Quy định Về Bảo Vệ Môi Trường Trong Sản Xuất Nông Nghiệp

Nông nghiệp là ngành kinh tế quốc dân, có lịch sử lâu đời và đóng vai trò quan trọng ở bất kỳ xã hội nào vì nó đáp ứng và giải quyết nhu cầu về lương thực cho con người có thể tồn tại và sinh sống, cho sự phát triển dân số. Tuy nhiên thực tiễn gần đây cho thấy sản xuất nông nghiệp đã gây ra một số hệ lụy cho môi trường như sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón không đúng kỹ thuật làm nhiều độc tố xâm nhập vào trong đất. Chính vì vậy mà cần thiết phải có những quy định pháp luật điều chỉnh chặt chẽ vấn đề này.

Cơ sở pháp lý

– Luật bảo vệ môi trường năm 2014

– Thông tư 36/2015/TT-BTNMT về quản lý chất thải nguy hại

– Thông tư 21/2015/TT-BNTPTNT về quản lý thuốc bảo vệ thực vật

Mục lục bài viết

  • 1 1. Khái quát về bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp:
  • 2 2. Quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp:
  • 3 3. Giải pháp bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp:

1. Khái quát về bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp:

Hoạt động sản xuất nông nghiệp là hoạt động phổ biến ở nước ta, một nước có cơ cấu ngành nông nghiệp vẫn còn chiếm tỷ lệ phần trăm cao. Theo đó, sản xuất nông nghiệp gồm các hoạt động cụ thể như trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản.

Bảo vệ môi trường là hoạt động cần thiết và bắt buộc trong quá trình sản xuất nông nghiệp bởi lẽ nông nghiệp và nông thôn đóng vai trò to lớn và là cơ sở của sự phát triển bền vững của môi trường. Sản xuất nông nghiệp gắn liền trực tiếp với môi trường tự nhiên như đất đai, khí hậu, thời tiết,… Trong quá trình sản xuất nông nghiệp, người dân sử dụng nhiều hóa chất, phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú ý,… gây ra những tác động nặng nề, làm ô nhiễm đất và nguồn nước. Ngoài ra, trong quá trình canh tác, sản xuất nông nghiệp còn gây nên xói mòn ở các triền dốc thuộc vùng đồi núi, khai hoang mở rộng diện tích đất rừng. Chính vì thế mà có thể nói, sản xuất nông nghiệp duy trì và tạo ra sự phát triển bền vững của môi trường, hay nói cách khác, muốn bảo vệ môi trường thì cần phải tuân theo các quy định chặt chẽ của pháp luật, thực hiện các giải pháp thực tiễn hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, hạn chế tối đa nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

2. Quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp:

Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp được quy định tại Điều 69 Luật bảo vệ môi trường năm 2014 như sau:

Thứ nhất, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y phải thực hiện quy định về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Theo đó, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng, vận chuyển, lưu giữ, chuyển giao và xử lý hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y phải thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định của pháp luật có liên quan như không được kinh doanh, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y đã hết hạn sử dụng hoặc ngoài danh mục cho phép; nhà xưởng sản xuất thuốc bảo vệ thực vật phải đảm bảo: Vị trí đặt nhà xưởng phải cách xa trường học, bệnh viện, chợ tối thiểu 500 mét (m); phải đảm bảo được các yêu cầu về cung cấp điện, cung cấp nước, thoát nước, xử lý ô nhiễm môi trường và giao thông,… (Bạn đọc có thể tham khảo thêm tại Thông tư 21/2015/TT-BNTPTNT về quản lý thuốc bảo vệ thực vật).

Bên cạnh đó, các hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y có độc tính cao, bền vững, lan truyền, tích tụ trong môi trường, tác động xấu tới môi trường và sức khỏe con người phải được đăng ký, kiểm kê, kiểm soát, quản lý thông tin, đánh giá, quản lý rủi ro và xử lý theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, phân bón, sản phẩm xử lý môi trường chăn nuôi đã hết hạn sử dụng; dụng cụ, bao bì đựng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y sau khi sử dụng phải được xử lý theo quy định về quản lý chất thải.

Trên thực tế, việc bao bì đựng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y bị vứt bừa bãi không được đưa đến nơi quy định sau khi sử dụng; phân bón, sản phẩm xử lý môi trường chăn nuôi hết hạn sử dụng không được xử lý theo quy định về quản lý chất thải là một trong những nguyên nhân phổ biến làm ảnh hưởng rất nhiều và gây nên hệ lụy lớn đến môi trường. Chính vì vậy, cần thiết phải nắm được danh mục và quy trình quản lý các chất thải này. (Bạn đọc có thể tham khảo thêm tại Thông tư 36/2015/TT-BTNMT về quản lý chất thải nguy hại)

Thứ ba, khu chăn nuôi tập trung phải có phương án bảo vệ môi trường và đáp ứng yêu cầu sau:

– Bảo đảm vệ sinh môi trường đối với khu dân cư;

– Thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn theo quy định về quản lý chất thải;

– Chuồng, trại phải được vệ sinh định kỳ; bảo đảm phòng ngừa, ứng phó dịch bệnh;

Việc chuồng, trại được vệ sinh định kỳ sẽ giảm thiểu nguy cơ gia súc, gia cầm mắc các bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn, vi rút gây ra do việc thiếu vệ sinh. Bên cạnh việc vệ sinh thủ công như quét dọn, còn phải thực hiện các biện pháp như tiêu độc, khử trùng môi trường để đảm bảo phòng ngừa dịch bệnh xảy ra đối với gia súc, gia cầm.

– Xác vật nuôi bị chết do dịch bệnh phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại và vệ sinh phòng bệnh.

Trường hợp có hành vi vận chuyển hoặc vứt gia súc, gia cầm mắc bệnh, chết và sản phẩm của chúng ra môi trường hay buôn bán con giống mắc bệnh truyền nhiễm,… thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng theo quy đinh tại khoản 6, khoản 10 Điều 5 Nghị định 90/2017/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.

3. Giải pháp bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp:

Thứ nhất, đối phân bón, sản phẩm xử lý môi trường chăn nuôi đã hết hạn sử dụng; dụng cụ, bao bì đựng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y sau khi sử dụng, Chính quyền địa phương có thể thực hiện các giải pháp như xây dựng các bể chứa bao bì ở vị trí thuận tiện, hợp lý cho người nông dân. Hay các doanh nghiệp thực hiện đầu tư trực tiếp sản xuất nông nghiệp mà có phát sinh dụng cụ, bao bì đựng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, nếu hông tổ chức thu gom được thì có thể ký hợp đồng chuyển giao những vật dụng này cho đơn vị có giấy phép xử lý chất thải nguy hại theo quy định. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là cần nâng cao ý thức của người dân để không còn thói quen sử dụng ở đâu vứt luôn ở đây.

Thứ hai, giải pháp đối với khu chăn nuôi tập trung. Khu chăn nuôi tập trung cũng có đa dạng các loại hình, tương ứng với các đặc tính về quy mô, vật nuôi khác nhau mà có những giải pháp khác nhau như:

– Đối với các chuồng gia súc lớn thì trại chăn nuôi cần phải có tường, rào bao quanh, chuồng nuôi cách ly, chuồng nuôi tân đáo phải bố trí cách biệt với khu chăn nuôi, cổng ra vào trại chăn nuôi, các khu chuồng nuôi phải bố trí hố khử trùng cho các phương tiện vận chuyển và người ra vào trại, cần có vị trí thuận lợi lên xuống cho xuất nhập gia súc giống, các thiết bị dùng trong chăn nuôi, máng ăn, máng uống phải đảm bảo không gây độc và dễ vệ sinh tẩy rửa;…

– Đối với chuồng chăn nuôi lợn: Vách chuồng phải nhẵn, không có góc sắc, đảm bảo heo không bị trầy xước khi cọ sát; Chuồng nuôi phải bố trí hợp lý theo các kiểu chuồng về vị trí, hướng, kích thước, khoảng cách giữa các dãy chuồng theo quy định hiện hành đối với chăn nuôi lợn; Định kỳ phun thuốc sát trùng xung quanh và trong khu chăn nuôi, chuồng nuôi; Định kỳ phát quang bụi rậm, khơi thông và vệ sinh cống rãnh ngoài chuồng nuôi ít nhất 2 lần/tháng; Các chất thải được thu gom hàng ngày, chuyển đến nơi tập trung và xử lý bằng nhiệt, hoá chất hoặc xử lý bằng biện pháp sinh học phù hợp;…

– Ðối với chuồng nuôi gia cầm: Đối với trại có quy mô lớn thì cần có phòng làm việc của các cán bộ chuyên môn, nơi mổ khám lâm sàng và lấy bệnh phẩm cũng như cần có nơi để dụng cụ, thuốc, sổ sách ghi chép tình hình sản xuất, dịch bệnh và sử dụng vaccine, thuốc của đàn gia cầm; Diện tích chuồng nuôi phải phù hợp với số lượng gia cầm;…

– Đối với chuồng nuôi có khu vực ấp trứng gia cầm: nhà ấp trứng cần được bố trí phải phù hợp thuận lợi bảo đảm nguyên tắc một chiều, tránh ô nhiễm chéo trong khu vực bao gồm nơi nhận, phân loại và sát trùng trứng; Kho bảo quản trứng; Phòng để máy ấp trứng và soi trứng; Phòng để máy nở; Phòng chọn trống mái, đóng hộp gia cầm con và phòng xuất sản phẩm.

Thông qua những phân tích của bài viết, bạn đọc không chỉ nắm được những thông tin cơ bản liên quan đến những quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp mà còn được gợi mở những giải pháp thực tiễn thiết thực để có thể ứng dụng trong hoạt động sản xuất nông nghiệp của mình.

Từ khóa » Giải Pháp Bảo Vệ Môi Trường Trong Sản Xuất Nông Nghiệp