Một Tháng Suy Sụp Vì Bác Sĩ Chẩn đoán Nhầm 'ung Thư Giai đoạn Cuối'

Cách đây một tháng, bác ruột tôi ho dai dẳng sau khi khỏi Covid-19 nên đi khám ở bệnh viện, được cho chụp CT phổi để tìm nguyên nhân. Hình ảnh trên phim chụp cho thấy bác có khối u ở phổi, nghi ung thư nên bác sĩ tuyến quận khuyên tới bệnh viện tuyến trên để chẩn đoán khẳng định, có gì còn điều trị sớm. Tại đây, bác được tiến hành chụp CT cắt lớp, làm xét nghiệm máu. Đọc kết quả, bác sĩ khẳng định: "Ung thư phổi giai đoạn cuối, chỉ định nhập viện để điều trị".

Khỏi phải nói cũng biết, bác tôi và người thân trong gia đình suy sụp tới mức nào? Từ một người phụ nữ trung niên lạc quan, yêu đời, ngày ngày tận hưởng cuộc sống với thú vui ngồi cà phê tán gẫu cùng bạn bè, khiêu vũ, đi du lịch..., bác trở nên chán chường, buông bỏ tất cả vì trong đầu luôn tồn tại ý nghĩ "còn sống được bao lâu nữa đâu". Bác trai cũng bỏ việc, tính đường nghỉ hưu sớm để ở nhà cùng vợ. Hai cô con con gái, một chị định cư ở Pháp, một chị học bên Anh, cũng tức tốc bay về thăm mẹ. Cả nhà tôi như ngồi trên đống lửa, mọi dự định từ tổ chức du lịch hè, tổ chức tiệc thượng thọ cho bà nội... đều bị hủy bỏ hết.

Vài ngày sau, bác nhập viện để điều trị theo phác đồ của bác sĩ. Lúc đó, bác sĩ đề nghị sinh thiết để xác định mức độ di căn của khối u. Tuy nhiên, sau cuộc kiểm tra tim, phổi tổng quát, bác được phán: "Sức khỏe tim thì ổn, nhưng phổi không đủ điều kiện để sinh thiết". Bác được cho về nhà, hướng dẫn tập thở, phải mua cả máy trợ thở, hẹn một tuần sau kiểm tra lại.

Đúng hẹn, bác quay lại bệnh viện. Lần này, sức khỏe phổi ổn định. Bác được gây tê để sinh thiết khối u phổi, một tuần sau mới có kết quả. Không ngờ đến ngày đó, bác sĩ lại bảo phải sinh thiết lần thứ hai thì mới cho kết quả chính xác. Một lần nữa, bác lại phải nghe theo, trong lòng càng thêm phiền muộn vì đau đớn và mối lo bệnh tật dai dẳng. Vậy là phải chờ thêm một ngày nữa mới biết cụ thể.

>> 4 thái độ bác sĩ khi tôi đi khám khối u

Đến ngày trả kết quả, cả nhà tôi không tin vào mắt mình khi đọc dòng chữ kết luận: "U lành, ảnh hưởng hậu Covid, không K". Tất nhiên ai cũng vui mừng, nhất là bác tôi vì đã thoát "án tử". Chỉ riêng tôi quay lại chất vấn vị bác sĩ kia: "Kết quả này có chính xác không? Tại sao mới cách đây một tháng, cũng chụp CT đủ kiểu mà chẩn đoán K phổi, giờ sinh thiết thì bảo hậu Covid?". Sau bao nhiêu thủ tục cồng kềnh, "hành" bệnh nhân đủ kiểu, giờ lại đưa ra một kết luận ráo hoảnh như vậy, liệu có công bằng cho người bệnh?

Tôi không hiểu tại sao vị bác sĩ kia không tự đặt cho mình trách nhiệm phải cẩn trọng trong phán đoán và khéo léo khi thông báo kết quả với người bệnh? Nếu vẫn đang nghi ngờ, chưa có gì chắc chắn thì sao không động viên người bệnh: "Phải làm thêm các xét nghiệm khác nữa, hiện giờ chưa thể kết luận được gì"? Một tháng mất ăn mất ngủ của cả nhà tôi, sự suy sụp tinh thần của bác gái, bác trai tôi phải nghỉ hưu non, hai chị gái thì bỏ công việc, bỏ chuyện học hành để về với mẹ... tất cả những hậu quả đó ai là người gánh chịu?

Rồi đây, đằng sau những chẩn đoán nhầm như thế kia, bệnh nhân sẽ hoang mang tự hỏi liệu có bao nhiêu phần chính xác? Chẳng lẽ khi có dấu hiệu bệnh, khám ở một bệnh viện không đủ, bệnh nhân phải đi lòng vòng ba, bốn viện để nhận được một tờ giấy "chẩn bệnh không sai"?

Tôi hy vọng, bác mình chỉ là một trong số ít trường hợp ngoại lệ "được" chẩn đoán sai bệnh. Người bệnh khi đến bệnh viện đã rất mệt mỏi, lo lắng và khổ sở lắm rồi. Những y bác sĩ đang ngày ngày mang trên vai sứ mệnh cứu người, mong họ sẽ cẩn trọng và có trách nhiệm hơn khi chẩn bệnh, xứng đáng với niềm tin mà bệnh nhân đã trao gửi.

Hạ Vũ

>> Bạn có từng bị bác sĩ chẩn đoán nhầm bệnh? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.

  • Nỗi oan những bác sĩ 'vô cảm'
  • Bác sĩ được tôi luyện để trở nên 'vô cảm'
  • Thấu hiểu y bác sĩ bỏ việc
  • Thiên thần kiệt sức
  • Bác sĩ chống dịch lương vài triệu đồng
  • Để y bác sĩ không thành 'thiên thần đói ăn, thiếu ngủ'

Từ khóa » Chẩn đoán Nhầm Ung Thư Phổi