Một Dòng Bình Luận Trên Mạng Xã Hội Có Thể Hủy Hoại Cuộc Sống Của ...
Có thể bạn quan tâm
How one tweet can ruin your life | Jon Ronsonnhac
Trong những ngày đầu mạng xã hội xuất hiện, mọi người đều nhận ra đây chính là nơi để mình có thể giãi bày tâm sự. Họ có dũng cảm để thổ lộ - ngay cả những bí mật xấu hổ nhất của mình - và những người khác khi đọc được cũng có thể thốt lên: "Ôi trời ơi, tôi cũng y hệt như thế!".
Ngay cả với những người trước giờ rất ít khi thể hiện bản thân với thế giới bên ngoài - cũng nhận ra giờ họ cũng có một tiếng nói mạnh mẽ và hùng hồn. Nếu một tờ báo đăng bài có nội dung phân biệt chủng tộc hay kì thị người đồng tính, chúng ta đều có thể làm được gì đó để phản đối với tiếng nói của chính mình. Chúng ta có thể khiến những người đó phải chịu trách nhiệm với điều họ viết ra, bằng cách sử dụng thứ vũ khí: Bôi nhọ họ qua mạng xã hội.
Có một câu chuyện về một nhà báo khoa học tên là Jonah Lehrer - anh ta bị nhận nhiều chỉ trích và sự tẩy chay của cư dân mạng vì bị bắt quả tang đạo văn và làm giả trích dẫn. Anh ta nói với tôi: Anh vô cùng xấu hổ và hối hận. Một lần nọ, anh được trao một cơ hội để xin lỗi công khai trong tiệc trưa của một sự kiện. Anh nhận lời tham gia, và thấy đây có lẽ là bài phát biểu quan trọng nhất trong cuộc đời, nó có thể giúp anh lấy lại một chút cảm thông. Anh biết bài phát biểu sẽ được phát trực tiếp trên mạng, nhưng lại không hề biết nhà tổ chức đã đặt một màn hình khổng lồ để cập nhật trực tiếp từ mạng xã hội ngay cạnh đó. Họ thậm chí còn đặt một màn hình nhỏ ngay trong tầm mắt của anh. Và Jonan phải chịu đựng sự sỉ vả thậm tệ của cư dân mạng - tại nơi công cộng - với hàng ngàn người theo dõi.
Tôi không nghĩ những người tổ chức cố tình và ác ý làm điều đó, có lẽ đơn thuần họ chỉ không biết được điều gì sẽ xảy ra. Tôi tin rằng đây là một khoảnh khắc độc đáo, khi mà sự ngây thơ đẹp đẽ về mạng xã hội, về cư dân mạng trở thành một thực tại kinh hoàng.
Dưới đây là những dòng bình luận đã hiện lên trước mắt Jonah Lehrer trong lúc anh đang cố để xin lỗi cộng đồng:
"Jonan Lehrer, anh ta đang cố để xin tha thứ bằng cách khiến mọi người chán ngán hả?"
"Jonah Lehrer, anh ta còn chưa chứng minh được là mình biết xấu hổ cơ mà." (Câu này hẳn được viết bởi bác sỹ tâm thần hạng nhất, chỉ cần nhìn qua màn hình nhỏ xíu là chẩn đoán được bệnh.)
"Johnal Lehrer chỉ là thằng quái gở thần kinh."
Câu cuối cùng bộc lộ rõ bản chất con người khi hạ nhục người khác. Chúng ta muốn hủy hoại cuộc đời ai đó nhưng lại không muốn cảm thấy tội lỗi. Thử tưởng tượng đây là một phiên tòa thực sự, nơi mà bị cáo thì ở trong bóng tối, cầu xin thêm một cơ hội khoan hồng còn bồi thẩm đoàn thì cứ thế hét lên: "Chán thế", "Đồ thần kinh".
Khi xem những bộ phim xử án, chúng ta thường đồng cảm với những luật sư tâm huyết. Nhưng khi có quyền lực trong tay, ta lại trở thành quan tòa độc địa. Vị thế quyền lực thay đổi rất nhanh. Chúng ta ban đầu lên án Jonah vì anh ta đã lạm dụng quyền lực bản thân nhưng khi Jonah đã quỳ sụp nhận lỗi, chúng ta vẫn không ngừng công kích để rồi hả hê vì đã ra tay đánh gục anh ta.
Chúng ta còn bắt đầu trở nên kì quặc và cảm thấy vô nghĩa trong cuộc sống nếu không có một ai đó nổi tiếng hoặc có quyền lực làm điều sai trái để chúng ta "bắt được" họ. Một ngày không được "nướng" ai đó trên mạng xã hội cũng sẽ nhàm chán như một ngày chỉ ngồi không và cắn móng tay vậy.
Để tôi kể các bạn nghe một câu chuyện khác. Đây là câu chuyện về người phụ nữ tên là Justine Sacco. Cô ấy làm về Quan hệ công chúng ở New York với 170 người theo dõi trên mạng xã hội Twitter. Cô vẫn hay đăng mấy bài bông đùa mỉa mai, kiểu như dòng tweet cô đăng trước khi bay từ New York tới London:
"Cái gã người Đức kì cục. Ngồi khoang hạng Nhất mà lại không dùng khử mùi hả?
Tôi vừa phải ngửi một ít nước hoa - Cảm ơn Chúa vì đã sinh ra nước hoa."
Justine tự cười khoái chí và nhấn nút đăng. Khi không nhận lại bất kỳ sự cảm thông, phản hồi nào từ những người theo dõi mình, cô cũng cảm thấy buồn như mỗi người chúng ta khi Internet không "trao thưởng" cho sự "mỉa mai hài hước" như mọi khi. Sự im lặng đến đáng sợ khi Internet không hồi đáp.
Khi đến trạm dừng chân, cô lại có một ít thời gian rảnh trước chặng bay cuối và nhanh chóng nghĩ ra một câu chuyện châm biếm khác: "Đang trên đường tới Châu Phi. Hi vọng là tôi sẽ không mắc AIDS. Đùa thôi. Tôi là người da trắng mà!"
Lại tự cười vui một lần nữa, cô nhấn đăng và lên máy bay. Vẫn không có phản hồi nào, cô tắt máy rồi chìm vào giấc ngủ trong suốt 11 tiếng sau và mở điện thoại trong khi máy bay vẫn đang hạ cánh trên đường băng. Ngay lúc ấy, cô thấy tin nhắn từ người bạn cũ cô đã không nói chuyện suốt từ phổ thông, tin nhắn nói rằng, "Tôi rất tiếc vì những gì đã xảy ra với bạn." Ngay sau đó là một tin nhắn từ người bạn thân:"Cậu phải gọi tớ ngay. Cậu đang là chủ đề bàn tán số một thế giới trên Twitter đấy!"
Hóa ra, một trong số 170 người theo dõi của cô đã gửi Tweet này tới một nhà báo của Tạp chí Gawker, nhà báo đó đã đăng lại nó với 15,000 người theo dõi của mình:"Xin giới thiệu một câu đùa châm biếm từ giám đốc quan hệ công chúng của IAC." Từ đó, mọi chuyện xảy ra theo hướng không thể kiểm soát được.
Vài tuần sau, tôi có dịp nói chuyện với nhà báo Gawker ấy. Tôi email hỏi anh ta cảm thấy thế nào, anh ta trả lời: "Tuyệt cú mèo." Rồi anh ấy nói: "Nhưng tôi chắc là cô ấy sẽ ổn thôi."
Nhưng trên thực tế, Justine Sacco đã không ổn chút nào. Vì khi cô ngủ, cộng đồng Twitter đã nắm quyền kiểm soát cuộc đời của cô rồi xé tan nó thành từng mảnh.
Đầu tiên là những nhà nhân đạo: "Nếu những lời không hay của Justine Sacco làm bạn phiền lòng. Hãy cùng tham gia với tôi trong việc ủng hộ tổ chức CARE tại Châu Phi", "Vì bài đăng phân biệt chủng tộc này, hôm nay tôi sẽ quyên tiền cho Care."
Rồi mọi thứ dần tồi tệ hơn: "…không còn lời nào để diễn tả sự phân biệt chủng tộc kinh tởm đó trong bài đăng của Justine Sacco. Tôi thấy ghê cả người."
Câu đùa của Justine đã phủ khắp mạng xã hội tối hôm đó. Và tôi cũng nghĩ tới điều mà mọi người cũng nghĩ tối hôm đó: "Chà, sắp có người tiêu đời rồi. Cuộc đời ai đó sắp trở nên tồi tệ đây." Và tôi ngồi dậy rồi kê gối sau đầu, thầm nghĩ có lẽ tôi không thực sự chắc chắn câu đùa đấy có ý phân biệt chủng tộc. Có thể thay vì vui sướng nhờ đặc quyền da trắng của mình, cô ấy chỉ đang mỉa mai chính đặc quyền ấy. Đây là một kiểu hài hước truyền thống. Thực tế, khi tôi gặp Justine Sacco vài tuần sau ở một quán bar, cô đã thực sự suy sụp. Tôi hỏi cô ấy về câu đùa, cô lý giải, "Sống ở Mỹ dường như làm chúng ta ở trong bong bóng mơ hồ mà khi nhắc đến những gì xảy ra ở thế giới thứ ba. Tôi chỉ định đùa vui về cái đó."
Bạn biết đấy, một người phụ nữ khác trên mạng xã hội tối hôm đó, cây bút Helen Lewis từ New Statesman, là người đã từng nhận định về quyển sách của tôi về việc nhục mạ công khai đã đăng lại ý kiến cá nhân của cô tối hôm đó rằng: "Tôi không chắc câu đùa của cô ấy có chủ ý là phân biệt chủng tộc". Ngay lập tức, cô phải chịu sự phẫn nộ từ một nhóm người khác rằng: "Ờ, thế thì cô cũng chỉ là con khốn tự cao như mụ ta thôi." Cảm thấy xấu hổ, cô cũng không dám nói gì thêm và quan sát cuộc đời của Justine tan nát từ đây.
Mọi thứ dần trở nên đen tối hơn: "Mọi người hãy đi kiện ả này đi". Rồi kế tiếp là làn sóng kêu gọi sa thải cô ấy: "Chúc may mắn với chuyện tìm việc ở năm mới nhé. #SaThải". Hàng nghìn người trên thế giới đã quyết định rằng đó là trách nhiệm của họ để khiến cô ấy bị sa thải. "Justine Sacoo - dòng đăng cuối trong sự nghiệp nhé #XinlỗiKhôngQuan tâm". Thậm chí các công ty còn nhảy vào, hi vọng kiếm chác được thêm từ cuộc thanh toán đẫm máu này: "Lần tới nếu dự định đăng cái gì đó ngu ngốc trước khi cất cánh, hãy chắc chắn là bạn đang bay cùng @Gogo flight!"
Nhiều công ty còn kiếm được bộn tiền tối hôm đó. Bạn biết đấy, thông thường tên Justine được tìm kiếm trên Google khoảng 40 lần 1 tháng. Riêng tháng đó, chỉ từ ngày 20/12 tới hết tháng, tên của cô đã được tìm kiếm một triệu hai lần. Một nhà kinh tế học đã nói với tôi rằng điều này đồng nghĩa Google đã kiếm được khoảng 120.000 cho tới 468.000 đô la từ cuộc thanh toán của cộng đồng mạng trong khi những người trong chúng ta đã tích cực nhục mạ cô ấy - chúng ta không nhận được gì cả. Chúng ta giống như những thực tập sinh nhục mạ không được trả lương cho Google.
Tiếp sau là những câu bông đùa ăn theo: "Tôi thực sự hi vọng cô ta mắc AIDS đấy? Ha ha".
Một người khác thì viết, "Ai đó dương tính với HIV nên "xử lý" ả này luôn và chúng ta sẽ chờ xem liệu màu da của ả có bảo vệ ả khỏi AIDS không."
Chẳng ai lên án người này cả.
Chúng ta đều đã quá phấn khích với việc tiêu diệt Justine, và bộ não đả kích của chúng ta thì lại quá đơn giản, đơn giản đến nỗi chúng ta không thể tiếp nhận thêm việc cần tiêu diệt ai đó đang cố gắng tiêu diệt Justine một cách bất nhân như thế.
Vụ việc của Justine tối hôm đó thực sự đã tập hợp hàng loạt những nhóm hỗn tạp, từ những nhà nhân đạo cho tới "Xử lý ả đó" hay "Justine Sacco, tao hi vọng mày bị sa thải. Mày là con mụ xấu xa…Hãy để cả thế giới biết khi nào mày định quay lại Châu Phi nhé."
Phụ nữ luôn bị đối xử tệ hơn đàn ông. Khi một người đàn ông bị sỉ vả, nó sẽ là: "Tôi sẽ khiến anh bị đuổi việc." Khi một người phụ nữ bị sỉ vả, nó sẽ là, "Tao sẽ làm mày bị đuổi việc, đánh đập, mày xứng đáng với những gì tồi tệ nhất."
Và rồi cấp trên của Justine vào cuộc: IAC đăng tải về sự việc của Justine Sacco: "Đây là một nội dung có tính xúc phạm và vô nhân đạo. Nhân viên này hiện đang không thể liên lạc do đang trên một chuyến bay quốc tế."
Đây là lúc mà sự giận dữ chuyển thành phấn khích. "Tất cả những gì tôi mong mỏi cho Giáng sinh này là được thấy mặt Justine Sacco khi cô ta hạ cánh và kiểm tra hộp email/thư thoại. #SaThải"
"Chà chà, Justine Sacco sắp có giây phút bật-điện-thoại đau đớn nhất trong đời khi máy bay cô ta hạ cánh đây."
"Chúng ta sắp được nhìn thấy con ả @Justine Sacco này bị sa thải đây. TRỰC TIẾP. Haha chúng ta thậm chí còn BIẾT trước khi mụ ta biết mình bị sa thải."
Và từ đây lại là vụ tường thuật trực tiếp làm cả Internet say mê. Chúng ta biết điều mà Justine không biết. Còn điều gì thiếu công bằng hơn thế? Justine vẫn ngủ say trên máy bay và không có cơ hội bào chữa, sự bất lực của cô ấy chính là phần quan trọng của trò cười này. Tối hôm đó trên Twitter, ai đó đã tìm ra được chính xác chuyến bay của cô và kết nối nó đến trang web theo dõi chuyến bay.
"Hãng hàng không British Airway 43 - Đúng giờ - Hạ cánh trong 1 giờ 34 phút nữa".
Một hashtag mới bắt đầu trở nên phổ biến trên toàn cầu: #JustineĐãHạCánhChưa?
"Khá là thú vị khi thấy ai đó tự huỷ hoại mình mà còn không hề nhận thức được điều đó #JustineĐãHạCánhChưa?"
"Thực sự! Tôi chỉ muốn về nhà đi ngủ nhưng tất cả mọi người ở quán bar đang rất say mê với #JustineĐãHạCánhChưa? Không thể bỏ lỡ được!"
"#JustineĐãHạCánhChưa? có lẽ là điều tuyệt vời nhất của tối thứ 6"
"Có ai ở Cape Town có thể tới sân bay để tweet khi cô ta tới không? Tiến lên, các twitter! Tôi chờ đón những bức hình."
Và đoán xem, đã có người thực sự tới đó.
"@Justine Sacco đã hạ cánh ở Sân bay Quốc tế Cape Town."
Và nếu bạn muốn biết nó sẽ như thế nào khi khám phá ra cuộc sống đã vừa bị hủy hoại bởi một câu đùa không đúng lúc, không phải bởi những người xấu mà bởi chính những người tốt như chúng ta, nó như thế này đây: …Cô ta quyết định đeo kính râm để ngụy trang."
Vậy tại sao chúng ta lại làm như thế? Tôi nghĩ nguyên nhân đến từ việc mạng xã hội về cơ bản là cỗ máy tán thành lẫn nhau. Chúng ta được bao quanh bởi những người có cùng cảm nhận và cứ thế đồng ý với nhau, cảm giác đó thật tuyệt khi cùng cất tiếng nói vui vẻ với một đám đông. Nếu ai đó không đồng quan điểm, đơn giản là ta gạt bỏ họ.
Bạn biết điều đó đi ngược với điều gì không? Đó chính là sự dân chủ. Chúng ta muốn tỏ ra là mình quan tâm tới những người đang chết đi từng ngày do AIDS ở Châu Phi. Lòng trắc ẩn chính là điều thôi thúc chúng ta tham gia vào cuộc hành hạ tàn nhẫn này. Như Meghan O’Gieblyn đã viết trên tờ Boston Review: "Đây không phải là công lý xã hội. Đây chỉ là giận cá chém thớt mà thôi."
Trong suốt 3 năm qua, tôi đã đi vòng quanh thế giới, gặp những người như Justine Sacco - tin tôi đi, có rất nhiều người như Justine Sacco ở ngoài kia. Và vẫn đang có thêm nhiều người rơi vào hoàn cảnh ấy mỗi ngày. Chúng ta muốn nghĩ là họ sẽ ổn thôi, nhưng không, họ không ổn chút nào. Họ chia sẻ với tôi về căn bệnh trầm cảm, sự lo lắng đến mất ngủ và những suy nghĩ dại dột của việc tự sát. Một người phụ nữ tôi từng nói chuyện cùng, người cũng từng có một câu đùa vui nhưng lại có cái kết tồi tệ, cô đã nhốt mình trong nhà suốt một năm rưỡi. Trước đó, cô ấy hỗ trợ những người trưởng thành gặp khó khăn trong việc học và vẫn đang làm rất tốt với công việc đó.
Justine sau đó đã bị sa thải, đương nhiên là như thế, vì mạng xã hội yêu cầu điều đó. Nhưng mọi thứ thậm chí còn tồi tệ hơn. Cô ấy đã đánh mất mình. Cô thường bật dậy nửa đêm, quên mất bản thân mình là ai. Cô đã bị "tóm" vì người ta nghĩ là cô đã lạm dụng đặc quyền của mình. Và đương nhiên, đấy cũng là cái lí do phù hợp hơn để chỉ trích ai đó, so với những lý do trong quá khứ như kiểu có con ngoài giá thú vậy. Nhưng cụm từ "lạm dụng đặc quyền" ấy đang dần trở thành tấm vé chung để bước vào và xé nát cuộc đời bất kỳ đối tượng nào trong tầm ngắm. Nó đang dần trở nên mất giá trị, làm chúng ta mất đi sự đồng cảm cùng khả năng phân biệt đâu là điều nghiêm trọng và điều không nghiêm trọng.
Justine chỉ có 170 người theo dõi trên Twitter, để cho nó thêm "vui", hình ảnh của cô cần phải trở nên hư cấu hơn. Đã có những lời đồn rằng cô ấy là con gái của nhà tỷ phú mỏ Desmond Sacco.
"Đừng quên rằng #Justine Sacco là con gái của tỉ phú mỏ ở Nam Phi. Cô ta không xin lỗi và cha cô ta cũng vậy."
Tôi đã tưởng đó là thật cho tới khi tôi hỏi gặp và hỏi cô về người cha tỉ phú, cô trả lời, "Cha tôi bán thảm mà."
Và tôi nhớ về những ngày đầu của mạng xã hội, khi mà mọi người thừa nhận những bí mật xấu hổ của bản thân rồi mọi người sẽ lại vào và bảo, "Trời, tôi cũng thế."
Giờ đây, những bí mật xấu hổ ấy lại là mục tiêu bị săn đuổi. Bạn có thể sống tốt và đạo đức bấy lâu nay, nhưng chỉ cần một lần đăng với diễn đạt không đủ tốt - mọi nỗ lực ấy đều bị chôn vùi và trở thành căn cứ cho tội lỗi xấu xa bên trong bạn.
Có lẽ có hai loại người trong đời: những người theo chủ nghĩa duy vật và duy tâm. Tôi là người theo chủ nghĩa duy vật. Nhưng lúc này, có lẽ chủ nghĩa duy tâm đang thắng thế và các nhà lý tưởng ấy đang liên tục tạo ra một sân khấu cho những màn kịch giả tạo, nơi mà tất cả mọi người hoặc là anh hùng vĩ đại hoặc là kẻ hung ác xấu xa, mặc cho ta biết những điều đó không hề đúng về con người.
Điều thực sự ở đây là chúng ta vừa thông minh mà cũng vừa ngu dốt; rằng chúng ta luôn ở trong vùng xám. Điều tuyệt vời của truyền thông là việc nó mang tiếng nói đến cho những người thấp cổ bé họng, nhưng giờ đây chúng ta đang tạo ra một xã hội bị kiểm soát, nơi mà cách sống sót khôn ngoan nhất đó là im lặng.
Trước khi đăng bất kì một cái gì đó để công kích bất kì ai, xin bạn hãy cân nhắc và suy nghĩ về điều đúng đắn nên làm ở đây là gì. Xin cảm ơn.
---
Bài viết dựa trên bài phát biểu "Khi một bài đăng trên mạng xã hội có thể hủy hoại cuộc sống của bạn" của tác giả Jon Ronson.
Từ khóa » Các Bình Luận ác ý Trên Mạng Xã Hội
-
Bình Luận đen - Những Cái Thòng Lọng Trên Mạng Xã Hội - PLO
-
Đúng Hay Sai Khi Bình Luận ác ý Về Người Có Lỗi Trên "tòa án Online"?
-
Những Kiểu Người Bình Luận Trên Mạng Xã Hội | Vietcetera
-
Bình Luận ác ý - Tuổi Trẻ
-
Giới Trẻ Hàn Quốc Bày Tỏ Suy Nghĩ Về Những Bình Luận ác ý Trên ...
-
Đối Phó Với Bình Luận Tiêu Cực Trên Mạng Xã Hội, Doanh Nghiệp Có ...
-
Mạng Xã Hội Và Vấn đề ứng Xử Văn Hóa: Thực Trạng Và Giải Pháp
-
Mạng Xã Hội Có ảnh Hưởng Xấu đến Sức Khỏe Tâm Thần Của Thanh ...
-
CÁCH XỬ LÝ BÌNH LUẬN TIÊU CỰC TRÊN CÁC KÊNH SOCIAL ...
-
4 Cách để Xử Lý Những Bình Luận Tiêu Cực Trên Mạng Xã Hội Doanh ...
-
Cái ác Từ Bàn Phím - Báo Công An Nhân Dân điện Tử - CAND
-
Văn Hóa ứng Xử Trên Mạng Xã Hội - Sotttt@.vn
-
Khi đối Mặt Với Những Bình Luận Tiêu Cực Trên Mạng Xã Hội, Chúng Ta ...
-
Vai Trò Của Đoàn Thanh Niên Trong Giáo Dục Bản Lĩnh Chính Trị Cho ...