Một Sài Gòn ấm Tình Người, Tương Thân Tương ái Giữa Cuộc Chiến Với ...

Khi dịch bệnh gây nên khó khăn cho biết bao số phận thì đó cũng là lúc tinh thần đùm bọc, đoàn kết của 2 chữ "đồng bào" càng được thể hiện rõ ràng hơn bao giờ hết ở từng ngõ ngách của Sài Gòn. Trong những ngày dịch bệnh bùng phát, nhiều nhóm thiện nguyện cũng như cá nhân đã chủ động đứng ra đóng góp sức mình bằng nhiều hình thức để hỗ trợ, chăm lo cho nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn vượt qua giai đoạn khó khăn trong đại dịch.

Anh Nhân mở điện thoại xem lại những dòng tin nhắn đầy cảm động trong lúc kể về những số phận long đong giữa mùa dịch mà anh đã giúp đỡ. Họ tạm thời không còn phải lo xem ngày mai thùng gạo có còn đủ cho bữa cơm giữa trời hè nóng nực của Sài Gòn hay không.

Khi TPHCM bắt đầu giãn cách theo Chỉ thị 15, thành phố đề nghị người dân đeo khẩu trang, không tụ tập đông người và không ra ngoài khi không có việc cần thiết… khiến anh Nguyễn Thế Mỹ không khỏi lo lắng. Còn những người “không có nhà”, họ sẽ ra sao giữa mùa dịch không công ăn việc làm, không có gạo để nấu một bát cơm… “Tôi nghĩ ngay đến những người vô gia cư, hoàn cảnh khó khăn như bán vé số, ve chai… Một bữa ăn là điều nhỏ bé nhất mà mình có thể làm cho họ lúc này” - anh Nguyễn Thế Mỹ chia sẻ.Nghĩ là làm, mỗi buổi sáng tại số 96 đường Nguyễn Chí Thanh (Quận 10, TPHCM), một nhóm thiện nguyện luôn chân luôn tay nấu những phần cơm chay từ thiện để phát miễn phí cho những người từ khắp nơi tới nhận và để gửi đến các địa điểm cách ly. Người phát động nấu ăn từ thiện không ai khác là anh Nguyễn Thế Mỹ - Ủy viên Ban từ thiện Giáo hội Phật giáo Việt Nam, TPHCM. Không phải chỉ bắt đầu từ đầu đợt dịch này mà trong nhiều năm nay, anh Nguyễn Thế Mỹ và những thành viên trong hội Pháp Hoa Ấn Quang đã thực hiện nhiều chương trình phát cơm cho người nghèo ở địa bàn thành phố.

Ban đầu, số lượng người tới nhận không quá đông nhưng càng ngày, người tới nhận cơm chay càng nhiều lên. Bằng tấm lòng nhân ái, cùng với sự nhiệt huyết của bản thân và sự đồng lòng của mọi người, ai có sức góp sức, ai có tiền góp tiền, tại địa điểm này, mỗi ngày anh Mỹ và nhóm của mình đảm bảo có đủ các suất ăn dành cho các khu cách ly đã đặt số lượng trước và vài trăm suất phát cho người đi ngang qua đường.Mỗi ngày, từ 500-1.000 suất ăn, bao gồm 1 phần cơm chay đi kèm với 1 phần sữa, nước suối hoặc có khi là trái cây, bánh ngọt đã được chuẩn bị bà con bán ve chai đi qua nhận hoặc chia về các khu cách ly trong quận và các quận khác.

Your browser does not support HTML5 video.

Từ đó, địa chỉ số 96 Nguyễn Chí Thanh đã dần trở nên quen thuộc với người lao động nghèo quanh đây. Và sự tử tế, tương thân tương ái đã chạm vào trái tim những người sống xung quanh và ý thức thực hiện việc tốt đã được lan toả vào cộng đồng.

Một người hàng xóm sống ngay bên cạnh căn nhà số 96 Nguyễn Chí Thanh vừa giúp nhóm anh Mỹ hướng dẫn cho người đến xếp hàng lấy cơm vừa kể lại: “Tôi thấy những người nghèo họ khổ quá, làm lụng vất vả mà không đủ ăn. Giờ dịch bệnh thế này mà cứ đi lang thang ngoài đường thì cơm có khi còn không có, rất thương, nên khi họ đi ngang qua tôi gọi họ vào nhận cơm. Lúc đầu, cũng có người ngần ngại nhưng sau thấy vài người xếp hàng nên dần họ cũng quen”.Đúng 11h trưa, cánh cửa mở ra và những giỏ chứa đầy những suất ăn được trao tới tay những người tới đây. Người đến nhận cơm ai cũng ý thức xếp hàng, không chen lấn, không giành giật, lấy được phần cơm của mình, nhìn gương mặt ai cũng vui vẻ hẳn lên. Dường như những nhọc nhằn vất vả đã vơi đi phần nào khi họ không còn phải lo bữa trưa nay phải ăn gì.Nhớ lại quá trình hơn 2 tuần phát cơm miễn phí, anh Mỹ không quên được những khoảnh khắc đầy xúc động. "Hầu hết người tới nhận cơm trong những ngày qua đều là những người nghèo bán ve chai hoặc cơ nhỡ, khi họ nhận được phần cơm, họ vui và cảm động lắm. Có người nói với tôi rằng họ rất mong việc phát cơm sẽ được duy trì lâu dài hơn”.

Và cũng không chỉ một mình nhóm của anh Nguyễn Thế Mỹ, khắp mọi ngóc ngách trên các quận huyện TPHCM cũng đang có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tấm lòng không thể kìm lại trước những số phận khó khăn. Ở một góc phố giao giữa Nguyễn Trung Trực và Lê Lợi (Quận 1, TPHCM), những người tới đây xếp hàng nhận cơm trưa còn được nhóm các thanh niên ở đây giúp khử khuẩn, phát khẩu trang… tất cả hoàn toàn miễn phí.Đã thương thì thương cho tới. Chỉ có thời gian để chuẩn bị được bữa trưa nên họ không quên lo thêm cho bữa tối bằng một cách khác. Và không chỉ dừng lại ở 2 chữ “miễn phí” họ còn phát cho những người tới nhận cơm mỗi người 1 phong bao lì xì với trị giá 20.000 đồng. Có thể 20.000 đồng với những người bình thường không lớn, nhưng với số tiền có thể tưởng là ít ỏi này, chúng tôi thấy nụ cười thể hiện qua đuôi mắt với thật nhiều nếp nhăn và nỗi lo lắng nhọc nhằn trên gương mặt của những người đến nhận.Sau khi nhận được phần cơm trưa của mình, bà Lê Thị Toàn (Quận 4) kể lại: Trước đây, bà Toàn làm việc tại nhà rác Quận 4, dịch bệnh khó khăn khiến bà không có việc làm. Trên đường đi lang thang kiếm việc làm cách đây gần 1 tuần, bà tình cờ biết tới điểm phát cơm này và thế là những bữa trưa gần đây bà Toàn đã được "ấm bụng" để có sức tiếp tục tìm công việc.

“Người trong cuộc mới hiểu”. Đó là lý do chị Đỗ Phạm Nguyệt Thanh (Lê Quốc Hưng, P.13, Q.4) - chuyên viên Trung tâm Nghiên cứu Y sinh - Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, đã cùng cả gia đình, các mạnh thường quân đã thực hiện hàng loạt những hoạt động đầy ý “vì tuyến đầu chống dịch” trong những ngày cách ly. Cũng là một bác sĩ nên chị hiểu được cảm giác của các y – bác sĩ và những gì mà các y bác sĩ đang cần nhất, đặc biệt là các y bác sĩ ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM.

Your browser does not support HTML5 video.

25.000 tấm chắn giọt bắn đã được gia đình gồm cả 3 thế hệ của chị Nguyệt Thanh thực hiện từ sáng sớm tới tối khuya mỗi ngày để kịp thời chuyển tới các tuyến đầu phòng dịch như bệnh viện, cơ sở y tế và các "điểm nóng" dịch bệnh trên địa bàn TPHCM như quận Gò Vấp, quận Bình Thạnh. Và có lẽ đây cũng là cách nhanh nhất để những việc tốt đẹp được lan toả ra tới tất cả mọi người.

Đến khi hay tin bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới phong tỏa, chị Thanh lại muốn làm gì đó giúp mọi người ở bên trong. Chị đã viết một bài đăng lên mạng xã hội Facebook và nhanh chóng nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ các mạnh thường quân.Không đơn giản là bữa ăn đơn thuần, gia đình đã đặc biệt lựa chọn những nguyên liệu tốt nhất, lên thực đơn phù hợp với chế độ ăn của bác sĩ. Các bác sĩ trong bệnh viện làm việc rất mệt nên cơm phải thật ngon, đầy đủ chất dinh dưỡng. Và cứ thế, trong những ngày qua, mỗi ngày hàng trăm phần cơm đã được chuyển qua hàng rào phong tỏa của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, do gia đình chị Nguyệt Thanh nấu từ tờ mờ sáng.

Giữa lòng Sài Gòn này, trong những ngày vừa qua, chúng ta đã chứng kiến biết bao số phận người tật nguyền, người bán ve chai, người vô gia cư, người thất nghiệp… đã không còn phải lo về cơn đói khi nhận những phần cơm từ các nhà hảo tâm.Không chỉ dừng lại ở các điểm phát cơm do các nhóm tổ chức, mà thậm chí giữa trưa nắng, trên đường còn có những người một tay lái xe, một tay trao những phần cơm cho những người lao động lang thang ở các con phố, con hẻm của TPHCM.

Có lẽ chưa bao giờ những gian hàng 0 đồng, những suất cơm dù chay dù mặn miễn phí, những ATM gạo… lại xuất hiện nhiều đến thế. Từ những những cây ATM gạo, gian hàng 0 đồng của các đơn vị, cơ quan cấp phường cấp quận như UBND, Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên… đến các nhà hàng dừng kinh doanh nhưng vẫn nấu hàng trăm bữa cơm cho người cách ly, từ những cá nhân, những gia đình bình thường nhưng có tấm lòng rộng lớn ngày đêm suy nghĩ và hành động vì tuyến đầu, đến những thùng đồ thực phẩm mà người dân trong cùng một chung cư tặng cho nhau trong thời gian cách ly…Giữa lòng Sài Gòn, có hàng nghìn người dân đang san sẻ nhau cái tình thân thương. Họ tin rằng, rồi Sài Gòn sẽ vượt qua được dịch bệnh bằng sự tử tế, bằng lòng thương mến nhau. Hồ Con Rùa lặng yên, chỉ có tiếng lá rơi bị gió thổi xào xạc. Phố đi bộ không bóng người, lặng lẽ nằm im. Landmark 81, Bitexco, Vincom sừng sững, rực sáng ánh đèn với những biểu tượng đoàn kết chống dịch.

XEM THÊM

PODCAST: "Bán Mercedes mua xe chở ATM gạo, mang cơm no cho người nghèo"

16 tháng y bác sĩ chiến đấu với tử thần COVID-19: Những hi sinh vô tận

PODCAST: "Trí và Bảo ở nhà ngoan chờ mẹ về nhé, bệnh nhân COVID-19 đang cần mẹ hơn"

Từ khóa » Cơm Từ Thiện Mùa Dịch