Một Số Vấn đề Cần Lưu ý Về Cưỡng Chế Thi Hành Quyết định Xử Phạt Vi ...

“Cưỡng chế”, theo Từ điển tiếng Việt, là dùng quyền lực Nhà nước bắt phải tuân theo.

Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính được áp dụng trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính (sau đây viết tắt là VPHC) không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt theo quy định tại Điều 73 của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

1. Xem xét thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC về mặt lý luận:

Về mặt lý luận, thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC có một số đặc trưng nổi bật sau đây:

Thứ nhất, thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC chỉ phát sinh khi cá nhân, tổ chức bị xử phạt không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu cá nhân, tổ chức VPHC đã tự nguyện chấp hành đầy đủ các nội dung của quyết định xử phạt thì thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt sẽ không phát sinh trên thực tế. Qua đó, có thể thấy thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt là loại thẩm quyền phát sinh không thường xuyên.

Thứ hai, giữa thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt với thẩm quyền xử phạt VPHC có mối liên hệ mật thiết với nhau. Trong mối liên hệ này, thẩm quyền xử phạt phát sinh trước, còn thẩm quyền cưỡng chế phát sinh sau. Do vậy, những chức danh có thẩm quyền cưỡng chế bắt buộc phải là những chức danh có thẩm quyền xử phạt VPHC. Tuy nhiên, không phải mọi chức danh có thẩm quyền xử phạt đều có thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt. Các điều từ Điều 38 đến Điều 51 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (Luật năm 2012) quy định thẩm quyền xử phạt VPHC cho 185 chức danh, trong đó có 176 chức danh làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước (chiếm khoảng 95% số lượng các chức danh có thẩm quyền xử phạt), 9 chức danh thuộc Tòa án không nằm trong cơ quan hành chính (chiếm khoảng 5% các chức danh có thẩm quyền xử phạt). Trong khi đó, Điều 87 Luật năm 2012 chỉ quy định cho 110 chức danh có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC.

Sự khác biệt này được lý giải bởi mục đích sử dụng thẩm quyền trong từng trường hợp cụ thể. Đối với việc xử phạt VPHC, nhu cầu quản lý nhà nước đòi hỏi việc xử phạt phải được tiến hành nhanh chóng để bảo đảm VPHC được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời nhằm giữ gìn trật tự quản lý của Nhà nước. Vì vậy, Luật năm 2012 đã trao thẩm quyền xử phạt cho rất nhiều các chức danh khác nhau, đặc biệt là chức danh trực tiếp thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước (chiến sĩ công an đang thi hành nhiệm vụ, kiểm soát viên thị trường, công chức hải quan đang thi hành công vụ, chiến sĩ bộ đội biên phòng, kiểm lâm viên…). Trong khi đó, việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích của người bị cưỡng chế, do đó đòi hỏi người ra quyết định phải giữ vị trí nhất định (các chức danh giữ chức vụ cấp trưởng) để bảo đảm mỗi quyết định cưỡng chế khi ban hành có tính pháp lý cao, hạn chế khiếu nại, kiện tụng. Một lý do khác mà các chức danh có thẩm quyền cưỡng chế là những chức danh được “chọn lọc” cao vì tính trách nhiệm của mỗi quyết định cưỡng chế buộc người có thẩm quyền cưỡng chế phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi ra quyết định, đặc biệt đó là những trường hợp ra quyết định cưỡng chế nhằm thi hành quyết định xử phạt của những chức danh khác chứ không phải để thi hành quyết định xử phạt của mình.

Thứ ba, những người có thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt có thể giao quyền cho cấp phó. Việc giao quyền chỉ được thực hiện khi cấp trưởng vắng mặt và phải được thể hiện bằng văn bản, trong đó xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn được giao quyền. Cấp phó được giao quyền phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước cấp trưởng và trước pháp luật. Người được giao quyền không được giao quyền, ủy quyền tiếp cho bất kỳ cá nhân nào khác.

Luật năm 2012 quy định 03 trường hợp cấp trưởng có thể giao quyền cho cấp phó thực hiện một số thẩm quyền của mình: giao quyền xử phạt, giao quyền quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và giao quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính. Tuy nhiên, về điều kiện giao quyền thì có sự khác nhau trong 03 trường hợp này. Nếu việc giao quyền xử phạt có thể được thực hiện thường xuyên hoặc theo vụ việc thì việc giao quyền quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và giao quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được thực hiện khi cấp trưởng vắng mặt. Điều này cũng cho thấy sự “thận trọng” của nhà làm luật khi quy định về giao quyền cưỡng chế so với giao quyền xử phạt vì hoạt động cưỡng chế đòi hỏi những yêu cầu khắt khe hơn nhiều so với hoạt động xử phạt.

2. Một số vấn đề thực tiễn trong cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC:

2.1. Các bước trong việc soạn thảo và ban hành quyết định cưỡng chế:

2.1.1. Xác định thẩm quyền cưỡng chế

a) Những người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế

Những người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại khoản 1 Điều 87 Luật XLVPHC.

b) Việc giao quyền cho cấp phó; Những người có thẩm quyền cưỡng chế nêu trên có thể giao quyền cho cấp phó thực hiện việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

* Xác định thời hạn, thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Theo quy định tại khoản 1 Điều 73 Luật XLVPHC thì cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.

Theo quy định tại Điều 74 Luật XLVPHC thì thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, kể từ ngày ra quyết định, quá thời hạn này thì không thi hành quyết định đó nữa, trừ trường hợp quyết định xử phạt có hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì vẫn phải tịch thu tang vật, phương tiện thuộc loại cấm lưu hành, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp cần thiết để bảo vệ môi trường, bảo đảm giao thông, xây dựng và an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu nói trên được tính kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.

2.1.2. Lựa chọn áp dụng biện pháp cưỡng chế phù hợp

a) Thứ tự lựa chọn áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Theo khoản 3 Điều 3 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC ngày 12/11/2013 thì người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo thứ tự quy định tại khoản 2 Điều 86 Luật XLVPHC, cụ thể như sau: Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập; khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm; kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá; thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản.

Chỉ áp dụng các biện pháp tiếp theo khi không thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế đó hoặc đã áp dụng nhưng chưa thu đủ số tiền bị cưỡng chế theo quyết định cưỡng chế.

b) Xác minh thông tin về đối tượng và điều kiện thi hành quyết định cưỡng chế để có căn cứ lựa chọn áp dụng biện pháp cưỡng chế phù hợp.

2.1.3. Soạn thảo và ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Nội dung quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC theo quy định tại Nghị định 166/2013/NĐ-CP. Thể thức và kỹ thuật trình bày quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC tương tự như thể thức và kỹ thuật trình bày quyết định xử phạt VPHC.

2.2. Vấn đề thu giữ tài sản của người bị cưỡng chế:

Điều 34 Nghị định 166/2013/NĐ-CP quy định: “Trường hợp cá nhân, tổ chức phải thi hành quyết định cưỡng chế về việc tháo dỡ, di chuyển công trình xây dựng trái phép hoặc bàn giao đất mà trong công trình và trên đất đó có tài sản không thuộc diện phải cưỡng chế thì người tổ chức cưỡng chế có quyền buộc cá nhân, tổ chức phải thi hành quyết định cưỡng chế và những người khác có mặt trong công trình ra khỏi công trình hoặc khu vực đất, đồng thời yêu cầu họ tự chuyển tài sản ra theo. Nếu họ không tự nguyện thực hiện thì người tổ chức cưỡng chế yêu cầu lực lượng cưỡng chế đưa họ cùng tài sản ra khỏi công trình hoặc khu vực đất đó.

Nếu họ từ chối nhận tài sản, người tổ chức cưỡng chế phải lập biên bản ghi rõ số lượng, chủng loại, tình trạng từng loại tài sản và thuê tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện để trông giữ, bảo quản hoặc bảo quản tại kho của cơ quan ra quyết định cưỡng chế và thông báo địa điểm, thời gian để cá nhân, tổ chức có tài sản nhận lại tài sản. Cá nhân, tổ chức có tài sản phải chịu các chi phí vận chuyển, trông giữ, bảo quản tài sản.

Quá thời hạn 06 tháng, kể từ ngày nhận được thông báo đến nhận tài sản mà cá nhân, tổ chức có tài sản không đến nhận thì tài sản đó được bán đấu giá theo quy định của pháp luật. Số tiền thu được, sau khi trừ các chi phí cho việc vận chuyển, trông giữ, bảo quản, xử lý tài sản sẽ được gửi tiết kiệm loại không kỳ hạn tại tổ chức tín dụng và thông báo cho cá nhân, tổ chức có tài sản biết để nhận khoản tiền đó. Đối với tài sản hư hỏng và không còn giá trị, người tổ chức cưỡng chế tổ chức tiêu hủy theo quy định của pháp luật. Người tổ chức cưỡng chế phải lập biên bản ghi rõ hiện trạng của tài sản trước khi tiêu hủy”.

Trước đây. Nghị định 37/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005 quy định thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính cũng có quy định tương tự. Trên thực tế đã có trường hợp cơ quan tổ chức cưỡng chế không thực hiện đúng quy định về bảo quản, thu giữ và thông báo cho người có tài sản nhận lại nên dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài của công dân và phải bồi thường cho công dân. Vì vậy, trong việc cưỡng chế tháo dỡ, di chuyển công trình xây dựng trái phép hoặc bàn giao đất, các cơ quan Nhà nước cần lưu ý thực hiện đúng quy định trên.

Từ khóa » Cưỡng Chế Hành Chính áp Dụng Khi Nào