Một Ca Bệnh Parvovirus Trong Thực Tế. - VietDVM

Parvo là virus gây bệnh khô thai, sẩy thai truyền nhiễm với đặc trưng là hiện tượng thai gỗ có nhiều kích thước khác nhau. Trong những kỳ trước, VietDVM đã cung cấp cho các bạn các thông tin liên quan đến bệnh từ sự nguy hiểm của bệnh, cách virus gây bệnh cho đến cách chẩn đoán nhận biết, điều trị bệnh.

Tuy nhiên trong thực tế không phải lúc nào bệnh cũng rõ ràng, đơn giản như chúng ta nghĩ. Dưới đây là một ví dụ điển hình cho sự phức tạp của bệnh tại một trang trại ở Tây Ban Nha: trại nhiễm cùng lúc parvovirus và PRRS (bệnh tai xanh). Hy vọng sẽ giúp quý độc giả có thêm những kinh nghiệm hữu ích có thể ứng dụng vào thực tế.

Mô tả trang trại

Trang trại nằm ở phía tây bắc của Tây Ban Nha, tương đối tách biệt với các trang trại khác.

Quy mô 1000 heo nái. Giai đoạn 1 và giai đoạn 2 được nuôi tại cùng một vị trí, giai đoạn 3 (5000 heo vỗ béo) được bố trí cách đó 1km. Những heo còn lại được bố trí ở một khu vực yên tĩnh khác cách biệt với heo ở giai đoạn 1 và 2.

* Trạng thái bệnh:

- Trại dương tính với PRRS (bệnh tai xanh), suyễn (mycoplasma), APP, cảm cúm, ghẻ và viêm ruột.

- Âm tính với viêm mũi và giả dại.

*Heo đã được làm vaccine phòng một số bệnh như:

- Circo (PCV2).

- Suyễn (mycoplasma).

- PRRS (bệnh tai xanh): Mỗi heo hậu bị thay thế đàn được tiêm 1 mũi vaccine sống và sau đó nhắc lại thêm 1 lần nữa.

- Cúm.

- Coli-Clostridium.

- Parvovirus - đóng dấu heo:

+ Heo hậu bị thay thế đàn: Tiêm 1 mũi vào lúc 6 tháng tuổi, sau đó nhắc lại thêm 1 lần nữa.

+ Heo nái dạ (heo đẻ từ lứa thứ 2 trở đi): Tiêm nhắc lại định kỳ vào ngày thứ 7 sau khi sinh.

Bạn có muốn xem thêm!!!
  • Lịch vaccine cho heo thịt
  • Lịch vaccine cho heo nái dạ
  • Lịch vaccine cho heo nái hậu bị

*Tỷ lệ thay thế đàn:

Thông thường là 45%/năm, heo hậu bị thay thế trung bình 100kg/con cứ như vậy cho đến cuối năm 2013. Sang đầu năm 2014, trại quyết định đầu tư mua heo nái bà (grandmothers sow). Heo hậu bị thay thế đàn vẫn được nhập vào trại cho đến cuối năm 2014. Đầu năm 2015, trại đã bắt đầu có thể tự cung cấp heo hậu bị thay thế cho riêng mình.

Các triệu chứng ban đầu:

Vào tháng 3 năm 2014, công nhân trong trại báo cáo và gửi những bức ảnh triệu chứng lâm sàng đầu tiên:

- Sẩy thai vào giai đoạn cuối của thời kỳ mang thai.

- Heo con sơ sinh yếu.

- Thai chết lưu.

- Thai gỗ.

- Heo nái sốt, cạn sữa, số con/lứa ít.

Heo nái sẩy thai
Heo nái sẩy thai
Tình trạng của heo con khi heo mẹ mất sữa và sốt
Tình trạng của heo con khi heo mẹ mất sữa và sốt
Heo nái sẩy thai ở ngày thứ 30 do sốt
Heo nái sẩy thai ở ngày thứ 30 do sốt

Tình trạng khi thăm trang trại.

Chúng tôi lập tức đến thăm trang trại khi nhận được những hình ảnh triệu chứng lâm sàng khá nghiêm trọng.

Khi thăm trại, chúng tôi nhận thấy một lượng lớn heo nái bị sẩy thai, khoảng 30% trong 4 dãy chuồng liên tục trong nhiều tuần liền. Heo nái dạ bị mất sữa nghiêm trọng; đồng thời tỷ lệ heo con yếu, chết lưu, thai gỗ, heo con có khả năng sống sót kém tăng cao.

Kết quả làm số heo con cai sữa/nái giảm từ trung bình 11,5 con/nái xuống còn 3,2 con/nái. Trong vòng một tháng tiếp theo sau đó tình trạng này vẫn tiếp diễn nhưng mức độ nghiêm trọng giảm xuống. Bệnh xuất hiện trên heo nái hậu bị và heo nái nhiều lứa với cùng mức độ nghiêm trọng như nhau.

Khi phân tích các biểu hiện lâm sàng trên mỗi chu kỳ mang thai, chúng tôi nhận thấy những điểm khác biệt khá rõ ràng:

- Heo nái tơ (đẻ lứa đầu): một vài heo con sơ sinh vẫn còn sống sót, heo con sinh ra yếu, thai gỗ với nhiều kích thước khác nhau, không có trường hợp heo nái mất sữa.

- Heo nái dạ đẻ nhiều lứa - hoàn toàn giống các triệu chứng trong bệnh PRRS (bệnh tai xanh): thai chết lưu, heo con yếu, kích thước thai gỗ to đều nhau, heo nái mất sữa, sốt, heo con có tỷ lệ tử vong cao.

Heo con sơ sinh chết do nhiễm virus tai xanh – PRRS
Heo con sơ sinh chết do nhiễm virus PRRS (bệnh tai xanh)
Biểu hiện của heo con khi heo mẹ mất sữa
Biểu hiện của heo con khi heo mẹ mất sữa

Chẩn đoán.

Xem xét các biểu hiện lâm sàng, chúng tôi nghi ngờ sự có mặt của Parvovirus và PRRS (bệnh tai xanh) nên các xét nghiệm được tiến hành trên heo nái hậu bị và heo nái dạ có triệu chứng bệnh.Kết quả xét nghiệm cho thấy:

- Đối với heo nái tơ:

Parvovirus: + tính.

PRRS virus: - tính.

- Heo nái dạ đẻ nhiều lứa:

Parvovirus: - tính.

PRRS virus: + tính.

Như vậy, sự nghi ngờ của các bác sỹ điều trị là hoàn toàn đúng. Trong khi heo nái hậu bị được bảo vệ khỏi virus PRRS (bệnh tai xanh) nhưng lại nhiễm Parvovirus gây hiện tượng thai gỗ ở nhiều lứa tuổi khác nhau thì heo nái dạ lại hoàn toàn ngược lại.

Tại sao lại để xảy ra điều này?

Do heo nái dạ chưa kịp chủng ngừa nhắc lại vaccine PRRS (bệnh tai xanh) nhưng lại được bảo vệ bởi vaccine Parvovirus. Các triệu chứng lâm sàng của chúng được lý giải một cách logic với sự tuần hoàn của virus PRRS (bệnh tai xanh).

»› Tổng hợp kiến thức về bệnh tai xanh (PRRS) bạn cần nắm rõ

Với heo nái tơ, chúng được bảo vệ chống lại virus PRRS (bệnh tai xanh) như một hệ quả của việc tiêm phòng trước khi bước vào khai thác. Nhưng tại sao chúng không được bảo vệ chống lại Parvovirus dù đã được chủng ngừa trước đó?

Chỉ có một câu trả lời duy nhất cho trường hợp này: đó là có sự can thiệp của kháng thể mẹ truyền làm mất tác dụng của vaccine Parvovirus.

Để khẳng định chắc chắn những nghi ngờ trên, chúng tôi tiến hành lấy mẫu máu của những heo con F1 đi xét nghiệm. Kết quả cho thấy nồng độ kháng thể mẹ truyền trên heo con cao cho đến tận lúc heo 7 tháng tuổi → dẫn đến giảm hiệu quả vaccine → heo con không được bảo vệ.

Các biện pháp xử lý:

01 Virus PRRS (bệnh tai xanh): Tiêm vaccine sống với heo nái cũng như heo con 21 ngày tuổi, sau đó tiêm nhắc lại bằng vaccine bất hoạt vào ngày thứ 90 của chu kỳ mang thai.

Lịch trình tiêm chủng đang được áp dụng là:

- Tiêm phủ bằng vaccine sống 2 lần/năm (6 tháng 1 lần).

- Sau đó tiêm vaccine bất hoạt vào ngày thứ 90 của thai kỳ.

- Heo nái hậu bị: tiêm vaccine sống 2 lần/năm, 50 ngày sau mũi tiêm cuối cùng được chăm sóc chu đáo và theo dõi hàm lượng kháng thể thường xuyên.

02 Parvovirus: parvo được tiêm 3 lần trong giai đoạn hậu bị (22 tuần tuổi, 27 tuần tuổi và 2-3 tuần trước khi phối), cần chuẩn bị để mũi 3 được tiêm vào trước khi phối lần 1 trong khoảng 21 -14 ngày. Những heo nái dạ được nhắc lại vaccine parvo trong quá trình nuôi.

03 Các biện pháp an toàn sinh học trong trại đã được cải thiện.

04 Giảm vận chuyển heo nái đang trong chu kỳ.

05 Giảm vận chuyển cả heo con cho đến khi chúng đạt trọng lượng mong muốn mới di chuyển ra khu vực khác.

Trường hợp ngoài dự tính:

Sau khi áp dụng các biện pháp phòng và khắc phục như trên, trại dần trở về trạng thái bình thường, nhưng một tình huống không lường trước đã xẩy ra: 20% heo nái dạ bắt đầu có hiện tượng thai gỗ với nhiều kích thước khác nhau trong suốt mùa hè năm 2014. Số thai gỗ tăng từ 1% cho đến 5%.

Thai gỗ với nhiều kích thước khác nhau gây ra bởi Parvovirus và heo đẻ non do PRRS
Thai gỗ với nhiều kích thước khác nhau gây ra bởi Parvovirus và heo đẻ non do PRRS (bệnh tai xanh)

Sau khi lần theo các heo nái bị ảnh hưởng, quan sát triệu chứng thì thấy đa phần những heo này bị sẩy thai ở giai đoạn cuối thai kỳ hoặc những heo nái này trước đó đã được cai sữa sớm vì heo con chết hết do virus PRRS (bệnh tai xanh) tuần hoàn gây bệnh hay chỉ còn lại 1 số ít heo con sống sót do bị nhiễm parvovirus.

Chuyện gì đã xảy ra?

Câu trả lời là các heo nái dạ trên đã không được chủng ngừa chống lại Parvovirus vào ngày thứ 7 của chu kỳ tiết sữa (sau sinh 7 ngày) nên heo mẹ không có được miễn dịch trong lần mang thai tiếp theo (vì vaccine parvo không tiêm lúc heo mang thai).

Như vậy heo nái dạ đã không được chủng ngừa vaccine parvo gần 2 chu kỳ liền, trong khi hiệu quả miễn dịch của vaccine chỉ có tác dụng trong khoảng 4-5 tháng, nếu tính cả kháng thể mẹ truyền nữa là 6 tháng. Còn mần bệnh thì có thể tồn tại trong chuồng đến 2 năm và tồn tại trên cơ thể heo nái đến 9 tháng.

Chúng ta đã học được những gì từ trường hợp này?

01 Tuyệt đối không được nới lỏng các biện pháp an toàn sinh học dù cho chỉ 1-2 ngày vì mầm bệnh có thể xâm nhập nhanh chóng và gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

02 Ngay cả khi trại nhiễm virus PRRS (bệnh tai xanh) thì không phải mọi vấn đề đều do PRRS (bệnh tai xanh) mà ra. Cần bình tĩnh chẩn đoán chính xác, đầy đủ các nguyên nhân gây bệnh một cách rõ ràng, kịp thời.

03 Điều quan trọng nữa là thường xuyên kiểm tra nồng độ kháng thể của parvovirus trên heo nái hậu bị vì chúng có thể ảnh hưởng đến tác dụng của vaccine parvo và gây những thiệt hại đáng tiếc.

04 Chúng ta cần nhớ tiêm chủng vaccine parvovirus cho toàn bộ heo nái trước ngày cai sữa để đảm bảo sự bảo hộ cho lứa đẻ tiếp theo. Hậu quả sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu số lượng heo nái chưa được tiêm chủng quá lớn (>20%) và thậm chí còn nghiêm trọng hơn nữa khi có sự xuất hiện của PRRS (bệnh tai xanh) cùng lúc giống như trường hợp của trang trại này.

Bạn có muốn xem thêm!!!
  • Các bệnh thường gặp trên heo
  • Bệnh Parvovirus trên heo
  • Bệnh PRRS (bệnh tai xanh) trên heo

VietDVM team dịch.(theo pig333).

Từ khóa » Khô Thai Thú Y Xanh