Những Cây Thuốc, Vị Thuốc Mang Tên Con Trâu - Báo Đắk Lắk điện Tử

Những cây thuốc, vị thuốc mang tên con trâu 15:53, 13/02/2021

Trâu là một linh vật trong 12 con giáp. Đây là con vật gắn bó với con người từ buổi xa xưa trong nền văn minh lúa nước. Bản thân thịt trâu và những bộ phận khác của con trâu đều có thể là những vị thuốc quý. Đặc biệt, trong dân gian những cây thuốc, vị thuốc mang tên con vật này cũng đều có tác dụng chữa bệnh.

*Ngưu tất: Là rễ khô của cây ngưu tất. Cây có đốt cong, ở nhánh to bạnh như xương đầu gối (bánh chè) con trâu nên gọi là ngưu tất. Ngưu tất vị đắng, chua, tính bình; có tác dụng hoạt huyết, thông kinh, hoạt lạc, chữa bế kinh, kinh nguyệt không đều, mạnh gân cốt trong các bệnh xương khớp, đặc biệt là khớp của chân. Dùng cầm máu trong những trường hợp hỏa độc bốc lên gây nôn ra máu, chảy máu cam, lợi niệu trừ sỏi trong chứng thạch lâm, hạ huyết áp, giảm cholesterol trong máu, giải độc chống viêm. Liều dùng 6 - 12g.

* Ngưu thiệt : còn gọi là cây lưỡi bò, chút chít. Cây có lá giống như lưỡi trâu bò nên gọi là ngưu thiệt. Dân gian thường dùng lá cây chữa ghẻ, lở, hắc lào, các bệnh ngoài da. Dùng làm thuốc nhuận tràng hay tẩy xổ, chữa bệnh táo bón, tiêu hóa kém, ăn uống không tiêu, vàng da, lở ngứa, mụn nhọt... Liều dùng 2 - 6g.

* Ngưu bàng tử: Là quả chín phơi hay sấy khô của cây ngưu bàng. Cây trông xấu xí, sần sùi, sắc sạm như da trâu nên gọi là ngưu bàng. Thuốc có vị cay, đắng, tính hàn, quy kinh phế, vị. Tác dụng thanh giải cảm nhiệt khi phong nhiệt phạm biểu gây sốt, miệng khô họng ráo, viêm amiđan. Dùng giải độc, thúc sởi mọc nhanh. Lá ngưu bàng dùng đắp để tiêu viêm, trừ mủ, giảm đau trong các bệnh mụn nhọt sưng tấy. Hoa và rễ ngưu bàng chữa mụn nhọt, giảm đau, chữa trĩ, viêm thận, lao da... Ngoài ra, có tác dụng nhuận tràng thông tiện dùng khi đại tràng thực nhiệt gây táo kết. Liều dùng 4 - 12g.

*Ngưu căn thảo: Vị thuốc là loại cỏ sống hằng năm, rễ khỏe mọc thành cụm, thân mọc thẳng hoặc mọc bò, dân gian gọi là cỏ mần trầu. Cây mọc hoang khắp nơi trên đất nước ta. Mần trầu tính mát có tác dụng chữa sốt, làm ra mồ hôi, giải cảm nhiệt, chữa sốt rét, bình can hạ áp, dùng chữa cao huyết áp có kết quả. Liều dùng 60 - 100g khô, 300 - 500g tươi dưới dạng thuốc sắc.

*Khiên ngưu tử: Là hạt của cây bìm bìm. Thuốc có vị đắng, tính hàn, có độc, quy vào ba kinh vị, thận, đại tràng. Còn có tên hắc sửu, bạch sửu. Thuốc có tác dụng lợi đại tiểu tiện, trục thủy, tiêu đờm. Chữa thủy thũng, cước khí, thông lợi hai đường tiểu tiện và đại tiện...; các chứng đàm ẩm, ho suyễn. Ngoài ra còn dùng làm thuốc khu trùng phối hợp với đại hoàng, hạt cau trị giun đũa. Liều dùng 4 - 12g.

Nguyễn Thị Thọ (st-bs)

.

Từ khóa » Tác Dụng Cây Lưỡi Trâu