Một Số Lưu ý Trong Phòng Và Trị Bệnh Cho Thỏ Giai đoạn Nuôi Thịt

1. Công tác vệ sinh phòng bệnh

Thỏ là loài gia súc cơ thể có sức đề kháng kém, dễ mắc bệnh và bệnh dễ phát triển nhanh thành dịch. Khi mắc bệnh thỏ rất dễ chết, thậm chí là chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Để hạn chế thiệt hại kinh tế do dịch bệnh gây ra, người chăn nuôi cần chú ý một số vấn đề sau:

- Tạo ra môi trường tiểu khí hậu chuồng nuôi hợp vệ sinh: Chuồng nuôi cần đảm bảo thông thoáng (tốt nhất nên làm kiểu chuồng kín có hệ thống làm mát không khí và quạt hút); lồng chuồng làm bằng vật liệu dễ vệ sinh, bề mặt nhẵn bóng, không ngấm nước như inox, thép không ghỉ...; nên làm máng uống nước tự động để đảm bảo vệ sinh, tránh rơi vãi làm ướt lông thỏ và ướt nền chuồng; dùng các biện pháp xử lý chất thải phù hợp như bể biogas, đệm lót sinh học...

- Tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh: Hàng ngày quét dọn vệ sinh chuồng trại, máng ăn, máng uống sạch sẽ. Định kỳ vệ sinh lồng chuồng, phun thuốc khử trùng chuồng trại và khu vực chăn nuôi.

- Tiêm phòng và phòng bệnh bằng thuốc một số bệnh cho thỏ như bệnh viêm mũi, bệnh ghẻ, bệnh cầu trùng, bệnh nấm da, bệnh bại huyết, đau bụng ỉa chảy theo lịch như sau:

Thỏ con được 3 ngày tuổi nhỏ thuốc phòng E.Coli lần 1; thỏ con được 15 ngày tuổi nhỏ thuốc phòng Cầu Trùng lần 1; thỏ con được 25 ngày tuổi tiêm phòng và điều trị Ghẻ; thỏ con được 30 ngày tuổi nhỏ thuốc phòng E.Coli lần 2; thỏ được 50 ngày tuổi nhỏ thuốc phòng Cầu Trùng lần 2; thỏ được 60 ngày tuổi tiêm vắc xin phòng bệnh Bại huyết; thỏ được 70 ngày tuổi ngày tuổi phòng và điều trị Ghẻ, Nấm.

- Hàng ngày theo dõi sức khỏe đàn thỏ, phát hiện sớm những con bị bệnh để cách ly và có biện pháp điều trị phù hợp, tránh không để bệnh lây lan.

2. Điều trị một số bệnh thường gặp trên thỏ nuôi thịt

2.1. Bệnh sình bụng tiêu chảy

* Triệu chứng

Thỏ bị chướng hơi, bụng phình to, không yên tĩnh, khó thở, chảy nước dãi ướt lông quanh 2 mép. Xuất hiện triệu chứng tiêu chảy: Phân chuyển nhanh từ hơi sệt sang lỏng như nước, màu đen, rất hôi thối. Thỏ có thể chết nhanh do mất nước và ngạt thở.

* Phòng và trị bệnh

- Phòng bệnh:

Sử dụng thức ăn sạch, đảm bảo chất lượng, hợp vệ sinh; khi thay đổi nguồn thức ăn, cần chuyển tiếp từ từ cho thỏ quen dần; cần phơi hoặc dự trữ trước 1 ngày đối với các loại thức ăn xanh có chứa quá nhiều nước.

Sau khi cai sữa (30 ngày tuổi) sử dụng VMD Aralis bơm trực tiếp vào miệng thỏ.

Liều lượng: 0,8ml/2,5 – 4,0 kg thể trọng/ngày; dùng liên tục 3 - 5 ngày.

- Điều trị:

Ngưng ngay các loại thức ăn, nước uống và những yếu tố gây mất vệ sinh.

Cho thỏ uống kháng sinh liên tục 3 - 5 ngày, liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, kết hợp với việc sử dụng nước chiết xuất các loại lá có chất chát như búp ổi, búp trà... và bổ sung vitamin, chất điện giải. Có thể sử dụng một số loại kháng sinh sau: Florfenicol hoặc Norfloxacin hoặc Ceftiofur hoặc Trimethoprim + Sulfamethoxazol hoặc Gentamycin + Colistin.

2.2. Bệnh cầu trùng (cocidiosis)

* Triệu chứng

Thỏ kém ăn, bị xù lông, đôi khi bị ỉa chảy; nếu kết hợp với bệnh viêm ruột, phân có thể lẫn máu. Thân nhiệt cao hơn bình thường, chảy nước mũi, nước dãi. Thời gian mang mầm bệnh kéo dài, thỏ gầy dần rồi chết. Bệnh có thể gây chết 50% tổng đàn.

* Phòng và trị bệnh

- Phòng bệnh

Lồng chuồng phải có lỗ, rãnh thoát phân dễ dàng; dọn vệ sinh hàng ngày. Tăng cường sức đề kháng cho thỏ bằng cách bổ sung vitamin, các loại thức ăn có chất lượng.

Cho uống thuốc phòng theo lịch.

- Điều trị: Cho thỏ uống một trong các loại thuốc sau trong 5 ngày, liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất: Sulfamerazine, Sulfaquinoxaline, sulfamethoxine, SEB3.

2.3. Bệnh ghẻ

* Triệu chứng

Thỏ ngứa, rụng lông và đóng vảy. Ở các điểm ghẻ ban đầu thấy rụng lông, sau đó thấy các vảy rộp máu trắng xám, dầy dần lên và khô cứng lại. Đôi khi dưới vảy ghẻ có mủ do nhiễm trùng gây viêm da. Thỏ không yên tĩnh, kém ăn, gầy dần và chết.

Bệnh ghẻ thỏ không lây sang người.

* Phòng và trị bệnh

- Phòng bệnh: Đảm bảo vệ sinh và chăm sóc nuôi dưỡng tốt. Chuồng nuôi phải khô ráo, sạch sẽ, thoáng mát; mật độ nuôi vừa phải. Thường xuyên kiểm tra, cách ly và điều trị kịp thời những con có biểu hiện bệnh. Tiêm thuốc IVERMECTIN phòng bệnh theo lịch.

- Điều trị: Tiêm bắp hoặc dưới da thuốc đặc trị IVERMECTIN 1 liều duy nhất, liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

2.4. Bệnh nấm da

* Triệu chứng

Bệnh nấm da không làm thỏ ngứa, không tạo thành vẩy dày cộp như bệnh ghẻ, mà chủ yếu bị rụng lông và da hơi sần sùi thành từng vùng tròn nhỏ rồi lan rộng dần trên mặt, ngoài vành tai, lông mũi, mí mắt, trán.

Bệnh nấm da có ý nghĩa về mặt dịch tễ học, vì nấm da thỏ lây lan sang người và gây bệnh nấm ở người rất nguy hiểm.

* Điều trị

Sử dụng thuốc IVERMECTIN như bệnh ghẻ.

Dùng HAN-IODINE 10% vệ sinh hết vùng da bị nấm 1 lần/ngày/5 ngày liền.

Tiếp theo dùng thuốc KETOMYCINE dạng kem kết hợp với thuốc MỠ KẼM OXY (Hanvet) bôi ướt hết vào vùng da bệnh liên tục 4 - 5 ngày (1 lần/ngày) hiệu quả phòng trị bệnh cũng rất tốt.

2.5. Bệnh viêm mũi

* Triệu chứng

Thỏ bị ngứa mũi, thường dùng chân trước dụi vào mũi làm trầy xước. Thỏ bị hắt hơi, chảy nước mũi, kém ăn, lông xù, phản ứng chậm chạp.

* Phòng và trị bệnh

- Phòng bệnh: Cải thiện môi trường chăn nuôi tốt hơn. Định kỳ nhỏ mũi thỏ bằng STREPTOMYCIN + NaCl. Thường xuyên bổ sung Vitamin C cho thỏ uống để tăng cường sức đề kháng.

- Điều trị:

Khi thỏ mới có biểu hiện chảy nước mũi, hắt hơi cần phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, phun thuốc sát trùng.

Nhỏ thuốc STREPTOMYCIN + NaCl vào mũi thỏ, mỗi ngày nhỏ 2 lần cho đến khi hết các triệu chứng bệnh.

Nếu thỏ bị bệnh nặng cần tiêm bắp VIME-SPITO; liều dùng: 1ml/2-5 kg thể trọng/ngày.

2.6. Bệnh bại huyết

Là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, thường bị ở thỏ trên 50 ngày tuổi, tỷ lệ chết cao 80 - 100%, bệnh xảy ra quanh năm.

* Triệu chứng

Bệnh xảy ra rất nhanh, nhiều trường hợp thỏ không có biểu hiện gì trước khi chết. Thời gian nung bệnh ngắn, thông thường 1 - 3 ngày. Khi chết, tất cả đều có tư thế rất giống nhau đó là đầu hất về phía sau.

Thể quá cấp tính: Thỏ chết đột ngột sau khi bị nhiễm 10 - 12 giờ. Các biểu hiện rõ nhất là thỏ chạy nhảy, giãy giụa mạnh và kêu la trong chuồng trước khi chết. Thể này thường gặp vào giai đoạn đầu của ổ dịch.

Thể cấp tính: Biểu hiện sốt cao (trên 400C), khó thở. Thỏ suy nhược, khát nước, bỏ ăn chỉ 3 - 4 giờ trước khi chết. Ngoài ra, thỏ có biểu hiện lờ đờ, di chuyển chậm chạp, trước khi chết trở nên bị kích động, chạy khắp chuồng, co giật, kêu ré lên, phân sệt đen kéo thành sợi và có dịch nhờn ở hậu môn. Một vài thỏ trong xoang mũi có dịch lẫn máu và bọt dẫn đến biểu hiện nghẹt thở. Thể này thường xảy ra ở giai đoạn giữa của ổ dịch.

Thể mãn tính: Thỏ có biểu hiện lờ đờ, giảm ăn và biếng ăn trong 1 - 2 ngày, biểu hiện gầy mòn, xù lông và tử vong.

* Phòng và trị bệnh:

Bệnh do virus gây ra nên điều trị không có kết quả, chủ yếu là người nuôi chủ động các biện pháp phòng bệnh:

Thực hiện đầy đủ, đồng bộ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Phòng bệnh bằng vắc xin: Tiêm cho thỏ 60 ngày tuổi, tiêm dưới da cổ hoặc tiêm bắp, liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Khi có dịch bệnh xảy ra, việc đầu tiên phải thực hiện là cách ly thỏ bị bệnh với thỏ khỏe mạnh. Tiến hành quét dọn vệ sinh chuồng trại, chất thải, dụng cụ và lối ra vào chuồng trại, phun các chất sát trùng. Công nhân phải thay trang phục bảo hộ và tắm rửa sạch sẽ trước khi ra khỏi trại. Thực hiện các biện pháp tăng sức đề kháng cho những thỏ khỏe mạnh. Thỏ bệnh, thỏ chết phải đốt xác hoặc chôn sâu giữa hai lớp vôi bột.

Từ khóa » Thỏ Bị Ghẻ ở Tai