Một Số Giống Lợn Nội Của Việt Nam

[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Tất cả các giống lợn nội của Việt Nam đều thuộc lớp động vật có vú (Maminalia), bộ guốc chẵn (Artiodactyla), họ Sllidae, chủng Sus và loài Sus domesticus. Giống lợn nội của Việt Nam rất phong phú, có trên 60 giống khác nhau, chúng được phân bổ rộng khắp các vùng của đất nước và mỗi giống mang đặc trưng riêng của nó.

  • Hệ thống giống lợn Việt Nam
  • Vài nét về quản lý giống trên thế giới
  • Giới thiệu một số giống lợn ngoại
  • Một số giống lợn nội của Việt Nam (P2)

1. Giống lợn Móng Cái

Nguồn gốc và phân bố

Giống lợn Móng Cái (MC) là giống lợn nội phổ biến nhất của Việt Nam, có nguồn gốc từ Hà Cối và Móng Cái, Quảng Ninh. Hiện nay, lợn được phân bố rộng khắp cả nước, nuôi phổ biến ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung và một số nơi ở Tây Nguyên.

Đặc điểm ngoại hình

Lợn MC có tầm vóc trung bình: khối lượng (KL) lúc 8 tháng tuổi đạt 65-75 kg, ngắn mình, cổ ngắn, tai nhỏ, lưng võng, bụng sệ, màu đen, trừ 6 điểm trắng (đốm trắng hình tam giác hoặc hình thoi nằm giữa trán, mõm trắng, cuối đuôi có chùm lông trắng, bụng trắng và bốn chân trắng và đặc biệt, một khoang trắng nối giữa 2 bên hông với nhau vắt qua vai trông giống như cái “Yên ngựa” là nét đặc trưng nhất về màu sắc của giống lợn MC.

Một số giống lợn nội của Việt Nam

Lợn nái Móng Cái

Một số giống lợn nội của Việt Nam

Lợn đực Móng Cái

Khả năng sản xuất

Lợn MC sinh sản tốt nhất trong lợn nội của nước ta. Lợn phát dục sớm: lợn cái lúc 5 tháng tuổi và lợn đực có biểu hiện nhảy giống lúc 2 tháng tuổi nhưng có khả năng phối chửa lúc 3-4 tháng tuổi. Số con sơ sinh sống/ổ (SCSSS) cao (11-13 con/ổ), kỷ lục đạt 28 con/ổ. Số con cai sữa (SCCS) 10-11 con/ổ. Khoảng cách giữa 2 lứa đẻ 170 ngày, đẻ 2,2 lứa/nái/năm. Khả năng làm mẹ rất tốt, có 10-16 vú. Khối lượng (KL) sơ sinh 0,5-0,6kg và cai sữa ở 7-8 tuần tuổi là 5,5-6,5kg.

Lợn MC sinh trưởng chậm: 2 tháng tuổi nặng 6 kg và 10 tháng tuổi chỉ đạt 80-85 kg. Tăng khối lượng (TKL) thấp, trung bình 330 g/ngày; tỷ lệ móc hàm thấp: 73-75%; tỷ lệ nạc 33-35%; tỷ lệ mỡ 35-38%; tiêu tốn thức ăn 4,0-4,5 kg. Rõ ràng, nuôi lợn MC để lấy thịt là không hiệu quả. Nhờ áp dụng chọn lọc, nhóm tác giả do Nguyễn Văn Đức chủ trì đã tạo được 2 nhóm lợn MC đặc trưng chất lượng cao:

* Nhóm MC15 có khả năng sản xuất tốt: TKL đạt 400g/ngày và TLN đạt 38%.

* Nhóm MC3000 có khả năng sinh sản tốt: SCSSS đạt 13 con/ổ.

Lợn MC rất dễ nuôi, có thích ứng được với hầu hết các môi trường sinh thái của Việt Nam, kể cả nơi điều kiện chăn nuôi chưa phát triển và môi trường sinh thái chưa tốt; ăn được hầu hết các loại thức ăn, kể cả loại thức ăn chất lượng thấp và tận dụng tốt nguồn thức ăn dư thừa. Sức kháng bệnh rất cao, hầu như không mắc bệnh kể cả trong điều kiện vệ sinh kém.

Hướng sử dụng

Chủ yếu được sử dụng làm nái nền, lai với đực giống ngoại cao sản LW, LR, Pi tạo ra hệ thống giống nái lai ngoại x nội tốt trong hệ thống giống lợn Việt Nam để khai thác ưu thế lai về sinh sản. Để tạo các tổ hợp lai nuôi thịt có TKL và TLN cao nên sử dụng nhóm MC15 vì TKL đạt 400g/ngày và TLN đạt 38% và để các tổ hợp nái lai đạt được năng suất sinh sản cao cần sử dụng nhóm MC3000 vì SCSSS đạt 12,75 con/ổ. Đồng thời, sử dụng nái lai để tạo các tổ hợp lai 3-4 giống nuôi thịt chất lượng thịt thơm ngon và hiệu quả kinh tế lớn.

2. Giống lợn Ỉ

Lợn Ỉ là một trong những giống lợn nội phổ biến ở nước ta trước đây, đứng thứ hai sau MC, chủ yếu nuôi ở tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, …, nhưng chỉ tồn tại đến năm 1990 vì TKL và TLN thấp dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao. Giống lợn Ỉ có nhiều loại hình, tên gọi khác nhau theo từng địa phương, nhưng thông dụng nhất là Ỉ mỡ và thứ 2 là Ỉ pha.

2.1. Loại hình lợn Ỉ mỡ

Lợn Ỉ mỡ còn được gọi là lợn Ỉ nhăn hoặc Ỉ bọ hung và là nguồn gốc của giống lợn I. Lông da đen bóng, lông nhỏ, thưa; đầu hơi to, mặt cong và nhăn, trán hẹp, mắt híp, nọng cổ và má chảy sệ, mõm to bè, ngắn, cong lên; vai tương đối nở, ngực sâu, thân mình ngắn hơn lợn Ỉ pha; chân thấp, chân trước thẳng, chân sau hơi bị nghiêng, lợn nái thường đi chữ bát; bụng sệ hầu như bụng luôn quét trên mặt đất. Lợn Ỉ mỡ có tầm vóc nhỏ. Khối lượng trưởng thành ở lợn cái là 48 kg và lợn đực là 50 kg. Một số giống lợn nội của Việt NamLợn đực Ỉ mỡ

Một số giống lợn nội của Việt Nam

Lợn cái Ỉ mỡ

Khả năng sản xuất

Lợn cái động dục lúc 5 tháng tuổi, phối giống lần đầu 8 tháng vì tầm vóc nhỏ con nên người ta thường phối ở lần động dục thư 3. Lợn đực có thể giao phối lúc 2 tháng tuổi. Lợn có 10 vú (8-12 vú). SCSSS 9,5 con/ổ (3-15 con/ổ) và SCCS 7,0 con/ổ. KL sơ sinh 0,4-0,5 kg, KL cai sữa lúc 2 tháng tuổi là 4,5-5,0 kg, khoảng cách lứa đẻ là 190 ngày. Khối lượng 10-11 tháng 50kg. Mổ thịt lúc 12 tháng (55-60kg): tỷ lệ móc hàm 75%; tỷ lệ thịt mỡ 40%; tỷ lệ thịt nạc 28%. TKL 160-200g/ngày. Tiêu tốn thức ăn 4,8-5,8 kg.

Hướng sử dụng: Nuôi để khai thác thịt ở nơi kinh tế kém phát triển và thực phẩm đặc sản .

2.2. Loại hình lợn Ỉ pha

Loại hình lợn Ỉ pha còn được gọi là Ỉ bột pha hoặc Ỉ ống bương, được hình thành và nuôi phổ biến ở tỉnh Nam Định. Ngoại hình có một số điểm khác so với Ỉ mỡ: Lông da đen bóng, lông nhỏ thưa; đầu to vừa phải, mặt cong, nhăn ít hơn so với ỉ mỡ, trán gần phẳng, mắt híp, cổ và má chảy sệ, mõm to và dài vừa phải, lợn nái càng già mõm càng dài và cong lên, môi dưới dài hơn môi trên; vai nở vừa phải, ngực sâu, thân mình dài hơn so với loại hình I mỡ; chân thấp, chân trước thẳng, chân sau hơi nghiêng, lợn nái thường đi vòng kiềng hay chữ bát; Bụng sệ hầu như luôn quét trên mặt đất.

Khả năng sản xuất

Lợn cái động dục lúc 4-5 tháng tuổi, có thể phối giống lúc 6-7 tháng tuổi. Lợn có 10 vú. SCSSS là 9-10 con/ổ và SCCS 7-9 con/ổ. Khoảng cách lứa đẻ 189 ngày. Lợn đực có thể giao phối lúc 2 tháng tuổi, nhưng tốt nhất là 6-7 tháng tuổivà sử dụng trong 5-6 năm.

KL sơ sinh 0,4-0,5 kg/con và 10 tháng tuổi là 50kg/con. Tương tự như lợn Ỉ mỡ, giết thịt ở 11-12 tháng tuổi với tỷ lệ móc hàm 75%; tỷ lệ thịt mỡ 38%; tỷ lệ thịt nạc 30%; tích lũy mỡ sớm hơn các giống lợn khác. Tăng KL thấp: 170-210 g/ngày. Tiêu tốn thức ăn 4,8-5,8 kg.

Hướng sử dụng: Nuôi khai thác thịt ở vùng kinh tế kém phát triển và thực phẩm đặc sản.

3. Giống lợn Lang Hồng

Nguồn gốc và sự phân bố

Hình thành tại tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, được nuôi khá phổ biến ở các tỉnh vùng đồng bằng và thung lũng hạ lưu các sông Cầu, Thương, Lục Nam.

Đặc điểm ngoại hình

Nngoại hình tương tự như lọn MC: đầu to vừa phải, mõm bé và dài, tai to, úp về phía trước, cổ ngắn; lưng dài và võng; bụng to và thõng, sệ nên hai hàng vú thường quét trên mặt đất; mông rộng và thẳng, gốc đuôi to và cao; chân vừa phải; lông ngắn và thưa; da hồng, có 12 vú; màu đen, giữa trán có điểm trắng hình tam giác, giữa tai và cổ có một dải trắng cắt ngang, kéo dài đến bụng và 4 chân. Khả năng chịu đựng tốt với hầu hết các môi trường khác nhau, chống bệnh tật tốtvà chịu ăn nguồn thức ăn kém chất lượng.

Khả năng sản xuất

KL sơ sinh 0,45-0,50kg/con; KL cai sữa 5,0-5,5kg/con; Tuổi động dục lần đầu 4-5 tháng. Tuổi phối giống thích hợp 8 tháng, nhưng thường phối lúc 10 tháng. Khả năng sinh sản tốt: SCSSS và SCCS 11-13 và 9-11 con/ổ; số lứa đẻ 1,7-1,8 lứa/năm; khả năng nuôi con tốt. Lợn đực thành thục lúc 3 tháng tuổi, khai thác tinh hoặc nhảy trực tiếp lúc 7 tháng. KL lợn cái 6 tháng tuổi là 30-35kg; 10-12 tháng là 55-65kg; TKL là 300-350g/ngày. Tiêu tốn thức ăn 4,0 kg. Chất lượng thịt xẻ tương đương với lợn MC.

Hướng sử dụng: Hướng sử dụng tương tự lợn MC.

4. Giống lợn Mường Khương

Nguồn gốc và phân bố: huyện Mường Khương và Bát Sát, tỉnh Lào Cai.

Đặc điểm ngoại hình

Một trong những giống lợn nội to nhất của Việt Nam. KL trưởng thành của lợn đực và lợn cái là 150 và 132 kg. Lông thưa, mềm, màu đen hoặc nâu, có một đốm trắng ở giữa đầu, chân và cuối đuôi. Mõm dài thẳng hay hơi cong. Trán nhăn, tai to, hơi cúp về phía trước như Landrace lai với các giống lợn nội khác. Cơ thể to cao và dài nhất lợn nội của ta. Lưng không thẳng nhưng cũng không võng lắm. Bụng to nhưng không quét đất như lợn MC hoặc Lang Hồng. Mông hơi dốc. Da của giống lợn MK thường dày.

Lợn đực Mường Khương Lợn nái Mường Khương

Khả năng sản xuất

Lợn cái động dục lần đầu lúc 200-300 ngày tuổi. Tuổi đẻ lần đầu 12 tháng. SCSSS và SCCS: 6-7 và 5-6 con/ổ. KL sơ sinh cao hơn hầu hết các giống lợn nội của nước ta: 0,6 kg/con. Khả năng sinh sản kém: đẻ 1,2-1,3 lứa/nái/năm. KL lúc 11 tháng 80-85 kg. TKL 360-390g/ngày. KL giết mổ to nhưng tỷ lệ thịt nạc không thấp, màu thịt đỏ sẫm. Tiêu tốn thức ăn 6,0-7,0 kg. Tỷ lệ nạc 40%. Tỷ lệ mỡ 32%.

Hướng sử dụng: Nuôi khai thác thịt ở vùng núi, nơi kinh tế và điều kiện chăn nuôi chưa tốt.

PGS.TS. Nguyễn Văn Đức

Hội Chăn nuôi Việt Nam

Từ khóa
  • chăn nuôi lợn
  • giống lợn
  • giống lợn Việt Nam

Để lại comment của bạn

Nhấp chuột vào đây để hủy trả lời.

Họ tên:

Email:

Bình luận

Δ

Từ khóa » Hình ảnh Giống Lợn ỉ Móng Cái