tây Bắc có địa hình phức tạp, phân cắt mạnh, cơ sở hạ tầng kém, tập quán canh tác lạc hậu nên sản lượng chè sản xuất tại khu vực này chỉ tương đương 8,7% sản lượng cả nước, đạt 34.097 tấn. Tuy nhiên, đây lại là vùng có điều kiện sinh thái đặc biệt thích hợp cho phát triển các giống chè Shan cho sản phẩm chất lượng cao.
Cây ăn quả
Việt Nam có điều kiện tự nhiên và khí hậu phù hợp để phát triển đa dạng các loại cây ăn quả, từ quả ôn đới như mận, đào, đến quả cận nhiệt đới như vải thiều, nhãn, cam hay quả nhiệt đới như măng cụt, soài, sầu riêng, dứa, chuối... Trung bình trong giai đoạn 1995 - 1999, diện tích trồng cây ăn quả tăng 10,3%/năm, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng bình quân 3,3%/năm trong giai đoạn 1990 - 1994. Năm 2004, tổng diện tích cây ăn quả Việt Nam vào khoảng 747.803ha, trong đó tập trung chủ yếu tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Đông Bắc với diện tích tương ứng là 260.253ha, 132.937ha và 136.262ha. Một số cây ăn quả chính có năng suất và sản lượng tăng nhanh như xoài, dứa, cây có múi với mức tăng bình quân sản lượng trong giai đoạn 2000 - 2004 lần lượt là 15,4%/năm, 9,7%/năm và 6%/năm. Trong khi đó, diện tích trồng nhãn giảm tới 7,7%/năm và sản lượng giảm 1,3%/năm trong cùng giai đoạn.
Trước đây, hầu hết các loại cây ăn quả được trồng hoặc xung quanh nhà với một vài cây hoặc tại các vườn cây ăn quả tập trung với qui mô nhỏ từ 0,5ha đến 2ha. Trong những năm gần đây cùng với chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại của Nhà nước đã hình thành và phát triển nhiều vườn cây ăn quả có diện tích rất lớn đến vài chục ha, tập trung ở vùng Đông Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, và Đông Nam Bộ.
Trâu, bò
Trong giai đoạn 2000 - 2004, tăng trưởng bình quân của tổng đàn bò cả nước đạt 4,4%/năm. Số đầu con đàn bò năm 2004 là 5,004,000 con. Sản lượng thịt bò chiếm khoảng 5% lượng thịt hơi của các loại gia súc gia cầm. Chăn nuôi bò khá phát triển ở miền Trung. Hai vùng có số lượng bò nhiều nhất nước là vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ, chiếm 22% và 23% tổng đàn bò cả nước. Chăn nuôi bò ở vùng Tây Nguyên và Đồng bằng sông Hồng cũng phát triển mạnh mẽ. Những vùng có sản lượng thịt bò cao của cả nước là Duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, Đông Bắc và Bắc Trung Bộ.
Tốc độ tăng trưởng của tổng đàn trâu trên cả nước những năm gần đây giảm dần do quá trình cơ giới hóa nông nghiệp nông thôn. Số đầu trâu năm 2000 là 2,900,000 con, năm 2004 còn lại 2,870,000 con trên cả nước. Sản lượng thịt trâu của Việt Nam cũng giảm bình quân 2,7%/năm từ 1996 - 2000. Đàn trâu ở vùng Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long giảm xuống nhanh chóng trong thời gian gần đây. Giai đoạn 1990 - 2000, số trâu ở Đồng bằng sông Cửu Long giảm bình quân 14%/năm. Tuy nhiên ở miền núi con trâu vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp sức kéo. Số lượng trâu ở vùng Tây Bắc tăng 4%/năm, ở Tây Nguyên tăng 5,6%/năm. Vùng Tây Nguyên và Tây Bắc, sản lượng thịt trâu tăng bình quân 13,4%/năm và 6%/năm.
Lợn
Chăn nuôi lợn đóng vai trò quan trọng nhất cho sự phát triển của ngành chăn nuôi Việt Nam. Thu nhập từ chăn nuôi lợn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập của rất nhiều hộ gia đình nông thôn. Giai đoạn 2000 - 2004, tỷ lệ tăng trưởng của số lượng lợn đạt là 6,7%/năm. Năm 2004, tổng đàn lợn trên cả nước đạt 24.879.000 con, cao gấp 2 lần so với năm 1990.
Chăn nuôi lợn ở Việt Nam phát triển chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long. Trong 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng đàn lợn bình quân vùng Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long đạt tương ứng là 7,5%/năm và 5,7%/năm. Năm 2000, số đầu lợn của vùng Đồng bằng sông Hồng chiếm 27% tổng đàn cả nước và Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 15%. Những năm gần đây chăn nuôi lợn quy mô lớn, theo kiểu công nghiệp và thương mại hóa cao phát triển mạnh ở vùng Đông Bắc và Đông Nam Bộ. Chăn nuôi lợn ở vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ phát triển chậm và có xu hướng giảm; tốc độ tăng bình quân đầu con trong 5 năm gần đây chỉ đạt 2,3%/năm và 2,8%/năm.
Từ năm 1990 đến năm 2000, sản lượng thịt lợn của Việt Nam tăng gần 2 lần, đạt trên 1,4 triệu tấn năm 2000. Từ năm 2000 đến nay, sản lượng thịt lợn chiếm trung bình 76% tổng sản lượng thịt hơi các loại. Vùng sản xuất nhiều thịt lợn nhất là Đồng bằng sông Hồng. Năm 2000, sản lựợng thịt lợn hơi của vùng Đồng bằng sông Hồng chiếm 26% tổng sản lượng thịt lợn cả nước, Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 21%, Đông Nam Bộ chiếm 12,4%.
Gia cầm
Chăn nuôi gia cầm phát triển mạnh mẽ ở hộ gia đình. Mô hình chăn nuôi gà thả vườn trong hộ gia đình được áp dụng khá rộng rãi và đạt hiệu quả cao trên cả nước, kể cả vùng núi và cao nguyên. Tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2000 - 2004 là 2,7%/năm. Dịch cúm gia cầm bùng phát tại Việt Nam từ cuối năm 2003 đã gây thiệt hại nặng nề đến ngành chăn nuôi gia cầm. Có khoảng 44.000.000 gia cầm đã bị tiêu huỷ trong giai đoạn cuối năm 2003 và đầu năm 2004, ước tính tổng thiệt hại khoảng 1,3 nghìn tỷ đồng. Năm 2004 tổng đàn gia cầm của cả nước là 218.200.000 con.
Chăn nuôi gia cầm phát triển mạnh nhất ở vùng Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long. Riêng năm 2000 số gia cầm của vùng Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 50% tổng đàn gia cầm toàn quốc. Ngoài ra, vùng Đông Bắc và Đông Nam Bộ cũng phát triển chăn nuôi gia cầm trong những năm qua.
Trong chăn nuôi gia cầm, gà là vật nuôi chiếm tỷ trong chính cả về đầu con và sản lượng thịt (76%). Phần còn lại chủ yếu là chăn nuôi vịt, rất phát triển ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Sản lượng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 56% sản lượng thịt vịt hơi trên toàn quốc.
Từ khóa » Cây Công Nghiệp Ngắn Ngày ở Việt Nam
-
Cây CN Ngắn Ngày
-
Cây CN Dài Ngày
-
Nhóm Nghiên Cứu Mạnh "Cây Công Nghiệp Ngắn Ngày"
-
Các Câu Hỏi Liên Quan đến Cam Kết WTO Của Việt Nam Về Nhóm ...
-
Diện Tích Cây Màu Và Cây Công Nghiệp Ngắn Ngày Giảm Mạnh
-
Cây Công Nghiệp Ngắn Ngày
-
Các Loại Cây Công Nghiệp Ngắn Ngày - 123doc
-
Bài Giảng Về Cây Công Nghiệp Ngắn Ngày - Kỹ Năng Toàn Diện
-
BÀI GIẢNG CÂY CÔNG NGHIỆP NGẮN NGÀY - TaiLieu.VN
-
Đồng Tháp: Sản Xuất Hơn 29 Nghìn Ha Hoa Màu, Cây Công Nghiệp ...
-
Đồng Tháp Sản Xuất Hơn 6 Nghìn Ha Hoa Màu, Cây Công Nghiệp ...
-
Cây Công Nghiệp Ngắn Ngày ở Duy Xuyên: Điểm Nhấn Nhạt Nhòa
-
[PDF] Cây Công Nghiệp Ngắn Ngày