Một Góc Nhìn đương đại Về Nghệ Thuật Cải Lương Nam Bộ

Gần 20 năm qua, nghệ thuật cải lương đã và đang đối diện với sức ép cạnh tranh với nhiều loại hình nghệ thuật, giải trí mới xuất hiện, lượng khán giả cải lương ngày càng thu hẹp…

Một góc nhìn đương đại về nghệ thuật cải lương Nam Bộ

Tác giả: Nguyễn Thị Trúc Bạch, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ.

Nguồn: Sách Quản lý và khai thác di sản văn hóa trong thời kỳ hội nhập.

Cải lương là loại hình ca kịch sân khấu truyền thống, sản phẩm văn hóa nghệ thuật hình thành và phát triển trên mảnh đất Nam Bộ. Buổi đầu, nghệ thuật cải lương ra đời dần thay thế vị trí của hát bội trên sân khấu Nam Bộ. Sự chuyển hướng trong tiếp nhận nghệ thuật sân khấu, diễn ra ở Nam Bộ khá mạnh mẽ vào thập niên hai mươi của thế kỷ 20. Sân khấu cải lương ra đời xuất phát từ những nguyên nhân xã hội, kinh tế, văn hóa,… đồng thời đáp ứng thị hiếu thẩm mỹ nghệ thuật sân khấu của công chúng.

Từ khi ra đời đến nay, nghệ thuật cải lương trải qua chặng đường gần một trăm năm gắn bó với công chúng Nam Bộ nói riêng, Việt Nam nói chung. Trong quá khứ, cải lương từng chiếm giữ vị trí độc tôn, được công chúng Nam Bộ yêu chuộng và say mê. Tuy nhiên, gần 20 năm qua, cải lương đã và đang đối diện với sức ép cạnh tranh với nhiều loại hình nghệ thuật, giải trí mới xuất hiện, lượng khán giả cải lương ngày càng thu hẹp. Bên cạnh đó, bản thân loại hình cải lương đang phải đối mặt với nhiều trở lực khác từ các phương diện như: cơ chế tài chính, cơ sở vật chất, đội ngũ sáng tác, đạo diễn, diễn viên,…

Dựa trên những dữ liệu đã thu thập, ghi chép, phân tích, đánh giá trong quá trình điền dã tại các đơn vị hoạt động cải lương ở Nam Bộ, chúng tôi tập trung thể hiện những vấn đề cải lương ở Nam Bộ đang phải đối mặt. Cụ thể, bài viết quan tâm đến thực trạng đội ngũ sáng tác, đạo diễn, và công chúng cải lương hiện nay. Qua đó, ghi nhận và gợi ý những giải pháp hướng đến vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của cải lương trong bối cảnh đương đại.

1. Nhận diện những trở lực phát triển cải lương Nam Bộ hiện nay

1.1. Đội ngũ tác giả, đạo diễn cải lương

Lịch sử nghiên cứu cải lương Nam Bộ từng ghi nhận hơn 50 chân dung tác giả có đóng góp xây dựng kịch bản, phản ánh đội ngũ sáng tác tương đối hùng hậu. Những tác giả đầu tiên có thể kể đến như Trương Duy Toản, Nguyễn Trọng Quyền, Trần Phong Sắc, Trần Tấn Chức, Lâm Hoài Nghĩa, Nguyễn Quốc Biểu, Nguyễn Công Mạnh, Đào Châu, Đặng Công Danh,… Thế hệ tác giả kế cận như: Tư Chơi, Năm Châu, Tư Trang (Trần Hữu Trang), Nguyễn An Khương, Ba Phát, Bảy Nhiêu,… Đội ngũ tác giả đông đảo đã xây dựng khối lượng kịch bản cải lương phong phú, thể tài đa dạng, góp phần khẳng định vị trí loại hình cải lương trong văn hóa nghệ thuật Nam Bộ.

Với loại hình cải lương, kịch bản được xem là tiền đề cơ bản, quan trọng xây dựng tác phẩm sân khấu. Ngày nay, cải lương đang phải đối mặt với vấn đề “khủng hoảng” kịch bản, nguyên nhân chính là do lực lượng tác giả ngày càng giảm và thưa dần so với các thời kỳ trước. Hiện tượng chuyển thể kịch nói thành cải lương ngày càng trở nên phổ biến. Có thể thấy, phần lớn các tác giả tập trung sáng tác kịch bản cải lương mới phục vụ chủ yếu cho các hội thi, liên hoan cải lương toàn quốc. Trên thực tế, có những vở diễn có sự đầu tư lớn, đạt kết quả cao tại các hội thi, nhưng hoàn toàn không tạo hiệu ứng sân khấu, thiếu sức hút với khán giả. Điều này có thể xem là một trong những nghịch lý đang tồn tại cần được quan tâm giải quyết trong tình hình khủng hoảng kịch bản cải lương hiện nay.

Khi đặt vấn đề về đội ngũ sáng tác cải lương hiện nay, Hoàng Song Việt – soạn giả hiện nổi danh ở Nam Bộ tâm sự: “Thật ra tôi cũng có ý tìm kiếm một số bạn trẻ có khả năng để gợi ý các bạn đi theo con đường viết, chuyển thể tác phẩm cải lương. Trước đây có Tô Thiên Kiều, Vũ Chí Thanh,… nhưng được một thời gian các bạn lại bận bịu với gia đình, với một số công việc khác nên thôi. Thực tế, mỗi khi có đợt Hội diễn rầm rộ, các đoàn có nhu cầu làm vở đi thi họ mới tìm kiếm tác phẩm chuyển thể cải lương. Ngoài các đợt hội thi, hội diễn, một năm mỗi đoàn chỉ dựng chừng 1 – 2 vở, có đoàn còn không có vở nào, lúc đó có khi họ sử dụng tác phẩm chuyển thể ngay tại địa phương họ luôn. Sống với nghề này rất khó, vất vả, có ai đặt hàng đâu, có khi ý tưởng mình nghĩ, mình viết ra nhưng cũng không có chỗ để xài. Nhu cầu sử dụng kịch bản chuyển thể cải lương ở phía Nam rất hạn chế. Cả Sài Gòn gần như chỉ có Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, cao lắm một năm chỉ dựng khoảng ba vở, vậy làm sao soạn giả cải lương có thể sống được với nghề?” [Châu Mỹ 2014]. Soạn giả cải lương đã quá ít, đa số có tuổi trong khi người trẻ lại không mặn mà theo đuổi, vậy tương lai ai sẽ là người viết kịch bản cải lương? Thực tế cho thấy cải lương đang phải đối diện với trở lực về đội ngũ sáng tác.

Những năm gần đây, Lê Duy Hạnh, Hoàng Song Việt… là một số trong những tác giả cải lương Nam Bộ có nhiều kịch bản dự thi nhất tại các hội thi, liên hoan sân khấu cải lương toàn quốc. Trong cuộc thi nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2015 nổi lên các soạn giả Hoàng Song Việt và Đăng Minh, Triệu Trung Kiên và Ngọc Chi. Ở Nam Bộ, nổi bật có soạn giả Hoàng Song Việt và Đăng Minh, mỗi soạn giả chuyển thể 7 – 8 vở cho các đoàn tham gia trong hội diễn. Ở Bắc Bộ, có soạn giả Triệu Trung Kiên và Ngọc Chi.

Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2015 có 33 vở diễn tham dự, tác giả Hoàng Song Việt có 8 kịch bản với vai trò tác giả và chuyển thể cải lương. Đó là các vở: Chiến binh, Lâu đài cát, Đời như ý (Nhà hát Trần Hữu Trang), Vòng xoáy (Đoàn Cải lương Hương Tràm), Trung thần (Hội Nghệ sĩ sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh), Mai Hắc Đế (Nhà hát Cải lương Việt Nam), Cơn mê cuối cùng (Đoàn Nghệ thuật cải lương nhân dân Kiên Giang), Những đứa con của người cộng sản (Đoàn Văn công Đồng Tháp).

Tác giả Đăng Minh là tác giả được chú ý tiếp sau Hoàng Song Việt. Trong cuộc thi này Đăng Minh có 7 vở vừa là tác giả và tác giả chuyển thể, đó là các vở: Trạng làm quan (Công Ty TNHH Nghệ thuật giải trí Sao Minh Béo), Ánh đèn khuya, Tình sử hai vương triều (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai), Bông mận trắng (Nhà hát Tây Đô), Vị ngọt cà na đắng (Đoàn Nghệ thuật Tây Ninh), Sân khấu cuộc đời (Đoàn Nghệ thuật cải lương Long An), Giai điệu Tổ quốc (Công ty Giải trí sân khấu Sen Việt).

Không chỉ riêng Nam Bộ, tình hình đội ngũ sáng tác cải lương ở trong nước ngày càng ít. Cả nước chỉ có một vài tác giả viết cho kịch bản cải lương được chú ý như: Hoàng Song Việt, Thùy Chi, Lê Duy Hạnh, Triệu Quang Vinh,… gần đây là một số tác giả trẻ như Triệu Trung Kiên, Lê Chí Trung,…

Đạo diễn sân khấu cải lương là người cụ thể hóa ý tưởng kịch bản từ trang giấy của tác giả, đưa tác phẩm đến với công chúng. Hiện nay, số đạo diễn giàu kinh nghiệm dàn dựng cải lương chủ yếu hoạt động ở lĩnh vực kịch nói. Đa số học viên tốt nghiệp ngành đạo diễn sân khấu cũng chọn làm nghề ở sân khấu kịch, rất hiếm người gắn bó với sân khấu cải lương. Lực lượng đạo diễn cải lương đã thiếu hụt lại ít cơ hội làm nghề, số tác phẩm được dựng hàng năm rất hạn chế. Lớp đạo diễn trẻ gần như không có cơ hội thử sức, cũng như môi trường rèn nghề để nâng cao năng lực.

1.2. Khán giả cải lương

Trước năm 1980, ở Nam Bộ trên 20 đoàn nghệ thuật thì cải lương đã chiếm 17 đoàn (còn lại là kịch, hát bội và ca nhạc) [Trần Trọng Đăng Đàn 2011: tr. 186]. Các quận trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh còn có các đoàn cải lương bán chuyên đều hoạt động có hiệu quả. Mỗi đêm có khoảng vài chục ngàn khán giả đến với cải lương, Thành phố Hồ Chí Minh được xem là “thánh địa” của cải lương.

Nhiều năm gần đây, khán giả đến với các sân khấu cải lương ngày càng giảm sút. Các điểm sân khấu tại các rạp hát trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đều rơi vào tình trạng mất dần lượng khán giả. Chuyện mất dần khán giả thực sự là một mối lo ngại rất lớn, đe dọa sự ổn định và quá trình hoạt động phát triển của sân khấu cải lương.

Hiện nay, do chủ trương của nhà nước sát nhập, tinh giảm các đoàn thể nghệ thuật, cho nên số đoàn nghệ thuật sân khấu cải lương trên cả nước những năm đầu thế kỉ 21 đã giảm đáng kể. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang là nơi hội tụ của các thế hệ nghệ sĩ trưởng thành từ Đoàn Cải lương Nam Bộ, Đoàn Cải lương Giải Phóng, Đoàn Cải lương Văn Công khu Sài Gòn – Gia Định. Hiện nay nhà hát có ba đơn vị hoạt động biểu diễn: Đoàn I, Đoàn II và nhóm Thắp sáng niềm tin.

Nhóm Thắp sáng niềm tin là đơn vị hoạt động theo phương thức xã hội hóa của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang và tác giả Hoàng Song Việt. Nhà hát chỉ hỗ trợ kinh phí dựng 2 vở/năm còn mọi hoạt động biểu diễn khác Đoàn phải tự lo. Việc hình thành Đoàn hát này là một tín hiệu tích cực, là cơ hội cho các gương mặt trẻ được khẳng định mình và được làm nghề.

Ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay chỉ còn lại khoảng 7 đoàn cải lương, trong đó nổi bật là Đoàn Cải lương Hương Tràm (Cà Mau), Tây Đô (Cần Thơ), nhưng hai đoàn này cũng chỉ diễn ở rạp mấy buổi, sau đó lại đi lưu diễn. Các đoàn khác hoạt động thưa thớt, chủ yếu phục vụ phong trào và biểu diễn gây quỹ từ thiện theo chỉ tiêu đã giao của tỉnh (mỗi năm Đoàn thực hiện 100 – 120 suất cả doanh thu và phục vụ). Với tình trạng khán giả đến rạp rất ít, các đoàn cải lương không thể trụ lại ở những rạp hát lớn khi mỗi suất diễn chỉ thưa thớt vài trăm khán giả, họ đi lưu diễn ở vùng sâu nông thôn và biểu diễn hợp đồng tại các đơn vị bộ đội, cơ quan, xí nghiệp [Theo quan sát và ghi nhận từ các cuộc điền dã từ 2014 – 2016]. Việc đầu tư cho vai diễn của các nghệ sĩ cũng thiếu sự tìm tòi sáng tạo. Những người trẻ tuổi có năng khiếu, chất giọng tốt không thiết tha tìm đến đầu quân cho các đoàn Nhà nước, chủ yếu đi hát kiếm tiền trong các quán nhậu, nhà hàng, tụ điểm hát cho nhau nghe, hay hát tư gia (được mời về nhà hát vào các dịp giỗ, sinh nhật, tân gia)… nên lực lượng đào kép trẻ tài sắc không được bổ sung ở các đoàn.

Những năm qua, sân khấu cải lương gặp lắm thăng trầm. Trong điều kiện khó khăn ấy, anh em nghệ sĩ sân khấu vẫn luôn cố gắng duy trì hoạt động, vất vả bươn chải với nghề để có thể xây dựng, tổ chức những đêm diễn phục vụ công chúng, giúp sân khấu sáng đèn. Tuy nhiên, với tình hình thực tế khi tài danh sân khấu ngày càng ít, một số ngôi sao sân khấu cải lương đã không còn, một số nghệ sĩ tên tuổi định cư ở nước ngoài, sân khấu trong nước hiếm hoi những tài năng trẻ đủ năng lực kế thừa… đã và đang khiến những người làm nghệ thuật và khán giả yêu quý loại hình sân khấu cải lương trăn trở.

Không ai có thể phủ nhận vị trí của nghệ thuật cải lương trong đời sống văn hóa con người Nam Bộ. Song, chúng ta cần nhìn nhận một cách thực tế rằng, trong gần một thập niên qua, cải lương đã và đang đứng trước những khó khăn nhất định. Sự khủng hoảng về số lượng khán giả, chất lượng vở diễn, cũng như đội ngũ diễn viên, chưa đáp ứng được những kỳ vọng của khán giả.

Năm 2014, chúng tôi thực hiện đề tài Cải lương trong đời sống văn hóa xã hội ở Nam Bộ hiện nay. Mục tiêu của đề tài là phân tích thực trạng và giải pháp bảo tồn nghệ thuật cải lương trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Đề tài tiến hành điều tra xã hội học với số lượng 440 phiếu, chia theo 4 nhóm đối tượng tại Thành phố Hồ Chí Minh: học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông và sinh viên: 220 phiếu; kỹ sư, viên chức, công nhân: 80 phiếu; chủ cơ sở sản xuất nhỏ và những người buôn bán, lao động tự do: 70 phiếu; những thanh niên làm nông: 70 phiếu (chủ yếu ở 2 huyện Củ Chi và Hóc Môn). Qua cuộc điều tra, kết quả từ thống kê số liệu định lượng về sở thích về âm nhạc của giới trẻ – xếp theo tỉ lệ (%) từ cao đến thấp như sau:

Bảng 1: Sở thích về âm nhạc (%)

Loại nhạc được ưa thích Kết quả (%)
Nhạc trẻ hiện nay 73, 8
Nhạc nước ngoài 48, 7
Nhạc âm hưởng dân ca 22, 4
Nhạc truyền thống, cách mạng 20, 1
Nhạc tiền chiến 15, 5
Nhạc cải lương, tuồng, chèo 6, 1
Không ưa thích đặc biệt loại nhạc nào 2, 8
Loại nhạc khác 1, 6

[Nguồn: Nguyễn Thị Trúc Bạch 2014: tr. 64-65]

Bảng 2: Loại phim, tuồng giới trẻ ưa thích (%)

Loại phim ưa thích Kết quả (%)
Phim hành động, hình sự 50, 2
Phim tình cảm, tâm lý xã hội 44, 5
Phim hài 35, 0
Phim hoạt hình 15, 7
Phim lịch sử 15, 2
Phim kinh dị, ma quái 14, 1
Phim tư liệu khoa học giáo dục 10, 2
Phim dựa thao các tác phẩm kinh điển 8, 6
Phim/Tuồng cải lương 4, 3
Loại phim khác 1, 4

[Nguồn: Nguyễn Thị Trúc Bạch 2014: tr. 71]

Thông qua kết quả định lượng từ cuộc điều tra cho thấy, tỉ lệ công chúng yêu thích và đến với nghệ thuật cải lương không nhiều (nhạc truyền thống, cải lương, tuồng, chèo chiếm 6,1%; phim/tuồng cải lương chiếm 4,3%). Giới trẻ có xu hướng ưu tiên yêu chuộng loại nhạc trẻ, nhạc nước ngoài, cũng như những loại phim hành động, hình sự và tình cảm, tâm lý xã hội.

Tham khảo từ hai kết quả điều tra trên, chúng ta có thể thấy về mặt bằng chung, địa bàn Nam Bộ (đại diện là Thành phố Hồ Chí Minh) có những chỉ báo về tình hình khó khăn nghệ thuật sân khấu cải lương. Tuy nhiên, cũng từ khảo sát thực tế cho thấy, nghệ thuật cải lương vẫn còn lượng công chúng (dẫu không nhiều) yêu thích, đến với cải lương bằng những hình thức và trình độ cảm thụ khác nhau. Những ý kiến thu thập trong quá trình điều tra cho thấy thị hiếu của khán giả hiện nay là những vở cải lương thuộc thể loại tâm lý xã hội, tuồng cổ với những đề tài về lịch sử, xã hội hiện đại (có tính hài, đề cập những vấn nạn xã hội, giáo dục đạo đức,…). Về chất lượng các vở diễn, nhiều ý kiến cho rằng tuồng cải lương hiện nay nhiều hơn trước nhưng chất lượng không cao, mang nặng tính thương mại. Một số vở dàn dựng vội vàng nên khó đi vào lòng người. Về chất lượng diễn viên, nhiều khán giả bày tỏ đến sân khấu cải lương, họ mong muốn tìm lại hình ảnh những diễn viên mà họ từng yêu thích ở thập niên 1960, 1970. Hiện nay, sân khấu cải lương Nam Bộ xuất hiện đội ngũ diễn viên trẻ, có chất giọng tốt nhưng khán giả có cảm giác những diễn viên ấy chưa có phong cách biểu diễn riêng, làn hơi riêng như diễn viên của thế hệ trước. Cũng vì lẽ đó, khán giả lớn tuổi, trung niên đến với sân khấu cải lương luôn hy vọng được nghe lại những giọng ca một thời không quên. Có thể nói, hiện nay có rất nhiều ý kiến đối với nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Đối với những khán giả vốn yêu mến cải lương dường như đã và đang kỳ vọng những chuyển biến của sân khấu cải lương. Từ đó, các nhà quản lý văn hóa, hoạt động nghệ thuật cần có những quan tâm thiết thực và hiệu quả nhằm bảo tồn, phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống của sân khấu Nam Bộ.

2. Hướng đến phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật cải lương Nam Bộ

Nhiều năm qua vấn đề bảo tồn và phát huy nghệ thuật cải lương đã và đang được Nhà nước, giới cải lương quan tâm. Vấn đề vực dậy nguồn sống, tìm kiếm vị trí cho cải lương trên sân khấu đương đại thiết nghĩ cần có những chiến lược, kế hoạch và đặt ra những mục tiêu cụ thể. Điều này cần có sự phối hợp chặt giữa chẽ giữa những người làm quản lý văn hóa, hoạt động nghệ thuật và sự quan tâm, hưởng ứng của xã hội, công chúng khán giả.

2.1. Xây dựng và khai thác kịch bản hiệu quả hơn

Đầu tư trọng điểm cho khâu sáng tác kịch bản, mỗi đơn vị cải lương nên có tác giả cơ hữu, đầu tư và khuyến khích năng lực sáng tạo của tác giả. Tác giả không cần thiết phải viết theo yêu cầu (đặt hàng) hay kiếm thêm thu nhập bằng nghề tay trái mà toàn tâm toàn ý sáng tác kịch bản. Đồng thời, tổ chức các cuộc thi sáng tác, viết kịch bản cải lương nhằm tìm kiếm những kịch bản đặc sắc, sau đó dàn dựng trình diễn sân khấu và giới thiệu rộng rãi đến công chúng.

Mỗi kỳ liên hoan, hội diễn các đoàn cải lương đều có kịch bản mới, không ít vở diễn được trao giải thưởng. Tuy nhiên, sau đó không nhiều vở được phổ biến phục vụ đông đảo công chúng. Đây là sự lãng phí lớn về tiền bạc lẫn công sức của người làm nghề. Với các tác phẩm chất lượng, nếu chú trọng quảng bá, tiếp thị, có cách tiếp cận khán giả hợp lý thì hoàn toàn có thể đạt doanh thu tốt.

Hợp tác trao đổi kịch bản giữa các đơn vị cải lương nhằm đa dạng hóa kịch mục, góp phần tăng thêm đời sống cho vở diễn (mở rộng đối tượng khán giả). Ví như nhóm Thắp sáng niềm tin dựng lại kịch bản Dấu ấn giao thời của Nhà hát Cải lương Việt Nam (2009), đoàn Cải lương Nam Định dựng lại kịch bản Mẹ của chúng con của Đoàn Cải lương Tây Đô – Cần Thơ (2010).

2.2. Đào tạo đội ngũ sáng tác, diễn viên chuyên nghiệp

Đào tạo và xây dựng đội ngũ sáng tác, diễn viên cải lương là một trong những vấn đề cần được quan tâm hàng đầu. Cải lương trên mỗi chặng đường lịch sử đều được đánh dấu bằng những tên tuổi sáng chói tài năng như Phùng Há, Ba Vân, Năm Châu, Trần Hữu Trang,… Vì thế, các nhà quản lý văn hóa, giới hoạt động nghệ thuật cải lương cần có kế hoạch đào tạo lực lượng sáng tác, diễn viên cải lương cho giai đoạn hiện nay và tương lai. Những người làm nghệ thuật cần có sự tinh nhạy trong việc phát hiện và bồi dưỡng tài năng. Đào tạo đội ngũ sáng tác và diễn viên có năng lực, bản lĩnh nghề nghiệp thực sự.

Các đơn vị hoạt động nghệ thuật cần quan tâm và thực hiện thường xuyên, liên tục các chính sách ươm mầm và phát triển tài năng cải lương. Chủ động tìm kiếm tài năng cải lương dưới nhiều hình thức (tổ chức các cuộc thi mở rộng, chú ý việc giới thiệu tài năng ở cấp cơ sở, đặc biệt từ mạng lưới các câu lạc bộ đờn ca tài tử – cải lương địa phương…). Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, đào luyện nhân tố triển vọng; đảm bảo cho họ cơ hội làm nghề và phát triển nghề nghiệp.

Đầu tư trọng điểm cho công tác đào tạo nguồn nhân lực kế thừa, xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với đặc thù loại hình sân khấu cải lương (mở rộng đối tượng tuyển sinh, ưu tiên năng khiếu nghệ thuật, nhất là giọng ca, sắc vóc,…). Nhà nước, đơn vị quản lý văn hóa, hoạt động nghệ thuật cần chú trọng phương pháp “nghề truyền nghề” với sự tham gia giảng dạy, truyền đạt kinh nghiệm của những người làm nghề gạo cội; có chính sách cụ thể khuyến khích người học (cấp học bổng, hỗ trợ học phí, tạo cơ hội làm nghề,…). Ông Nguyễn Tấn Thành – nghệ danh Tấn Thành bộc bạch: “Lâu nay ở địa phương người học ca/học đờn thường ít có cơ hội học theo hướng chuyên nghiệp, chủ yếu đi học “ngón nghề”, học theo lối gần gũi thầy trò. Theo tui, đối tượng này rất cần được quan tâm và chú ý phát triển” [PV: Ông Nguyễn Tấn Thành (61 tuổi), nghệ nhân đờn cò, Hội viên Hội Văn học – Nghệ thuật Trà Vinh. Địa điểm PV: Quán Tài tử Hương Cau, Phường 1, thị xã Trà Vinh. Thời gian PV: 10g15’ ngày 30/12/2016]. Tinh thần này cũng được Nghệ nhân ưu tú của tỉnh Trà Vinh là ông Nguyễn Văn Dấu chia sẻ: “Việc đào tạo và nuôi dưỡng tài năng Đờn ca tài tử hay cải lương ở địa phương rất quan trọng, lâu nay người học chủ yếu vì đam mê, nhưng đôi lúc vì quá khó khăn họ thường bỏ ngang. Vì thế, nếu được quan tâm hỗ trợ kinh tế người học sẽ theo đuổi lâu dài” [PV: Ông Nguyễn Văn Dấu (Tám Dấu) (63 tuổi), Nghệ nhân ưu tú Đờn ca tài tử tỉnh Trà Vinh. Địa điểm PV: Câu lạc bộ Đờn ca tài tử – Cải lương thị trấn Càng Long, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Thời gian PV: 9g45’ ngày 29/12/2016].

2.3. Duy trì và phát triển phương thức cải lương truyền hình

Truyền hình là một trong những phương tiện thực hiện chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật cải lương. Cải lương muốn phổ biến rộng rãi, cần được truyền hình hỗ trợ nhiều mặt hơn. Ở miền Tây Nam Bộ hiện nay những vở cải lương truyền hình vẫn được đông đảo quần chúng truyền hình yêu mến, chờ đón. Đây là nơi lưu lại những tấm lòng còn yêu thích cải lương. Vĩ lẽ đó, cải lương truyền hình cần chăm chút về nội dung lẫn hình thức, nhằm lôi cuốn lòng yêu thích cải lương của thế hệ trẻ, thế hệ lớn hơn vốn đã yêu quý cải lương với tinh thần tri âm tri kỷ. Kịch bản cải lương truyền hình cần có nội dung hay mang tính hiện thực, đưa ra những vấn đề có tính xã hội đương đại. Có thể nói, nếu cải lương truyền hình thực hiện tốt, sẽ góp phần hiệu quả trong việc tìm lại chỗ đứng của sân khấu cải lương trong lòng khán giả.

2.4. Sân khấu học đường

Để tránh tình trạng công chúng trẻ tỏ ra thờ ơ, xa lạ với nghệ thuật cải lương, cần đưa sân khấu vào học đường. Các nhà hoạt động nghệ thuật, nghệ sĩ cải lương cần có những buổi nói chuyện chuyên đề về cải lương, giới thiệu vở diễn cải lương kinh điển, trình diễn các trích đoạn cải lương trong trường học. Thông qua đó cung cấp những kiến thức cơ bản về cải lương, giá trị thẩm mỹ của loại hình nghệ thuật.

2.5. Thông qua du lịch để quảng bá nghệ thuật sân khấu cải lương

Trong chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật cải lương, chúng ta cần có sự phối hợp hành động với ngành du lịch. Cần có những bài viết sắc sảo và súc tích về cải lương Nam Bộ in trong cẩm nang du lịch Việt Nam nói chung, Nam Bộ nói riêng. Đồng thời, các tổ chức và công ty du lịch trong nước cần đầu tư thiết kế thời gian – không gian phù hợp, biểu diễn cải lương cho du khách thưởng ngoạn trong những chuyến du lịch tại địa bàn Nam Bộ, đặc biệt là các chuyến tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nhờ hoạt động du lịch mà cải lương sẽ được quảng bá rộng rãi đến du khách trong nước và quốc tế.

2.6. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học ở các cấp về chủ đề nghiên cứu loại hình cải lương, nhằm tìm kiếm các kết quả nghiên cứu, tư vấn chính sách phù hợp cho công tác quản lý, khai thác và phát huy giá trị văn hóa cải lương trong bối cảnh đương đại. Đồng thời, kết quả nghiên cứu là cơ sở xây dựng các giáo trình, chuyên đề, tài liệu giảng dạy về nghệ thuật cải lương. Tiến hành điều tra xã hội học về thị hiếu, tâm lý thưởng ngoạn của công chúng đương đại, khán giả cải lương hiện nay nhằm định hướng hoạt động phù hợp cho các đơn vị cải lương.

Kết luận

Ngày nay, xã hội đang vận hành trong xu thế toàn cầu hóa. Cải lương đang tồn tại trong một thế vận mới. Có thể nói, chưa bao giờ việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có nghệ thuật truyền thống lại trở nên bức thiết và cấp bách. Chúng ta nhận thức sâu sắc rằng quá trình giao lưu, hội nhập với thế giới là cơ hội lớn để Việt Nam học hỏi, tiếp thu, đồng thời kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc mình. Trong quá trình giao lưu với thế giới, chúng ta không chỉ tiếp thu những giá trị hiện đại, tiên tiến mà còn bổ sung, điều chỉnh một số nét của các giá trị truyền thống cho phù hợp với thời đại, và làm đa dạng thêm bản sắc của dân tộc. Nghệ thuật cải lương cũng không thể thể tách mình ra khỏi xu thế hội nhập, toàn cầu hóa.

Khoa học kỹ thuật thế giới phát triển nhanh chóng, thông tin bùng nổ, các loại hình nghệ thuật hiện đại ra đời đáp ứng nhu cầu thưởng thức của đa dạng khán giả. Văn hóa, nghệ thuật nước ngoài nhanh chóng du nhập vào nước ta với các loại hình văn học, ca nhạc, điện ảnh,… Cải lương đang phải đối diện với những khó khăn nhất định trước xã hội thời đại (lượng khán giả bị thu hẹp, đội ngũ sáng tác và diễn viên chưa đáp ứng được những kỳ vọng của khán giả… ).

Với định hướng khẳng định và phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật cải lương – loại hình kịch hát truyền thống của Nam Bộ, chúng tôi gợi ý một số giải pháp trong giai đoạn hiện nay như: đào tạo đội ngũ sáng tác và diễn viên cải lương chuyên nghiệp, sân khấu học đường, phát huy vai trò thể loại cải lương truyền hình, kết hợp với du lịch đưa khán giả đến với sân khấu cải lương, chú trọng hơn đến công tác nghiên cứu cải lương từ chuyên ngành đến liên ngành.

———————-

Tài liệu tham khảo và trích dẫn:

Châu Mỹ 2014,“Hoàng Song Việt – Ai dũng cảm mới theo đuổi cải lương thời nay”, http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/san-khau-my-thuat/san-khau/hoang-song-viet-ai-dung-cam-moi-theo-duoi-cai-luong-thoi-nay-3094840. html. Hoài Anh 1998, Văn học Nam Bộ từ đầu đến giữa thế kỷ XX (1900-1945), TP HCM, NXB TP Hồ Chí Minh. Huỳnh Công Tín (chủ biên), 2016, Văn hóa cải lương Nam Bộ – Từ đờn ca Tài tử đến sân khấu cải lương, từ lý luận đến thực tiễn, TP HCM, NXB Văn hóa – Văn nghệ. Huỳnh Quốc Thắng, 2011, “Vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ca nhạc tài tử và sân khấu cải lương”, Tạp chí Khoa học xã hội tại TP HCM, số 2. Nguyễn Thị Trúc Bạch, 2014, Báo cáo tổng hợp đề tài cấp Cơ sở “Cải lương trong đời sống văn hóa xã hội ở Nam Bộ hiện nay”, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ. Phạm Trí Thành, 2011, Nghệ thuật sân khấu cải lương kế thừa và biến đổi,H., NXB Văn học – Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Sĩ Tiến, 1984, Bước đầu tìm hiểu sân khấu cải lương, TPHCM,NXB TPHồ Chí Minh. Trần Trọng Đăng Đàn, 2011, Kịch Việt Nam Thưởng thức – Bình luận, TP HCM. : NXB Văn hóa – Văn nghệ. Tuấn Giang, 2006, Nghệ thuật cải lương, TP HCM, NXB Đại học Quốc gia Tp Hồ Chí Minh.

Theo VĂN HÓA HỌC

Tags: Sân khấu, Nam Bộ, Văn hóa Việt
Redsvn

Từ khóa » Tác Giả Tuồng Cải Lương