Một Số Bài Thuốc Từ Cây Lưỡi Bò

(SKDS) - Cây lưỡi bò (có lá giống như lưỡi trâu bò nên gọi là ngưu thiệt) ngoài ra còn có tên gọi khác là chút chít, thổ đại hoàng, dương đề… là loại cây thảo, rễ khỏe, thân mọc đứng, có rãnh. Các lá gần gốc to hơn các lá phần trên nhiều, phiến lá hình mũi mác dài, hẹp, hơi nhọn ở hai đầu, nhẵn, mép nguyên. Hoa ở ngọn, mọc sát nhau nhất là ở đỉnh, cuống hoa mảnh, có đốt ở phần gốc. Bao hoa có 6 mảnh, vòng trong tròn, kéo dài ra thành một đầu nhọn. Quả hình 3 cạnh. Cây mọc hoang ở khắp nơi, ở bờ ruộng ẩm, hoặc ở trong các ruộng rau muống, nương mạ đã hết nước. Thường mọc từ tháng 1 đến tháng 5.

Bộ phận dùng làm thuốc là rễ củ, thu hái quanh năm, nhưng tốt nhất là vào mùa thu đông. Đào lấy rễ cây già, rửa sạch, bỏ rễ con, để nguyên hoặc thái mỏng, phơi hay sấy khô. Dược liệu là mấu rễ tròn, dài 10 - 20cm, đường kính 1 - 1,5cm, vỏ ngoài màu vàng nâu hay nâu tươi, có vết nhăn dọc, cắt ngang vết cắt không bằng phẳng, lổn nhổn màu vàng, mùi nhẹ.

Theo Đông y, cây lưỡi bò có vị chua đắng, tính lạnh tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, nhuận tràng, sát trùng... Có tác dụng chữa táo bón, mụn nhọt, hắc lào, ứ huyết sưng đau…

Một số bài thuốc theo kinh nghiệm dân gian

- Chữa táo bón: Rễ lưỡi bò 4g, cam thảo 4g. Tất cả rửa sạch đổ 3 bát con nước sắc còn 1 bát, chia 2 lần uống trong ngày, uống lúc còn nóng. Uống liền 3 ngày.

Cây lưỡi bò.

- Chữa hắc lào:

Dùng rễ lưỡi bò 90g, phơi khô ngâm với 600ml rượu, mỗi ngày lắc bình 1 lần, ngâm khoảng 10 ngày, lọc lấy nước bôi vào vùng da bị hắc lào đã rửa sạch thấm khô, ngày 1 lần. Dùng liền 5 ngày.

- Chữa mụn nhọt sưng đau (chưa vỡ mủ): Rễ lưỡi bò 15g, thái mỏng, cho thêm ít dấm đắp vào mụn khoảng 1- 2 giờ, tháo bỏ thuốc ngày một lần, đắp liền 3 ngày.

- Chữa mẩn ngứa do nóng: Dùng lá lưỡi bò tươi 15g, rửa sạch giã nát, sát nhè nhẹ nơi ngứa, sau khi đã rửa sạch, lau khô ngày 2 lần.

Lưu ý: Những người hư hàn, tiêu chảy không dùng.

Lương y Hữu Đức

Từ khóa » Tác Dụng Cây Lưỡi Trâu