Một Số Nội Dung Về Dạy Học Tiếng Việt 1
Có thể bạn quan tâm
MỤC TIÊU, ĐỐI TƯỢNG, PHƯƠNG PHÁP DH TV1
1.1.Mục tiêu chương trình môn Tiếng Việt lớp 1 - CGD
Học xong chương trình Tiếng Việt lớp 1 - CGD học sinh đạt được các mục đích sau:
- Học sinh đọc thông, viết thạo, không tái mù.
- Học sinh nắm chắc luật chính tả.
- Học sinh nắm chắc hệ thống cấu trúc ngữ âm Tiếng Việt.
1.2.Đối tượng chương trình môn Tiếng Việt lớp 1 – CGD
Đối tượng của Tiếng Việt lớp 1 - CGD chính là cấu trúc ngữ âm của tiếng Việt gồm:
- Tiếng
- Âm và chữ
- Vần
1.3. Nội dung chương trình chương trình môn Tiếng Việt lớp 1 - CGD (gồm 4 bài)
- Bài 1: Tiếng
- Bài 2: Âm
- Bài 3: Vần
- Bài 4: Nguyên âm đôi
1.4. Phương pháp dạy chương trình Tiếng Việt lớp 1- CGD
- Phương pháp mẫu:
+ Lập mẫu, sử dụng mẫu.
+ Làm mẫu tổ chức học sinh làm theo mẫu đã có.
- Phương pháp làm việc:
+ Tổ chức việc học của trẻ em thông qua những việc làm cụ thể và những thao tác chuẩn xác do các em tự làm lấy.
NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN BIẾT VỀ CHƯƠNG TRÌNH TIẾNG VIỆT 1 - CÔNG NGHỆ GIÁO DỤC
(TÀI LIỆU DÀNH CHO GV VÀ PHHS LỚP 1.CNGD)
Phần 1. Hệ thống Âm và Chữ trong chương trình TV1.CNGD:
èChương trình Tiếng Việt 1.CNGD dạy HS 37 âm vị. Các âm vị đó là: a, ă, â, b, c, ch, d, đ, e, ê, g, gi, h, i, kh, l, m, n, ng, nh, o, ô, ơ, p, ph, r, s, t, th, tr, u, ư, v, x, iê, uô, ươ.Bao gồm:
- 14 nguyên âm: 11 nguyên âm đơn (a, ă, â, e, ê, i, o, ô, ơ, u, ư)và 3 nguyên âm đôi (iê, uô, ươ).
- 23 phụ âm đó là: b, c, ch, d, đ, g, kh, t, v, h, l, m, n, ng, nh, p, ph, s, th, tr, x, gi, r.
è 37 âm vị trên được ghi bằng 47 chữ, đó là 37 chữ ghi các âm vị nói trên và thêm 10 chữ nữa là: k, q, gh, y, ngh, ia, ya, yê, ua, ưa.
èCác âmch, nh, kh, ph, th, gh, ngh, gi là một âm chứ không phải là do nhiều âm ghép lại.
Ví dụ: Chữ ghi âm /ch/: ch là do nét cong trái, nét khuyết trên và nét móc hai đầu tạo thành, chứ không phải do hai chữ /c/ và /h/ ghép lại.
Phần 2. Âm tiết:
-Mỗi tiếng trong tiếng Việt, đứng về mặt ngữ âm chính là một âm tiết.
-Âm tiết tiếng Việt được thể hiện bằng lược đồ như sau:
* Học sinh cần nắm chắc: Tiếng đầy đủ gồm có 3 phần: Phần đầu, phần vần, phần thanh.
Phần 3. Các thành tố cấu tạo âm tiết:
3.1. Thanh điệu: Tiếng Việt có:
è6 thanh điệu:
- Thanh không dấu (thanh ngang)
- Thanh huyền
- Thanh hỏi
- Thanh ngã
- Thanh sắc
- Thanh nặng.
è5 dấu thanh: dấu sắc, dấu huyền, dấu hỏi, dấu ngã, dấu nặng.
3.2. Âm đầu:
Các âm vị đảm nhiệm thành phần âm đầu của âm tiết tiếng Việt bao giờ cũng là các phụ âm: có 23 âm vị phụ âm đầu
Gồm: b, c (k, q), d, đ, g (gh), h, l, m, n, p, r, s, t, v, ch, nh, tr, gi, ng (ngh), ph, kh, th, x.
Lưu ý: Số lượng chữ viết nhiều hơn số lượng âm vị do có âm vị được ghi bằng 2, 3 chữ cái. VD: âm /c/ có 3 cách viết là c, k, q
3.3. Âm đệm:
Trong tiếng Việt, âm vị bán nguyên âm môi /-w-/ đóng vai trò âm đệm. Âm vị này được ghi bằng 2 con chữ: u, o
- Ghi bằng con chữ “u”:
+ Trước nguyên âm hẹp, hơi hẹp: VD: huy, huế,…
+ Sau phụ âm /c/: VD: qua, quê, quân.
- Ghi bằng con chữ “o”: Trước nguyên âm rộng, hơi rộng. VD: hoa, hoe, …
3.4. Âm chính:
Tiếng Việt 1.CGD có 14 âm vị làm âm chính. Trong đó có: 11 nguyên âm đơn và 3 nguyên âm đôi.
- Các nguyên âm đơn được thể hiện bằng các con chữ sau: a, ă, â, e, ê, i (y), o, ô, ơ, u, ư.
- 3 nguyên âm đôi /iê/, /uô/, /ươ/ được thể hiện bằng các con chữ sau: iê (iê, yê, ia, ya), uô (uô, ua), ươ (ươ, ưa).
3.5. Âm cuối:
Tiếng Việt có 8 phụ âm, 2 bán nguyên âm đảm nhiệm vai trò là âm cuối:
- 8 phụ âm được thể hiện bằng 8 con chữ sau: p, t, c, ch, m, n, ng, nh.
- 2 bán nguyên âm được thể hiện bằng 4 con chữ: u, o, i, y
Phần 4: Luật chính tả:
5.1. Luật viết hoa:
a. Tiếng đầu câu: Tiếng đầu câu phải viết hoa.
b. Tên riêng :
b.1.Tên riêng Tiếng Việt:
- Viết hoa tất cả các tiếng không có gạch nối. Ví dụ: Vạn Xuân, Việt Nam.
- Một số trường hợp tên riêng địa lí được cấu tạo bởi 1 danh từ chung (sông, núi, hồ, đảo, đèo) kết hợp với một danh từ riêng (thường có một tiếng) có kết cấu chặt chẽ đã thành đơn vị hành chính thì viết hoa tất cả các tiếng. VD: Sông Cầu, Sông Thao, Hồ Gươm, Cửa Lò,…
- Ngoài các trường hợp trên ra thì chỉ viết hoa tiếng là danh từ riêng. VD: sông Hương, núi Ngự, cầu Thê Húc, …
b.2.Tên riêng tiếng nước ngoài:
- Trường hợp các tên riêng nước ngoài phiên âm qua âm Hán Việt thì viết hoa như viết tên riêng Việt Nam. VD: Hàn Quốc, Bồ Đào Nha,…
- Trường hợp các tên riêng nước ngoài không phiên âm qua âm Hán - Việt thì chỉ viết hoa chữ cái đầu và có gạch nối giữa các âm tiết.
VD: Cam-pu-chia, Xinh-ga-po,….
c. Viết hoa để tỏ sự tôn trọng : Ví dụ: Bà Trưng, Bà Triệu...
5.2. Luật ghi tiếng nước ngoài:
Các trường hợp không phiên âm qua âm Hán - Việt thì nghe thế nào viết thế ấy (như Tiếng Việt). Giữa các tiếng (trong một từ) phải có gạch nối.
Ví dụ: Pa-nô, pi-a-nô.
5.3. Luật ghi dấu thanh:
- Viết dấu thanh ở âm chính của vần. Ví dụ: bà, bá, loá, quỳnh, bào, mùi…
- Ở tiếng có nguyên âm đôi mà không có âm cuối thì dấu thanh được viết ở vị trí con chữ thứ nhất của nguyên âm đôi.
Ví dụ: mía, múa...
- Ở tiếng có nguyên âm đôi mà có âm cuối thì dấu thanh được viết ở vị trí con chữ thứ hai của nguyên âm đôi.
Ví dụ: miến, buồn...
5.4. Luật ghi một số âm đầu:
a. Luật e, ê, i:
- Âm /c/ (cờ) trước e, ê, i phải viết bằng chữ k (gọi là ca)
- Âm /g/ (gờ) trước e, ê, i phải viết bằng chữ gh (gọi là gờ kép)
- Âm /ng/ (ngờ) trước e, ê, i phải viết bằng chữ ngh (gọi là ngờ kép)
b. Luật ghi âm /c/ (cờ) trước âm đệm.
Âm /c/ (cờ) đứng trước âm đệm phải viết bằng chữ q (cu) và âm đệm viết bằng chữ u. VD: qua, quyên,….
c. Luật ghi chữ "gì"
Ở đây có hai chữ i đi liền nhau. Khi viết phải bỏ một chữ i (ở chữ gi), thành gì.
Khi đưa vào mô hình ta ghi như sau:
5.5. Luật ghi một số âm chính:
a. Quy tắc chính tả khi viết âm i :
- Tiếng chỉ có một âm i thì có tiếng viết bằng i (i ngắn) có tiếng viết bằng y (y dài):
+ Viết i nếu đó là từ Thuần Việt (ì ầm)
+ Viết y nếu đó là từ Hán Việt (y tá)
- Tiếng có âm đầu (và âm /i/) thì một số tiếng có thể viết y, hoặc viết i đều được. Nhưng hiện nay quy định chung viết là i : thi sĩ
- Khi có âm đệm đứng trước, âm i phải viết là y (y dài): huy, quy (không được viết là qui)
b. Cách ghi nguyên âm đôi :
- Nguyên âm đôi /iê/ (đọc là ia) có 4 cách viết:
+ Không có âm cuối: viết là ia. Ví dụ: mía.
+ Có âm cuối: viết là iê. Ví dụ: biển.
+ Có âm đệm, không có âm cuối thì viết là: ya. Ví dụ: khuya.
+ Có âm đệm, có âm cuối, hoặc không có âm đầu thì viết là: yê. Ví dụ: chuyên, tuyết... yên, yểng...
- Nguyên âm đôi /uô/ (đọc là ua) có hai cách viết:
+ Không có âm cuối: viết là ua. Ví dụ: cua.
+ Có âm cuối: viết là uô. Ví dụ: suối.
- Nguyên âm đôi /ươ/ (đọc là ưa) có 2 cách viết:
+ Không có âm cuối: viết là ưa. Ví dụ: cưa.
+ Có âm cuối: viết là ươ. Ví dụ: lươn.
5.6. Một số trường hợp đặc biệt:
Một số tiếng khi phân tích để đưa vào mô hình chúng ta cần phải xác định rõ vai trò của các âm vị trong tiếng đó.
VD: Các tiếng gì, giếng, cuốc, quốc, xong, xoong, …sẽ được đưa vào mô hình tiếng như sau:
Phần 5: Nội dung chương trình
1. Bài 1: Tiếng
- Tiếng là một khối âm toàn vẹn như một “khối liền” được tách ra từ lời nói. Tiếp đó bằng phát âm, các em biết tiếng giống nhau và tiếng khác nhau hoàn toàn, tiếng khác nhau một phần.
- Tiếng được phân tích thành các bộ phận cấu thành: phần đầu, phần vần, thanh.
- Đánh vần một tiếng theo cơ chế hai bước:
+ Bước 1: b/a/ba (tiếng thanh ngang)
+ Bước 2: ba/huyền/bà (thêm các thanh khác)
Cách hướng dẫn học sinh đánh vần qua thao tác tay theo mô hình sau:
Vỗ tay (1) - Ngửa tay trái (2) - Ngửa tay phải (3) - Vỗ tay (1)
Ví dụ:
Tiếng | 1 | 2 | 3 | 1 |
ba | ba | b | a | ba |
bà | bà | ba | huyền | bà |
2. Bài 2: Âm
- Học sinh học cách phân tích tiếng tới đơn vị ngữ âm nhỏ nhất, đó là âm vị. Qua phát âm, các em phân biệt được phụ âm, nguyên âm, xuất hiện theo thứ tự của bảng chữ cái Tiếng Việt. Khi nắm được bản chất mỗi âm, các em dùng ký hiệu để ghi lại. Như vậy CNGD đi từ âm đến chữ.
- Một âm có thể viết bằng nhiều chữ và có thể có nhiều nghĩa nên phải viết đúng luật chính tả.
3. Bài 3: Vần
- Cấu trúc vần Tiếng Việt: Âm đầu, âm đệm, âm chính, âm cuối
- Các kiểu vần:
Kiểu 1: Vần chỉ có âm chính : la
Kiểu 2: Vần có âm đệm và âm chính: loa
Kiểu 3: Vần có âm chính và âm cuối: lan
Kiểu 4: Vần có âm đệm, âm chính và âm cuối: loan
Mô hình:
µ 4 VIỆC THƯC THI TIẾT HỌC
Bốn việc thực thi Tiết học, do Học sinh tự làm lấy (theo Bản thiết kế). Việc 1. Chiếm lĩnh Đối tượng: Cấu trúc ngữ âm của Tiếng, ở hình thái vật chất – âm thanh. – Nghe, nhắc lại Tiếng: Phát âm. – Phân tích Tiếng: Phát âm và vỗ tay. – Sản phẩm: Các thành phần Tiếng ở trình độ phát triển hiện tại. Việc 2: Định hình hoá sản phẩm của Việc 1, khoác vào Đối tượng một hình thái vững chắc, gọi là Viết. Viết chữ ghi âm và đưa vào Mô hình. Mẫu 1: ba Mẫu 2: oa Mẫu 3: an Mẫu 4: oan Mẫu 5: iê Việc 3. Từ chữ phát ra âm, gọi là Đọc. Việc 4. Tổng kiểm tra, củng cố 3 việc trên gọi là Viết chính tả (nghe – viết).
Mở đầu Tiết học có thể còn có Việc 0 của Thầy để xác định vị trí, chức năng của Tiết học: Mẫu nào – Đã biết gì – Cần làm gì (thay thành phần nào của Mẫu).
Bốn việc thực thi Tiết học vừa làm ra sản phẩm lí thuyết, vừa làm ra sản phẩm thực dụng, để em phải xử lí đúng các quan hệ cơ bản theo luật chính tả.
µ QUY TRÌNH DẠY TV1
Loại 1: TIẾT LẬP MẪU:
Việc 1: Chiếm lĩnh ngữ âm.
1.1. Giới thiệu vật mẫu.
1.2. Phân tích ngữ âm
1.3. Vẽ mô hình.
Việc 2: Viết.
2.1. Giới thiệu cách ghi âm bằng chữ in thường.
2.2. Giới thiệu cách ghi âm bằng chữ viết thường.
2.3. Viết tiếng có âm (vần) vừa học.
2.4. Viết vở: Em tập viết
Việc 3: Đọc.
3.1. Đọc trên bảng.
3.2. Đọc trong sách.
Việc 4: Viết chính tả.
4.1. Viết bảng con/ Viết nháp.
4.2. Viết vào vở chính tả.
Loại 2: TIẾT DÙNG MẪU:
Quy trình: Giống như quy trình của tiết lập mẫu.
Mục đích: - Vận dụng quy trình từ tiết lập mẫu.
- Luyện tập với vật liệu khác trên cùng một chất liệu tiết Lập mẫu.
Yêu cầu đối với GV:
- Nắm chắc quy trình tiết lập mẫu.
- Chủ động, linh hoạt trong quá trình tổ chức tiết học sao cho phù hợp với học sinh.
Loại 3: TIẾT LUYỆN TẬP – TỔNG HỢP:
Việc 1: Ngữ âm.
- Đưa ra một số tình huống về ngữ âm TV và Luật CT
- Vận dụng làm một số bài tập ngữ âm và LCT.
- Tổng kết kiến thức ngữ âm theo hệ thống đã sắp xếp.
Việc 2: Đọc.
Bước 1: Chuẩn bị
+ Đọc nhỏ.
+ Đọc bằng mắt.
+ Đọc to.
Bước 2: Đọc bài.
- Đọc mẫu.
- Đọc nối tiếp.
- Đọc đồng thanh.
Bước 3: Hỏi đáp.
Việc 3: Viết.
3.1. Viết bảng con.
3.2. Viết vở: Em tập viết
Việc 4: Chính tả.
4.1. Ôn LCT (nếu có)
4.2. Nghe - viết.
MỘT SỐ ÂM – VẦN LƯU Ý
Âm | Cách đọc | Âm | Cách đọc | Âm | Cách đọc |
a | a | i | i | q | cờ |
ă | á | k | cờ | r | rờ |
â | ớ | kh | khờ | t | tờ |
b | bờ | l | lờ | s | sờ |
c | cờ | m | mờ | th | thờ |
ch | chờ | n | nờ | tr | trờ |
d | dờ | ng | ngờ | u | u |
đ | đờ | ngh | ngờ kép | ư | ư |
e | e | nh | nhờ | v | vờ |
ê | ê | o | o | x | xờ |
g | gờ | ô | ô | y | y |
gh | gờ kép | ơ | ơ | iê (yê, ia, ya) | ia |
gi | giờ | p | pờ | uô (ua) | ua |
h | hờ | ph | phờ | ươ (ưa) | ưa |
Vần | Cách đọc | Vần | Cách đọc |
gì | gì - gi - huyền - gì | uôc | uốc - ua - cờ - uốc |
iêu | iêu - ia - u - iêu | uông | uông - ua - ngờ - uông |
yêu | yêu - ia - u - yêu | ươi | ươi - ưa - i - ươi |
iên | iên - ia - nờ - iên | ươn | ươn - ưa - nờ - ươn |
yên | yên - ia - nờ - yên | ương | ương - ưa - ngờ - ương |
iêt | iết - ia - tờ - iết | ươm | ươm - ưa - mờ - ươm |
iêc | iếc - ia - cờ - iếc | ươc | ước - ưa - cờ - ước |
iêp | iếp - ia - pờ - iếp | ươp | ướp - ưa - pờ - ướp |
iêm | iêm - ia - mờ - iêm | oai | oai - o - ai - oai |
yêm | yêm - ia - mờ - yêm | oay | oay - o - ay - oay |
iêng | iêng - ia - ngờ - iêng | oan | oan - o - an - oan |
uôi | uôi - ua - i - uôi | oăn | oăn - o - ăn - oăn |
uôn | uôn - ua - nờ - uôn | oang | oang - o - ang - oang |
uyên | uyên - u - yên - uyên | oăng | oăng - o - ăng - oăng |
uych | uých - u - ích - uých | oanh | oanh - o - anh - oanh |
uynh | uynh - u - inh - uynh | oach | oách - o - ách - oách |
uyêt | uyết - u - iết - uyết | oat | oát - o - át - oát |
uya | uya - u - ia - uya | oăt | oắt - o - ắt - oắt |
uyt | uýt - u - ít - uýt | uân | uân - u - ân - uân |
uôm | uôm - ua - mờ - uôm | uât | uất - u - ất - uất |
uôt | uốt - ua - tờ - uốt |
…VÀ MỘT SỐ TIẾNG ĐỌC KHÁC “LUẬT XƯA”
Tiếng | Cách đọc | Ghi chú |
dơ | dơ - dờ - ơ - dơ | Đọc nhẹ |
giơ | giơ - giờ - ơ - giơ | Đọc nặng hơn 1 chút |
giờ | giờ - giơ - huyền - giờ | |
rô | rô - rờ - ô - rô | Đọc rung lưỡi |
kinh | cờ - inh - kinh | Luật CT: âm “cờ” đứng trước i viết bằng chữ “ca” |
quynh | quynh - cờ - uynh - quynh | Luật CT: âm “cờ” đứng trước âm đệm phải viết bằng chữ “cu” và âm đệm viết bằng chữ u. |
qua | qua - cờ - oa - qua | Luật CT: (như trên) |
Lưu ý: Trên đây là tên âm để dạy HS lớp 1, còn khi đọc tên của 29 chữ cái thì vẫn đọc như cũ nhé.
Chữ cái | Tên chữ cái | Chữ cái | Tên chữ cái |
a | a | n | en - nờ |
ă | á | o | o |
â | ớ | ô | ô |
b | bê | ơ | ơ |
c | xê | p | pê |
d | dê | q | quy |
đ | đê | r | e - rờ |
e | e | s | ét - sì |
ê | ê | t | tê |
g | giê | u | u |
h | hát | ư | ư |
i | i | v | vê |
k | ca | x | ích - xì |
l | e - lờ | y | y dài |
m | em - mờ |
PHẦN VẬN DỤNG: (Tham khảo thêm một số bài soạn mẫu để ghi vào cho từng loại tiết – có thể tận dụng các tiết dự giờ đề ghi chép vì vậy cần liên hệ gv khối 1 để họ báo giúp từng loại tiết để dự chủ động hơn)
MỘT SỐ THUẬN LỢI, KHÓ KHĂN, ĐỀ XUẤT
ĐỐI VỚI DẠY HỌC TV1-CGD
1. Thuận lợi, khó khăn
a) Thuận lợi
- Giáo viên:
+ Có thời gian để chuẩn bị cho tiết dạy (không soạn giáo án).
+ Ít chuẩn bị đồ dùng dạy học.
+ Rèn nề nếp tốt hơn (làm theo quy ước, hiệu lệnh).
- Học sinh:
+ Tò mò, thích thú với kênh hình.
+ Lớp học sôi động hơn, đỡ buồn ngủ do tham gia khá nhiều hoạt động (kết hợp nhiều thao tác).
+ Sớm được tiếp thu Luật chính tả (nền cho sau này).
+ Được hướng dẫn cách tạo tiếng mới (sau này, tự tìm nhiều tiếng, từ mới), góp phần làm phong phú vốn từ của các em.
b) Khó khăn
- Giáo viên:
+ Quỹ thời gian chung chưa được chủ động phục vụ tự học, tự nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi.
+ Có một số kênh chữ, giáo viên chưa hiểu hết (dù không nặng về nghĩa).
+ Không dễ để khắc phục lối đánh vần cũ (đồng loạt).
+ Ở tuần 0, một số trò chơi còn khá trừu tượng, khó hiểu.
- Học sinh:
+ Khá nặng với học sinh bình quân, đối với nhóm thuộc tốp dưới của lớp thường không bắt kịp tiến độ chung. Thời gian thường không đủ cho cặp tiết.
+ HS mới vào, chưa nhận thức hết được các trò chơi, thích nghi với 1 tuần ở tuần 0.
+ Kênh chữ đòi hỏi khá cao khi dung lượng tăng dần, có nguy cơ “quá tải”.
* Ví dụ:
. Ở Tuần 6, bài /ng/ (tập 1, tr.60,61), học sinh phải đọc 38 tiếng, chưa kể đọc 7 âm ở cuối bài). Đó còn chưa kể trong một số bài còn phải tiếp thu một số luật chính tả).
. Bài đầu tiên của phần vần có âm đệm và âm chính (tập 2, tr8,9), hs phải đọc tới 65 tiếng.
+ Việc học chữ viết hoa gây khó khăn cho việc đọc của HS (với mặt bằng chưa cao trong khu vực, việc học bảng chữ cái in thường vẫn mất khá nhiều thời gian).
+ Việc 4 (viết chính tả) ngay từ những tuần học đầu tiên có vẻ quá sức với học sinh.
- Phụ huynh:
+ Ít hiểu biết về chương trình, cách thức dạy nên có tình trạng giao phó cho HS, nhiều phụ huynh muốn hợp tác nhưng cũng không nhịp nhàng được.
2. Đề xuất, kiến nghị
- GV dạy lớp 1 cần thêm các đợt sinh hoạt chuyên môn cấp cụm, phòng để thâm nhập sâu hơn.
- Nếu được, nên mở rộng cho đối tượng phụ huynh lớp 1, có biện pháp chỉ đạo, hướng dẫn trong khối Mầm non để ngăn ngừa việc dạy đọc theo quy trình, cách thức cũ, tránh gây khó khăn cho GV lớp 1 mới.
- Có thể ban hành thêm một chương trình hướng dẫn giảm tải để GV theo dõi thực hiện sát hợp tình hình nhà trường, địa phương.
* MỘT SỐ BÀI SOẠN CÁC TIẾT….
* Tham khảo thêm
Chia sẻ kinh nghiệm về dạy TV1- CGD
Năm học 2013-2014, Hà Tĩnh thí điểm chương trình Tiếng Việt 1- CGD. Sau một năm thực hiện, việc thí điểm được đánh giá là thành công. Năm học 2014-2015, chương trình được áp dụng đại trà trên toàn tỉnh.
Đến thời điểm này, toàn tỉnh thực hiện xong mẫu 0 (Những tiết học chuẩn bị), mẫu 1 (Tiếng), hiện tại tiếp tục thực hiện mẫu 2 (Âm). Qua 3 tuần thực hiện chương trình mới, bắt buộc cùng một lúc phải thay đổi cả nội dung lẫn phương pháp giảng dạy. Điều này không phải dễ dàng đối với tất cả các giáo viên.
Dạy Tiếng Việt 1-CGD về nguyên tắc, phải tuân thủ “ làm theo thiết kế” , không cần sáng tạo và cũng không cho phép sáng tạo. Với nguyên tắc này, nhiều giáo viên năm đầu thực hiện chương trình chia sẻ: Rất khó khăn để thuộc thiết kế và làm theo thiết kế vì các lí do: thiết kế viết dài, đôi chỗ còn khó hiểu, mỗi bài dạy gồm nhiều thao tác, khó có thể nhớ hết các lời lẽ, câu hỏi, các lệnh của giáo viên…Vì thế, phải mất rất nhiều thời gian và rất vất vả để chuẩn bị cho một bài dạy, thế nhưng khi lên lớp vẫn không tránh khỏi sự lúng túng.
Rất thông cảm với những chia sẻ trên, rất ghi nhận sự trung thành với thiết kế của các giáo viên nhưng vẫn phải nói rằng: một số giáo viên khi lên lớp còn thiếu linh hoạt trong sử dụng ngôn ngữ, thiếu chủ động trong thực hiện thao tác do chưa hiểu mục đích của thao tác , thiếu chính xác trong kĩ thuật thực hiện thao tác…dẫn đến tiết học diễn ra thiếu nhẹ nhàng và chưa hiệu quả.
Là một giáo viên trực tiếp dạy thí điểm chương trình, là người được tiếp cận với chương trình Tiếng Việt 1-CGD trước, xin được chia sẻ cùng đồng nghiệp một vài quan điểm về nguyên tắc “làm theo thiết kế” và kinh nghiệm nhỏ để “thuộc” thiết kế.
Có lẽ, đầu tiên, chúng ta nên hiểu đúng hơn nghĩa của cụm từ Làm theo thiết kế. Làm theo thiết kế không có nghĩa là phải thuộc nguyên văn câu từ trong đó để nói và làm theo mà có nghĩa là làm theo mục đích, ý tưởng, con đường mà thiết kế vạch ra qua quy trình 4 việc của mỗi bài học. Mỗi việc bao gồm một chuỗi các thao tác được sắp xếp theo trật tự tuyến tính, phù hợp với lô-gic của quá trình nhận thức. Giáo viên không được phép xem nhẹ hay bỏ sót một thao tác nào, không được thay đổi trật tự các thao tác. Đồng nghĩa với việc hiểu đúng nghĩa cụm từ trên, chúng ta cần nâng nghĩa của cụm từ Đọc thiết kế thành Nghiên cứu thiết kế hay Thâm nhập thiết kế. Và như thế cũng có nghĩa là thay thế cụm từ Thuộc thiết kế bằng Hiểu thiết kế . Mỗi giáo viên cần phải biết Hiểu những gì ? và Cách hiểu như thế nào ? từ thiết kế. Xin mời các bạn đồng nghiệp hãy thử thực hiện theo “quy trình 4 việc” sau đây:
1.Xác định mục tiêu của từng việc:
Sách thiết kế Tiếng Việt 1-CGD không có phần mục tiêu nhưng khi đọc, điều đầu tiên giáo viên cần xác định được mục tiêu từng việc. Tức là ở mỗi việc, giáo viên xác định: học sinh làm được cái gì ? hay chiếm lĩnh được các gì mới?
Ví dụ: Bài : Âm /c/. Cần xác định mục tiêu từng việc như sau:
Việc 1: Học sinh chiếm lĩnh được cái mới là phụ âm c.
Việc 2: Biết và viết được chữ ghi âm c.
Việc 3: Đọc được các tiếng, từ, câu có chứa âm c vừa học.
Vic 4: Nghe viết được câu có chứa âm c.
2. Xác định chuỗi thao tác cần thực hiện để đạt mục tiêu:
Ví dụ:Việc 1: Bài: Vần /oe/
Chuỗi thao tác cần thực hiện là: Phát âm âm không tròn môi e, làm tròn môi âm e để được vần oe, phân tích vần /oe/, mô hình hóa vần /oe/, tìm tiếng mới chứa vần /oe/, nêu luật chính tả âm đệm.
3. Xác định mục đích của từng thao tác, mối quan hệ giữa các thao tác.
Điều này giúp giáo viên luôn làm đủ và đúng thứ tự các thao tác
Ví dụ: Việc 1: Bài: Nguyên âm đôi /uô/- Vần /uôn/, /uôt/
Để giúp học sinh chiếm lĩnh âm mới /uô/, đi từ vật liệu /tuôn/
Phân tích tiếng /tuôn/ để xuất hiện vần mới /uôn/, phân tích vần /uôn/ để xuất hiện âm mới /uô/, phát âm âm /uô/ để chiếm lĩnh nó.
4. Xác định yêu cầu về kĩ thuật thực hiện của từng thao tác.
Ví dụ:
-Thao tác phát âm phụ âm b: rõ ràng, chính xác, bật ra tắt ngay.
-Thao tác làm tròn môi âm a: phải kéo dài để nghe rõ cả o và a.
- Thao tác vẽ ghi mô hình: phải đảm bảo đúng quy trình.
Thực hiện đúng và đủ “quy trình 4 việc” trên đâykhi nghiên cứu thiết kế để thực hiện quy trình 4 việc của mỗi bài dạy một cách chủ động, linh hoạt, dảm bảo tiết học diễn ra nhẹ nhàng mà hiệu quả.
Hi vọng rằng, qua bài viết này, các bạn đồng nghiệp cảm thấy chương trình Tiếng Việt 1-CGD không khó, có niềm tin vào chương trình để tiếp tục thực hiện thành công.
Từ khóa » Nguyên âm đôi Trong Tiếng Việt Lớp 1 Là Gì
-
Kiến Thức Cơ Bản Môn Tiếng Việt ở Bậc Tiểu Học
-
Nguyên âm đôi Trong Tiếng Việt Lớp 1 Công Nghệ - Tài Liệu Text - 123doc
-
Nguyên âm đôi Là Gì - HTTL
-
Nguyên âm đôi Tiếng Việt
-
Tiếng Việt Lớp 1- Nguyên Âm Đôi- Phân Biệt ƯƠ/ƯA- ƯƠN,ƯƠT.
-
Trong Tiếng Việt Có 11 Nguyên âm đơn: A, ă, â, U, ư, O, ô, ơ, E, ê, I.
-
Trong Tiếng Việt Có 11 Nguyên âm đơn: A, ă, â, U, ư, O, ô, ơ, E, ê, I.
-
14 Nguyên âm Tiếng Việt Lớp 1 Và Những Lưu ý Giúp Bé Học Chúng ...
-
Phương Pháp Học Nguyên âm đôi Trong Tiếng Việt Hiệu Quả
-
Thế Nào Là Nguyên âm đôi? - Giải Bài Tập Tiếng Việt Lớp 1 - Lazi
-
Nguyên Âm Đôi Là Gì - Muarehon | Chọn Đúng Mua Rẻ 25/07/2022 ...
-
Từ điển Tiếng Việt "nguyên âm đôi" - Là Gì?