Một Số Trao đổi Về Thời Hạn Chuẩn Bị Xét Xử Vụ án Dân Sự Khi Có ...

1. Thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án, trừ các vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn hoặc vụ án có yếu tố nước ngoài, được quy định như sau:

a) Đối với các vụ án quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này thì thời hạn là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án;

b) Đối với các vụ án quy định tại Điều 30 và Điều 32 của Bộ luật này thì thời hạn là 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án.

Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này và không quá 01 tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản này.

Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.”

Hiện nay, việc phát biểu về việc Tòa án có vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử trong trường hợp có quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án như thế nào cho đúng vẫn còn sự boăn khoăn nhất định, bởi lẽ:

Thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án dân sự theo quy định nêu trên là 04 tháng. Trong một số trường hợp, Tòa án được quyền gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử thêm 02 tháng.

Khoản 3 Điều 203 BLTTDS quy định:

“Trong thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 Điều này, tùy từng trường hợp, Thẩm phán ra một trong các quyết định sau đây:

a) Công nhận thỏa thuận của các đương sự;

b) Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự;

c) Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự;

d) Đưa vụ án ra xét xử.”

Nếu trong thời hạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán ban hành 01 trong các quyết định công nhận thỏa thuận của các đương sự; đình chỉ giải quyết vụ án dân sự; đưa vụ án ra xét xử thì Thẩm phán đã thực hiện đúng thời hạn chuẩn bị xét xử theo luật định. Riêng đối với trường hợp, Thẩm phán ban hành quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án thì có sự khác biệt nhất định.

Nếu trong thời hạn chuẩn bị xét xử, khi có căn cứ tại Điều 214 BLTTDS, Thẩm phán ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Khi căn cứ tạm đình chỉ không còn, Thẩm phán ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự, lúc này thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự có hiệu lực thì không có gì bàn cãi.

Tuy nhiên, nếu như Thẩm phán không ra quyết định tạm đình chỉ trong thời hạn chuẩn bị xét xử nêu trên mà ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự như vụ án thực tế xảy ra tại đơn vị sau đây thì việc xác định Tòa án có vi phạm về thời hạn chuẩn bị xét xử hay không thì còn nhiều quan điểm khác nhau.

Vụ án dân sự “Tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là ông Phan V và bị đơn là ông Phan Văn Q được Tòa án nhân dân huyện Hoài Nhơn (nay là thị xã Hoài Nhơn), tỉnh Bình Định thụ lý giải quyết theo số thụ lý 77 ngày 21 tháng 5 năm 2019. Trong thời gian chuẩn bị xét xử 04 tháng, Thẩm phán tiến hành các hoạt động thu thập chứng cứ như tiến hành lấy lời khai của đương sự, định giá tài sản. Hết thời hạn chuẩn bị xét xử, Tòa án ra quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử thêm 02 tháng đến ngày 21/11/2019. Hết thời hạn chuẩn bị xét xử (kể cả thời gian gia hạn) Thẩm phán không ban hành một trong các quyết định tại khoản 3 Điều 203 BLTTDS. Đến ngày 13/7/2020, Thẩm phán có Công văn đề nghị UBND thị xã Hoài Nhơn trả lời về nguồn gốc thửa đất đang tranh chấp nên ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án theo căn cứ tại điểm đ khoản 1 Điều 214 BLTTDS. Sau khi được UBND thị xã Hoài Nhơn trả lời, ngày 14/8/2020, Thẩm phán ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án và cùng ngày ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Vụ án này, khi Tòa chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát nghiên cứu để tham gia phiên tòa, Kiểm sát viên nhận thấy trước khi Thẩm phán ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án, vụ án đã quá thời hạn chuẩn bị xét xử hơn 07 tháng. Sau khi có quyết định tiếp tục giải quyết vụ án, Thẩm phán đồng thời ra quyết định đưa vụ án ra xét xử thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại nên vụ án lúc này vụ án đảm bảo trong thời hạn chuẩn bị xét xử luật định. Vậy, khi phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về thời hạn chuẩn bị xét xử tại phiên tòa, Kiểm sát viên phát biểu như thế nào cho phù hợp. Hiện có 2 quan điểm chưa được thống nhất.

Quan điểm thứ nhất: Tòa án thực hiện đúng quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử theo thời hạn chuẩn bị xét xử sau khi Tòa án có quyết định tiếp tục giải quyết vụ án. Vì quy định tại khoản 1 Điều 203 BLTTDS không quy định cụ thể là quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án được ban hành lúc nào, trong thời hạn luật định hay đã quá thời hạn luật định. Nghĩa là quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án và quyết định tiếp tục giải quyết vụ án đã xóa thời hạn chuẩn bị xét xử giai đoạn trước đó.

Quan điểm thứ hai: là phát biểu theo từng giai đoạn, nghĩa là trước khi có quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án, nếu Tòa án có vi phạm về thời hạn chuẩn bị xét xử thì phát biểu Tòa có vi phạm. Giai đoạn sau khi có quyết định tiếp tục giải quyết vụ án, phát biều Tòa án đã thực hiện đúng quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử.

Trong vụ án nêu trên, vì chưa có quan điểm áp dụng pháp luật thống nhất cũng như quan điểm trái chiều giữa Thẩm phán và Kiểm sát viên nên Kiểm sát viên đã phát biểu Tòa án thực hiện đúng quy định của BLTTDS về thời hạn chuẩn bị xét xử theo ý kiến thứ nhất. Nhưng cứ như thế thì liệu rằng Tòa án có lạm dụng việc tạm đình chỉ như trên để kéo dài vụ án gây bức xúc cho đương sự mà không có chế tài xử lý thỏa đáng.

Qua vụ án này cho thấy có sự bất cập trong quy định pháp luật, rất mong được các đồng chí, đồng nghiệp cùng trao đổi, chia sẻ nhằm tìm ra quan điểm phù hợp, thống nhất để cùng nhau hoàn thành tốt công tác kiểm sát giải quyết án dân sự./.

Văn Đình

Từ khóa » định đưa Vụ án Ra Xét Xử