"Money Heist": Hiện Tượng Toàn Cầu Có Thật Sự Xuất Sắc Như Kỳ Vọng?

Khi tính logic và sự gọn gàng cần thiết của dòng phim “heist” (phim về các phi vụ trộm cướp) hoàn toàn bị gạt qua một bên để những tuyến truyện dài dòng, những mối quan hệ sến sẩm lên ngôi, “Money Heist” khiến nhiều người xem phải đặt câu hỏi liệu Netflix có đang “cố đấm ăn xôi” với một câu chuyện đáng lẽ đã nên kết thúc từ lâu.

 

Băng đảng tội phạm được dẫn dắt bởi Giáo sư đang làm mưa làm gió trên Netflix và khắp các trang mạng xã hội trong và ngoài nước.

 

Liên tục đứng đầu top thịnh hành của Netflix tại Việt Nam kể từ khi ra mắt phần mới nhất vào đầu tháng Tư vừa qua, “Money Heist” (tựa Việt: Phi Vụ Triệu Đô) đang là cái tên thu hút đông đảo sự chú ý của người xem khi tạo ra sức công phá lớn thông qua hiệu ứng truyền miệng trên mạng xã hội trong và ngoài nước. Với ý tưởng câu chuyện táo bạo, dàn nhân vật cá tính, các mối quan hệ tình cảm phức tạp cùng những màn đối đầu cân não liên tục lật mở ra các tình tiết ly kì, “Money Heist” hiện đang nắm giữ kỷ lục là phim dài tập không nói Tiếng Anh ăn khách nhất trên Netflix. Bên cạnh đó, đoàn làm phim cũng mang về cho mình giải thưởng cho Phim Truyền hình Xuất sắc Nhất tại Lễ trao giải Emmy lần thứ 46 (2018), phần nào chứng minh sự công nhận về cả mặt chuyên môn lẫn doanh thu.

Trước những thành công trên, việc Netflix tiếp tục khai thác “con gà đẻ trứng vàng” và cho băng đảng tội phạm của Giáo sư quay trở lại với phần 5 là gần như chắc chắn. Tuy vậy, là một đơn vị đang chạy đua về mặt chất lượng trên các đấu trường điện ảnh lẫn truyền hình, việc kéo dài một tác phẩm như Money Heist lại có thể lại chính là điểm trừ của Netflix khi những khuyết điểm của bộ phim đang dần khiến không ít khán giả khó tính nhìn nhận lại về chất lượng mà Netflix đang hướng tới.

1. TỪ CÂU CHUYỆN ĐẦY TIỀM NĂNG VỀ NHỮNG KẺ PHẢN ANH HÙNG CHO ĐẾN NỒI LẨU THẬP CẨM THIẾU THÔNG ĐIỆP THUYẾT PHỤC

Thực hiện các vụ cướp táo bạo được dàn dựng công phu, tỉ mỉ bởi bộ óc thiên tài của thủ lĩnh The Professor – Giáo sư do Álvator Morte thủ vai, những tên trộm của “Money Heist” có màn xuất hiện tương đối ấn tượng với chiếc mặt nạ danh họa Salvador Dalí, biểu trưng cho hình tượng phản anh hùng của những Robin Hood thời đại mới. Cất vang lời bài hát Bella Ciao – “thánh ca khởi nghĩa” của dân tộc Tây Ban Nha trong giai đoạn chống Phát Xít – các nhân vật chính của phim mang theo thông điệp phản kháng trước hệ thống xã hội tư bản suy đồi và lũng đoạn. Với lý tưởng đó, phác thảo nhân vật của “Money Heist” trên lý thuyết là khá thú vị.

Thế nhưng, bộ phim dường như chỉ “vẽ vời” ra một lý tưởng cao đẹp trên mặt giấy để làm công cụ phục vụ cho nội dung chính là hàng loạt những drama lối mòn thường thấy trong các bộ phim truyền hình dài tập sến sẩm. Yếu tố khởi nghĩa được cho là khởi nguồn của cả phi vụ và cũng là lí do tồn tại cho băng đảng gần như hoàn toàn bốc hơi, chỉ thỉnh thoảng xuất hiện ở vài phân đoạn cần đến sự “hào hùng” đậm màu kịch nghệ để nâng cao tầm vóc cho vụ phạm pháp.

Tự đặt ra cho mình một tiền đề cao cả với nhiều khía cạnh xã hội khác nhau để khai thác, “Money Heist” thực chất chỉ dừng lại ở mức sử dụng tiền đề trên làm bối cảnh cho một loạt các tình tiết giật gân kiểu mẫu, được tạo ra để thu hút sự chú ý của người xem trong một vài khoảnh khắc rồi quên.

 

2. HỆ THỐNG NHÂN VẬT ĐƯỢC XÂY DỰNG ĐỂ TRỞ THÀNH CÔNG CỤ CHO VIỆC LẠM DỤNG KỊCH TÍNH KHIÊN CƯỠNG

Tập hợp toàn những cá tính nổi trội cùng tài năng cụ thể trong từng lĩnh vực, các thành viên của băng đảng do The Professor đứng đầu đều được phác họa là những nhân tố cần thiết cho sự thành công của phi vụ. Thế nhưng với việc sa đà vào chi tiết rườm rà nhằm tăng tính giật gân theo hướng ca kịch, “Money Heist” đã tự phá hỏng hệ thống đắt giá này khi để các nhân vật liên tục đưa ra quá nhiều quyết định khó hiểu ngay giữa bối cảnh dầu sôi lửa bỏng. Có thể nói, phần lớn các tình huống trong phim đều xoay quanh việc giải quyết loạt sai lầm này đến sai lầm khác của tuyến nhân vật chính, mà trong đó, yếu tố tình cảm là quả bom nổ chậm liên tục thách thức tính logic của mạch truyện.

Bộ đôi “phá game” Tokyo và Rio dường như là tuyến nhân vật được xây dựng chỉ để tạo drama cho bộ phim.

Thay vì tập trung vào khai thác thế mạnh của từng nhân vật và tạo ra kết nối với người xem một cách tự nhiên, “Money Heist” lại lạm dụng các tuyến tình cảm không cần thiết, từ đó đưa nhân vật vào những tình thế khiên cưỡng và cường điệu. Chỉ trong hai phần đầu phim, tức vỏn vẹn… 5 ngày kể từ ngày đầu tiên của phi vụ bắt đầu, đã có đến hai tuyến tình cảm tay ba, thậm chí tay tư nảy nở. Một số nhân vật thường xuyên “vô tình” quên mất mình đang làm nhiệm vụ vì mải mê “giao lưu kết hợp”, dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng cũng như tranh cãi nội bộ. Và có lẽ ít có bộ phim nào mà dường như cứ 5 phút ta lại thấy các thành viên cùng một đội chĩa súng vào nhau như ở “Money Heist”. Không quá lời khi nói họ đối phó với nhau còn nhiều hơn với phe cảnh sát, nhất là khi cảnh sát trong phim cũng đang bận tâm tình với người ở phe tội phạm mà không hề hay biết.

Những kịch tính khiên cưỡng mà nhà sản xuất cài cắm để thu hút người xem đều nhanh chóng được giải quyết nhằm dọn đường cho mâu thuẫn mới xuất hiện. Trong số đó, một phần khá lớn các vấn đề đều được phát sinh và được giải quyết thông qua loạt sự kiện ngẫu nhiên nằm ngoài tính toán của nhân vật, tạo thành chuỗi chi tiết thuận tiện giả tạo cho sự phát triển của nội dung (plot conveniences). Và cứ thế, bộ phim liên tục tạo ra những vòng lặp mà cho đến khi chu kì lặp thứ hai diễn ra, người xem đã không còn thiết quan tâm đến kết quả.

3.

LÀ MỘT SẢN PHẨM KHÔNG QUÁ XUẤT SẮC VỀ MẶT NỘI DUNG NHƯNG GIỎI TẠO NHIỆT, CÁI TÊN “MONEY HEIST” NẰM Ở ĐÂU TRONG HỆ SINH THÁI PHIM DÀI TẬP CỦA NETFLIX?

Có thể nói, “Money Heist” như một màn hóa trang thiếu kĩ lưỡng đến từ đội ngũ sản xuất phim. Với độ dài thật của câu chuyện đáng ra có thể ngắn hơn rất nhiều so với thời lượng được trình chiếu, bộ phim tạo cảm giác lê thê và có phần giáo điều nhưng sáo rỗng. Thực chất, việc “Money Heist” vẫn đang chứng minh sức hút lớn tại nhiều quốc gia trên toàn thế giới cho thấy bộ phim đã làm tốt với vai trò mang tới giá trị giải trí cho đại bộ phận người xem. Tuy nhiên, khi yếu tố giải trí tiếp tục được xào nấu với cùng một công thức xuyên suốt 4 phần phim, câu hỏi được đặt ra đó là liệu Netflix có đang làm giảm giá trị uy tín thương hiệu của mình khi cố gắng “lấy thịt đè người”, không chỉ với tác phẩm gây bão này mà còn ở cục diện chung trong lĩnh vực phim dài tập.

Không khó để thấy Netflix hiện tại đang ngày càng trở thành một hệ sinh thái đông đúc và chật chội cho các nhà làm phim đầu tư vào những sản phẩm chất lượng nhưng kén người xem và tiêu tốn nhiều thời gian, chất xám cũng như tiền bạc. Theo The Verge, trước sự đổ bộ ồ ạt của các ông lớn như Disney hay WarnerMedia vào miếng đất màu mỡ của địa hạt phân phối phim trực tuyến, việc vắt kiệt những “con gà đẻ trứng vàng” như “Money Heist” là một hệ lụy tất yếu khi các nhà sản xuất phải cân đo đong đếm để đảm bảo doanh thu cho nhà đầu tư. Chủ trương đẩy mạnh thử nghiệm với việc cho phát hành hàng loạt các nội dung gốc mới để “thử lửa” người xem và chỉ giữ lại những sản phẩm giỏi “tạo nhiệt” nhất, rất có thể Netflix sẽ phải đối mặt với vấn đề về uy tín và chất lượng trên con đường dài hơi của mình.

Bài NHẬT ANH Thiết kế MILO LÊ

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP

Close

Từ khóa » Phi Vụ Triệu đô Phần Nào Hay Nhất