Một Số Thông Tin Cần Biết Về Căn Bệnh Bạch Tạng - Medlatec

1. Bệnh bạch tạng

Bệnh bạch tạng là một chứng bệnh bẩm sinh, xuất hiện ở người và một số động vật có xương sống. Khi quá trình tổng hợp các sắc tố Melanin bị rối loạn khiến cho tóc, da và mắt người mang bệnh có màu trắng bạch.

Một người bị bệnh bạch tạng bẩm sinh

Một người bị bệnh bạch tạng bẩm sinh

Những người bị bạch tạng có nguy cơ bị bỏng nắng và ung thư da là rất cao. Ngoài ra người bệnh còn có thị lực kém và sợ tiếp xúc với ánh sáng.

2. Nguyên nhân dẫn đến bệnh

Bệnh bạch tạng là bệnh bẩm sinh hình thành do sự phát triển không bình thường của gen theo di truyền. Do khiếm khuyết của gen làm cho men tyrosinase không hoạt động, men tyrosinase giúp điều tiết ra Melanin cho cơ thể, và Melanin lại là một chất vô cùng quan trọng có vai trò quyết định sắc tố của da và giúp ngăn ngừa các tia cực tím có hại.

Bệnh bạch tạng là bệnh bẩm sinh hình thành do sự phát triển không bình thường của gen

Bệnh bạch tạng là bệnh bẩm sinh hình thành do sự phát triển không bình thường của gen

Do đó, ở cơ thể người bị bệnh không có Melanin sẽ làm cho da, tóc, và mắt có màu trắng bạch. Đây là chứng bệnh bẩm sinh theo di truyền nên nếu bố hoặc mẹ bị bệnh thì có khả năng rất cao sinh con cũng bị bệnh.

3. Đặc điểm của người bị bệnh bạch tạng

Người mắc bệnh rất dễ để nhận thấy được nhờ vào những đặc điểm sau trên cơ thể.

Biểu hiện dễ nhận thấy nhất của người bị bạch tạng là da có màu trắng bạch

Biểu hiện dễ nhận thấy nhất của người bị bạch tạng là da có màu trắng bạch

3.1. Đặc điểm trên da

Biểu hiện dễ nhận thấy nhất của người bị bạch tạng là da có màu trắng bạch, khác hẳn so với những người bình thường. Trên da thường xuất hiện các đốm tàn nhang, mụn ruồi, và dễ bị rám nắng.

3.2. Màu mắt và thị lực

Tùy theo từng độ tuổi mà mắt của người bạch tạng sẽ có màu xanh hoặc nâu. Do bị thiếu sắc tố Melanin nên thị lực người bệnh rất kém, dễ bị tổn thương và hay bị một số tình trạng như là:

  • Người bệnh dễ bị cận ngay từ khi còn trẻ.

  • Nhãn cầu người bệnh bị rung giật.

  • Mất khả năng nhìn, di chuyển tập trung vào một hướng.

  • Rối loạn thị lực.

3.3. Màu tóc

Tóc người bệnh thường có màu trắng hoặc nâu nhạt và bắt đầu sậm dần khi bước vào độ tuổi trưởng thành.

Trên đây là một số những đặc điểm dễ nhận thấy ở người bị bệnh. Đối với một số trường hợp mang gen lặn và có nguy cơ mắc bệnh thì cần phải được theo dõi kỹ hơn.

4. Phương pháp điều trị bệnh

Hiện nay vẫn chưa có cách để chữa trị dứt điểm và phòng ngừa được bệnh bạch tạng. Bởi căn bệnh do gen lặn ở trong bộ gen di truyền là rất khó để xác định.

Hiện nay vẫn chưa có cách để chữa trị dứt điểm và phòng ngừa được bệnh bạch tạng

Hiện nay vẫn chưa có cách để chữa trị dứt điểm và phòng ngừa được bệnh bạch tạng

Tuy không thể chữa khỏi được căn bệnh này. Nhưng vẫn có một số phương pháp giúp cải thiện thị lực cũng như cách để bảo vệ cơ thể người bệnh trước các yếu tố có hại từ môi trường.

4.1. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp dưới ánh sáng của mặt trời

Do cơ thể người bệnh không có sắc tố Melanin giúp bảo vệ da tránh được các tia cực tím từ ánh sáng mặt trời, nên khi ra ngoài người bệnh cần bôi kem chống nắng và mặc áo có khả năng chống được tia UV. Việc này sẽ giúp hạn chế tối đa tình trạng tổn thương da.

4.2. Cải thiện thị lực

Mắt của người bị bệnh rất dễ bị tổn thương, cho nên để giúp cải thiện thị lực khi đi ra ngoài người bệnh nên thường xuyên đeo kính râm để hạn chế tối đa ánh sáng mặt trời chiếu vào mắt, hoặc đeo các loại kính tăng cường thị lực giúp nhìn được rõ mọi vật xung quanh.

Người bệnh cũng có thể thực hiện làm phẫu thuật mắt để khắc phục tình trạng nhãn cầu bị rung giật, lác mắt,...

4.3. Khám bệnh theo định kỳ

Việc khám bệnh theo định kỳ là rất quan trọng và cần thiết với người mắc bệnh bạch tạng. Khi được kiểm tra sức khỏe thường xuyên người bệnh sẽ phát hiện được sớm những tình trạng bệnh của mình và có cách điều trị kịp thời.

Đặc biệt là theo dõi được bệnh ung thư da. Nếu thường xuyên theo dõi sức khỏe và bảo vệ cơ thể theo cách nêu trên, người bệnh vẫn có một sức khỏe tốt và sinh hoạt bình thường trong thời gian dài.

5. Bệnh có nguy hiểm không?

Trên thực tế thì những người mắc bệnh bạch tạng vẫn có tuổi thọ khá cao. Chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được bệnh nếu được chăm sóc chu đáo và thăm khám bác sĩ thường xuyên biết được những vấn đề bất thường để điều trị kịp thời. Việc này sẽ giúp hạn chế tối đa rủi ro của bệnh và giúp người mắc bạch tạng có được cuộc sống như những người bình thường.

Người bị bệnh bạch vẫn có thể sống khỏe mạnh nếu được chăm sóc tốt

Người bị bệnh bạch vẫn có thể sống khỏe mạnh nếu được chăm sóc tốt

Ngoài ra về hình thức bên ngoài của người bị bệnh sẽ hơi khác so với những người bình thường. Nhưng bạn không cần quá lo lắng vì trong xã hội ngày nay mọi người đều có sự hiểu biết và thông cảm đối với người mắc phải căn bệnh này. Không những vậy mà người bị bạch tạng vẫn có thể làm việc và có chỗ đứng nhất định trong xã hội.

6. Bệnh bạch tạng có thể lây nhiễm không?

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng sẽ đặt ra câu hỏi là liệu bệnh bạch tạng có lây nhiễm được hay không? Và câu trả lời là bệnh không có khả năng lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp.

Đây là một bệnh di truyền, nếu bố hoặc mẹ mang gen bạch tạng thì mới có khả năng truyền bệnh sang con. Vẫn có một số trường hợp bố hoặc mẹ mắc bệnh nhưng con sinh ra lại không bị mang bệnh.

Vì vậy cho nên người bạch tạng vẫn có thể thoải mái và tự tin sinh hoạt như những người bình thường mà không sợ lây nhiễm cho người bên cạnh.

Không ai trong chúng ta muốn mắc phải bệnh bạch tạng hoặc bất cứ căn bệnh nào. Đối với những ai đã mắc bệnh thì bạn hãy cứ lạc quan và thường xuyên theo dõi sức khỏe của mình để được các bác sĩ tư vấn và điều trị. Điều này sẽ giúp chất lượng cuộc sống của người bệnh được cải thiện đáng kể.

Trên đây là đôi nét về bệnh bạch tạng, nguyên nhân và cách điều trị bệnh hiệu quả. Hy vọng qua bài viết này các bạn có thể hiểu rõ hơn về căn bệnh này để có thể đồng cảm, giúp đỡ những người không may mắc bệnh.

Từ khóa » Da Bạch Tạng