Mua Bán đối Lưu Là Gì? Có Bao Nhiêu Loại? - Ưu Và Nhược điểm

“Mua bán đối lưu (Counter trade) là phương thức giao dịch trao đổi hàng hóa đặc biệt, trong đó người xuất khẩu cũng chính là người nhập khẩu…”. Trong bài viết này, hãy cùng Toàn và MASIMEX – trung tâm đào tạo học Xuất nhập khẩu được yêu thích nhất hiện nay tìm hiểu sâu hơn về buôn bán đối lưu cũng như các hình thức mua bán đối lưu phổ biến.

Mua bán đối lưu là gì?

Khái niệm

Mua bán đối lưu (Counter trade) là phương thức giao dịch trao đổi hàng hóa đặc biệt, trong đó người xuất khẩu cũng chính là người nhập khẩu, người bán chính là người mua, hàng hóa trong phương thức này vừa là phương tiện vừa là mục tiêu của hoạt động trao đổi.

Mua bán hàng hóa đối lưu - người xuất khẩu cũng chính là người nhập khẩu
Mua bán hàng hóa đối lưu – người xuất khẩu cũng chính là người nhập khẩu

Hợp đồng mua bán đối lưu là gì?

Hợp đồng mua bán đối lưu là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó, một bên vừa là bên bán, vừa là bên mua, cả hai bên đều có trách nhiệm trao đổi một phần hoặc toàn bộ hàng hóa của mình với bên còn lại như là một hình thức thanh toán, chứ không phải bằng tiền.

Hợp đồng mua bán đối lưu có thể được thể hiện bằng một hợp đồng duy nhất hoặc bằng nhiều hợp đồng riêng biệt.

  • Sử dụng một hợp đồng duy nhất: thường dùng trong hình thức hàng đổi hàng.
  • Sử dụng nhiều loại hợp đồng riêng lẻ: hiện nay thường có 3 loại sau:
    • Hợp đồng xuất khẩu và thỏa thuận đối tác sẽ được ký kết trước, hợp đồng nhập khẩu từ bên còn lại được ký sau.
    • Thỏa thuận đối tác được ký kết trước khi ký kết bất cứ hợp đồng xuất khẩu hay nhập khẩu nào.
    • Các bên ký đồng thời cả thỏa thuận đối tác và hợp đồng mua bán hàng hóa.

Ví dụ về buôn bán đối lưu

  • VD1: Tổng công ty Thương mại Khoáng sản và Kim loại của Ấn Độ (MMTC) đã nhập khẩu 50.000 tấn đường ray trị giá khoảng 38 triệu USD từ một công ty của Nam Tư so với tinh quặng sắt và viên nén có cùng giá trị. 
  • VD2: Tập đoàn Dệt may Quốc gia của Ấn Độ đã ký một thỏa thuận trị giá 200 triệu Rupee Ấn Độ để mua từ Liên Xô 200 khung dệt. Liên Xô đồng ý mua lại là 75% sản phẩm dệt từ các khung dệt này và phần còn lại Ấn Độ trả bằng tiền mặt.

Hoàn cảnh ra đời của phương thức buôn bán đối lưu

Phương thức buôn bán đối lưu ra đời do nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân là do nhà nước quản lý ngoại hối, thanh toán bằng tiền mặt gặp nhiều khó khăn, hoặc các bên đối tác không có ngoại tệ mạnh. Một nguyên nhân nữa cũng cần phải kể đó là do hàng hoá đối tượng của buôn bán đối lưu thường là kém chất lượng hoặc khó tiêu thụ cho nên các bên tìm cách đổi cho nhau.

Đặc điểm của phương thức buôn bán đối lưu

Đặc điểm 1

Giá trị sử dụng của hàng hoá được quan tâm là chính, vì việc đổi hàng giữa các đối tác với nhau chỉ là để thoả mãn một nhu cầu nào đó, các đối tác ít quan tâm đến giá trị của hàng hoá. Nhưng hiện nay trong phương thức buôn bán này người ta cũng đã bắt đầu tính đến giá trị của hàng hoá, vì mục đích chính của hoạt động buôn bán là tìm kiếm lợi nhuận và các bên cũng đã tính đến việc trao đổi hàng hoá gì để có lợi và như vậy phương thức này đã mất dần tính truyền thống của nó là thoả mãn một nhu cầu nào đó.

Giá trị hàng hóa ngày càng được quan tâm trong buôn bán đối lưu
Giá trị hàng hóa ngày càng được quan tâm trong buôn bán đối lưu

Đặc điểm 2

Tiền trong phương thức này chỉ là phương tiện để tính toán có nghĩa là các bên đối tác chỉ định giá hàng hoá để qua đó trao đổi cho nhau.

Đặc điểm 3

Cân bằng nhau về quyền lợi giữa các bên. Sự cân bằng này được thể hiện ở những khía cạnh sau:

  • Cân bằng về mặt hàng
  • Cân bằng về giá cả
  • Cân bằng về tổng giá trị

Ưu nhược điểm của buôn bán đối lưu

Ưu điểm

  • Không sử dụng tiền tệ làm trung gian nên không bị ảnh hưởng vấn đề tỷ giá trong giao dịch.
  • Giảm chi phí giao dịch và thanh toán với ngân hàng.
  • Có thể thực hiện khi một bên thiếu ngoại tệ, hàng tồn kho, hàng không hoàn hảo…

Nhược điểm

  • Hàng hóa mà người mua bán cho người xuất khẩu có thể có chất lượng kém, ít có khả năng bán được trên thị trường quốc tế.
  • Khó khăn trong việc định giá thị trường cho hàng hóa người mua cung cấp.
  • Mua bán đối lưu thường không hiệu quả vì hai bên thường có xu hướng độn giá hàng hóa của mình.
  • Mua bán đối lưu là những giao dịch rất phức tạp, phiền hà và tốn thời gian, chịu ảnh hưởng của luật lệ các nước nên thường mang tính quan liêu.
Hàng hóa chất lượng kém là một trong những rủi ro của mua bán đối lưu
Hàng hóa chất lượng kém là một trong những rủi ro của mua bán đối lưu

Các hình thức buôn bán đối lưu

Hàng đổi hàng (Barter)

Hình thức này đã xuất hiện từ thời xa xưa trong lịch sử loài người, có nghĩa là mặt hàng này đổi lấy mặt hàng khác có giá trị tương đương. Nhưng hiện nay trong thực tế không phải lúc nào hàng hoá đem trao đổi cũng có giá trị tương đương với nhau. Hình thức trao đổi hàng hoá có giá trị không tương đương đã và đang được thực hiện trong hoạt động thương mại quốc tế và ngày càng trở nên thông dụng. Trong trường hợp này người ta thường dùng một phần tiền để bù vào giá trị chênh lệch. Phương thức trao này thường áp dụng với các loại hàng hoá không thể chia nhỏ được.

Ngoài phương thức trao không ngang giá người ta còn tiến hành trao đổi hàng hoá không phù hợp với ngành nghề kinh doanh.

Bù trừ (Compensation)

Bù trừ theo nghĩa thực của nó tức là việc xuất khẩu liên kết với việc nhập khẩu. Thực hiện hình thức buôn bán này hai bên không thanh toán với nhau bằng tiền mặt mà trao đổi với nhau một hàng hoá hoặc dịch vụ có giá trị giá trị tương đương nhau. Sau khi bù trừ giá hàng hoá với nhau vẫn còn số dư thì giá trị còn dư đó sẽ được thanh toán theo yêu cầu của bên chủ nợ.

Hình thức bù thừ bao gồm:

  • Bù trừ trước (pre – compensation): Theo hợp đồng thì một bên giao hàng trước. Sau khi nhận hàng một thời gian nhất định bên kia mới giao hàng đối ứng.
  • Giao dịch song hành (parallel transaction): Hai bên cùng tiến hành giao hàng trong một thời kỳ nhất định. Tất nhiên giá trị hàng giao có thể không bằng nhau nhưng không ai giao trước ai.

Xem thêm: Hợp đồng ngoại thương là gì?

Mua đối ứng (counter – purchasing)

Hình thức này thường áp dụng trong việc mua bán máy móc thiết bị và nhà máy, bên mua thường không có tiền.

Trong trường hợp này hai bên thường ký với nhau các hợp đồng mua hàng hoá của nhau. Có nghĩa là bên cung cấp nhà máy hoặc máy móc thiết bị phải mua lại một loại hàng hoá nào đó của bên nhập khẩu máy móc thiết bị hoặc nhà máy với giá trị bằng giá trị máy móc thiết bị hoặc nhà máy đã bán.

Hai bên ký kết với nhau một văn bản ghi nhớ (memorandum) trong đó một bên sau khi xuất khẩu hứa sẽ nhập khẩu hàng hóa của bên kia. Nhưng lưu ý là bản ghi nhớ không có giá trị pháp lý và các nghĩa vụ không bị ràng buộc như hợp đồng, cho nên lời hứa nhập hàng không phải là cam kết chắc chắn.

Mua đối ứng thường sử dụng cho trường hợp mua bán máy móc thiết bị và nhà máy
Mua đối ứng thường sử dụng cho trường hợp mua bán máy móc thiết bị và nhà máy

Mua lại (buying – back)

Một bên cung cấp thiết bị toàn bộ và sáng chế hoặc bí quyết kỹ thuật cho bên kia, đồng thời cam kết mua lại những sản phẩm do máy móc thiết bị hoặc sáng chế đó sản xuất ra.

Chuyển nợ (switch)

Bên nhận hàng chuyển khoản nợ tiền hàng về cho bên thứ ba để bên này trả tiền.

Bồi hoàn (offset)

Đây là nghiệp vụ dùng hàng hoá và/hoặc dịch vụ để đổi lấy những ân huệ. Về quân sự bên cung cấp hàng quân sự thường được sử dụng một số đặc ân nào đó về quân sự của bên nhập khẩu hàng quân sự.

Trong các phương thức trên, phương thức hàng đổi hàng (barter) là loại hình mua bán đã có từ lâu đời. Hiện nay, nó vẫn đang là một trong những phương thức phổ biến nhất và ngày càng trở nên thông dụng.

Các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng

Trong buôn bán đối lưu, người ta thường đề ra những biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng như:

Dùng Thư tín dụng đối ứng (Reciprocal Letter of Credit)

Đây là loại L/C mà trong nội dung của nó có điều khoản quy định “L/C này chỉ có hiệu lực khi người hưởng lợi mở một L/C khác có giá trị tương đương”. Như vậy hai bên mua và bán vừa phải mở L/C vừa phải giao hàng.

Dùng người thứ ba khống chế chứng từ sở hữu hàng hoá

Người thứ ba chỉ giao chứng từ cho người nhận hàng khi người này đổi lấy một chứng từ hàng hoá khác có giá trị tương đương. Thông thường người ta dùng ngân hàng làm người thứ ba.

Ngân hàng thường là bên thứ 3 khống chế chúng từ
Ngân hàng thường là bên thứ 3 khống chế chúng từ

Dùng một tài khoản đặc biệt để theo dõi việc giao hàng của hai bên

Đến cuối một thời kỳ nhất định (chẳng hạn 6 tháng hay một năm) nếu còn số dư nợ thì bên nợ phải giao nốt hàng hoặc chuyển số dư nợ sang kỳ giao hàng sau hoặc phải thanh toán bằng ngoại tệ.

Phạt về việc giao hàng thiếu hoặc giao hàng chậm

Bên bán không giao hoặc chậm giao hàng phải nộp phạt bằng ngoại tệ. Mức phạt do hai bên thoả thuận quy định trong hợp đồng.

Trên đây là những kiến thức cơ bản về buôn bán đối lưu mà bạn nên nắm được khi tìm hiểu sâu hơn về Xuất nhập khẩu – Logistics. Hãy tiếp tục theo dõi các chủ đề mới từ MASIMEX – trung tâm dạy xuất nhập khẩu thực tế “CHUYÊN NGHIỆP SỐ 1” hiện nay để cập nhật thêm nhiều bài học, thông tin hữu ích.

Mạc Hữu Toàn

Giám đốc công ty cổ phẩn xuất nhập khẩu VnLogs với hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành Xuất nhập khẩu & Logistics – CEO trung tâm đào tạo Masimex – Admin của group trên Facebook: Cộng đồng Xuất nhập khẩu và Logistics Việt Nam.

masimex.vn/

Từ khóa » Nó Lưu Là Gì