Một Quả Thận “đi đường” Nào?

Chiều ngày 3/12, Hội đồng khoa học của Bệnh viện Hùng Vương, TP.Hồ Chí Minh với sự tham gia của PGS.TS. Trần Ngọc Sinh - Trưởng khoa Tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy đã có buổi họp báo công bố chính thức các vấn đề liên quan đến việc bệnh nhân Nguyễn Thị Nguyệt Thu (sinh năm 1955 thường trú tại quận 8 TP. Hồ Chí Minh) nghi ngờ bị mất một quả thận sau khi mổ cắt bỏ khối u buồng trứng tại bệnh viện này qua bản tường trình của chị với báo chí.

Không thể lấy thận qua đường mở ổ bụng vì nếu lấy thận qua đường này thì thận sẽ bị nát
Theo bản tường trình của bệnh nhân Nguyễn Thị Nguyệt Thu gửi các cơ quan báo chí ngày 1/12/2008: Vào đợt khám sức khỏe ngày 2/11/2007 do Trung tâm Y khoa Medic thực hiện, phiếu kết quả siêu âm tổng quát của bệnh nhân có kết luận: khối u buồng trứng to. Trung tâm đã yêu cầu bệnh nhân phải nhập viện ngay để cắt bỏ khối u. Ngày 16/11/2007, chị Thu đã đến Bệnh viện Hùng Vương để điều trị. Sau 11 ngày nằm viện để làm các xét nghiệm, ngày 26/11/2007, bệnh nhân đã được phẫu thuật với chỉ định phẫu thuật: cắt trọn khối u, cắt tử cung hoàn toàn.

Ngày 3/10/2008, sau gần một năm phẫu thuật, chị Thu đi khám sức khỏe định kỳ (cũng do Trung tâm Y khoa Medic thực hiện), kết quả siêu âm tổng quát, phần niệu - thận ghi: không sỏi, không thấy thận trái, thận phải cấu trúc bình thường. Bác sĩ cho biết, chị chỉ còn một quả thận bên phải. Điều này đã khiến chị rất ngỡ ngàng. Quá lo lắng, ngày 26/11/2008, chị Thu tiếp tục đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP. Hồ Chí Minh để siêu âm. Kết quả vẫn là: Không thấy thận trái ở hố thận. Hoang mang tột độ, chị đã thử hỏi một số bác sĩ có trường hợp nào do bẩm sinh chỉ có một quả thận hay không và nhận được câu trả lời, nếu bẩm sinh chỉ có một quả thận thì ở lần siêu âm trước người ta đã phát hiện.

Giải đáp những thắc mắc của chị Nguyệt Thu, PGS.TS. Trần Ngọc Sinh, cho biết: có thể loại trừ trường hợp cắt nhầm thận hay cố ý lấy cắp thận của bệnh nhân ở trường hợp này do vật chứng bệnh phẩm cho thấy đó không phải là thận mà là một khối u buồng trứng. Và phải khẳng định ngay là không thể lấy thận qua đường mở ổ bụng (trừ trường hợp đó là thận lạc chỗ) vì nếu lấy thận qua đường này thì sẽ nát hết, không thể ghép được. Bên cạnh đó, không loại trừ trường hợp bị một thận bẩm sinh vì hiện nay tỷ lệ bệnh nhân có một thận bẩm sinh là khá lớn, khoảng 1/1.100. Cũng theo TS. Sinh, kỹ thuật cắt thận không hề đơn giản và khó lòng có thể thực hiện được khi không phải là bác sĩ chuyên khoa tiết niệu.

Việc xác định lại xem có phải thận đã bị cắt hay không, theo TS. Sinh cũng có thể thực hiện được với kỹ thuật vô thuốc, chụp Xquang theo dõi góc cắt. Tuy nhiên, kỹ thuật này sẽ rất nguy hại cho sức khỏe bệnh nhân. Hơn nữa, nếu trường hợp góc cắt sát với động mạch và vết khâu được thực hiện khéo léo thì cũng khó xác định.

Về phía Bệnh viện Hùng Vương, phát biểu tại cuộc họp báo, TS.BS. Trần Sơn Thạch - Giám đốc bệnh viện cho biết: hồ sơ bệnh án của bệnh nhân còn lưu tại bệnh viện cho thấy, bệnh nhân nhập viện với kết quả chẩn đoán lâm sàng trước mổ là u buồng trứng dạng dịch trong (khối u khoảng 20cm, bằng cỡ của một bào thai 6 tháng tuổi). Do khối u quá lớn, che lấp các phần khác nên ghi nhận của đầu dò là không thể quan sát hết được các phần khác trong nội tạng và đặc biệt là không thấy được thận. Vì vậy, liệu bệnh nhân có một thận bẩm sinh hay không, bệnh viện cũng chưa dám khẳng định. Mặc dù vậy, dựa trên kết quả giải phẫu bệnh thì bệnh phẩm hoàn toàn không phải là thận mà đã được xác định là một khối u tuyến bọc dịch nhầy buồng trứng. Bệnh nhân đã hoàn toàn bình phục sau phẫu thuật, không có biến chứng gì. Hiện tại bệnh viện chưa chính thức nhận được đơn thư hay bản tường trình nào của chị Nguyệt Thu mà chỉ biết thông tin về trường hợp này qua báo chí. Tuy nhiên, để rộng đường dư luận, bệnh viện đã chủ động trao đổi công khai với báo chí toàn bộ những thông tin liên quan và xem đây là một nhịp cầu để bệnh nhân có thể hiểu rõ hơn vấn đề. Bệnh viện Hùng Vương cũng sẽ gửi văn bản giải thích cụ thể cho bệnh nhân.

Nguyễn Huyền

Từ khóa » Thiếu 1 Quả Thận Bẩm Sinh