Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ : Con đường Còn Lắm Gian Nan
Có thể bạn quan tâm
TCCSĐT - Với nỗ lực và sự hợp tác mạnh mẽ giữa các quốc gia, tiến trình thực hiện Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) đã mang lại cơ hội thay đổi cuộc sống cho hàng trăm triệu người trên khắp thế giới, trong đó có người dân ở những quốc gia nghèo nhất. Tuy nhiên việc hoàn thành MDGs vẫn là một quá trình cam go khi chỉ còn 5 năm phía trước.
Thành tựu lớn nhưng thách thức không nhỏ
Ngày 20-9, Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc kiểm điểm việc thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đã khai mạc trọng thể tại trụ sở Liên hợp quốc (Niu Y-oóc, Mỹ). 193 đoàn đại biểu các nước thành viên, trong đó có 140 nước dẫn đầu là người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ; những người đứng đầu các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Liên minh châu Âu (EU), các tổ chức thương mại và phát triển quốc tế... tham dự Hội nghị nhằm thảo luận những đề xuất thay đổi chiến lược nhằm đạt được 8 mục tiêu, từ giảm nghèo, phòng chống bệnh tật... đến hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và bảo đảm sự bền vững của môi trường.
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun nêu rõ, 10 năm kể từ khi ra đời trong sự đồng thuận hiếm có của các quốc gia thành viên, MDGs đã trở thành một trong những khuôn khổ hợp tác phát triển quan trọng và nhận được sự ủng hộ rộng rãi nhất từ thời điểm tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh - Liên hợp quốc – được thành lập.
Tiến trình thực hiện MDGs đã mang lại cơ hội thay đổi cuộc sống cho hàng trăm triệu người trên khắp thế giới, trong đó có người dân ở những quốc gia nghèo nhất. Sáng kiến có ý nghĩa trọng đại đối với việc cải thiện điều kiện của nhân loại đã giúp giảm tỷ lệ người nghèo cùng cực và nghèo đói với tốc độ nhanh chưa từng có, đưa số trẻ em được đến trường tăng cao, tăng cường đáng kể khả năng tiếp cận với các dịch vụ y tế, khả năng kiểm soát dịch bệnh, sử dụng nước sạch, thúc đẩy bình đẳng giới...
Thế giới đang quyết tâm giảm bớt một nửa số người nghèo đói vào năm 2015 và nhiều nước đã đạt được thành tựu to lớn. Theo WB, trong số 84 nước đang phát triển được WB đánh giá, có 45 nước đã đạt hoặc sẽ đạt được Mục tiêu Thiên niên kỷ về giảm đói nghèo đúng hạn - vào năm 2015.
Những câu chuyện thành công về phát triển ở nhiều khu vực trên hành tinh thời gian qua cho thấy nhiều vấn đề được thường được xem như rào cản nặng nề đối với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của con người đã được vượt qua. Nhất là khi những thay đổi đó diễn ra trong khoảng thời gian không dài so với hành trình tìm kiếm sự thịnh vượng của nhân loại, vì thế, nó mang lại niềm tin rằng việc hoàn thành MDGs là hiện thực không xa vời nếu có sự nỗ lực của chính phủ tất cả các nước.
Sự hòa nhập và xích lại gần nhau trên tinh thần một thế giới hòa bình và cởi mở đã mang đến những kinh nghiệm quý báu cho nhiều quốc gia trong cuộc chiến chống đói nghèo. Tuy nhiên, để hoàn thành các mục tiêu Thiên niên kỷ đã đề ra vào năm 2015, thế giới còn phải đối mặt với nhiều thách thức, bởi cho đến thời điểm hiện nay, phần lớn các tiêu chí của cả 8 MDGs đều chưa được hoàn thành.
Hiện nay, trong số các nước chậm phát triển có tới 800 triệu người hiện đang phải sống dưới ngưỡng đói nghèo; khoảng 1,1 tỉ người sống dưới mức 1 USD/ngày, gần 11 triệu trẻ em (khoảng 29.000 em/ngày) chết trước khi tròn 5 tuổi, khoảng 1.000 phụ nữ tử vong mỗi ngày do mang thai và sinh nở, 140 triệu trẻ em tại các nước đang phát triển chưa bao giờ được tới trường, 2 triệu người tử vong liên quan đến AIDS... Trong số khoảng 49 quốc gia kém phát triển được tính đến trên trái đất, chỉ có 6 quốc gia có tỷ lệ nghèo ở mức dưới 30%.
Những báo cáo gần đây cho thấy, những nước nghèo nhất thế giới, nhất là tại vùng hạ Xa-ha-ra (châu Phi), không đạt được tiến triển đáng kể trong việc xóa nghèo. Tương tự, nhiều nơi tại châu Phi, châu Á và Mỹ La-tinh, nỗ lực cải thiện sức khỏe người mẹ, giảm bớt tỷ lệ tử vong ở trẻ em, cải thiện các điều kiện vệ sinh cơ bản, thúc đẩy sự bình đẳng của phụ nữ đạt ít tiến bộ.
Theo số liệu của WB, 39 trên 84 nước đang phát triển được WB đánh giá không thể đạt MDGs đúng hạn do tác động của các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các nước tiểu sa mạc Xa-ha-ra châu Phi. Điển hình là Ni-giê - quốc gia nằm ở vành đai phía Nam sa mạc Xa-ha-ra, đã trở thành tâm điểm của nạn đói sau đợt hạn hán khắc nghiệt năm 2009. Khoảng 7,8 triệu người dân Ni-giê - chiếm hơn một nửa dân số toàn quốc, đang đối mặt với nạn đói cùng cực.
Nghèo đói, suy dinh dưỡng, tử vong ở trẻ em, sức khỏe bà mẹ, bệnh dịch, đang là những bức xúc, chậm có những tiến triển đáng kể. Bên cạnh nguyên nhân từ chính bản thân các nước này, theo Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc là “các vấn đề về cấu trúc”, thì các cuộc chiến tranh, xung đột, sự tàn phá ngày càng lớn của thiên tai do biến đổi khí hậu, những dịch bệnh mới và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu kèm theo sự leo thang của giá lương thực, lạm phát... đang là những cú sốc lớn làm cho chặng đường đến MDGs của những nước này khó khăn hơn.
Nỗ lực toàn cầu để MDGs về đích đúng hẹn
Thế giới đang thực sự bước vào giai đoạn nước rút để đẩy nhanh thực hiện các cam kết của Tuyên bố Thiên niên kỷ trong 5 năm ngắn ngủi còn lại. Việc thúc đẩy hoàn thành MDGs ở cấp độ quốc tế sẽ không chỉ là sự nỗ lực của một quốc gia riêng lẻ mà cần có tổng lực từ cả cộng đồng quốc tế.
Trong bối cảnh đó, sự nỗ lực hành động giữa lãnh đạo các nước, loại bỏ các biện pháp đối xử không công bằng trong thương mại, đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng, dịch vụ xã hội, chú trọng tới những nhóm dễ bị tổn thương... được nhìn nhận là chìa khóa mở ra cánh cửa đưa con người tới đích cuối cùng của MDGs. Bên cạnh đó, việc các nước giàu thực hiện đúng cam kết về tăng viện trợ phát triển chính thức để các nước nghèo có thêm nguồn lực phát triển cũng là yếu tố quan trọng thu hẹp sự bất bình đẳng hiện hữu và cản trở hành trình đi tới MDGs của nhiều quốc gia.
Tổng Thư ký Ban Ki-mun đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục sát cánh cùng các quốc gia kém phát triển bởi, theo ông, “đây là một vấn đề về cam kết tinh thần, một bài kiểm tra về tinh thần đoàn kết toàn cầu“. Ông cũng đồng thời lưu ý rằng, các nước kém phát triển đại diện cho “phần nhân loại cùng cực và dễ bị tác động nhất” và “cần phát triển khẩn cấp”.
Ông Ban Ki Mun kêu gọi các nước giàu thực hiện đúng cam kết về tăng viện trợ phát triển chính thức để các nước nghèo có thêm nguồn lực thực hiện các MDGs. Điều này còn có ý nghĩa quan trọng để tạo dựng niềm tin của các nước nghèo đối với các nước giàu: "MDGs là lời hứa của các lãnh đạo thế giới và lời hứa đó phải được thực hiện. Chúng ta không thể làm thất vọng hàng tỷ người đang trông đợi một thế giới tốt đẹp hơn". Năm nay, mặc dù viện trợ cho các nước đang phát triển hiện đạt mức cao nhất từ trước đến nay, nhưng số tiền viện trợ vẫn còn thiếu 20 tỉ USD so với cam kết, trong đó 16 tỉ USD dành cho châu Phi. Số tiền 1 tỉ USD EU dành cho MDGs; 750 triệu USD theo cam kết WB cho giáo dục, vẫn quá nhỏ bé so với khoản 120 tỉ USD cần cho MDGs trong 5 năm tới.
Hiện nay chưa một quốc gia giàu có nào thực hiện dúng cam kết dành 0,7% tổng thu nhập quốc gia để hỗ trợ giảm nghèo. Trong nhóm G8, Anh là nước hào phóng nhất cũng chỉ mới trích được 0,51%, I-ta-li-a là nước nhỏ giọt nhất đạt 0,15%. Mỹ khoảng 0,2%. Lời hứa năm 2005 của G8 về tăng gấp đôi viện trợ phát triển cho châu Phi vào năm 2010 nhiều khả năng không trở thành hiện thực. Theo thống kê của Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi, đến nay số tiền viện trợ của các nước giàu cho châu Phi chỉ còn bằng 1/4 con số cam kết ban đầu. Tổng thư ký Ban Ki Mun nhấn mạnh, các nhà tài trợ lớn cần tăng viện trợ phát triển thêm 18 tỉ USD/năm, trong đó có 7,3 tỉ USD cho các quốc gia châu Phi.
Theo ông Ban Ki Mun, Hội nghị thượng đỉnh về MDGs sắp tới nên nhấn mạnh vào vai trò của hành động trong các vấn đề được ưu tiên như việc làm, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Ông Ban Ki Mun cho rằng, cộng đồng thế giới cần theo đuổi các nỗ lực đặc biệt nhằm đầu tư cho phụ nữ và trẻ em, đồng thời nhấn mạnh: “Khi chúng ta trao quyền cho phụ nữ thì chúng ta đã trao quyền cho châu Phi”.
Bài học quý báu nhất rút ra trong mười năm qua là thực hiện các MDGs phải thật sự trở thành trọng tâm của hợp tác quốc tế và chiến lược phát triển của các nước đang phát triển. Chỉ có như vậy, cộng đồng quốc tế mới huy động được thêm các nguồn lực cần thiết thông qua những chính sách, biện pháp mới ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế.
Việt Nam - một câu chuyện thành công về phát triển
Ngày 14-9, nhóm chuyên gia cố vấn Anh thuộc Viện Phát triển hải ngoại (ODI) đưa ra báo cáo đánh giá Việt Nam là "ngôi sao sáng" trong số các nước đạt tiến bộ lớn trên lộ trình thực hiện các MDGs nhằm giảm tỷ lệ nghèo đói và đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Theo báo cáo của ODI, trong vòng 14 năm (từ 1990-2004), Việt Nam đã đạt được "tiến bộ chưa từng có" trong việc cải thiện đời sống của người nghèo. Với nỗ lực không ngừng, Việt Nam đã giảm được một nửa tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng và giảm tỷ lệ người có mức thu nhập dưới 1USD/ngày từ gần 2/3 dân số xuống còn 1/5.
Tại Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc kiểm điểm việc thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nêu rõ: Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn nhiều MDGs và có thể đạt các MDGs còn lại vào năm 2015. Những thành tựu của Việt Nam về xóa đói, giảm nghèo, phổ cập giáo dục tiểu học, thúc đẩy bình đẳng giới, giảm tỷ lệ tử vong trẻ em, cải thiện sức khỏe bà mẹ, đẩy lùi sốt rét và các bệnh dịch đã được Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và các nước thành viên ghi nhận. Nhà nước Việt Nam thực hiện cam kết qua việc thể chế hóa các MDGs để thực hiện có hiệu quả, lồng ghép các MDGs vào chiến lược, kế hoạch, chương trình phát triển ở các cấp, phát huy sự tham gia của người dân.
Trong cuộc gặp gỡ báo chí ngày 20-9 tại Hà Nội về tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Việt Nam, ông G. Hen-đra (John Hendra), Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam nhận xét: Trong tất cả các mục tiêu thiên niên kỷ, Việt Nam đạt được tiến bộ ấn tượng nhất ở mục tiêu thiên niên kỷ về giảm nghèo (MDG1), từ 58,1% năm 1990 xuống còn 14,5% năm 2008; tỷ lệ thiếu đói giảm hơn 2/3, từ 24.9% năm 1993 xuống còn 6,9% năm 2008.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã đạt được những tiến bộ đáng kể về phổ cập giáo dục tiểu học, với tỷ lệ nhập học tiểu học là 97% và 88,5% trẻ em đi học đã hoàn thành 5 năm tiểu học. Trong số này, hơn 90% tiếp tục học trung học cơ sở và không có sự chênh lệch lớn giữa thành thị và nông thôn. Tỷ lệ về giới cũng khá đồng đều, với gần một nửa học sinh là trẻ em gái ở cả cấp tiểu học lẫn trung học. Tỷ lệ phụ nữ tham gia hoạt động kinh tế năm 2010 ước đạt mức 83%, trong khi của nam giới là 85%. Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước đứng đầu khu vực về tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội: 25,8% đại biểu Quốc hội là phụ nữ.
Trong cuộc hội kiến với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chiều 20-9 tại Niu Oóc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun đã đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong việc thực hiện các MDGs cũng như thúc đẩy việc thực hiện Sáng kiến Một Liên hợp quốc. Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh: Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công về phát triển. Với đường lối lãnh đạo, cam kết của Nhà nước, cùng nỗ lực của nhân dân, Việt Nam sẽ là một trong những nước đi đầu hoàn thành các MDGs. Việt Nam có nhiều bài học kinh nghiệm tốt về thực hiện các MDGs để chia sẻ với các nước. Kết quả của Hội nghị quốc tế cấp cao về "Sáng kiến thống nhất hành động của Liên hợp quốc" trong khuôn khổ Sáng kiến “Một Liên hợp quốc” tại Hà Nội hồi tháng 6 vừa qua đã đóng góp rất nhiều vào hợp tác phát triển của các cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam./.
Từ khóa » Mục Tiêu Mdgs
-
Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ 2014 (MDGs)
-
Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ – Wikipedia Tiếng Việt
-
Mục Tiêu Phát Triển Bền Vững | Open Development Vietnam
-
8 Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ (MDG) - Văn Sử Địa Online
-
WHO Công Bố Báo Cáo Mới:Từ Mục Tiêu Thiên Niên Kỷ (MDGs) đến ...
-
MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN THIÊN NIÊN KỶ (MDGs) Tới Năm 2015
-
KTS Việt Nam Với Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ (MDGs)
-
Baó Cáo Quốc Gia: Kết Quả 15 Năm Thực Hiện Các Mục Tiêu Phát Triển ...
-
Mục Tiêu Phát Triển Bền Vững Của Liên Hiệp Quốc Và Những điều ...
-
Từ MDGs Tới SDGs: Cơ Hội Và Thách Thức
-
Quốc Hội, Các Mục Tiêu Thiên Niên Kỷ Và Các Mục Tiêu Phát Triển Bền ...
-
Các Chỉ Tiêu Về Giáo Dục Tiến Tới Hoàn Thành Mục Tiêu Phát Triển Thiên ...
-
Đánh Giá Việc Thực Hiện Kế Hoạch Hành động Quốc Gia Thực Hiện ...
-
Mục Tiêu Phát Triển Bền Vững Và Lịch Sử Hình Thành