Môn Võ Bình Định Gia Trên đất Bắc Ninh - Huyện Thuận Thành

Chúng tôi về Thuận An tìm gặp võ sư Đinh Hoàng Đức để tìm hiểu về lịch sử, cũng như quá trình hình thành và phát triển của võ phái Bình Định Gia trên đất Bắc Ninh. Dù đã hẹn trước nhưng cũng phải đợi gần một giờ đồng hồ, vừa gặp anh đã lên tiếng: “Học trò đang luyện tập, tôi phải ở lại theo dõi để uốn nắn không dứt ra được”.

Đinh Hoàng Đức, sinh năm 1974, ngay từ năm 1990 anh đã tìm đến lò võ ở Rạp Hát (Vệ An, thành phố Bắc Ninh) của thầy Nguyễn Khắc Thành, Nguyễn Hữu Hiệp. Một thời gian sau, anh may mắn được chấp chưởng môn Trần Hưng Hiệp (con trai chưởng môn Trần Hưng Quang) đón về Hà Nội truyền thụ. Khi đã lĩnh hội được tinh hoa võ học chân truyền của môn phái anh quyết định trở về quê mở lớp truyền dạy võ Bình Định Gia tại chùa Bùng (Bình Dương, Gia Bình). Từ đó đến nay, võ đường liên tục tuyển sinh và duy trì hoạt động mỗi lớp hơn 100 môn sinh, độ tuổi từ 8-18 tuổi. Các võ sinh thường xuyên tập luyện đều đặn đủ cả 4 mùa trong năm vào các ngày thứ Bẩy, chủ Nhật (ngày hè, số buổi luyện tập tăng lên 3 buổi/tuần).

Môn sinh Bình Định Gia tập luyện tại Trường THCS Trạm Lộ (Thuận Thành).

Nhiều thế hệ môn sinh ở võ đường chùa Bùng tham gia thi đấu các giải võ thuật cổ truyền khu vực phía Bắc, Quốc gia, quốc tế đều đạt thành tích cao, được phong kiện tướng như Vũ Văn Cương, Nguyễn Văn Út... Trong số đó có người đã trở về giúp Đinh Hoàng Đức huấn luyện, duy trì phát triển võ đường, như Kiện tướng Vũ Văn Cương, huấn luyện viên Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, hiện là người trực tiếp quản lý và huấn luyện môn sinh ở đây. (Vũ Văn Cương từng đoạt 2 HCV ở giải Võ thuật cổ truyền khu vực miền Bắc, 1 HCB giải Vô địch năm 2008, HCB giải Võ thuật cổ truyền quốc tế tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh và 2 năm liền được phong Kiện tướng).

Tiếp sau thành công tại chùa Bùng, Đinh Hoàng Đức quyết định phát triển mở rộng võ đường sang các huyện khác để quảng bá và truyền dạy Bình Định Gia như: Thuận Thành, Gia Bình, Từ Sơn, Quế Võ, Tiên Du, thành phố Bắc Ninh. Đa số môn sinh là những học sinh trên địa bàn, ngoài luyện tập võ thuật là các đòn thế, chiêu thức của môn phái các em còn được rèn võ đạo, sức mạnh ý chí tinh thần kết hợp với rèn luyện sức khỏe để phục vụ cho việc học tập, lao động, tránh xa các tệ nạn xã hội. Vì thế, số lượng người tham gia luyện tập ngày càng tăng. Sau mỗi khóa học anh lại tìm ra một người có tố chất, có tâm huyết với sự nghiệp võ học để đứng ra quản lý và trực tiếp huấn luyện lớp. Thời gian tới anh dự định mở thêm lớp tại Yên Phong.

Khi được hỏi về nguồn thu từ những lớp học mang lại, anh thẳng thắn: Hiện tại những khoản thu được tôi tích cóp lại để làm kinh phí tham dự các giải đấu. Qua những giải vô địch võ thuật cổ truyền được tổ chức ở cấp tỉnh hay toàn quốc, học trò của tôi đều chứng tỏ được bản thân bằng những tấm huy chương mang về. Thành công nhất là năm 1999, đưa 21 VĐV tham dự giải vô địch quốc gia toàn quốc khu vực phía Bắc thì có 7 HCV, 10 HCB, 4 HCĐ, đứng thứ 2 toàn đoàn. Năm 2011, cũng xếp thứ 2 toàn đoàn khi có 7 VĐV tham dự thì có tới 6 HCV, 7 HCB.

Hiện tại những chi phí như đi lại, ăn nghỉ… trong thời gian đưa đoàn đi tham dự giải đều do anh bỏ tiền lo cho các em. Tháng 5 vừa qua, anh lên danh sách 25 VĐV tham dự giải vô địch võ cổ truyền các tỉnh phía Bắc diễn ra tại Hải Phòng nhưng do không có kinh phí nên phải hoãn lại. Đây không phải lần đầu nên khiến anh rất trăn trở: “Thương các em vất vả luyện tập mà không có cơ hội được cọ xát, thể hiện tài năng. Cũng do kinh phí hạn hẹp, tôi lại không nhận được sự hỗ trợ từ bất cứ cá nhân hay tổ chức nào nên gặp không ít khó khăn”.

Nhìn ngôi nhà tuềnh toàng ở đầu làng, cộng thêm gánh nặng “cơm áo, gạo tiền”, cùng hai đứa con đang tuổi ăn, tuổi học tôi thấu hiểu hơn nỗi lòng của người cha, người thầy. Có thể khi có sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp các ngành chức năng, võ sư Đinh Hoàng Đức sẽ đào tạo được những VĐV xuất sắc và đưa võ cổ truyền trở thành môn thể thao có nhiều thành tích.

Bình Định Gia là một môn phái võ thuật cổ truyền ViệtNam thuộc hệ phái võ Bình Định. Ra đời cách đây trên 200 năm, người sáng lập môn phái này là Trần Đại Chí.

Võ Bình Định Gia được chắt lọc, tổng hợp từ những tinh hoa của hai nền võ thuật Việt Nam và Trung Hoa, theo nguyên tắc kết hợp giữa cương, nhu, trường, đoản, hư, thực, nêu cao tính chiến đấu, không nặng về biểu diễn khoa trương.

Tôn chỉ của môn phái là “Võ đạo vị nhân sinh - Võ công khai trí tuệ” (Rèn luyện võ công để nâng cao sức lực, khai tâm, mở trí, tự tin vào bản thân và tự tôn dân tộc).

Từ khóa » Học Võ Bình định Gia Tại Hà Nội