Một Số Nguyên Nhân Của Sự Suy Thoái Rạn San Hô

Rạn san hô là hệ sinh thái đa dạng nhất của đại dương và là một trong những hệ sinh thái đa dạng nhất trên hành tinh chúng ta. Các rạn san hô tuy chỉ chiếm chưa tới 1% diện tích đại dương nhưng lại có 25% số sinh vật biển sống ở đó, chúng thường được ví như những khu rừng nhiệt đới dưới đáy biển. San hô là thành phần chính cấu tạo nên rạn san hô.

Có rất nhiều loại san hô như san hô não, san hô cành,… Một số loại san hô mềm bao gồm san hô quạt, bút biển (trông giống như chiếc bút lông chim)… Trong thế giới đại dương, rạn san hô giống như những thành phố thu nhỏ của các loài sinh vật biển, là nơi cư trú và cung cấp thức ăn cho khoảng 4000 loài cá, 800 loài san hô và hàng trăm sinh vật biển khác. Rạn san hô là một trong những hệ sinh thái biển đặc sắc của Việt Nam, nơi có mức độ đa dạng sinh học rất cao và cảnh quan kỳ thú. Các rạn san hô của Việt Nam được phân bố rộng khắp từ Bắc vào Nam với diện tích khoảng hơn 1100km2, diện tích san hô lớn nhất và tính đa dạng sinh học lớn nhất được ghi nhận tại vùng biển miền Trung và miền Nam. San hô ở Việt Nam rất đa dạng, với khoảng 400 loài san hô cứng thuộc 79 giống. Quần xã san hô ở Việt Nam hoàn toàn có thể được so sánh với các vùng san hô đa dạng nhất trên thế giới.

Nhìn chung, hệ sinh thái rạn san hô có cấu trúc rất phức tạp và rất nhạy cảm với sự đe dọa của môi trường. Khi san hô còn là ấu thể, chúng có thể dễ dàng trở thành mồi ngon của nhiều động vật biển. Khi đã phát triển bộ xương, chúng không còn là món ăn ngon cho những động vật này nữa, tuy nhiên, cũng có một số loài cá, sâu biển, ốc và sao biển lùng bắt san hô trưởng thành. Đặc biệt, ở nhiều vùng biển thuộc Thái Bình Dương, loài sao biển gai là những kẻ săn san hô vô cùng tích cực.

Một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với san hô chính là hiện tượng bạc màu (mất lớp sắc tố) hay còn gọi là tẩy trắng (bleaching). Hiện tượng này xảy ra khi nhiệt độ nước biển bề mặt tăng lên ảnh hưởng tới sự sống của tảo zooxanthellae cộng sinh với san hô. Nhiệt độ nước biển trên 30oC có thể gây ra quá trình tẩy trắng. Hiện tượng tẩy trắng kéo dài có thể giết chết các quần xã san hô hoặc khiến chúng dễ bị tổn thương trước các mối đe dọa khác. Trong những năm gần đây, nhiều rạn san hô nhiệt đới đã suy thoái do san hô bị tẩy trắng hoặc chết. Quá trình axit hóa đại dương – nước biển tăng tính axit – cũng khiến san hô khó có thể hình thành khung xương canxi cacbonat. Nếu quá trình axit hóa diễn ra với tốc độ nhanh hơn, những cấu trúc xương đã hình thành của các rạn san hô cũng có thể bị phá vỡ.

Tuy nhiên, tác động trực tiếp gây suy thoái rạn san hô chính là hoạt động của con người. Các nghiên cứu gần đây cho thấy rạn san hô ở nhiều vùng của Việt Nam đang xấu đi do tác động của cả tự nhiên và nhân tạo, trong đó chủ yếu là hoạt động khai thác san hô, đánh bắt hải sản quá mức, du lịch, san lấp, nạo vét… ở những vùng biển có rạn san hô. Các tác nhân này còn làm giảm khả năng thích ứng, chống chịu của san hô với các tác động do biến đổi khí hậu như gia tăng nhiệt độ nước biển, axit hóa đại dương. Nạn phá rừng cũng làm xói mòn đất, nước mang đất ra biển và tạo thành trầm tích bao phủ lên các rạn san hô.

Sự suy thoái rạn san hô trong vịnh có nhiều nguyên nhân như khai thác hủy diệt bằng chất nổ, xyanua (hiện nay không còn); ô nhiễm môi trường (các hoạt động du lịch, xả thải, nuôi trồng thủy sản…) làm thay đổi điều kiện sống, xuất hiện san hô bị bệnh, bùng nổ sinh vật ăn san hô (sao biển gai) và hiện tượng ưu dưỡng (phú dưỡng) cục bộ; hiện tượng tẩy trắng san hô và các tai biến thiên nhiên (bão, lũ)... Diện tích rạn san hô bị mất đi chủ yếu là do quá trình san lấp, xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch và dân sinh tại các vùng ven bờ và ven đảo. Việc san lấp không chỉ làm mất diện tích rạn san hô mà còn đưa lượng trầm tích ra biển, gây lắng đọng trên bề mặt rạn làm san hô bị chết, gây suy thoái các vùng rạn khác.

Thời gian qua, Viện Hải dương học đã thử nghiệm phục hồi san hô ở vịnh Nha Trang, đã xác định 9 loài san hô cứng có khả năng phục hồi với tỷ lệ sống đạt trên 60%, tốc độ tăng trưởng trung bình từ 0,4 -6,5mm/tháng. Kết quả này mang lại những hiệu quả nhất định, góp phần giảm thiểu những tác động bất lợi đối với rạn san hô, cải thiện các vùng rạn bằng cách làm gia tăng độ phủ của san hô, gia tăng giá bám bền vững cho san hô tái phục hồi và tạo môi trường ổn định cho sự phát triển của quần xã sinh vật rạn. Tuy nhiên, so sánh với các khu vực phục hồi khác ở vùng biển Việt Nam như Lý Sơn, Bình Định, Côn Đảo thì tỷ lệ sống của san hô phục hồi ở vịnh Nha Trang không cao. Một số nguyên nhân được xác định như địch hại của san hô, sự cạnh tranh không gian giữa các loài, chất lượng môi trường thay đổi do hoạt động gián tiếp từ con người và các yếu tố khác như chế độ động lực.

Các khu bảo tồn biển đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ san hô, trong đó quan trọng nhất là có một quần xã cá khỏe mạnh và bảo đảm nguồn nước biển sạch sẽ cho san hô phát triển. Cá có vai trò quan trọng đối với các rạn san hô, đặc biệt là các loài cá ăn rong biển và giữ cho rong biển không mọc lấn lên san hô, cũng như các loài cá ăn động vật cũng khiến cho sao biển gai không thể phát triển và ăn san hô. Những khu vực rạn san hô được bảo vệ nghiêm ngặt thường có những quần xã san hô khỏe mạnh hơn và có khả năng phục hồi tốt hơn sau thiên tai. Nước sạch cũng rất quan trọng đối với sự tồn tại của san hô. Nước thải từ đất liền qua các con sông chảy ra biển mang theo bùn đất, chất dinh dưỡng… làm tăng tốc độ tăng trưởng của tảo và một số loài ăn thịt san hô. Do đó, việc sử dụng đất hiệu quả, tránh sử dụng quá nhiều phân bón hóa học và hạn chế xói mòn do chặt phá rừng và xây dựng… cũng làm giảm bớt lượng nước mang nhiều trầm tích đổ vào các vùng biển có san hô. Tuy nhiên, về lâu dài, tương lai của các rạn san hô sẽ phụ thuộc vào việc làm giảm lượng khí cacbon điôxit (CO2). Trong khí quyển CO2 sản sinh ra từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch đã và đang khiến đại dương nóng lên, dẫn đến hiện tượng tẩy trắng của san hô và thay đổi tính axít của nước.

Hình ảnh san hô được trồng phục hồi tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Quảng Nam 2015

do các cán bộ khoa học phòng Nguồn lợi Thủy sinh, Viện Hải dương học thực hiện

Nguồn: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Từ khóa » Hệ Sinh Thái Rạn San Hô