Văn Hóa ứng Xử Trên Mạng Xã Hội - Sotttt@.vn

Hiện nay, mạng xã hội đang là phương tiện truyền thông, giải trí phổ biến được nhiều người sử dụng và ưa thích. Bên cạnh những lợi ích của mạng xã hội mang lại, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; nhưng mạng xã hội cũng nảy sinh không ít vấn đề, nhiều cá nhân lợi dụng mạng xã hội để đăng thông tin sai sự thật, hoặc có ứng xử thiếu văn hóa; đòi hỏi cần có những giải pháp nhằm chấn chỉnh.

Mạng xã hội (social network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác.

Theo thống kê năm 2020, Việt Nam có trên 60% dân số sử dụng mạng xã hội (MXH) thường xuyên. Có số lượng người dùng nhiều như: Facebook, Youtube, Zalo, FB Mesenger, Instagram, Tiktok, Mocha, Google+, Twiter, Skype, Viber...

Facebook là một trong những mạng xã hội có số lượng người dùng nhiều ở Việt Nam

MXH mang lại nhiều lợi ích tích cực cho cuộc sống của chúng ta, như: Là kênh thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đưa thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước đến với Nhân dân một cách nhanh chóng, chính xác; thông qua ứng dụng Zalo, cơ quan nhà nước giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp được dễ dàng, thuận lợi hơn.

Người sử dụng MXH có thể gọi video ổn định, livestream, chat nhóm tiện ích, nhắn tin, gửi ảnh nhanh chóng, xem nhật ký bạn bè, đăng tin, bài, hình ảnh. Đây là phương tiện để mỗi người dân có thể bày tỏ quan điểm cá nhân, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm sống, nêu gương người tốt, việc tốt để mọi người học tập và làm theo; hoặc phản ánh những tiêu cực, bất hợp lý, những hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân để cơ quan chức năng của Nhà nước xử lý theo quy định pháp luật.

Thông qua MXH, các tổ chức, cá nhân có thể chia sẻ, cập nhật tin tức, trao đổi thông tin, tìm kiếm việc làm, giải quyết công việc hàng ngày, giao lưu, kết nối bạn bè, gia đình, cộng đồng, mở rộng quan hệ, hội nhập quốc tế. Đối với doanh nghiệp, có thể quảng cáo, đăng tin tuyển dụng miễn phí, kinh doanh tiết kiệm chi phí, thời gian, sức lao động và thân thiện với môi trường. Qua những tin nhắn, hoặc thông tin đăng trên MXH sẽ được lưu trữ lại, điều đó làm cho mỗi người có trách nhiệm hơn trong việc cung cấp thông tin của mình.

MXH đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của nước ta, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số. Là phương tiện giúp cho mọi người dân trao đổi, chia sẻ thông tin trực tuyến để hạn chế tiếp xúc trực tiếp, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, nhất là COVID-19.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích tích cực, MXH vẫn còn tồn tại những tiêu cực, ảnh hưởng đến người dùng nếu chúng ta không am hiểu pháp luật, không tỉnh táo trước những thông tin trên MXH, đó là: Một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ có xu hướng nghiện MXH, mất quá nhiều thời gian cho việc lên MXH, điều đó dễ dẫn đến bị cận thị, trầm cảm, ảnh hưởng đến sức khỏe; hoặc chạy theo lối sống ảo, làm giảm tương tác trực tiếp giữa người với người. Người dùng MXH nếu không cảnh giác, thì cũng có thể có nguy cơ bị lộ thông tin cá nhân, bị lừa đảo về kinh tế. Không ít người lợi dụng MXH để đăng tin giật gân câu view, câu like nhằm mục đích cá nhân, nhưng cũng có khi đem lại những tác hại cho người khác. Một số cá nhân lợi dụng MXH để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Để có văn hóa ứng xử trên MXH, trước tiên mỗi người dân chúng ta phải tuân thủ đúng các quy định pháp luật, cụ thể như: Luật An ninh mạng; Nghị định số 72/2013/NĐ-CP Nghị định số 27/2018/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

Mọi hành vi vi phạm pháp luật khi sử dụng MXH đều bị xử lý nghiêm theo quy định; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử; hoặc có thể bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh vẫn còn người dùng MXH vi phạm pháp luật, cụ thể: Căn cứ Nghị định số 174/2013/NĐ-CP; Nghị định số 15/2020/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2020). Từ đầu năm 2020 đến nay, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 10 cá nhân đăng thông tin sai sự thật trên MXH, với tổng số tiền phạt là 90 triệu đồng; với các vi phạm chủ yếu là đăng thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh; cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.

Từ thực tế trên, trong thời gian tới, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm và người dùng MXH cần xây dựng riêng cho mình văn hóa ứng xử trên mạng xã hội và tập trung vào những nội dung sau:

1. Chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý MXH; nhất là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến các đối tượng thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên. Tuyệt đối không được lợi dụng MXH để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

2. Nêu cao tính gương mẫu của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong sử dụng MXH, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo; phải tuân thủ kỷ luật phát ngôn, không sử dụng MXH để khai thác, tuyên truyền các thông tin chưa được kiểm chứng, phiến diện, một chiều ảnh hưởng đến hoạt động công vụ.

3. Xây dựng và triển khai bộ quy tắc ứng xử trên MXH cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng MXH. Xây dựng môi trường MXH lành mạnh, an toàn, tích cực; mọi người tham gia sử dụng mạng phải có trách nhiệm, tôn trọng nhau, có thái độ ứng xử văn hóa, đúng chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

4. Nâng cao ý thức học tập và rèn luyện cách ứng xử trên MXH. Biết quan tâm, lắng nghe, chia sẻ, thông cảm đến người khác. Mọi lời nhận xét, bình luận phải khách quan và tế nhị; tỏ thái độ, cảm xúc phù hợp. Không nói xấu, kéo bè cánh nhằm hạ thấp danh dự, nhân phẩm của người khác. Không nên đưa ra những nhận xét, bình luận vội vàng, không đúng hoặc ác ý.

5. Suy nghĩ thật kỹ lưỡng, lựa chọn, kiểm chứng thông tin chính xác trước khi đăng lên MXH và phải có trách nhiệm với thông tin mình cung cấp, chia sẻ. Khuyến khích đưa những thông tin tích cực, những giá trị tốt đẹp của con người lên MXH. Không đăng thông tin, hình ảnh không đúng quy định pháp luật, hoặc không phù hợp với văn hóa, đạo đức của người Việt Nam.

6. Mỗi người dân khi xem thông tin trên MXH, phải biết rõ nguồn gốc của thông tin, phân biệt tin thật, tin giả; thường xuyên tiếp cận những thông tin chính thống, bổ ích; không để mình bị sa vào những thông tin thất thiệt, tiêu cực.

7. Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong sử dụng MXH theo quy định pháp luật. Ngăn chặn mọi thông tin xấu, độc hại, sai sự thật, phản cảm trên MXH.

Từ khóa » Các Bình Luận ác ý Trên Mạng Xã Hội