Sân Khấu Cải Lương Tại TP Hồ Chí Minh Nỗ Lực Tìm Lại Khán Giả

Chú thích ảnh
Trích đoạn vở cải lương “Giấc mộng đêm xuân”. Ảnh tư liệu: Gia Thuận/TTXVN

Trong đó, nhiều chương trình, vở diễn của các đơn vị nghệ thuật công lập và xã hội hóa đang góp phần làm sôi nổi hơn không khí tổ chức biểu diễn và thưởng thức nghệ thuật cải lương tại Thành phố. Cụ thể, các tác phẩm đến từ Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, rạp Hồng Liên (Quận 6, TP Hồ Chí Minh), Sân khấu Sen Việt (Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh),... luôn nhận được sự hưởng ứng rất tích cực của khán giả mộ điệu. Vở "Ngược gió" được tác giả Tiết Duy Hòa, soạn giả Hoàng Song Việt chuyển thể cải lương, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Ngọc Giàu dàn dựng vừa ra mắt trong tháng 3 này đã giữ chân hàng trăm khán giả đến phút cuối. Trước đây, vào tháng 6/2020, vở kịch này đã diễn thành công tại Sân khấu Thế Giới Trẻ. Với mô típ cải lương xưa, "Ngược gió" lấy bối cảnh miền Tây, xoay quanh nhân vật chính như anh Trôi bán chiếu vì yêu mà nhận làm chồng hờ của một cô gái bị ông chủ lò gạch ép làm vợ lẽ. Thậm chí nhận là tác giả cái bào thai của cô, rồi khi cô mất tích, anh chèo ghe đi tìm cô suốt 2 năm, mặc cho cô bạn thân yêu thầm anh vẫn một lòng chờ đợi. Mối tình ngang trái của bộ ba Trôi, Nương, Là đã lấy đi nhiều nước mắt của khán giả.

Bên cạnh đó, vở “Người yêu của đảo chúa” của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang do đạo diễn, Nghệ sỹ Ưu tú Lê Trung Thảo dàn dựng sẽ công diễn tối 26/3 và “Khát vọng vương quyền” của Sân khấu Chí Linh - Vân Hà do nghệ sỹ Chí Linh dàn dựng, diễn vào tối 9/4 cũng xoáy sâu vào chất văn học, hứa hẹn sẽ mang đến nhiều cảm xúc cho người xem với hình thức dàn dựng mới.

Theo soạn giả Hoàng Song Việt - một soạn giả cải lương từng giành nhiều giải thưởng tại các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, sàn diễn cải lương tại Thành phố đã trở lại với những vở diễn đúng chất mùi mẫn, văn phong trữ tình và có sự đổi mới, chăm chút về hình thức dàn dựng. Trong đó, tín hiệu vui là 2 vở diễn kinh điển được công chúng yêu cầu tái diễn là "Tiếng trống Mê Linh" (suất tối 19/3) và "Nàng Xê Đa" (suất tối 23/4) tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đều đã bán gần hết vé.

Sắp tới, bên cạnh một số kịch bản văn học sẽ lần lượt được Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang và sân khấu xã hội hóa đưa lên sàn tập thì vở cải lương tuồng cổ "Tiêu Anh Phụng" cũng sẽ khởi tập để đáp ứng mong đợi của khán giả về thể loại tuồng xưa với nhân vật chính là đào võ.

Ở góc độ chuyên môn, đạo diễn, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Minh Ngọc, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP Hồ Chí Minh đánh giá cao nỗ lực chuyển mình của các sàn diễn cải lương hiện nay khi một số vở diễn theo đuổi chất chính kịch trong dàn dựng, nội dung, thay vì chỉ bám thể loại hài hoặc hô hào khẩu hiệu. Việc khai thác triệt để chất mùi mẫn, theo đúng niêm luật "trung - hiếu - tiết - nghĩa" và sử dụng nguồn kịch bản dựa theo tác phẩm văn học trong mỗi vở cải lương là yếu tố then chốt thu hút khán giả.

Từ khóa » Tác Giả Tuồng Cải Lương