Một số bài thuốc chữa bệnh hoặc hỗ trợ chữa bệnh từ côn trùng Liên quan đến côn trùng từ lâu chúng ta đều nghĩ đến tác hại gây bệnh cho con người và cả động vật và thực vật, dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe con người, vật nuôi và cả thực vật, hay cây trồng. Do đó, xu hướng chung là cần làm thế nào phải tiêu diệt tận gốc cho nâng cao sức khỏe con người và các vạn vật khác. Thế nhưng, nếu xét về mặt tổng thể thì cho thấy tất cả vạn vật trên trái đất này đều có hai mặt tốt và xấu. Như những côn trùng dưới đây, tuy ghê rợn nhưng chữa được rất nhiều bệnh. Trong thế giới động vật, côn trùng chiếm một phần đáng kể. Ngoài những loài côn trùng đã trở thành những vị thuốc quen thuộc trong y học cổ truyền ở dạng nguyên con như bọ cạp, cá ngựa, ngài tằm, dế mèn... còn có những loài côn trùng cho những sản phẩm trực tiếp hoặc gián tiếp đó là xác ve sầu, tổ bọ ngựa, tổ trùng muối... đều được sử dụng trong phòng và chữa bệnh. Không chỉ là nguồn thức ăn bổ dưỡng, nhiều loài côn trùng còn được con người áp dụng vào việc chữa bệnh. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực y học cổ truyền, có tới hơn 40 loài côn trùng được coi là nguồn dược liệu quý sử dụng để chữa bệnh ngoài da, trị vết thương nhiễm khuẩn. Ví dụ, bọ ngựa chữa viêm họng, tò vò giúp giải độc tiêu sưng, chữa thổ tả, sốt rét; giòi ruồi có tác dụng chống nhiễm trùng vết thương; nọc ong, mật ong, sữa ong chúa, kiến, mối có thể dùng để chữa bệnh thấp khớp, cai nghiện ma tuý. Nhìn chung, thế giới côn trùng rất phong phú lại sinh sản nhiều và phát triển nhanh. Vì thế, nếu chúng ta biết cách khai thác đây sẽ là nguồn nguyên liệu sẵn có, rẻ tiền và không bao giờ cạn kiệt.
1.Xác ve sầu: Xác ve sầu tên thuốc thuyền thoái, tên khác thiền thoái, thuyền y, thiền thuế. Để làm thuốc, mùa thu hoạch xác ve xầu vào tháng 6-7, khi lấy xác cần gỡ nhẹ tay, tránh làm xác vụn nát, cho xác ve sầu vào nước sôi, rửa nhẹ cho sạch, ngắt đầu và chân rồi phơi khô. Dược liệu có vị mặn, ngọt, tính hơi hàn, có tác dụng phát tán phong nhiệt, giải biểu, tiêu viêm được điều trị trong những trường hợp sau: + Chữa cảm mạo phong nhiệt, ho nhiều đờm, mất tiếng: Xác ve sầu 3g, ngưu bàng tử 10g, cam thảo 3g, cát cánh 5g. Sắc uống ngày một thang. + Chữa nóng sốt, co giật ở trẻ em: xác ve sầu 3g, câu đằng 6g, tán nhỏ. Sắc với 200ml nước còn 50ml, thêm đường, uống làm 1-2 lần trong ngày. + Chữa chứng khóc đêm của trẻ sơ sinh, trẻ sơ sinh hay giật mình, ngủ không yên giấc: Với trẻ sơ sinh hoặc còn đang bú: xác ve sầu (tán bột mịn)1-2g hòa vào sữa cho trẻ uống hoặc bôi thuốc vào núm vú cho trẻ bú. + Chữa ho, khàn tiếng, mất tiếng: xác ve sầu, nghệ vàng, lượng bằng nhau, tán bột mịn. Tùy theo tuổi, với trẻ em, ngày uống 3 - 4 lần, mỗi lần 4 - 6g, người lớn 8 - 12g một lần; có thể thêm mật ong hoặc đường phèn cho dễ uống. + Chữa đau đầu, chóng mặt, ù tai: xác ve sầu, liều dùng hàng ngày 4 - 6g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột uống với nước ấm. + Chữa mắt có màng mộng, đau nhức mắt: xác ve sầu, cúc hoa vàng lượng bằng nhau, phơi khô, tán bột mịn, ngày uống 1 - 2 lần, mỗi lần 8-12g với nước ấm có thể hòa thêm ít mật ong. Chú ý: phụ nữ có thai không dùng xác ve sầu.
2. Tổ bọ ngựa: Tổ bọ ngựa hay còn gọi là bao trứng bọ ngựa thường dùng tổ dính trên cây dâu tằm với tên thuốc là tang phiêu diêu. Bao trứng bọ ngựa đem về hấp độ nửa giờ cho chín trứng bên trong rồi nướng vàng hoặc sao giòn, tán bột, rây mịn. Có thể sao với rượu, giấm hoặc đốt tồn tính. Dược liệu có vị ngọt, mặn, hơi tanh, tính bình, không độc, có tác dụng bổ thận, ích tinh, chữa mồ hôi trộm, tiểu đêm nhiều lần, di tinh, liệt tinh, xuất tinh sớm đau lưng, tiểu són, phụ nữ bế kinh. Thuốc bổ thận, chữa đau lưng: bao trứng bọ ngựa cây dâu 30g, thạch hộc 20g, đỗ trọng 20g. Tất cả thái nhỏ, phơi khô tán rây bột mịn, luyện với mận ong hoàn viên 6g. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 viên với ít rượu hâm nóng. Hoặc dùng bài: bao trứng bọ ngựa cây dâu 10g, kim anh 10g, liên tu 10g, sơn dược 12g. Sắc uống.
Trị chứng di tinh, hoạt tinh: bao trứng bọ ngựa cây dâu sao vàng, nghiền thành bột trộn với bột long cốt, lượng bằng nhau, ngày uống 2 lần, mỗi lần 6-8g. Uống 7-10 ngày là một liệu trình. Chữa tiểu dầm: bao trứng bọ ngựa cây dâu 12g, đảng sâm 12g, phá cố chỉ 12g, ích trí nhân 8g, thỏ ty tử 8g, ba kích 8g, sắc uống. Trị tiểu đêm: bao trứng bọ ngựa cây dâu 30g sao vàng. Sắc chia 2 lần uống trong ngày. Trị tiểu dắt, tiểu tiện nhiều lần, tiểu són không tự chủ: bao trứng bọ ngựa cây dâu sấy khô tán bột, mỗi lần uống 6g với nước cơm, ngày uống 2 lần. Trị di tinh, tiểu đục, tiểu ra máu: bao trứng bọ ngựa cây dâu 12g, long cốt 30g, mẫu lệ 30g, kim anh tử 15g, hoàng bá 10g, tri mẫu 10g, dạ giao đằng 30g. Sắc uống ngày 1 thang. Bọ ngựa, theo một số tài liệu y học thì loại côn trùng này có tính ấm, bổ thận và giải độc vì thế mà người ta thường bắt bọ ngựa còn sống, bỏ đầu, cánh, chân và ruột rồi rang chín và tán thành bột, đựng trong lọ kín dùng dần. Chữa bệnh liệt dương. Dùng 15g bọ ngựa nấu cùng một con ếch to ăn hàng ngày sẽ giúp quý ông cải thiện được chứng bệnh khó nói này. Ảnh: Thời Báo. Chữa bệnh sưng phù chân. Dùng 2 con bọ ngựa, 30g vỏ bí đao, trư linh 20g, phục linh 20g, râu ngô 20g sắc nước uống mỗi ngày 1 thang. Ảnh: Camnangthucpham.
3. Tổ trùng muối: Tổ trùng muối là những bướu sần sùi do con trùng muối châm và đẻ trứng vào lá, vào cành cây muối hay cây diêm phu mộc mà thành. Dược liệu lấy về, gỡ bỏ những mảnh phiến lá, rửa sạch cho vào chõ hấp nước sôi chừng 3-5 phút, phơi khô. Khi dùng giã nhỏ, để sống hoặc sao qua với tên thuốc là ngũ bội tử. Ngũ bội tử có vị chua, chát, mặn tính bình, không độc, có tác dụng làm se, cầm máu, kháng khuẩn, dùng điều trị trong những trường hợp sau: Chữa đau bụng tiêu chảy, kiết lỵ: Ngũ bội tử tán bột rây mịn, trộn với thịt quả mơ muối (lượng 2 thứ bằng nhau), giã nhỏ, viên thành viên bằng hạt ngô, ngày uống 30 viên với rượu vào lúc đói. Chữa đái dầm: Ngũ bội tử giã nhỏ. Thêm nước cho dính, đắp vào rốn.
Trị nôn trớ: Ngũ bội tử 3g, một nửa để sống, một nửa nướng chín, trích cam thảo 20g. Tất cả tán nhỏ. Ngày dùng 2g/lần hòa với nước cơm hay nước cháo chiêu thuốc. Chữa băng huyết: ngũ bội tử 4g, rễ vú bò 10g, vỏ cây máu chó 10g. Tất cả thái nhỏ, phơi khô, sắc với 200ml nước, còn 50ml, uống làm 1 lần trong ngày. Trị tiểu ra máu: ngũ bội tử 4g, lá lẩu 16g, rễ cây ráng 12g, lá huyết dụ 12g, lá tiết dê 10g. Tất cả giã nát, lọc lấy nước, uống trong ngày. 4. Sâu chít: Đây là loại ấu trùng của một loài bướm màu vàng ngà, sống trong thân cây chít hay cây đót, cây le vào mùa đông. Chúng đục thân cây không ngừng để ăn hết dinh dưỡng làm cho cây héo mòn. Sâu chít sau khi thu hoạch về được rửa sạch bằng nước muối rồi để ráo nước. Muốn để được lâu người ta thường rang lên hoặc sấy khô. Sâu chít sau khi rang khô được tẩm mật ong sau đó lại sấy khô tiếp rồi cho vào hũ thủy tinh đậy kín dùng dần hỗ trợ chữa liệt dương, tăng cường sinh lý. 5. Sâu trên cây dâu: Đây là loại ấu trùng của một loại xén tóc sống trên cây dâu tằm. Để lấy được loại sâu này phải đục lỗ thân cây để lấy những con to. Những con sâu dâu rất béo ngậy, ăn có vị mặn và đặc biệt không độc hại. Chính vì thế mà dân gian tận dụng nó chữa nhiều loại bệnh. Ho sốt, kinh phong. Dùng 3-5 con sâu dâu, cho thêm một ít mật ong hấp chín và nghiền nát rồi thêm ít nước để uống nhiều lần trong ngày để chữa bệnh ho sốt kinh phong. Bài thuốc lành tính này có thể dùng cho trẻ nhỏ. Chữa gầy yếu, đau ốm cho người cao tuổi. Lấy vài con sâu dâu nướng qua cho vào rượu trắng ngâm trong nhiều ngày để uống. Lưu ý mỗi ngày chỉ uống một ít bởi mặt trái của rượu trắng rất có hại với sức khỏe.
Con rết (con rít): Là loài côn trùng thân hẹp ai thấy cũng ghê rợn nhưng nó lại được dân gian chế thành một số bài thuốc bởi nó chứa protid, các loại acid amin. Hai chất độc chiết được từ nọc rết dưới dạng histamin và albumin, có tính chất gần giống nọc ong, làm loãng máu. Chữa mụn nhọt, áp xe. Lấy 5 con rết to để sống hoặc nhúng nước nóng (70-80 độ) hoặc đập chết phơi khô ngâm trong cồn 90 độ trong 10 ngày trở lên để làm dầu xoa bóp. Bôi mỗi ngày 1-2 lần mụn nhọt sẽ tan. Kiến đen: Loại côn trùng nhỏ này chứa tới 40-70% protein gồm nhiều loại axit amin và có những loại không chất nào có thể thay thế được. Theo Đông y thì kiến đen có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu thũng và giảm đau. Giảm độc rắn cắn. Do có tác dụng giải độc vì thế khi bị rắn cắn hãy dùng 100g kiến đen phơi khô, giã nát và đắp lên da để nọc độc của rắn bị tan và rút ra ngoài.
Chữa viêm khớp. Với người bị bệnh tê thấp, viêm khớp mãn tính, hàng ngày có thể dùng trứng kiến đen xào với mướp đắng ăn hoặc dùng trứng kiến ngâm dầu lạc để xoa bóp để giảm bớt những cơn đau nhức. |