Một Ngày Lạ Thói Sai Nha - QĐND Cuối Tuần

“Sai nha” là một từ Hán Việt. Sai có nghĩa là sai khiến, nha là nơi làm việc của quan lại. Tổ hợp sai nha dùng để chỉ bọn lính lệ và nha lại ở các phủ huyện ngày xưa. Sai nha là những người tiên phong thừa hành, thực thi lệnh của quan trên (giống như lính “sen đầm” (gendarme)-lực lượng chuyên giữ gìn an ninh ở các nước tư bản (như Pháp, Anh... mà ta từng nghe nói).

Nhưng đấy là chuyện xưa. Sai nha thuộc thời phong kiến. Sen đầm thuộc thời đế quốc. Những chuyện tác oai tác quái, lộng hành, bất chấp pháp luật hay đạo lý như vậy thật đáng lên án.

Ấy vậy mà trong thời đại của chúng ta hôm nay, khi mà nền dân chủ xã hội chủ nghĩa đã xây dựng và củng cố đã hơn 70 năm (từ Cách mạng Tháng Tám 1945), vẫn còn những cảnh đáng buồn. Dù cá biệt, nhưng vẫn có, chẳng khác các “sai nha” hồi nào.

Tôi muốn nói tới một hiện tượng đang nóng trong dư luận và diễn đàn truyền thông gần đây. Đó là chuyện lợi dụng chức vụ, vòi tiền ăn hối lộ của đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng tại Vĩnh Phúc. Báo chí vừa qua đưa tin nhiều về việc Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã bắt quả tang, lập biên bản 3 (trong số 5) cán bộ của đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng nhận tiền hối lộ (tổng số hàng trăm triệu đồng, mà có thể hơn vì đến đó bị phát hiện). Họ bỏ tiền “đút lót” với mục đích các cán bộ thanh tra Trung ương làm ngơ những sai trái của họ.

leftcenterrightdel
Minh họa: Phùng Minh

Thật khó tin vì đây là những người trực tiếp thực thi pháp luật trong việc rà soát và xử lý những vi phạm trong phạm vi Bộ Xây dựng quản lý. Năm 2019 (tính đến nay) Thanh tra Bộ Xây dựng đã triển khai tới 90 cuộc thanh tra trên các lĩnh vực: Quy hoạch và quản lý quy hoạch; các công trình, dự án giao thông; nông nghiệp và phát triển nông thôn; các công trình dân dụng công nghiệp; hạ tầng kỹ thuật; vật liệu xây dựng; hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản… phòng, chống tham nhũng; tiếp công dân và xử lý đơn thư. Họ là những người chính quyền cử ra nhằm làm trong sạch hoạt động xây dựng, đưa các hoạt động này (vốn lộn xộn, nhiều vi phạm) vào kỷ cương phép nước. Nhưng họ đã làm những gì cho nhiệm vụ quan trọng đó?

Thay vì tác nghiệp theo quy định, đúng chức năng, đúng thẩm quyền, các cán bộ này đã tìm cách “làm ăn” nhằm trục lợi cho mình. Biết trong số các đối tượng bị thanh tra (công ty, cơ quan…) đang “có vấn đề” (không vi phạm lớn thì vi phạm nhỏ), họ bắn tin vòi vĩnh. Chính bà trưởng đoàn đã nói thẳng, các đối tượng đang bị đưa vào tầm ngắm này phải chuẩn bị quà, chuẩn bị tiền để đoàn còn “có cơ sở định lượng”. “Định lượng” thế nào ư? Chuyện hối lộ bây giờ thì muôn hình vạn trạng. Và thường những công trình xây dựng lớn, có trị giá hàng tỷ, hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng mà có dấu hiệu vi phạm, phải “biết thân biết phận” mà lo. “Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”. Mất vài chục, vài trăm triệu đồng để nhận “chứng chỉ cho qua” rõ ràng hay hơn nhiều là bị lập biên bản vi phạm. Tiếp đó là quyết định cưỡng chế, bắt tháo dỡ và quy kết trách nhiệm. Không chỉ chi phí lớn mà có khi công trình còn bị đình chỉ, mang tai mang tiếng. Ai sẽ phải chịu trách nhiệm trước sai lầm làm thất thoát tiền của Nhà nước (do vi phạm pháp luật, làm sai hồ sơ cấp phép)? Tất nhiên sau khi xử lý, họ khó lòng nhận được các công trình tiếp theo. Hệ lụy, rủi ro thật khôn lường. Vậy thì “Biết điều thì chạy cho mau/ Cứ đi đường thẳng còn lâu mới thành”. Chính những suy nghĩ, cách ứng xử đó là tiền đề, mở đường cho các “quan thanh tra” cơ hội làm ăn với những trò tác nghiệp ma giáo của mình.

Còn nhớ cách đây không lâu, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã quyết định khởi tố 5 cán bộ thanh tra xây dựng. Những người bị bắt giữ là thành viên đoàn Thanh tra tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện nhiệm vụ thanh tra về quản lý thu chi ngân sách và đầu tư xây dựng cơ bản tại huyện Thiệu Hóa.

Thật đáng buồn cho các “quan thanh tra” này. Lẽ ra, họ phải là những người đi tiên phong trong việc giữ gìn kỷ cương phép nước, đem lại niềm tin cho quần chúng nhân dân, thì chính họ đã vứt bỏ tư cách cao quý đó để nhúng tay vào những việc khuất tất đáng lên án. Người nhân danh chống tham nhũng lại tìm cách tham nhũng. Thật trớ trêu thay!

Được biết, ngày 14-6-2019, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Công an tỉnh Vĩnh Phúc và các đơn vị chức năng khẩn trương xác minh, điều tra làm rõ vụ việc đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng vòi tiền để xử nghiêm theo quy định pháp luật, báo cáo Thủ tướng kết quả trước ngày 1-8.

Theo Báo điện tử Chính phủ (baochinhphu.vn), ngày 27-6-2019, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc, từ nhận diện thực trạng tham nhũng vặt, rút ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng Trương Hòa Bình đã đề ra 10 giải pháp căn bản nhằm từng bước ngăn chặn “tham nhũng vặt” hiện nay. Phải giảm dần và triệt tiêu tình trạng cán bộ, công chức có hành vi vòi vĩnh, đòi hối lộ. Cũng theo Phó thủ tướng, thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử, quy trình chuyên môn, nghiệp vụ. Cần ban hành quy chế làm việc quy định rõ trách nhiệm, minh bạch, cụ thể và có cơ chế kiểm soát hiệu quả đối với cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ, nhất là đối với các lĩnh vực như thi hành án, hải quan, thuế, quản lý thị trường, thanh tra, kiểm toán, điều tra… phải bảo đảm ngăn chặn cho được tình trạng sách nhiễu, “vòi vĩnh”, đòi “chung chi” để phục vụ động cơ cá nhân, vụ lợi trong thực thi công vụ.

Trong “Truyện Kiều”, “sai nha” đã làm tan nát gia đình nàng Kiều. Những “sai nha” thời hiện đại vẫn còn nhũng nhiễu đây đó trên đất nước ta. Ngẫm chuyện xưa, ta càng thấm thía một điều: Sự nghiêm minh của kỷ cương phép nước phải được quán triệt tới từng công chức có trách nhiệm thực thi pháp luật. Có thế, chúng ta mới từng bước làm trong sạch một bộ phận cán bộ thoái hóa, biến chất, đem lại niềm tin cho quần chúng nhân dân.

 

Từ khóa » Khốc Hại Chẳng Qua Vì Tiền