Một Số Biện Pháp Tăng Cường Công Tác Phổ Biến Giáo Dục Pháp Luật ...

Sau 5 năm thực hiện, kế hoạch này đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Tiếp nối chương trình này, ngày 17/01/2003, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 13/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2003 - 2007. Chương trình này với 4 Đề án đang được chỉ đạo tích cực triển khai. Đây là những văn bản pháp luật có ý nghĩa quan trọng, khẳng định quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, làm chuyển biến nhận thức, từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, quản lý xã hội bằng pháp luật, phục vụ cho sự nghiệp đổi mới đất nước.

Để tiếp tục đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật lên một tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, ngày 9/12/2003, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Chỉ thị đã tạo một bước phát triển mới về nhận thức và lãnh đạo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước, toàn dân ta trong việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Để triển khai thực hiện Chỉ thị này, Chính phủ ban hành Quyết định số 212/2004/QĐ-TTg ngày 16/12/2004 phê duyệt Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2010.

Thực hiện những chủ trương của Đảng và Nhà nước về phổ biến giáo dục pháp luật nói trên trong những năm qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận sau đây:

Một là, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã có được cơ sở pháp lý vững chắc cho việc triển khai các hoạt động, đặc biệt là các hoạt động phối hợp của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ và các tầng lớp nhân dân. Hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp mà ngành Tư pháp là nòng cốt đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của các tổ chức đoàn thể xã hội và toàn dân.

Hai là, các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật dần dần đi vào nề nếp theo kế hoạch, chương trình cụ thể với nhiều hình thức, biện pháp thực hiện phù hợp với từng nhóm đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật và điều kiện của địa bàn thực hiện. Nhiều hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật đã được triển khai đồng bộ và mạnh mẽ trên nhiều địa bàn, nhân dân ngày càng có điều kiện tìm hiểu pháp luật.

Ba là, đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từng bước được xây dựng, củng cố. Bên cạnh đội ngũ cán bộ chuyên trách của ngành tư pháp, đã thu hút được một lực lượng đông đảo báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên tham gia.

Bốn là, các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng phong phú, đa dạng và thiết thực với người dân hơn như: Tuyên truyền miệng; biên soạn tài liệu phổ thông dưới dạng hỏi đáp pháp luật, tình huống pháp luật; đưa pháp luật vào giảng dạy trong trường học; tuyên truyền pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng câu lạc bộ pháp luật; tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, trường học; thi tìm hiểu pháp luật; tuyên truyền pháp luật thông qua hoạt động hoà giải ở cơ sở, thông qua tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, thông qua các phiên toà xét xử công khai, lưu động... đã và đang được triển khai mạnh mẽ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được đó, hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật có lúc vẫn còn mang tính thời sự, nặng về phong trào; việc phổ biến hiện nay mới chỉ tập trung vào các luật và pháp lệnh, chưa thực sự chú trọng vào các văn bản hướng dẫn thi hành; có hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn chưa được triển khai nhiều trên thực tế như tổ chức các phiên toà xét xử lưu động kết hợp với phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân; các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật hiện đại chưa được sử dụng triệt để, đặc biệt là việc ứng dụng một cách có hiệu quả công nghệ thông tin vào hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật. Lực lượng thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt là ở cơ sở còn thiếu, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn hạn chế và chưa đồng đều. Bên cạnh đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn gặp nhiều khó khăn do những hạn chế của hệ thống pháp luật như: Các văn bản pháp luật còn thiếu cụ thể, rõ ràng, còn có sự trùng lặp, chồng chéo thậm chí mâu thuẫn nhau; nhiều văn bản thiếu tính khả thi; tính ổn định của hệ thống pháp luật chưa cao. Mặt khác, tình trạng văn bản của nhà nước cấp trên đã ban hành nhưng vẫn phải chờ văn bản hướng dẫn của cơ quan nhà nước cấp dưới vẫn còn, làm cho pháp luật không đi ngay vào cuộc sống. Tình trạng Luật, Pháp lệnh phải chờ Thông tư là một thực tế làm cho pháp luật chậm đi vào cuộc sống, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chậm trễ, khó triển khai. Kinh phí phục vụ cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc.

Trong thời gian tới, để đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, ngoài việc thực hiện các biện pháp đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật, củng cố, tăng cường đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, kiện toàn Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, theo chúng tôi, cần quan tâm đến một số vấn đề sau:

1. Hoàn thiện hệ thống pháp luật - tạo môi trường thuận lợi để pháp luật đi vào cuộc sống.

Một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, minh bạch, ít lỗ hổng, không chồng chéo, mâu thuẫn sẽ tự mình có sức mạnh để đi vào cuộc sống, được xã hội chấp nhận, thừa nhận và tuân thủ.

Sau gần 20 năm đổi mới, chúng ta đã có một hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ, điều chỉnh hầu hết các lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội. Nếu so với thời gian 40 năm trước đó (1945-1985), thì trong gần 20 năm qua, số văn bản luật và pháp lệnh lớn hơn 40 năm cộng lại. Pháp luật đã không ngừng được phát triển và hoàn thiện, thể chế hoá kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần vào việc ổn định xã hội, tăng trưởng kinh tế và quan trọng nhất là tạo tiền đề cho việc xây dựng nhà nước quản lý bằng pháp luật. Tuy vậy, hệ thống pháp luật hiện hành còn nhiều hạn chế và chính sự hạn chế này làm giảm hiệu lực của pháp luật trong cuộc sống, ảnh hưởng đến khâu thực thi pháp luật. Các văn bản pháp luật đều có khiếm khuyết chung như: Thiếu cụ thể, rõ ràng; trùng lặp chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn nhau; nhiều văn bản thiếu tính khả thi; tính ổn định của hệ thống quy phạm còn yếu. Đã vậy, trong một thời gian dài, công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật chưa được chú trọng, do đó, trong thực tế có tình trạng khó phân biệt văn bản nào còn hiệu lực, văn bản nào hết hiệu lực. Hệ thống pháp luật như vậy làm cho ngay cả những cán bộ, công chức có trách nhiệm thực thi pháp luật cũng gặp khó khăn. Do đó, một hệ thống pháp luật muốn phát huy tác dụng tốt trong cuộc sống, thì phải đảm bảo các yếu tố đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch theo đúng tinh thần của chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

2. Cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật theo hướng làm thay đổi cách nghĩ, cách nhìn của nhân dân đối với pháp luật.

Để làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cần có sự tìm hiểu về thái độ của người dân đối với pháp luật, họ hiểu pháp luật như thế nào? Pháp luật có vai trò gì trong cuộc sống của họ?... Có thể nói, phần lớn người dân thường cho rằng “pháp luật” là những mệnh lệnh mà người ta cần phải tuân thủ, là hình phạt, là trừng trị… người khác thì cho rằng, pháp luật chỉ là để giải quyết các tranh chấp. Người dân thường chỉ quan tâm tới pháp luật khi bản thân họ phải rơi vào tình thế sự việc miễn cưỡng, lợi ích bị xâm hại… dính líu tới pháp luật (kiện cáo, tranh chấp, bị phạt, bị cưỡng chế…). Bởi vậy, khi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cần giải thích, phân tích cho người dân hiểu được rằng pháp luật không chỉ bao gồm các quy định cưỡng chế, thực thi pháp luật, biện pháp giải quyết tranh chấp. Pháp luật còn bao gồm các quy định bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, khuyến khích sự giao dịch lành mạnh giữa các thành viên trong xã hội vì sự phát triển và bảo đảm trật tự ổn định. Pháp luật là một môi trường thuận lợi tạo điều kiện cho con người giao dịch với nhau trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, đảm bảo cho các thành viên trong xã hội phụ thuộc và gắn bó với nhau một cách hợp lý. Pháp luật hôn nhân đảm bảo cho quan hệ vợ - chồng về tài sản, con cái, … rõ ràng và ổn định; pháp luật về sở hữu là sự thừa nhận của xã hội đối với những quyền cơ bản của mỗi con người về quyền sở hữu;… pháp luật về kinh doanh là một môi trường pháp lý phát huy sự sáng tạo và bản lĩnh làm giàu chính đáng của các nhà doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển của cá nhân làm giàu cho mình và cho đất nước.

3. Tăng cường hơn nữa quyền tham gia đóng góp ý kiến của nhân dân vào các dự án luật.

Việc tham gia đóng góp ý kiến của nhân dân vào dự án luật có tác dụng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật rất lớn và có hiệu quả. Thông qua lấy ý kiến vào quá trình xây dựng, ban hành và thực thi pháp luật có tác dụng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, bồi dưỡng tình cảm, ý thức về trách nhiệm pháp lý và khả năng tiến hành các hành vi pháp lý đúng đắn, chính xác. Đồng thời, qua hoạt động này, sẽ giúp cho nhân dân nâng cao ý thức pháp luật. Như vậy, mọi người sẽ hiểu được về giá trị xã hội và pháp luật. Có thể nói, thái độ chấp hành hay không chấp hành của người dân đối với pháp luật là kết quả của sự am hiểu pháp luật. Mặt khác cũng thấy rằng con người chấp hành pháp luật một cách tự giác, nghiêm chỉnh một khi họ có thái độ đúng đắn đối với pháp luật.

4. Cung cấp đầy đủ, có hệ thống thông tin pháp luật trong từng lĩnh vực để phục vụ cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

- Bên cạnh việc thực hiện có hiệu quả các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật truyền thống, cần quan tâm khai thác có hiệu quả các văn bản pháp luật cập nhật, lưu trữ trên mạng tin học diện rộng của Chính phủ, mạng Internet. Xây dựng và đưa vào sử dụng rộng rãi các cơ sở dữ liệu pháp luật điện tử; tiếp tục củng cố và phát triển các hệ thống thông tin pháp luật phù hợp tại các cơ quan nhà nước, các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp.

- Nâng cao khả năng hợp tác giữa các cơ quan, tổ chức làm công tác thông tin pháp luật tạo thành mạng lưới thông tin pháp luật thống nhất từ Trung ương đến địa phương thực hiện việc tổ chức, quản lý và cung cấp thông tin pháp luật.

- Hình thành các cơ quan đầu mối làm nhiệm vụ cung cấp thông tin pháp luật Việt Nam phục vụ nhu cầu trong nước, trong khu vực và thế giới phù hợp với những cam kết quốc tế của Việt Nam về minh bạch hoá pháp luật, trao đổi thông tin pháp luật…

5. Kết hợp phổ biến, giáo dục pháp luật và hướng dẫn áp dụng pháp luật.

Trong các hoạt động, các quyết định thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của mình, các cơ quan nhà nước mà trực tiếp là các cán bộ, công chức nhà nước là người tổ chức thực hiện các quy định pháp luật, xử lý vi phạm pháp luật đồng thời, thông qua thực thi công vụ kết hợp phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm giúp cho đối tượng được áp dụng pháp luật hiểu rõ nội dung, ý nghĩa của các quy định pháp luật được áp dụng hoặc các quy định có liên quan, hiểu và ý thức được về quyền và nghĩa vụ pháp lý của mình, từ đó tự nguyện chấp hành nghiêm túc các quyết định áp dụng pháp luật nói riêng và chấp hành pháp luật nói chung, hình thành niềm tin pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.

6. Kết hợp phổ biến, giáo dục pháp luật với trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật và hoà giải ở cơ sở.

Phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật và hoà giải ở cơ sở có mối quan hệ mật thiết trong việc xây dựng ý thức pháp luật, tăng cường sự hiểu biết pháp luật, khuyến khích thói quen ứng xử xã hội bằng pháp luật trong nhân dân. Để nâng cao hiệu quả, phát huy thế mạnh của các hình thức trên, chúng ta cần đưa yêu cầu thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật khi tiến hành trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật vào Quy chế hoạt động của các đoàn luật sư, Trung tâm tư vấn, Trợ giúp pháp lý. Hình thành trách nhiệm tự giác thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng, cho khách hàng khi trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật; nâng cao chất lượng, hiệu quả và mở rộng đối tượng, phạm vi hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động để đảm bảo mọi người dân đều có khả năng được hưởng dịch vụ này khi cần thiết.

Đồng thời, khai thác và phát huy tác dụng, hiệu quả của hình thức trợ giúp pháp lý, luật sư, tư vấn pháp luật, hoà giải cơ sở khi thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật. Thực hiện giải thích, hướng dẫn, phổ biến kiến thức pháp luật liên quan đến từng vụ việc cụ thể đang trợ giúp, tư vấn cho đối tượng, giúp họ nâng cao hiểu biết pháp luật, tự điều chỉnh hành vi xử sự phù hợp với quy định của pháp luật, tự bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn - Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật

Theo Tạp chí Dân chủ pháp luật - Số chuyên đề 60 năm ngành Tư pháp

Từ khóa » Giải Pháp Nâng Cao ý Thức Pháp Luật Cho Người Dân