Người đi Tìm Vẻ đẹp Của Nỗi Buồn - Báo Công An Nhân Dân điện Tử
Có thể bạn quan tâm
Hầu như toàn bộ sự nghiệp văn chương của ông dành trọn cho nỗi buồn. Từ truyện đầu tay: "Nhật ký tuổi mười sáu", đến "Vũ nữ xứ Izu", "Những truyện ngắn trong lòng bàn tay", "Người đẹp say ngủ", "Ngàn cánh hạc", "Đẹp và buồn", "Xứ tuyết", "Danh thủ cờ vây" và "Cố đô"... tất cả đều tràn ngập một nỗi buồn mong manh, hư ảo... Những sáng tác buồn thương và tinh tế của Yasunari đã trở thành một trong những di sản tinh thần quý giá nhất của thế kỷ XX. Tìm kiếm và suy ngẫm về vẻ đẹp của nỗi buồn mà nhận được giải Nobel Văn học, âu cũng là chuyện hy hữu trong văn đàn thế giới.
Trong diễn văn đọc tại lễ trao giải Nobel Văn học 1968, Tiến sĩ Anders Usterling xác nhận: "Yasunari Kawabata là người tôn vinh vẻ đẹp hư ảo và hình ảnh u uẩn hiện hữu trong đời sống thiên nhiên và trong định mệnh con người. Với tư cách nhà văn, ông đã truyền đạt một nhận thức văn hóa có thẩm mỹ và đạo đức cao, bằng một phong cách nghệ thuật độc đáo, do đó đóng góp vào cầu nối tinh thần Đông - Tây theo cách của ông"...
Yasunari Kawabata sinh năm 1899, tại thành phố Osaka, trong một gia đình có truyền thống văn hóa. Từ thuở ấu thơ, Yasunari đã mang trong lòng nỗi buồn đau của một đứa trẻ mồ côi. Lên hai tuổi, cha của Yasunari qua đời bởi bệnh lao phổi. Tiếp đến là người mẹ cũng bỏ ông mãi mãi. Yasunari phải đến sống cùng ông bà ngoại. Sự bơ vơ, nỗi ưu phiền của con trẻ đã đi theo Yasunari suốt cả cuộc đời, theo cả vào những giấc mơ, len vào những trang văn của ông. Lớn lên một chút, Yasunari có thêm nỗi buồn từ cảm thức hoài cổ và những suy tư trầm mặc về cuộc sống. Thêm vào đó, sự ngã gục của dân tộc Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai, khiến nỗi buồn vốn có trong ông thêm trĩu nặng. Kể từ năm đó, ông chỉ còn viết về nỗi buồn, tìm kiếm vẻ đẹp "mơ hồ, lộng lẫy và mong manh" của nó.
Ông từng thừa nhận: "Không bao giờ tôi trút được ám ảnh rằng mình là người lang thang ưu sầu. Là người luôn luôn mơ mộng, tuy rằng chẳng bao giờ chìm đắm hoàn toàn trong mơ, mà vẫn luôn luôn thức giữa khi mơ... Từ sau thất bại, tôi chìm vào nỗi buồn - một nỗi buồn ngự trị triền miên trong tâm thức người Nhật chúng tôi. Từ đó trở đi tôi chỉ viết những khúc bi thương!".
Xưa nay, những mối tình đơn phương, những câu chuyện tình dang dở, những cuộc tình tay ba... đã là đề tài muôn thuở của văn chương, hội họa, thi ca... Nhưng viết về tình yêu, lại là những "khối tình" của những cô geisha (ca kỹ) có thân phận thấp hèn, mà được nhận giải Nobel như Yasunari có lẽ không nhiều. Những ai đã từng cất công tìm đọc tiểu thuyết của Yasunari, đều thừa nhận ông là bậc kỳ tài trong việc miêu tả những cung bậc của tình yêu.
Người đang yêu trong truyện của Yasunari có thể là cậu thiếu niên mười sáu tuổi mới "chập chững" bước những bước đầu tiên vào vương quốc tình ái. Cũng có thể là một người đàn ông thành đạt đã yên bề gia thất, thậm chí là một ông già đang "nhẩn nha" đi nốt những bước cuối cùng của cuộc đời chỉ còn có thể ngắm nhìn những cô gái đẹp "say ngủ"... Họ hầu như khác nhau về thân phận, địa vị, tuổi tác, nhưng giống nhau ở chỗ cùng được Yasunari "cho" yêu những cô gái geisha. Mà tất cả những cô geisha trong truyện của Yasunari đều rất trẻ, rất xinh đẹp, rất thanh cao. Bằng cách này hay cách khác, họ đã mang đến cho những người đàn ông mà họ yêu những rung động chân thành, hướng thiện và cảm động.
Mặc dầu chịu ảnh hưởng sâu sắc của chủ nghĩa hiện thực phương Tây, Yasunari vẫn lấy văn chương cổ điển Nhật Bản làm nền tảng, và nhờ đó mà trở thành đại diện cho một khuynh hướng rõ rệt về sự hoài vọng và giữ gìn phong cách truyền thống của Nhật Bản.
Yasunari bắt đầu thâm nhập vào "vương quốc" của nỗi buồn từ khi bắt đầu cầm bút và thủy chung với nó suốt cả cuộc đời. Từ tập truyện đầu tay "Nhật ký tuổi mười sáu" xuất bản năm 1926, đến tác phẩm cuối cùng "Cố đô" ra mắt bạn đọc năm 1968, ông luôn trung thành với "tôn chỉ" viết những khúc bi thương. Văn ông chịu ảnh hưởng sâu sắc sự khổ hành truyền thống và dáng vẻ mong manh nhỏ gọn - sự tiếp nối nghệ thuật thu nhỏ của những vần thơ "haiku" Nhật Bản. Ông cô đọng sự vật trong khi người khác phóng to và giãn rộng nó ra.
Cũng giống như Hemingway - ông dành không gian riêng cho những điều không nói hết. Đọc Yasunari cũng có nghĩa là đồng sáng tạo. Ông luôn bắt người đọc phải diễn giải và tưởng tượng, tự "tô màu" cho những "khoảng trắng" mà ông đã tạo ra trong câu chuyện. Tiểu thuyết của Yasunari dường như không bao giờ có kết thúc đóng, kết cục bất ngờ, không như mong đợi, không giải quyết vấn đề theo những cách thức truyền thống.
Cũng giống như truyện của Anton Chekhov, truyện của Yasunari thường không có mở đầu, không kết luận. Ông không phê phán cái xấu, cũng không suy tôn cái tốt. Giống như giáo lý nhà Phật, với ông, xấu- tốt có trong mọi cuộc đời, mọi nơi, mọi lúc, mà có khi thật ra không thể phân biệt một cách thật rõ ràng.
"Xứ tuyết" được Yasunari viết từ năm 1935, hoàn thành năm 1947, được đánh giá là "Quốc bảo" của Nhật Bản. Cùng với "Ngàn cánh hạc" và "Cố đô", "Xứ tuyết" đã đưa Yasunari - nhà văn Nhật Bản đầu tiên đến với giải Nobel về Văn học. Đây là tác phẩm mang âm hưởng của truyền thống lữ hành của các thi nhân Nhật Bản từ xa xưa. Bối cảnh của câu chuyện tình lãng mạn và bi thương vào loại "bậc nhất" này là suối nước nóng trên đỉnh núi xứ tuyết phía Bắc Nhật Bản, trải qua ba mùa trong một năm là Xuân, Thu và Đông.
Trong cái đẹp mơ hồ của xứ tuyết, bên hai cô geisha đẹp như mộng, chàng trai trẻ Shimamura dường như đã đạt tới sự tự do về tinh thần trong hành trình tìm lại chính mình, bởi tình yêu thuần khiết và những rung động sâu xa trước tình người và phong cảnh đẹp như bức tranh thủy mặc của thiên nhiên Nhật Bản trong mùa đông lạnh giá. Yasunari đã miêu tả "Xứ tuyết" như một thế giới mơ hồ như trong truyện cổ tích. ở nơi đó, Shimamura, một lữ khách u buồn, như mụ mị đi bởi vẻ đẹp của hoa tuyết đã tan, về mối tình đã mất. Với cái nhìn huyền ảo xuyên suốt qua cõi thực và mơ, "Xứ tuyết" là hình ảnh của thế giới thực và một thế giới ảo cùng soi chiếu vào nhau, tồn tại trong nhau bằng những sắc màu lung linh, huyền ảo. Đó là thế giới của sự tương giao của nội tâm và khung cảnh; của sự nối tiếp thời tiết từ mùa Xuân đến mùa Đông, của sự hội ngộ và chia ly; của sự sống và cái chết; của màu tuyết trắng và màu lửa đỏ; của tình yêu thuần khiết và tình yêu đam mê…
Trong cuộc đời thực, Yasunari rất có duyên với cái tên Chiyo. Người con gái đầu tiên làm rung động trái tim trai trẻ của ông là tiểu thư Chiyo xinh đẹp, con nhà quyền quý. Sau khi tốt nghiệp đại học, trong chuyến du lịch tại Izu, Yasunari lại gặp và yêu một vũ nữ cũng có tên là Chiyo. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, Yasunari buộc phải chia tay với cô.
Như một điệp khúc tình yêu, Yasunari lại tình cờ gặp một cô Chiyo khác trong một quán bar. Nhưng Chiyo lại là bông hoa đã có người hái, vì thế giấc mơ Chiyo của Yasunari đành tan vỡ. Chẳng bao lâu sau đó, Yasunari lại gặp một cô Chiyo là một cô gái phục vụ trong quán cà phê. Chiyo lần này là một cô gái tuy học vấn thấp, nhưng tính tình đoan trang, độ lượng khiến Yasunari rất ngưỡng mộ. Hai người đã bí mật đính hôn với nhau và chuẩn bị làm đám cưới. Nhưng không hiểu vì lý do gì, Chiyo đã đột ngột đòi chia tay, gây cho Yasunari một cú sốc về tinh thần. Từ đó Yasunari nghiệm ra rằng, cuộc đời ông chưa bao giờ thoát khỏi những kết cục tình yêu mang tên Chiyo. Những mối tình mang tên Chiyo như một ảo ảnh luôn hiển hiện trước mắt ông. Có một năm, Tokyo xảy ra động đất, Yasunari đã đến những đường phố đổ nát để tìm Chiyo! Cô Chiyo trong cuộc đời thực của nhà văn đã nhiều lần hóa thân thành những cô geisha xinh đẹp, thanh cao trong truyện của ông.
Yasunari sinh cùng năm với tiểu thuyết gia người Mỹ Hemingway - năm 1899. Giống Hemingway, ông vinh dự nhận giải Nobel Văn học và cũng kết thúc cuộc đời bằng một vụ tự tử. Mặc dù trong diễn văn đọc tại buổi lễ nhận giải Nobel, Yasunari đã lên án cách kết thúc cuộc đời con người bằng cách tự vẫn, một cách chết "rất Nhật Bản" đã cướp đi nhiều người thân của ông. Song rốt cuộc, cũng giống như những nhân vật của ông trong tiểu thuyết với những u uẩn và trăn trở, ông lại tự vẫn bằng khí đốt trong một căn phòng tại Hayama, ngày 16 tháng 4 năm 1972, tức 4 năm sau khi ông nhận giải Nobel. Ông không để lại thư tuyệt mệnh nên người đời sau đã đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau về lý do khiến ông tự vẫn.
Một số người cho rằng ông tự vẫn vì không chịu đựng nổi tình trạng sức khỏe ngày càng suy sụp. Một số khác lại nói rằng vì một cuộc tình cuối đời bị cấm đoán nên ông chẳng thiết sống nữa. Cũng có người lại thiên về ý kiến cho rằng Yasunari tự tử là vì bị "sốc" bởi vụ ông bạn thân: nhà văn Mishima Yukio tự tử trước đó ba năm
Từ khóa » Nỗi Buồn U Uẩn
-
Nghĩa Của Từ U ẩn - Từ điển Việt
-
Phạm Duy: Nỗi Buồn U Uẩn Và đám Cưới Của Thái Hằng - Báo Phụ Nữ
-
Cảm Nhận Về Nỗi Buồn Trong Những Stt ý Nghĩa Nhất - STTHAY
-
Ta Còn U Uẩn Nổi Buồn Riêng Mang. - YouTube
-
Danh Ngôn Về Nỗi Buồn
-
Tiểu Sử Nhạc Sĩ PHẠM DUY - Cuộc đời Và Những Nỗi Buồn U Uẩn ...
-
Một Người Văn Xốc Vác Dữ Dội, Một Người Thơ U Uẩn, Cô đơn
-
Người đi Tìm Nỗi Buồn - Tuổi Trẻ Online
-
Nỗi Buồn Tháng Tư - :: VietCatholic News ::
-
Sức Mạnh Của Nỗi Buồn :: Suy Ngẫm & Tự Vấn
-
Phân Tích Con Người Nguyễn Khuyến Qua Câu Cá Mùa Thu
-
Tuổi Trẻ Lạc Lối Và Những Cuốn Sách Của Tôi - Sách Hay - Zing
-
Lạ Kỳ Tộc Người đếm Thời Gian Theo Tiếng Sấm - Tiền Phong
-
Nhạc Xưa - [Câu Chuyện Âm Nhạc] - Phạm Duy: Nỗi Buồn U Uẩn...