MỘT SỐ ĐIỂM MỚI CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 124/2020/NĐ-CP NGÀY 19 ...

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, Nghị định 75 còn một số hạn chế, như: Không có quy định về mẫu đơn khiếu nại; Chỉ quy định về thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần 2 của đơn vị sự nghiệp công lập và việc công khai quyết định giải quyết khiếu nại lần hai; không hướng dẫn cụ thể việc giải quyết khiếu nại lần 2; Chỉ quy định về cử người đại diện khiếu nại, nội dung của văn bản cử người đại diện khiếu nại, không có hướng dẫn về Giấy ủy quyền khiếu nại, không quy định trường hợp người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự mà không có cha mẹ, người giám hộ thì chưa xác định được ai sẽ là người đại diện cho họ; cơ quan, tổ chức thực hiện việc khiếu nại thông qua ai là người đại diện...

Chính vì vậy, ngày 19/10/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 124/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại (có hiệu lực ngày 10/12/2020), thay thế Nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày 03/10/2012 của Chính phủ quy, phần nào đã khắc phục được những hạn chế của Nghị định 75/2012/NĐ-CP.

Nghị định số 124/2020/NĐ-CP quy định một số biện pháp thi hành Luật Khiếu nại gồm: hình thức khiếu nại; khiếu nại lần hai; đại diện thực hiện việc khiếu nại; trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại; xem xét việc giải quyết khiếu nại vi phạm pháp luật; xử lý hành vi vi phạm.

Nghị định số 124/2020/NĐ-CP gồm 7 chương 44 điều. Trong đó có một số điểm mới như sau:

1. Về phạm vi điều chỉnh: Nghị định số 75/2012/NĐ-CP quy định chi tiết 6 nội dung, Nghị định số 124/2020/NĐ-CP quy định chi tiết 5 nội dung, cụ thể: Không còn quy định chi tiết các Điều 23, Điều 24, Điều 26 về xem xét lại việc giải quyết khiếu nại có vi phạm pháp luật; Chương V về tiếp công dân. Đồng thời, Nghị định số 124/2020/NĐ-CP bổ sung quy định một số biện pháp thi hành Luật Khiếu nại gồm: Hình thức khiếu nại, khiếu nại lần 2; đại diện việc thực hiện khiếu nại; trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại; xem xét việc giải quyết khiếu nại vi phạm pháp luật; xử lý hành vi vi phạm.

2. Về hình thức khiếu nại: Nghị định số 75/2012/NĐ-CP cũng như Thông tư số 07/2013/TT-TTCP quy định quy trình giải quyết khiếu nại hành chính (gọi tắt là Thông tư số 07), không có quy định về mẫu đơn khiếu nại. Nghị định số 124/2020/NĐ-CP bổ sung mẫu Đơn khiếu nại. Quy định này, đã tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ tiếp công dân trong quá trình tiếp, hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, phân loại, xử lý đơn khi thống nhất mẫu đơn áp dụng chung cho công dân đến khiếu nại. Mẫu 01 ban hành kèm theo Nghị định số 124/2020/NĐ-CP:

3. Về giải quyết khiếu nại lần hai: Nghị định số 75/2012/NĐ-CP chỉ quy định về thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần 2 của đơn vị sự nghiệp công lập và việc công khai quyết định giải quyết khiếu nại lần hai; không hướng dẫn cụ thể việc giải quyết khiếu nại lần 2.

Nghị định số 124/2020/NĐ-CP quy định cụ thể như sau: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định tại Điều 28 Luật Khiếu nại mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày; Trường hợp quá thời hạn quy định mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết thì người khiếu nại gửi đơn đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai, nêu rõ lý do và gửi kèm các tài liệu liên quan. Quyết định giải quyết khiếu nại trong trường hợp này là quyết định giải quyết khiếu nại lần hai (Trước đây Nghị định số 75/2012/NĐ-CP không quy định rõ quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hay lần hai đối với quyết định giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền giải quyết lần hai đối với trường hợp khiếu nại lần đầu quá thời hạn mà không được giải quyết). Đồng thời, Nghị định số 124/2020/NĐ-CP bổ sung thêm nội dung: Người giải quyết khiếu nại lần hai áp dụng biện pháp xử lý trách nhiệm theo thẩm quyền đối với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu nếu có hành vi vi phạm pháp luật.

4. Về đại diện thực hiện việc khiếu nại

- Nghị định số 75/2012/NĐ-CP chỉ quy định về cử người đại diện khiếu nại, nội dung của văn bản cử người đại diện khiếu nại, không có hướng dẫn về Giấy ủy quyền khiếu nại, không quy định trường hợp người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự mà không có cha mẹ, người giám hộ thì chưa xác định được ai sẽ là người đại diện cho họ; cơ quan, tổ chức thực hiện việc khiếu nại thông qua ai là người đại diện? Người đại diện của cơ quan, tổ chức thực hiện việc khiếu nại có được ủy quyền cho luật sư để thực hiện việc khiếu nại hay không? Trường hợp đang thực hiện việc khiếu nại mà người khiếu nại bị chết, mất tích thì xử lý như thế nào?

- Nghị định số 124/2020/NĐ-CP đã quy định cụ thể về mẫu giấy ủy quyền khiếu nại, đại diện khiếu nại đối với người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người đang khiếu nại mà chết…, cụ thể: Người khiếu nại có thể tự mình khiếu nại hoặc ủy quyền cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc ủy quyền cho người khác  có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại. Trường hợp người khiếu nại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật của họ thực hiện việc khiếu nại. Việc xác định người đại diện được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự;  Cơ quan, tổ chức thực hiện việc khiếu nại thông qua người đại diện theo pháp luật. Người đại diện của cơ quan, tổ chức được ủy quyền cho luật sư hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại; Việc ủy quyền phải  bằng văn bản và được chứng thực hoặc công chứng. Người ủy quyền được ủy quyền cho một người hoặc nhiều người  về các nội dung ủy quyền khác nhau nhưng không được ủy quyền một nội dung cho nhiều người thực hiện. Quy định về phân cấp, phân quyền, ủy quyền trong cơ quan nhà nước. Đồng thời, Nghị định số 124/2020/NĐ-CP Quy định về mẫu Văn bản ủy quyền và mẫu Giấy ủy quyền khiếu nại. Trường hợp Người khiếu nại đang thực hiện việc khiếu nại bị chết mà quyền và nghĩa vụ của người đó được thừa kế theo quy định của pháp luật thì người thừa kế có quyền khiếu nại; người thừa kế khi thực hiện quyền khiếu nại phải xuất trình giấy tờ để chứng minh quyền thừa kế của mình. Người thừa kế có thể tự mình khiếu nại hoặc ủy quyền cho luật sư ,trợ giúp viên pháp lý hoặc ủy quyền cho người khác  có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại. Trường hợp có nhiều người thừa kế thì những người đó có quyền ủy quyền cho một trong những người thừa kế , luật sư hoặc trợ giúp viên pháp lý hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại.

Xử lý trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung

Căn cứ Điều 6 Nghị định số 124/2020/NĐ-CP, khi nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung thì phải cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại. Tuy nhiên, người đại diện cũng phải là người khiếu nại. Người đại diện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đại diện của mình.

Việc cử đại diện được thực hiện như sau:

- Trường hợp có từ 05 đến 10 người khiếu nại thì cử không quá 02 người đại diện;

- Trường hợp có từ 11 người khiếu nại trở lên thì có thể cử thêm người đại diện, nhưng không quá 05 người đại diện.

Việc cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại tuân theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 4 Điều 8 của Luật Khiếu nại và được thể hiện bằng văn bản. Văn bản cử người đại diện khiếu nại phải có những nội dung sau: Ngày, tháng, năm; họ, tên, địa chỉ của đại diện người khiếu nại; nội dung, phạm vi được đại diện; chữ ký hoặc điểm chỉ của những người khiếu nại; các nội dung khác có liên quan (nếu có).

Nghị định số 124/2020/NĐ-CP còn quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc phối hợp xử lý trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung ở cấp xã, huyện, tỉnh, cơ quan trung ương từ Điều 8 đến Điều 12 Nghị định này.

5. Bổ sung quy định trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại

Nghị định số 75/2012/NĐ-CP không đề cập đến trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại mà vấn đề này được quy định trong Thông tư số 07. Để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình giải quyết khiếu nại, Nghị định 124/2020/NĐ-CP đã đưa các nội dung về trình tự, thủ tục khiếu nại trong Thông tư 07 vào chương IV, với các nội dung chính, cụ thể:

- Bước 1. Thụ lý, chuẩn bị nội dung xác minh khiếu nại: Thụ lý giải quyết khiếu nại; Kiểm tra lại quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật cán bộ, công chức bị khiếu nại; giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại. Đồng thời, Nghị định số 124/2020/NĐ-CP đã bỏ quy định về Kế hoạch xác minh nội dung khiếu nại tại Thông tư 07.

- Bước 2. Tiến hành xác minh nội dung khiếu nại

+ Làm việc trực tiếp với người khiếu nại, người đại diện, người được ủy quyền, luật sư, trợ giúp viên pháp lý của người khiếu nại; Làm việc trực tiếp với người có quyền, lợi ích liên quan và người khiếu nại (Thông tư số 07 chỉ quy định làm việc với người khiếu nại);Yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng; Tiếp nhận, xử lý thông tin, tài liệu, bằng chứng; Xác minh thực tế; Trưng cầu giám định;  Làm việc với các bên trong quá trình xác minh nội dung khiếu nại; Tạm đình chỉ việc thi hành quyết định hành chính bị khiếu nại;  Báo cáo kết quả xác minh nội dung khiếu nại; Tổ chức đối thoại trong quá trình giải quyết khiếu nại lần 2: Thông tư số 07 quy định về đối thoại lần 1 nếu  yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau. Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, người giải quyết khiếu nại hoặc người có trách nhiệm xác minh tổ chức đối thoại.

+ Nghị định số 124/2020/NĐ-CP chỉ đề cập đến đối thoại trong quá trình giải quyết khiếu nại lần 2, cụ thể: Đối với người giải quyết khiếu nại lần hai là Chủ tịch UBND cấp huyện, Giám đốc sở hoặc tương đương thì phải trực tiếp đối thoại với người khiếu nại (không được ủy quyền cho cấp phó hoặc người đứng đầu các cơ quan chuyên môn như lâu nay vẫn thực hiện). Đối với trường hợp người giải quyết khiếu nại lần hai là Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải tổ chức đối thoại trong trường hợp khiếu nại phức tạp (có nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung, có nhiều ý kiến khác nhau của cơ quan có thẩm quyền về biện pháp giải quyết, người khiếu nại có thái độ gay gắt, dư luận xã hội quan tâm, vụ việc ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội). Đối với các trường hợp khác thì người giải quyết khiếu nại có thể phân công cấp phó của mình hoặc thủ trưởng cơ quan chuyên môn cùng cấp hoặc thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực thuộc được giao nhiệm vụ xác minh đối thoại với người khiếu nại.

+ Nghị định số 124/2020/NĐ-CP không còn quy định thủ tục “Công bố quyết định xác minh nội dung khiếu nại” tại Thông tư số 07; Đình chỉ việc giải quyết khiếu nại; Tham khảo ý kiến tư vấn trong việc giải quyết khiếu nại.

- Bước 3. Ban hành, gửi, công khai quyết định giải quyết khiếu nại và lập, quản lý hồ sơ khiếu nại

6. Thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật

- Nghị định số 75/2012/NĐ-CP đã có những quy định chung về trách nhiệm của người giải quyết khiếu nại trong việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, còn một số bất cập như: Trách nhiệm theo dõi, kiểm tra và đảm bảo hiệu lực giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng các ngành, các cấp còn chưa được làm rõ, đặc biệt là khi để xảy ra tình trạng chậm hoặc không thực hiện, thực hiện không đầy đủ các quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật; Thiếu các quy định nhằm theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật của người khiếu nại, người bị khiếu nại và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

- Nghị định số 124/2020/NĐ-CP quy định rõ trách nhiệm của người giải quyết khiếu nại trong việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực: Chậm nhất là 05 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật, trong phạm vi, nhiệm vụ quyền hạn của mình , người giải quyết khiếu nại có trách nhiệm áp dụng các biện pháp để thực hiện hoặc có văn bản chỉ đạo cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực…; Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có trách nhiệm tự mình hoặc giao cho cơ quan, tổ chức có liên quan thi hành hoặc cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật. Trường hợp phát hiện cơ quan, tổ chức cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ, không kịp thời quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật thì áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền để xử lý kịp thời, nghiêm minh. Trường hợp vượt quá thẩm quyền thì kiến nghị  cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý.

7. Về xử lý vi phạm: Đây là quy định mới của Nghị định 124/2020/NĐ-CP, cụ thể: người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại, người có trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật mà có hành vi vi phạm pháp luật khiếu nại thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật bằng các Hình thức: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lượng, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc. Nếu có dấu hiệu tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường hoặc bồi hoàn theo quy định của pháp luật.

Từ khóa » Thay Thế Nghị định 75/2012/nđ-cp