Một Số Loại Thuốc Gây Bệnh Hồng Ban - Báo Sức Khỏe & Đời Sống
Có thể bạn quan tâm
Hồng ban nhiễm sắc cố định là một trong những dạng phản ứng ngoài da do thuốc xảy ra khá phổ biến. Mặc dù cơ chế gây bệnh chính xác còn chưa được biết rõ nhưng đây thường được coi là một phản ứng dị ứng chậm đối với thuốc do có một số bất thường về miễn dịch đã được tìm thấy ở những người bị hồng ban nhiễm sắc cố định.
Đặc điểm tổn thương
Theo một số nghiên cứu, hồng ban nhiễm sắc cố định chiếm khoảng 15-20% tổng số các trường hợp phản ứng ngoài da do thuốc. Đặc trưng của tổn thương là xảy ra nhiều lần ở cùng một vị trí khi tiếp xúc lại với cùng một tác nhân gây bệnh. Tổn thương thường gặp nhất là những đám ban đỏ sẫm màu, hình tròn hoặc vòng cung, bờ rõ, sờ hơi gợn trên mặt da. Khi mới mọc, ban thường có màu đỏ tươi, sau đó thẫm dần, bong da nhiều đợt trước khi khỏi. Vùng da bị tổn thương thường có cảm giác rát bỏng, ngứa nhẹ hoặc tê bì, xuất hiện một hoặc nhiều đám ban đỏ và có thể có mụn nước hoặc bọng nước ở giữa. Hồng ban nhiễm sắc cố định có thể mọc ở bất kỳ vị trí nào trên da và niêm mạc nhưng thường gặp nhất là ở môi, vùng quanh mắt, bộ phận sinh dục, thân mình và bàn tay, ban có thể mọc ở một vị trí đơn lẻ hoặc ở đồng thời nhiều vị trí. Vị trí tổn thương thường gặp nhất cũng khác nhau giữa các loại thuốc, ví dụ với kháng sinh sulfamide là ở bộ phận sinh dục (chiếm 60%), thân mình và bàn tay (30%), với các thuốc chống viêm giảm đau là ở môi (80%) và thân mình (35%). Về thời gian xuất hiện, ở lần mắc đầu tiên, ban đỏ thường xuất hiện sau uống thuốc 1 - 2 tuần, còn ở những lần sau đó, tổn thương da có thể xuất hiện sau uống thuốc từ vài giờ đến vài ngày ở cùng một vị trí với lần xuất hiện đầu. Tổn thương da có thể đi kèm với một số triệu chứng toàn thể như sốt, mệt mỏi, buồn nôn và nôn.
Về nguyên nhân, hầu hết các loại thuốc (kể cả loại bán cần đơn và không cần đơn) đều có thể gây hồng ban nhiễm sắc cố định, thường gặp nhất là các kháng sinh nhóm sulfamide (như sulfamethoxazole, sulfadiazine), nhóm tetracycline (như tetracycline, doxycycline), metronidazole, allopurinol, dapsone, pseudoephedrine, các thuốc chống viêm giảm đau (như naproxen, tenoxicam...), thuốc tránh thai, thuốc chống nấm (như fluconazole), thuốc chống co giật phenobarbital hoặc dapsone. Mặc dù hồng ban nhiễm sắc cố định thường gây ra do một loại thuốc đơn lẻ nhưng trong một số ít trường hợp, tổn thương da này có thể gây ra do sự phối hợp đồng thời của nhiều loại thuốc có khả năng tương tác với nhau để tạo ra các sản phẩm chuyển hoá gây dị ứng.
Hồng ban là một dạng phản ứng ngoài da do thuốc. |
Sinh thiết da có thể giúp chẩn đoán xác định hồng ban nhiễm sắc cố định. Về mô học, thường thấy tình trạng viêm với sự xâm nhập hỗn hợp của cả các tế bào lympho, bạch cầu trung tính và bạch cầu ái toan ở vùng nối giữa thượng bì và trung bì, thoái triển dạng phù nề các tế bào biểu mô màng đáy kèm theo hoại tử các tế bào sừng, tất cả làm bong tróc lớp thượng bì và tạo ra các bọng nước. Ở những tổn thương cũ, có thể tìm thấy các đại thực bào chứa sắc tố melanin và các thay đổi mạn tính như dày sừng, u hạt..., đây là lý do tạo ra các đám ban tối màu tồn tại kéo dài.
Phương pháp tốt nhất để chẩn đoán xác định nguyên nhân gây bệnh là dùng test kích thích, tức là cho người bệnh uống thử lại loại thuốc nghi ngờ với liều thấp và theo dõi sự xuất hiện của hồng ban nhiễm sắc cố định. Ở phương pháp chẩn đoán này, ban đỏ thường xuất hiện sau dùng thuốc từ vài giờ đến một vài ngày. Cần lưu ý là phương pháp này có thể gây sốc thuốc nên cần được tiến hành một cách thận trọng, trong những trường hợp hồng ban nhiễm sắc cố định xuất hiện ở nhiều vị trí hoặc có bọng nước không nên áp dụng phương pháp chẩn đoán này. Ngoài ra, ở những người có tiền sử dị ứng và sốc thuốc cũng không nên làm test kích thích. Test áp với loại thuốc nghi ngờ cũng có thể là một phương pháp an toàn và có hiệu quả trong chẩn đoán hồng ban nhiễm sắc cố định.
Điều trị hồng ban
Hồng ban nhiễm sắc cố định thường tự khỏi sau khi ngưng sử dụng thuốc gây bệnh một vài tuần và thường không để lại sẹo nhưng có thể để lại các đám tăng sắc tố tồn tại trong vài tuần đến vài tháng. Một số ít trường hợp có thể khỏi không để lại các đám tăng sắc tố, thường gặp trong trường hợp của hồng ban nhiễm sắc cố định do pseudoephedrine. Nếu bệnh nhân ngứa nhiều có thể giảm ngứa bằng các thuốc kháng histamin như chlorpheniramine, cetirzine... Trong những trường hợp không đáp ứng với thuốc kháng histamin, có thể dùng một đợt corticosteroid (như prednisolone, prednisone...) với liều thấp, đường uống trong thời gian 1-3 tuần. Người bệnh cần lưu ý tránh sử dụng lại loại thuốc đã gây hồng ban nhiễm sắc cố định và những nhóm thuốc có nhiều nguy cơ gây ra loại tổn thương da này. Trong trường hợp người bệnh vẫn cần phải sử dụng lại loại thuốc đã gây dị ứng để điều trị các bệnh lý khác do không tìm được thuốc thay thế, có thể tiến hành giải mẫn cảm đặc hiệu với thuốc. Nguyên lý của phương pháp này là đưa vào cơ thể người bệnh một liều lượng nhỏ của thuốc và sau đó tăng dần cho đến khi đạt đủ liều điều trị để hệ miễn dịch của cơ thể có thể dung nạp dần với thuốc. Phương pháp giảm mẫn cảm đã được các tác giả nước ngoài thực hiện thành công với nhiều loại thuốc như allopurinol, trimethoprim - sulfamethoxazole...
BS. Nguyễn Thị Thúy
Từ khóa » Dị ứng Hồng Ban Cố định
-
HỒNG BAN CỐ ĐỊNH NHIỄM SẮC (Fixed Drug Eruption)
-
Điều Trị Hồng Ban Nhiễm Sắc Cố định Như Thế Nào? - Vinmec
-
Bài Giảng Ban đỏ Nhiễm Sắc Cố định Tái Phát Trên Da - Dieutri.Vn
-
Hồng Ban Nhiễm Sắc Cố định. | Medlatec Hỏi Đáp Số 29719
-
Phát Ban Do Dị ứng Thuốc: Nhận Diện, Xử Trí Và Dự Phòng
-
Hồng Ban Đa Dạng - Rối Loạn Da Liễu - Cẩm Nang MSD
-
Hồng Ban Cố định Nhiễm Sắc Chữa Trị Như Thế Nào? - AloBacsi
-
Hồng Ban Nhiễm Sắc Cố định Tái Phát Có Thể điều Trị Khỏi? - AloBacsi
-
Hồng Ban đa Dạng - Bệnh Viện Da Liễu Trung ương
-
Bệnh Phát Ban Nhiễm Sắc - VnExpress Sức Khỏe
-
Nghiên Cứu đặc điểm Lâm Sàng, Yếu Tố Liên Quan Và Căn Nguyên Của ...
-
Mối Nguy Hiểm Của Dị ứng Thuốc & Cách Phòng Tránh
-
Dị ứng Thuốc Thể Ban đỏ - Bệnh Viện Da Liễu Trung ương
-
Nghiên Cứu đặc điểm Lâm Sàng, Yếu Tố Liên Quan Và Căn Nguyên Gây ...