Thẩm Quyền Cưỡng Chế Vi Phạm đất đai được Quy định Như Thế Nào?

Thẩm quyền cưỡng chế vi phạm đất đai được quy định như thế nào?

Cưỡng chế thi hành quyết định hành chính nói chung, quyết định hành chính trong lĩnh vực đất đai nói riêng là gì? Ai có thẩm quyền cưỡng chế vi phạm hành chính nói chung, cưỡng chế vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai? Thông qua bài viết dưới đây Công ty Luật Hoàng Sa tổng hợp một số quy định về cưỡng chế vi phạm đất đai như sau:

Theo quy định tại Điều 86 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì:

“Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt được áp dụng trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính nói chung, vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai nói riêng không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt theo quy định tại Điều 73 của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.

Khoản 2 điều 86 có quy định về các biện pháp cưỡng chế được áp dụng khi ra quyết định cưỡng chế bao gồm:

  • Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm;
  • Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá;
  • Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản.
  • Buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 điều 28 của Luật xử lý vi phạm hành chính.

Bên cạnh đó Điều 38 Nghị định 166/2013/NĐ-CP về cưỡng chế xử lý vi phạm hành chính cũng có quy định “Cưỡng chế đối với cá nhân, tổ chức vừa bị áp dụng xử phạt vi phạm hành chính vừa bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả”, cụ thể:

  • Trường hợp cá nhân, tổ chức vừa không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, vừa không chấp hành một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả, thì người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế áp dụng đồng thời các biện pháp cưỡng chế quy định tại Mục 1,2, 3 hoặc 4 Chương II và Mục 5 Chương II Nghị định 166/2013 đối vơi cá nhân, tổ chức, trừ trường hợp quy định tại Điều 74 Luật xử lý vi phạm hành chính.
  • Trường hợp cá nhân, tổ chức chỉ chấp hành quyết định xử phạt hành chính mà không chấp hành biện pháp khắc phục hậu quả hoặc chỉ chấp hành biện pháp khắc phục hậu quả mà không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế áp dụng biện pháp cưỡng chế quy định tại Mục 1,2 ,3 và 4 Chương II hoặc Mục 5 Chương II Nghị định này đối với cá nhân, tổ chức đó.

Như vậy, theo luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và nghị định 166/2013 NĐ/CP thì khi cá nhân không chấp hành quyết định xử phạt, cụ thể trường hợp không chấp hành phạt tiền và biện pháp buộc khắc phục hậu quả thì người có thẩm quyền phải tiến hành cưỡng chế đồng thời hình phạt tiền và khắc phục hậu quả.

1. Thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế:

Điểm a khoản 1 Điều 87 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định thẩm quyền quyết định cưỡng chế, theo đó Chủ tịch UBND các cấp có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế trong trường hợp cá nhân, tổ chức không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả.

Bên cạnh đó, tại khoản 2 điều 87 có quy định trong một vài trường hợp người có thẩm quyền ra quyết định có thể ủy quyền cho cấp phó của mình thực hiện ra quyết định: “Người có thẩm quyền cưỡng chế quy định tại khoản 1 điều 87 có thể giao quyền cho cấp phó. Việc giao quyền chỉ được thực hiện khi cấp trưởng vắng mặt và phải được thể hiện bằng văn bản, trong đó xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn được giao quyền. Cấp phó được giao quyền phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước cấp trường và trước pháp luật. Người được giao quyền không được giao quyền, ủy quyền tiếp cho bất kỳ cá nhân nào khác”.

Đối với xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai thì Nghị định 91/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định thẩm quyền cụ thể như sau:

1.1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng;

c) Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sữa chữa, làm sai lệch nội dung; giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất nước khi vi phạm.

1.2. Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;

c) Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dungl giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất;

d) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai có thời hạn;

đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định 91/2019

1.3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 500.000.000 đồng;

c) Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung; giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất;

d) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai có thời hạn;

đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định 91/2019.

2. Trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế

Một quyết định khi được ban hành chỉ phát huy tác dụng của nó khi quyết định đó được thi hành trên thực tế. Việc thi hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức không thực hiện được tiến hành theo nguyên tắc và điều kiện được quy định tại điều 6 Nghị định 166/2013/NĐ-CP

  • Người ra quyết định cưỡng chế có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt của mình và của cấp dưới.
  • Đối với quyết định cưỡng chế của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân ra quyết định cưỡng chế căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân để phân công cơ quan chủ trì tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế. Việc phân công cơ quan chủ trì phải trên nguyên tắc vụ việc thuộc lĩnh vực chuyên môn của cơ quan nào thì giao cho cơ quan đó chủ trì; trường hợp vụ việc liên quan đến nhiều cơ quan thì căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để quyết định giao cho một cơ quan chủ trì tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế.
  • Các tổ chức, cá nhân liên quan có nghĩa vụ phối hợp với người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế hoặc cơ quan được giao chủ trì tổ chức cưỡng chế triển khai các biện pháp nhằm thực hiện quyết định cưỡng chế.

Từ khóa » Cưỡng Chế Hành Chính áp Dụng Khi Nào