Mông Lung Dòng Sa Lung - Báo Nhân Dân
Có thể bạn quan tâm
Nơi hợp lưu của Bến Hải và Sa Lung phía trên cầu Hiền Lương chừng nửa cây số, hai dòng nước hiền hòa đan vào nhau, êm đềm chảy qua những thôn xóm yên bình, trước khi đổ ra biển ở Cửa Tùng.
Nhiều lý giải về dòng Sa Lung
Dòng chính Bến Hải được gọi là rào Thanh, còn Sa Lung được người dân Việt cổ gọi là rào Quang. Nhánh nhỏ nhất của sông Sa Lung bắt nguồn từ mạch ngầm của những đồi đất đỏ bazan giáp biển, thuộc các xã Vĩnh Hiền, Vĩnh Hòa, Vĩnh Nam… tạo thành con sông nhỏ, chảy ngược theo hướng bắc qua vùng thung lũng giữa thị trấn Hồ Xá với Vĩnh Tú, qua Vĩnh Chấp, ngược ra Sen Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) rồi vòng lên hướng tây, ngược về Vĩnh Chấp, Vĩnh Long, Vĩnh Hòa, trước khi nhập với sông Sa Lung ở ngã ba Châu Thị.
Dòng chính Sa Lung-Rào Quang, bắt nguồn từ những mạch suối nhỏ trên dãy Trường Sơn hùng vĩ. Khởi nguồn xa nhất là khe Vàng từ sườn đông bắc đỉnh Voi Mẹp thuộc huyện Hướng Hóa hơn 1.700m, cao nhất tỉnh Quảng Trị. Một nhánh nhỏ khác khởi nguồn từ sườn đông đỉnh Sar Liăng gần với đỉnh Sa Mù, nhánh thứ ba từ Động Châu giáp tỉnh Quảng Bình. Các khe suối luồn lách qua vách đá, thác ghềnh của Hướng Lập, Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa), qua Vĩnh Ô, Vĩnh Hà, Vĩnh Khê (huyện Vĩnh Linh) về Bến Quan, Vĩnh Long, Vĩnh Lâm... rồi hòa cùng dòng Bến Hải.
Chuyện xưa kể rằng, cái tên “Sa Lung” thực chất là “Sa Long”, tức “rồng sa xuống”. Đến triều Nguyễn, vì phạm húy niên hiệu “Gia Long” của Vua Nguyễn Ánh, mới đổi thành Sa Lung.
Cái tên Sa Long-Sa Lung gắn với câu chuyện huyền hoặc truyền tụng trong dân gian. Thuở hồng hoang, khi đất trời vừa mới hình thành, có Long mẫu (rồng mẹ) từ Đông Hải bay về đại ngàn tìm nơi sinh nở. Ngang qua đất này, thấy núi đồi thoai thoải, đất đai phì nhiêu, cây cối tươi tốt thì đằm mình xuống, tìm chỗ sinh con. Trong đớn đau sinh hạ, rồng mẹ kiệt sức, trút hơi thở cuối cùng, thân xác chìm vào lòng đất tạo nên dòng nước uốn lượn. Tứ chi rồng cào cấu đất đai chung quanh tạo nên vô số đầm, lạch, bàu, hói, khe suối quanh vùng…
Mang dáng hình rồng mẹ, dòng Sa Lung uốn lượn mềm mại qua vùng đồi núi trước khi xuôi về vùng đồng bằng màu mỡ Lâm-Sơn-Thủy, ba xã nổi tiếng gạo ngon, thôn nữ đẹp của xứ Minh Linh. Giữa mênh mông làng mạc, ruộng đồng, dòng Sa Lung như dải lụa xanh khổng lồ lượn quanh những cánh đồng lúa tốt tươi, những bãi sắn, vườn khoai xanh mướt. Giai thoại rồng sa còn kể rằng, thuở mới hình thành, nước sông có mầu đỏ, bởi đó là máu, xương, thịt rồng hóa thành, theo thời gian mà phai nhạt dần…
Một giai thoại huyễn hoặc khác được lưu truyền về dòng Sa Lung, cũng từ ngày xửa ngày xưa, ở đất nước xa xôi nào đó có một vị pháp sư tài ba, được vua nước ấy gọi đến giao nhiệm vụ đi dò la, tìm kiếm các mạch khí thiêng ở những nước lân bang, xem có xứ nào, đất nào dễ sản sinh người tài, nơi nào có mạch đất vượng khí, sinh vua thì bùa yểm hay phá đi. Vị pháp sư đi đến nhiều nơi, nhưng đến xứ Minh Linh thì giật mình trước thế núi hình sông tràn đầy sức sống, thiêng liêng và huyền ảo.
Lượng sức mình, pháp sư khó thắng vượng khí của đất ấy, thế núi ấy, hình sông ấy. Nhưng không dám chống lệnh vua, pháp sư mua chuộc quan lại địa phương, bỏ tiền ra thuê người làm một con đập ở phía tả ngạn con sông chừng dăm cây số nơi bụng rồng mẹ, rồi lại cho đào kênh dẫn nước từ con đập nối ra sông. Mà thực chất là đào sâu vào bụng rồng mẹ. Khi đào sâu xuống, nước từ các mạch ngầm ứa ra đỏ thắm như máu. Vì không dám chống lệnh quan, dân phu đắp đập, đào kênh ngấm ngầm chống đối bằng giả ốm, trốn về quê, ngày đào đêm lấp. Đồng thời truyền tai nhau về quê để người ở quê biết mà tìm cách tránh đi phu đào hồ, đào sông, đắp đập.
Ám hiệu để người dân khắp vùng cùng chống đối là họ đặt tên hồ “Bảo Đài”, sông “Bảo Đài”, nói lái theo kiểu người Quảng Trị là hồ “bãi đào”, sông “bãi đào”, mà “bãi” theo phương ngữ xứ Minh Linh là “không nên”, “không được phép” “bãi bỏ”. Vị pháp sư sau khi đào xong con sông, đắp xong đập Bảo Đài thì ốm một trận rồi chết, được quân lính đưa về chôn ở mũi Bút, là doi đất dài hình cây bút lông được tạo thành bởi sông Sa Lung và sông Bến Tám, một nhánh nhỏ của sông Bến Hải.
Trước khi sông Bến Tám nhập vào Bến Hải chỉ cách nơi Sa Lung hòa vào Bến Hải chừng hơn 200m. Ngôi mộ được xây bằng đá ong và mật mía, nằm chính giữa doi đất, mà nhìn từ trên cao, thì chính là vị trí giữ mực của cây bút lông viết chữ Hán ngày xưa, bốn bề là cây cối rậm rạp, tốt tươi, trải qua hàng trăm năm, hay mấy trăm năm, mấy nghìn năm… ngôi mộ ấy vẫn vẹn nguyên vì không ai dám động tới.
Mãi đến những năm đầu sau ngày thống nhất đất nước, doi đất ấy được giao cho Hợp tác xã nông nghiệp Lâm-Xá trồng mía. Trong một lần cày đất, khi chiếc máy cày vòng cua qua ngôi mộ quá hẹp, lưỡi cày vô tình vướng vào góc mộ, khiến nó sạt hẳn một góc và làm nắp quan tài bật ra. Bên trong ngôi mộ xây đá ong là quan tài bằng gỗ, được trám kín bằng chai, một loại nhựa cây thường được dùng để đóng thuyền đi biển.
Khi xã viên hợp tác xã gỡ nắp quan tài gỗ, một mùi hương ngào ngạt bốc lên từ lớp nước vàng ươm, sánh như mật ở trong quan tài, chứ không hề có mùi xú uế như thường thấy trong các ngôi mộ. Bên trong quan tài là một hình người còn khá nguyên vẹn, với lọn tóc dài tết đuôi sam. Chỉ một thoáng sau, khi gió vào, hình hài ấy tan biến vào nước, mùi hương cũng mất đi. Ngôi mộ ấy bị đập bỏ. Và chẳng còn ai biết, cuối dòng Sa Lung, từng có ngôi mộ của người tìm cách giết ổ rồng.
Tháng bảy, dòng trong xanh vời vợi
Tháng bảy, dòng Sa Lung xanh trong, trầm mặc, lặng lẽ chảy qua trùng điệp núi rừng, qua bản làng, đồng ruộng, lặng lẽ chảy qua miền cổ tích. Thi thoảng, sau mỗi mùa mưa lũ, người dân hai bên sông lại thấy phát lộ những bia đá, với những kiểu chữ cổ, mà chả ai hiểu là chữ Phạn, chữ của người Chăm hay của tộc người Việt cổ nào đó.
Mùa này, dòng nước hiền hòa chảy lững lờ giữa các làng quê bình yên, tưới tắm cho mênh mông đồng lúa mướt xanh đang chắc hạt. Sa Lung, cũng không khác những con sông của quê hương đất Việt, cũng bên lở bên bồi, cũng triều lên nước xuống, cũng khi trong khi đục… Dọc hạ nguồn, từ Bảo Đài về tận Hiền Lương, những bờ tre ken dày bờ tây, soi bóng tóc xuống dòng sông tĩnh lặng; hàng bần, đước, cừa… già cỗi, xù xì cắm rễ trong bùn đất phù sa phía bờ đông, mùa này khoe mãi những triền hoa trắng.
Từ trăm năm nay qua ngàn năm khác, dòng Sa Lung cũng bồi đắp phù sa màu mỡ, làm nên những “bờ xôi ruộng mật” ở vựa thóc Lâm-Sơn-Thủy của Vĩnh Linh. Những làng mạc yên bình, tựa vào sông mà sinh sôi, mà nảy nở. Bên này là Quảng Xá phường, Sa Bắc, Sa Nam, Gia Lâm, Phúc Lâm, Hiền Lương… bên kia là Linh Hải, Thủy Ba, Duy Viên, Lâm Cao, Đặng Xá, Quảng Xá… Con gái Vĩnh Lâm nổi tiếng đẹp người đẹp nết nhất vùng, lại biết đàn hát, thơ ca hò vè. Nhờ công sức của tiền nhân, nhờ vào sự cần cù, chịu thương chịu khó của cư dân, những làng mạc hai bờ Sa Lung luôn trù phú, ấm no, đủ đầy.
Tháng bảy, trong mùa Vu lan, khói hương bảng lảng, nếu ai về Minh Linh xứ, xin hãy một lần vục mặt vào sông, đầm mình vào nước, để Sa Lung tắm gội tâm hồn. Hãy đi dọc hai bờ Sa Lung, để cảm nhận được cái huyền ảo, mơ hồ thật khó tả của những huyền tích.
Từ khóa » Tổng Sa Lung
-
Hương ước: Làng Nhân Lung, Tổng Sa Lung, Huyện Nam Trực, Tỉnh ...
-
Làng Thượng Đồng, Tổng Sa Lung, Phủ Nam Trực, Tỉnh Nam Định
-
Sông Sa Lung (Quảng Trị) – Wikipedia Tiếng Việt
-
Đồng Sơn, Nam Trực – Wikipedia Tiếng Việt
-
Sa Lung Một Rẻo - Báo Thái Nguyên
-
Tổng Hợp Một Số Bài Tập Chữa đau Lưng đơn Giản Tại Nhà
-
Tổng Quan đặc điểm điều Kiện Tự Nhiên - UBND Tỉnh Quảng Trị
-
Giới Thiệu Chung | Drupal - Huyện Hữu Lũng
-
Điện Máy Xanh Xã Lũng Hòa, Huyện Vĩnh Tường, Tỉnh Vĩnh Phúc ...
-
Nghệ An: Tổng Công Ty Xây Dựng Lũng Lô Bán Toàn Bộ Dự án Gần ...
-
CÁC TRƯỜNG CỤM SỐ 2 XÃ LÙNG THẨN TỔ CHỨC TỔNG KẾT ...
-
Haiti Truy Lùng Cựu Quan Chức Liên Quan Vụ ám Sát Tổng Thống
-
5. XÃ LŨNG VÂN: - Trang 6 - UBND Huyện Tân Lạc
-
Tổng Quan Về Điện Biên