Một Số Giải Pháp Bảo Vệ Môi Trường Trong Trồng Trọt

Một số giải pháp bảo vệ môi trường trong trồng trọt

Cập nhật vào ngày: 13 / 12 / 2015

MỘT SỐ GIẢI PHÁP BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG TRỒNG TRỌT[1]

Th.S. Đặng Thị Thu Hiền, Viện Môi trường Nông nghiệp

Theo thống kê, mỗi năm cả nước sản xuất gần 47 triệu tấn lương thực, trên 5 triệu tấn rau và phát thải trên 84,5 triệu tấn chất thải từ trồng trọt như rơm rạ, thân ngô, lá mía,bao bì, vỏ chai lọ thuốc bảo vệ thực vật,...Theo kết quả thống kê của Bộ Nông nghiệp và PTNT, có đến gần 70% chất thải sau trồng trọt chưa qua xử lý.

Hiện nay, bà con nông dân chúng ta không còn lạ lẫm với hiện tượng bao bì, chai lọ sau khi dùng xong để lại ngoài động ruộng, rơm rạ tràn lan trên kênh mương, bờ ruộng hoặc bị đốt khói mù mịt, hay xác rau không được thu gom sau thu hoạch. Kết quả thống kê của Tổng cục Môi trường, mỗi năm nông nghiệp nước ta hiện nay sử dụng khoảng 110.000 tấn, tăng gấp 3 lần năm 2005, ước tính thải ra môi trường 11.000 tấn bao bì, chai lọ có hàm lượng độc chất cao và khó tái chế, sử dụng.

Bà con nông dân hiện nay cũng sử dụng nhiều loại phân bón hóa học, trung bình mỗi ha lúa bà con nông dân sử dụng từ 150-180 kg/ha. Sử dụng phân bón chưa đúng và vượt ngưỡng hấp thu của cây trồng không chỉ gây phát thải chất thải về bao bì đóng gói (khoảng 240 tấn bao bì mỗi năm), mà còn gây tồn dư trong đất gây ô nhiễm môi trường.

Các loại chất thải từ trồng trọt nếu không được thu gom và xử lý hợp lý sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và sức khỏe nông dân. Để giúp bà con nông dân nhận biết tác hại và có các giải pháp quản lý phù hợp, Viện Môi trường Nông nghiệp xin giới thiệu với bà con nông dân một số giải pháp quản lý chất thải trồng trọt như sau:

Trước hết, nói đến những tác hại của chất thải trồng trọt đến môi trường và sức khỏe cộng đồng từ chất thải trồng trọt:

Theo tính toán, bình quân nông dân nước ta hiện nay sử dụng khoàng 125kg đạm nguyên chất và 80 kg lân nguyên chất cho mỗi ha canh tác. Kết quả tính toán của các nhà khoa học cho thấy các cây trồng mới chỉ hấp thu ít hơn 30%, 70% còn lại tan trong nước và ngấm vào đất và gây ô nhiễm môi trường, tồn dư trong nông sản, phát thải khí nhà kính và lãng phí đầu tư cho nông dân.

Kết quả đánh giá của các nhà khoa học cũng cho thấy, bà con nông dân sử dụng trung bình khoảng 8,7 kg thuốc bảo vệ thực vật cho mỗi ha canh tác. Theo nghiên cứu của Viện Bảo vệ thực vật, tỷ lệ bám dính vào bao bì trung bình là 1,85% và được thải ra môi trường cùng với bao bì đã gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nông dân như làm giảm đa dạng sinh học, tồn dư trong nông sản và gây một số các bệnh nan y cho bà con nông dân. Ở đa số vùng sản xuất nông nghiệp, việc thu gom, xử lý chất thải bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật còn nhiều hạn chế nên đã làm trầm trọng hơn ô nhiễm môi trường và sức khỏe bà con nông dân.

Do điều kiện kinh tế nông thôn chuyển biến, hiện nay bà con nông dân không còn tận dụng phổ biến các phụ phẩm trồng trọt như rơm, rạ, thân ngô, lá mía cho đun nấu và độn chuồng. Để thuận tiện cho thu hoạch tiết kiệm công lao động, bà con nông dân thường cắt ngang cây lúa, tuốt lúa và phụt rơm rạ tràn lan ngoài bở ruộng. Rơm rạ sau khi thu hoạch, chỉ một số ít được bà con nông dân tận dụng còn đa phần là đốt trực tiếp ngoài ruộng vừa gây lãng phí chất hữu cơ, vừa gây khói bụi mù mịt làm ảnh hưởng đến sức khỏe nông dân như gây các bệnh đường hô hấp, phổi, phát thải khí nhà kính khi rơm rạ bị phân hủy trong điều kiện ngập nước, làm nghẹt rễ, giảm năng suất lúa, lãng phí nguồn chất thải hữu cơ cho canh tác nông nghiệp.

Để giúp bà con quản lý, sử dụng hiệu quả các loại chất thải trồng trọt, giảm ô nhiễm môi trường và tác động về sức khỏe, hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn nhằm bào vệ bền vững môi trường nông nghiệp, nông thôn, hướng tới xây dựng nông thôn mới phát triển về kinh tế, xanh sạch đẹp về môi trường, chúng tôi giới thiệu một số giải pháp xử lý chất thải trồng trọt sau:

- Đối với bao bì hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón hóa học:

+ Ngoài việc sử dụng thuốc đúng chủng loại, liều lượng và thời điểm, sau khi sử dụng bà con cần thu gom bao bì, chai lọ về các vị trí được quy định của địa phương, tuyệt đối không được vất bừa bãi trên đồng ruộng.

+ Các địa phương cần có các quy định địa điểm thu gom và định kỳ thu gom đưa đi xử lý theo quy định.

+ Viện Môi trường Nông nghiệp đã phát triển thành công hệ thống thu gom và xử lý khép kín bao bì, chai lo thuốc bảo vệ thực vật đảm bao tiêu chuẩn xả thải sau khi xử lý. Hệ thống được bố trí khép kín trong một thùng composit, rất tiện lợi đặt ở đầu làng, trên đồng ruộng hoặc di chuyển đến bất kỳ nơi nào thuận lợi cho bà con nông dân. Bà con nông dân và địa phương có thể liên hệ với Viện Môi trường Nông nghiệp để được hỗ trợ về công nghệ và chuyển giao thùng xử lý này.

- Đối với rơm rạ và chất thải sau trồng trọt:

+ Sản xuất phân bón hữu cơ từ chất thải trồng trọt

Rơm rạ, thân xác cây trồng sau thu hoạch cần được thu gom gọn gàng, tuyệt đối không đốt bừa bãi trên trên đồng ruộng để tránh phát sinh khói bụi, gây ô nhiễm môi trường, giảm tầm nhìn của người tham gia giao thông;

Các vùng canh tác lúa gập nước, sau khi thu hoạch cần hạn chế cầy vùi ngay để hạn chế phân hủy yếm khí gây phát thải khí metan, làm nghẹt rễ lúa và ô nhiễm môi trường;

Sau khi thu hoạch, bà con nông dân cần thu gom tập trung chất thải để làm nguyên liệu trong sản xuất phân bón hữu cơ sinh học, than sinh học để sử dụng bón cho các vụ gieo trồng tiếp theo.

+ Khi ủ làm phân bón hữu cơ sinh học bà con cần thực hiện theo các bước sau:

* Bước 1: Chuẩn bị mặt bằng: Chọn vị trí cao ráo, thoát nước tốt. Diện tích đủ rộng để tạo một đống ủ cho lượng rơm, rạ mà bà con thu gom được, cần đào hố lèn chặt đáy hố, trải bạt hoặc nilon dưới đáy và chất đống thật chặt;

* Bước 2: Xử lý nguyên liệu sơ bộ, loại bỏ các tạp chất như nilon, đất

* Bước 3: Ủ nguyên liệu: xếp một lớp chất thải, mỗi lớp dảy 50cm, sau đó bà con mua và tưới các loại chế phẩm sinh học trên mỗi lớp. Hiện nay, loại chế phẩm này được bán rất phổ biến tại các cửa hàng thuốc BVTV, vật tư nông nghiệp. Sau khi bổ sung chế phẩm bà con tiếp tục xếp thêm các lớp rơm rạ khác. Bổ sung thêm nước để đảm bảo độ ẩm phù hợp (40 -50%). Để kiểm tra độ ẩm, bà con nông dân cầm và nắm thật chặt nắm rơm rạ, nếu có nước rỉ ra các kẽ ngón tay là đảm bảo độ ẩm yêu cầu. Dùng bạt hoặc nilon phủ toàn bộ đống ủ để vừa tránh mưa, tăng nhiệt độ trong cho đống ủ.

* Bước 4: Đảo trộn nguyên đống ủ: Sau 15 ngày khi đống ủ bi phân hủy, chiều cao đống ủ giảm, để tăng hiệu quả, bà con nông dân có thể đảo đống ủ nếu có đủ nhân lực.

+ Sản xuất than sinh học cải tạo đất tử rơm rạ:

Thay vì, đốt rơm rạ tràn lan gây ô nhiễm môi trường, bà con nông dân có thể thu gom rơm rạ để sản xuất than sinh học làm chất cải tạo đất, vừa giảm phát thải khí nhà kính vừa giữ được hàm lượng cac-bon từ rơm rạ.

Công nghệ đốt than sinh học từ rơm rạ đã được Viện Môi trường Nông nghiệp phát triển ứng dụng thành công tại một số tỉnh. Nguyên lý sản xuất than sinh học là đốt ở điều kiện yếm khí để tạo nhiệt lượng cao, giữ lại hàm lượng carbon, bền vững bón trong đất để cải thiện độ phì đất, tăng hoạt tính vi sinh vật trong đất và nâng cao năng suất cây trồng. Bà con có thể liên hệ với Viện Môi trường Nông nghiệp để được hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất than sinh học từ chất thải trồng trọt.

Trên đây là một số giải pháp quản lý và sử dụng chất thải trồng trọt, với trách nhiệm của mình, chúng tôi hy vọng rằng bà con nông dân cùng với chính quyền địa phương xây dụng quê hương mình ngày càng xanh, sạch đẹp, tiến tới xây dựng nông thôn mới phát triển về kinh tế, an toàn và bền vững môi trường, cùng thi đua bằng các hành động thiết thực để hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn: Hãy hành động vì một môi trường không rác.

[1] Bài viết đã được sử dụng để phát thanh tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh huyện Quốc Oai nhân dịp phát động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2014

Từ khóa » Giải Pháp Bảo Vệ Môi Trường Trong Sản Xuất Nông Nghiệp