Một Người Văn Xốc Vác Dữ Dội, Một Người Thơ U Uẩn, Cô đơn

  • Ra mắt tập hai bộ tiểu thuyết “Kiếp người” của Trung tướng - nhà văn Hữu Ước
  • Trung tướng, nhà văn Hữu Ước làm cố vấn cuộc thi “Nữ hoàng đá quý Việt Nam”
  • Chùm thơ của Trung tướng - Nhà văn Hữu Ước
  • Nhà văn Hữu Ước: Chật chội dưới trời xanh...

Trước đó, khi nghe Hữu Ước nói về bộ tiểu thuyết “Kiếp người” sắp xuất bản, tôi nói với ông: “Thực chất, đây là cuốn tự truyện về cuộc đời đầy sóng gió và cũng nhiều thành đạt của ông. Tiểu thuyết chỉ là cái cớ để ông khai triển mạch văn và sự hư cấu trên cái nền tảng giàu chất liệu đời sống mà ông từng trải qua với nhiều mối quan hệ mà không phải người văn nào cũng có được.

Giới báo chí nước ta thời Đổi mới có hai ông làm Tổng biên tập thuộc hàng lâu nhất (trên dưới hai chục năm) của hai tờ báo lớn là Hữu Ước (Báo CAND) và Nguyễn Công Khế (Báo Thanh niên). Và, có lẽ người ta đang chờ đợi hai cuốn tự truyện (hoặc hồi ký) của hai ông vốn biết rất nhiều chuyện “thâm cung bí sử” của thời Đổi mới. Vì đây là giai đoạn sôi động nhất của báo chí Việt Nam với nhiều sự kiện nóng và các biến cố thăng trầm của nghề báo”.

Nghe tôi nói, Hữu Ước cười ha hả: “Không phải ai cũng viết được đâu, tiểu thuyết không phải trò đùa đâu! Chỉ có tớ mới dám “liều mình như chẳng có” vung bút xông vào lĩnh vực ấy. Cậu sẽ thấy ở bộ tiểu thuyết “Kiếp người” của tớ có đủ tất tần tật các sắc thái của văn chương - nghệ thuật: Từ hồi ký đến tự truyện, từ tiểu thuyết đến truyện dài, truyện ngắn, cuốn này rất giàu chất thơ, chất nhạc và cả chất hội họa nữa đấy! Từ các nút thắt - nút mở của kịch đến các mảng miếng của phim ảnh. Không viết kịch, không làm phim, không viết nhạc, vẽ tranh như tớ thì không viết nổi đâu!”.

Tôi chợt nghĩ: Nói gì thì nói, trước hết, Hữu Ước là một người văn tài hoa, một người làm báo giỏi và một nhà điều hành báo chí xuất sắc. Cách đây hai chục năm, từ hai bàn tay trắng, ông dựng tờ An ninh thế giới nổi đình nổi đám, có thời điểm mỗi kỳ báo ra tới 50 vạn số rồi 60 vạn số, rồi sau này dựng kênh truyền hình CAND cùng hàng loạt ấn phấm lừng lẫy của Báo CAND. Điều đáng nói, trước thời điểm hoàng kim ấy, Hữu Ước từng gặp tai nạn nghề nghiệp về báo chí khi còn là phóng viên Báo CAND và nếm đủ mọi nỗi khổ ải trường đời.

Sau đó, khi được minh oan, trở lại công tác ở Báo CAND, Hữu Ước vụt sáng như một “ngôi sao báo chí”. Ông được phong cấp hàm Trung tướng, Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới, Tổng biên tập 4 ấn phẩm báo chí: CAND, An ninh thế giới, Văn nghệ Công an, Cảnh sát toàn cầu và kiêm luôn Tổng biên tập Truyền hình CAND. Trước khi về hưu, ông là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND.

Liệt kê như trên để thấy Hữu Ước là một con người khá đặc biệt, có số phận đặc biệt trong một giai đoạn cũng khá đặc biệt của thời kỳ Đổi mới. Nếu không có Đổi mới thì làm sao có một người văn sau tù đầy lại trở thành Tổng biên tập của mấy tờ báo lớn, trở thành Anh hùng, trở thành Trung tướng của lực lượng Công an. Chính bởi thế mà bộ tiểu thuyết “Kiếp người” của Hữu Ước thực chất là tiểu thuyết tự truyện về cuộc đời ông vừa ra mắt công chúng đã thật sự lôi cuốn được sự chú ý của dư luận và bạn đọc.

Trung tướng - Nhà văn Hữu Ước (bên phải) và tác giả bài viết.

Tôi đọc “Kiếp người” với cái thích thú được tò mò, tìm hiểu xem Hữu Ước viết kiểu gì và đưa những chi tiết sống động gì trong cái quãng ngày trầm luân, khổ ải của ông khi gặp tai nạn nghề nghiệp báo chí. Có lẽ không phải vô tình, Hữu Ước lại bố cục phần mở đầu 2 tập tiểu thuyết “Kiếp người” của mình bằng tâm trạng trăn trở, day dứt của một phận người từng bị số phận dập vùi xuống tận đáy nhưng vẫn khao khát vươn lên qua đắng cay bằng nghị lực sống bền bỉ như vậy.

Sự trải nghiệm của tác giả chính là chiếc chìa khóa mở ra cái mạch chuyện khá hấp dẫn và đầy biến động của bộ tiểu thuyết này. Với thi pháp đồng hiện, mạch chuyện tiếp tục dẫn người đọc đi qua những diễn biến nóng bỏng trong các hoạt động của một tờ báo lớn, bước vào thời kỳ Đổi mới sôi động hướng đến thị trường và bạn đọc. Có nhiều nhân vật trong tiểu thuyết “Kiếp người” là những nhân vật của cuộc đời thực, với các cảnh huống bi - hài có thật được tác giả dựng lên thành các chân dung đời sống khá sinh động và hấp dẫn.

Trước đây, khi bộ tiểu thuyết “Kiếp người” chưa ấn hành, trong một lần ngồi trò chuyện với nhau với tư cách bạn văn, tôi có chia sẻ với nhà văn Hữu Ước: “Cuộc đời của ông thật kỳ lạ, số phận ông cũng thật lạ kỳ. Bản thân nó đã thấm đẫm chất tiểu thuyết với một nhân vật điển hình vượt lên mọi cảnh huống điển hình để làm nên một cốt truyện điển hình trong một giai đoạn sôi động, phức tạp cũng rất điển hình. Nhưng thật ra, hình như dư luận vẫn chờ đợi ở ông một cuốn hồi ký hoặc một tự truyện của một nhà văn đã hơn 20 năm làm tổng biên tập một tờ báo lớn gắn liền với sự thăng trầm của báo chí Việt Nam thời Đổi mới với những sự - thật - lớn ở bên trong mọi sự - thật - nhỏ của giai đoạn này…”.

Sau một hơi thuốc lào đậm đặc, Hữu Ước gõ cái điếu đánh cộp một cái, rồi nhìn tôi cười ha hả: “Không hồi ký, không tự truyện gì hết, ông hiểu không? Phải là tiểu thuyết và chỉ có tiểu thuyết mới đủ dung lượng để gói trọn cuộc đời tôi, cuộc đời của một nhà báo đầy cay đắng, thăng trầm nhưng cũng đầy quyết liệt, vinh quang mà không phải một tổng biên tập báo nào hôm nay cũng có được, ông hiểu không?”. Tôi ngắm Hữu Ước qua làn khói thuốc, gương mặt đầy vẻ cương trực của ông tuy đã có nét thấm mệt vì “trường đời-trường văn” nhưng vẫn hằn lên vẻ quyết liệt của một cá tính không bao giờ chịu buông xuôi trước cuộc đời. Và vì thế bộ tiểu thuyết “Kiếp người” của Hữu Ước hôm nay đã đến tay bạn đọc sau nhiều trăn trở của một đời văn.

“Một thi sĩ dại khờ giữa thế giới người khôn”, Hữu Ước viết câu thơ nói trên trong bài thơ “Thương anh” đúng vào ngày nhà thơ Phạm Tiến Duật qua đời với nỗi niềm kính trọng một người anh - một người thơ lực lưỡng trong thế hệ thi ca chống Mỹ. Trong thời bình, sự yên ổn nhàm chán và hạnh phúc bấp bênh lại giống như tấm áo quá chật chội của số phận so với kích thước tâm hồn một người thơ như Phạm Tiến Duật nên Hữu Ước đã chia sẻ với nhà thơ đàn anh bằng hình tượng:

Nhưng giữa thời bình tôi thấy anh lạc lõng Một thi sĩ dại khờ giữa thế giới người khôn Quờ quạng kiếm tìm một mối tình bé bỏng Và một chút chức còm nào có ai cho… Cũng vì thế, thương anh, có những tháng ngày anh phải sống Bên cạnh những con người không có trái tim Thời gian như chiếc đèn cù Cuộc sống bộn bề với trăm ngàn công việc Anh vẫn là đứa trẻ hồn nhiên Chẳng cần biết đến một thời oanh liệt Anh tặc lưỡi: Hào quang rồi gì cũng tắt Miễn là ta vẫn cứ là ta Một thi sĩ dại khờ giữa thế giới người khôn

Những câu thơ chân thành đồng cảm với nỗi đau day dứt, Hữu Ước đã khắc họa chân dung nhà thơ Phạm Tiến Duật ở một góc nhìn có tính thế sự - chiêm nghiệm với nhiều kỷ niệm về một Người - Thơ - Lớn. Và, đến tập thơ thứ tư “Một mình” của Hữu Ước, ta thấy sự chiêm nghiệm - thế sự đã trở thành một biểu tượng ám ảnh trong nhiều câu thơ của ông mà bài thơ “Trước lăng mộ Tần Thủy Hoàng” dưới đây là một điểm nhấn: “Đốt sách và chôn nho/ Thống nhất Trung Hoa/ Xây Vạn Lý Trường Thành/ Vẫn mộng tưởng thuốc trường sinh/ Dưới ba thước đất/ Cùng ba vạn binh mã bằng đất/ Mơ giấc mơ của đất/ Buồn nỗi buồn của đất/ Đau nỗi đau của đất/ Suốt 5000 năm chưa gặp lại Trung Hoa”.

Câu kết bài thơ nói trên dường như đã đóng lại một triều đại huy hoàng nhất của phong kiến tàn độc Trung Hoa nhưng đã mở ra một câu hỏi lớn về nỗi sợ hãi có thật của những bạo chúa khi bị chôn vùi trong đất đen của bóng đêm lịch sử.

Hình như ban đầu, Hữu Ước chỉ mong muốn ghé qua thơ như một “sự chơi” của một người văn tài hoa muốn thử nghiệm sức mình ở mọi thể loại, nhưng rồi khi “thơ hút hồn” ông thì Hữu Ước chợt nhận ra thơ là sự cứu rỗi sau cùng của một người văn đang chìm đắm trong nỗi cô đơn nghiệt ngã của số phận, nhất là khi vợ ông qua đời: “Cây bàng nhà mình đã hai mùa lá/ Thời gian trôi đi hai mùa xuân/ Và cũng hai năm, em Tết không về/ Anh nhìn mảnh sân nhỏ nơi em hay đứng/ Cây giong riềng úa lá tự bao giờ/ Giường rộng quá và đêm dài quá/ Bóng tối thì dày, chẳng thấy tiếng em…/ Từ ngày em không về ngôi nhà linh thiêng/ Anh tập dần phần đời đơn lẻ/ Giọt đau/ Giọt buồn/ Giọt đắng/ Giọt cay/ Nước mắt trộn cơm canh, anh vừa lùa vừa húp/ Nhưng vẫn phải nói cười/ Như giọt nước qua bao mùa giông bão/ Bây giờ anh mới hiểu…/ “Một ngày hơn cả trăm năm” (Hai Tết em không về).

Thơ muôn đời vẫn là tiếng nói của tình cảm, của nhân tình thế thái, của nỗi đau mất mát, chia ly. Trong từ trường của ngôn ngữ thi ca ấy, người thơ mới chạm đến được sự hoài cảm căn cốt rồi linh cảm sâu xa, u ẩn trong ký ức của chính mình và các bạn văn. Tôi không bàn về nghệ thuật của thơ Hữu Ước vì thơ ông là một phần đời được chắt gạn từ tâm trạng thế sự và những nỗi đau hướng đến sự đồng cảm, chia sẻ nơi người đọc chứ không phải là sự phát hiện, khám phá mới về mặt biểu tượng nghệ thuật nên anh rất tâm đắc với nhận định: “Cho thơ ngâm vào rượu/ Không bằng cho rượu ngấm vào thơ”:

Người xưa uống rượu hũ, rượu bát Bàn tay quệt ngang mồm cười, khóc vu vơ Người đời không hiểu họ buồn hay vui

Người nay uống rượu chai, rượu ly Bàn tay không quệt ngang mồm Nhưng vẫn khóc, cười lơ ngơ Người đời không hiểu họ khôn thế nào?

Chỉ có người làm thơ khi uống rượu Mới biết cho thơ ngâm vào rượu Không bằng cho rượu ngấm vào thơ

(Rượu)

Thơ Hữu Ước là vậy, mộc mạc, chân giản trong cách chọn từ, chọn chữ và không cầu kỳ thi hứng, cũng không ham luận bàn, triết lý xa xôi. Với ông, thơ nhiều khi chính là dòng tự cảm, tự kỷ trước hết rồi mới đến dòng tự sự, tự an nhiên.

Từ khóa » Nỗi Buồn U Uẩn