Mục Tiêu SMART Là Gì? Cách Sử Dụng SMART để Thiết Lập Mục Tiêu
Có thể bạn quan tâm
Mục tiêu SMART có thể giúp nhân viên của bạn làm việc thông minh, tập trung và hiệu suất hơn. Vậy mục tiêu SMART là gì? Bạn hãy cùng GoalF tìm hiểu cụ thể qua bài viết sau.
Tìm hiểu thêm:
- 5 bước áp dụng nguyên tắc SMART trong lập kế hoạch (+ ví dụ)
- Mẹo triển khai nguyên tắc SMART trong quản lý dự án
Mục tiêu SMART là gì?
Trước hết, bạn hãy cùng tìm hiểu phương pháp thiết lập mục tiêu SMART là gì về mặt định nghĩa và ý nghĩa của nguyên tắc SMART.
Định nghĩa
SMART là một bộ nguyên tắc giúp thiết lập mục tiêu hiệu quả. Bạn sẽ thiết lập mục tiêu bằng SMART dựa trên và đảm bảo 5 yếu tố: Specific (cụ thể) – Measurable (đo lường) – Achievable (khả thi) – Relevant (liên quan) – Time bound (giới hạn thời gian).
Xét về lịch sử ra đời, thuật ngữ SMART lần đầu tiên được George T. Doran nhắc đến trong ấn bản “Management Review” được phát hành vào tháng 11 năm 1981. Sau đó, Giáo sư Robert S. Rubin thuộc ĐH Saint Louis đã viết về SMART và công bố trên báo chí. Tiêu chí SMART cũng nằm trong lý thuyết quản lý theo mục tiêu của Peter Drucker.
Vào năm 2003, trong cuốn sách “Thái độ là tất cả”, Paul J. Meyer (nhà sáng lập Success Motivation International) đã mô tả các đặc điểm của SMART.
Ý nghĩa của nguyên tắc SMART
Áp dụng quy tắc SMART có thể đem lại cho bạn những giá trị, ý nghĩa trong công việc như:
- S – Cụ thể: Giúp cụ thể, minh bạch hóa mục tiêu, giúp tránh nhầm lẫn, chệch hướng khi thực hiện mục tiêu
- M – Đo lường: Giúp bạn đo lường được chính xác tiến độ triển khai công việc, hoàn thành mục tiêu
- A – Khả thi: Giúp bạn thiết lập mục tiêu có kỳ vọng, thử thách nhưng không trở thành vô vọng, bất khả thi
- R – Liên quan: Giúp liên kết các mục tiêu bạn thực hiện trong một bức tranh chung tổng thể
- T – Giới hạn thời gian: Giúp tạo áp lực, cam kết đủ để bạn hoàn thành mục tiêu đúng hạn
Cách sử dụng SMART để thiết lập mục tiêu
Khi đã biết về mục tiêu SMART là gì?, hãy cùng tìm hiểu cách sử dụng SMART để thiết lập mục tiêu, bạn nên lưu ý một số điểm sau:
Specific – Cụ thể
Để thiết lập mục tiêu bằng SMART cụ thể, bạn có thể đặt ra 5 câu hỏi – 5W và tìm cách trả lời. Quá trình bạn trả lời các câu hỏi này, bạn sẽ giúp cụ thể hóa mục tiêu của mình.
- What: Tôi muốn đạt được điều gì?
- Who: Ai tham gia vào mục tiêu này?
- Where: Mục tiêu này cần thực hiện ở đâu?
- When: Khi nào tôi muốn đạt được mục tiêu này?
- Why: Tại sao tôi muốn đạt được mục tiêu này?
Mục tiêu cụ thể cũng giống như một điểm rõ ràng, nổi bật trên bản đồ. Bạn hãy chắc chắn đã “tô” đủ sắc nét, cụ thể điểm đến của mình. Điều đó sẽ giúp bạn giảm thiểu nguy cơ đi chệch hướng mục tiêu.
Mặt khác, để cụ thể hóa mục tiêu, bạn nên sử dụng từ ngữ cụ thể. Bạn không nên thiết lập mục tiêu với những từ như: Tốt nhất có thể, càng sớm càng tốt, tiết kiệm nhất có thể… Thay vào đó, bạn hãy sử dụng từ ngữ, con số cụ thể, chính xác, tường minh.
Ví dụ:
- Kết quả kinh doanh quý IV vượt trội hơn 5% so với quý III
- Mục tiêu cần hoàn thành trước ngày 15/11/2021
- Tiết kiệm 1% chi phí văn phòng tháng 11 so với tháng 10
Measurable – Đo lường
Để xây dựng mục tiêu SMART, bạn cũng cần gắn mục tiêu của mình với các yếu tố có thể đo lường được. Nếu yếu tố cụ thể, bạn có thể sử dụng bộ câu hỏi 5W thì với yếu tố đo lường, bạn có thể sử dụng câu hỏi 1H (How much / How many). Bạn có thể đặt ra và trả lời các câu hỏi như:
- Bao nhiêu là hoàn thành mục tiêu?
- Khi nào mục tiêu được xác định hoàn thành?
- Kết quả nào là phù hợp với nguồn lực hiện tại?
Bạn hãy tìm cách trả lời câu hỏi: Làm thế nào tôi biết mục tiêu đã đạt được hay chưa với yếu tố đo lường – bao nhiêu?
Ví dụ:
- Tôi muốn hoàn thành cự ly chạy bộ 42km liên tục
- Tôi muốn đạt thu nhập lớn hơn 30 triệu đồng mỗi tháng
- Tôi muốn đạt tổng doanh thu ký hợp đồng mới ở mức ít nhất 1 tỷ đồng / năm
Các con số 42km, 30 triệu đồng, 1 tỷ đồng ở trên đều là những thước đo cụ thể giúp bạn đo lường và biết rằng mình có đang thực sự đạt được mục tiêu như kỳ vọng hay không.
Achievable – Có thể đạt được
Mục tiêu theo tiêu chuẩn SMART được đề ra để có thể hoàn thành. Bạn không nên thiết lập mục tiêu để rồi biến mục tiêu trở thành những bong bóng ảo vọng. Muốn vậy, bạn hãy đảm bảo thiết lập mục tiêu có tính thử thách, đột phá nhưng không trở thành bất khả thi. Bạn có thể đặt ra các câu hỏi và tìm cách trả lời như:
- Làm thế nào tôi có thể hoàn thành mục tiêu này?
- Tôi có đủ nguồn lực và khả năng để đạt được mục tiêu không?
- Nếu không đủ nguồn lực thực hiện mục tiêu, tôi đang thiếu gì?
Khi thiết lập mục tiêu, bạn hãy xác định xem mục tiêu đang ở khoảng màu nào: màu đỏ – rất khó đạt được; màu cam – có thể đạt được nhưng cần nỗ lực cao độ; màu xanh – có thể đạt được dễ dàng. Việc phân loại khả năng đạt được mục tiêu theo dải màu xanh, cam, đỏ như vậy sẽ giúp bạn dễ dàng quản trị mục tiêu hơn.
Về tổng thể, bạn nên thiết lập các mục tiêu ở khoảng màu cam. Mục tiêu ở khoảng này vẫn đầy tham vọng, thử thách, cần nỗ lực cao nhưng có thể đạt được.
Ví dụ:
Nếu bạn là một người ít vận động thì việc chạy bộ 1km có thể là mục tiêu màu xanh; 3km là mục tiêu màu cam và 5km là mục tiêu màu đỏ. Vậy bạn có thể lựa chọn thực hiện mục tiêu màu cam – chạy bộ 3km. Mục tiêu này vừa đảm bảo giúp bạn cải thiện tình trạng thể chất, vừa thử thách nhưng vẫn có thể đạt được.
Relevant – Phù hợp
Bạn có thể có rất nhiều mục tiêu khác nhau: Mục tiêu về học tập, thể chất, công việc, thu nhập… Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là khi bắt đầu thiết lập mục tiêu, bạn cần đảm bảo mục tiêu mới cần có sự phù hợp, liên quan với “bức tranh chung” mục tiêu cá nhân trong dài hạn của bạn.
Ví dụ:
Mục tiêu công việc của bạn là mở rộng thị trường công ty sang Trung Quốc. Vậy, bạn có thể thiết lập một mục tiêu về học tập là thành thạo tiếng Trung Quốc chẳng hạn. Đó là một mục tiêu phù, có tính liên quan, kết nối với mục tiêu khác của bạn.
Để xác định một mục tiêu có phù hợp hay không, bạn có thể cân nhắc trả lời những câu hỏi sau:
- Điều này có đáng giá không?
- Đây có phải là thời điểm thích hợp thực hiện mục tiêu?
- Mục tiêu có phù hợp với những nỗ lực, nhu cầu, mục tiêu khác của bạn không?
- Bạn có phải là người phù hợp để đạt được mục tiêu này không?
- Mục tiêu có áp dụng, thực hiện được trong bối cảnh hiện tại không?
Time-bound – Giới hạn thời gian
Có những mục tiêu thoạt đầu được thiết lập, vận hành khá tốt nhưng trong quá trình triển khai, bạn cứ dần xao nhãng và “thả trôi” luôn mục tiêu. Hầu hết trong chúng ta vào dịp cuối năm đều có những mục tiêu trong năm mới của mình. Nhưng, mục tiêu đó thậm chí còn chưa được thực hiện 1 ngày nào. Đó là do bạn đã thiếu giới hạn thời gian khi thiết lập mục tiêu.
Mục tiêu cần có giới hạn thời gian thực hiện một cách cụ thể. Việc A cần hoàn thành trong khoảng thời gian A. Việc B cần xử lý xong trong khoảng thời gian B… Khi bạn gắn yếu tố thời gian vào mục tiêu, áp lực thực hiện, hoàn thành mục tiêu sẽ giúp bạn duy trì được động lực, hiệu quả công việc.
Để đảm bảo gắn yếu tố giới hạn thời gian vào từng mục tiêu theo tiêu chuẩn SMART một cách phù hợp, bạn có thể trả lời các câu hỏi như:
- Mục tiêu của tôi có thời hạn không?
- Đến khi nào tôi muốn đạt được mục tiêu của mình?
- Mục tiêu này cần khoảng thời gian thực hiện trong bao lâu?
ĐĂNG KÝ DEMO GOALF
Ví dụ:
Bạn mong muốn hoàn thành mục tiêu chạy bộ 42km liên tục. Bạn có thể giới hạn thời gian tập luyện trong 1 năm và cần thực hiện buổi chạy trước ngày 31/12/2021 chẳng hạn. Ngày 31/12 là một mốc thời gian cụ thể, rõ ràng, gắn liền với mục tiêu bạn kỳ vọng đạt được.
Một vài ví dụ về mục tiêu SMART
Mục tiêu theo quy tắc SMART có thể áp dụng rất đa dạng trong thiết lập mục tiêu cho các tổ chức, doanh nghiệp, cho các phòng ban, team và cho cả thiết lập mục tiêu cá nhân SMART. Để hiểu rõ, dễ hiểu hơn mục tiêu SMART là gì, bạn có thể tham khảo mục tiêu theo SMART qua một số ví dụ sau:
Ví dụ 1 – Vẽ tranh
S – Cụ thể | Tôi muốn vẽ tranh |
M – Đo lường | Ít nhất 1 bức tranh sơn dầu / tháng |
A – Tính khả thi | Đảm bảo về quỹ thời gian và chi phí |
R – Tính liên quan | Nhằm giúp cân bằng tâm trạng, thư giãn sau giờ làm việc |
T – Giới hạn thời gian | Hoàn thành trước ngày cuối cùng hàng tháng |
Mục tiêu SMART | Với quỹ thời gian và chi phí hiện nay, tôi muốn vẽ ít nhất 1 bức tranh sơn dầu mỗi tháng nhằm giúp cân bằng tâm trạng, thư giãn sau giờ làm việc. Bức tranh cần hoàn thành trước ngày cuối cùng hàng tháng. |
Ví dụ 2 – Học ngoại ngữ
S – Cụ thể | Tôi muốn thành thạo tiếng Anh |
M – Đo lường | Đến mức nghe, nói, đọc, viết thành thạo, giao tiếp được với 100% khách hàng nước ngoài |
A – Tính khả thi | Với nỗ lực và khả năng bản thân hiện nay, tôi sẽ đạt được mục tiêu thành thạo tiếng Anh |
R – Tính liên quan | Nhằm phục vụ công việc phát triển, mở rộng thị trường của công ty |
T – Giới hạn thời gian | Cần hoàn thành trước 31/12/2022 |
Mục tiêu SMART | Để phát triển, mở rộng thị trường công ty, tôi sẽ nỗ lực để nghe, nói, đọc, viết tiếng Anh thành thạo, giao tiếp được với 100% khách hàng nước ngoài. Mục tiêu cần hoàn thành trước ngày 31/12/2022. |
Ví dụ 3 – Gia tăng thu nhập
S – Cụ thể | Tôi muốn cải thiện thu nhập hàng năm |
M – Đo lường | Lên mức ít nhất 500 triệu đồng / năm |
A – Tính khả thi | Với triển vọng các nguồn thu hiện nay, tôi sẽ nỗ lực gia tăng được nguồn thu nhập hàng năm |
R – Tính liên quan | Nhằm giúp cải thiện mức sinh hoạt của gia đình |
T – Giới hạn thời gian | Mục tiêu cần hoàn thành trước 31/12/2022 |
Mục tiêu SMART | Với triển vọng các nguồn thu hiện nay, tôi muốn cải thiện thu nhập hàng năm lên mức ít nhất 500 triệu đồng / năm, nhằm giúp cải thiện mức sinh hoạt của gia đình. Mục tiêu cần hoàn thành trước ngày 31/12/2022. |
Ví dụ 4 – Dành thời gian cho con
S – Cụ thể | Tôi muốn dành nhiều thời gian hơn cho con |
M – Đo lường | Ít nhất 1 tiếng mỗi ngày |
A – Tính khả thi | Với khối lượng công việc và sắp xếp thời gian hiện nay, tôi có thể dành ít nhất 1 tiếng mỗi ngày cho con |
R – Tính liên quan | Để giúp con phát triển tốt hơn, gia tăng sự gắn kết gia đình |
T – Giới hạn thời gian | Từ nay cho đến khi con vào đại học |
Mục tiêu SMART | Để giúp con phát triển tốt hơn và gia tăng sự gắn kết gia đình, tôi sẽ dành thời gian ít nhất 1 tiếng mỗi ngày để trò chuyện với con. Mục tiêu này cần duy trì từ bây giờ cho đến khi con vào đại học. |
Ví dụ 5 – Cải thiện thể chất, vóc dáng
S – Cụ thể | Tôi muốn giảm cân |
M – Đo lường | Xuống mức 60kg |
A – Tính khả thi | Với khối lượng tập luyện và khả năng kiểm soát dinh dưỡng hiện nay, tôi có thể đạt được mục tiêu cân nặng về mức 60kg |
R – Tính liên quan | Tôi muốn giảm cân để tự tin hơn trong công việc, giao tiếp với khách hàng và đồng nghiệp |
T – Giới hạn thời gian | Mục tiêu cân nặng về mức 60kg cần đạt được trước ngày 30/6/2022 |
Mục tiêu SMART | Để tự tin hơn trong công việc, giao tiếp với khách hàng, đồng nghiệp, tôi muốn giảm cân xuống mức 60kg. Mục tiêu này cần hoàn thành trước ngày 30/6/2022. |
Ví dụ 6 – Thăng tiến trong công việc
S – Cụ thể | Tôi muốn trở thành quản lý cấp trung: Trưởng phòng nội dung |
M – Đo lường | Quản lý team với ít nhất 10 nhân viên |
A – Tính khả thi | Với năng lực, kinh nghiệm hiện nay, tôi có thể đạt được mục tiêu này |
R – Tính liên quan | Nhằm giúp phát triển lộ trình công việc theo kế hoạch 5 năm của tôi |
T – Giới hạn thời gian | Mục tiêu cần đạt được trước năm 2025 |
Mục tiêu SMART | Nhằm giúp phát triển lộ trình công việc theo kế hoạch 5 năm, tôi muốn trở thành Trưởng phòng nội dung, quản lý team với ít nhất 10 nhân viên. Mục tiêu cần hoàn thành trước năm 2025. |
Ví dụ 7 – Đạp xe xuyên Việt
S – Cụ thể | Tôi muốn đạp xe xuyên Việt |
M – Đo lường | Từ điểm mốc Lạng Sơn đến Cà Mau |
A – Tính khả thi | Với tích lũy tập luyện và sức khỏe, kinh tế hiện tại, tôi có thể hoàn thành được chuyến đạp xe xuyên Việt |
R – Tính liên quan | Nhằm thêm trải nghiệm cuộc sống trên hành trình du lịch |
T – Giới hạn thời gian | Trong 15 ngày, từ 1/11 đến 15/11/2021 |
Mục tiêu SMART | Nhằm thêm trải nghiệm cuộc sống, tôi muốn đạp xe xuyên Việt từ Lạng Sơn đến Cà Mau trong 15 ngày, từ 1/11 đến 15/11/2021. |
Ví dụ 8 – Kết nối với bạn bè
S – Cụ thể | Tôi muốn kết nối, liên hệ thường xuyên với bạn bè hồi trung học và đại học |
M – Đo lường | Ít nhất 10 người. Liên hệ ít nhất 1 tuần gặp nhau 1 lần. |
A – Tính khả thi | Với quỹ thời gian hiện tại, tôi có thể kết nối với ít nhất 10 người bạn học cũ |
R – Tính liên quan | Nhằm kết nối, mở rộng các mối quan hệ |
T – Giới hạn thời gian | Mục tiêu kết hoàn thành trước ngày 31/12/2021 |
Mục tiêu SMART | Nhằm kết nối, mở rộng các mối quan hệ, tôi muốn kết nối, liên hệ với ít nhất 10 người bạn, ít nhất 1 tuần gặp nhau 1 lần. Mục tiêu cần hoàn thành trước ngày 31/12/2021. |
Ví dụ 9 – Tuyển dụng
S – Cụ thể | Tôi muốn tuyển team kinh doanh mới |
M – Đo lường | Ít nhất 5 nhân viên kinh doanh, có từ 3 năm kinh nghiệm trở lên |
A – Tính khả thi | Với danh tiếng công ty, quỹ lương và năng lực tuyển dụng hiện nay, tôi sẽ thực hiện được mục tiêu |
R – Tính liên quan | Nhằm cải thiện hoạt động kinh doanh trong năm 2022 sắp tới |
T – Giới hạn thời gian | Mục tiêu cần hoàn thành trước ngày 15/11/2021 |
Mục tiêu SMART | Nhằm cải thiện hoạt động kinh doanh trong năm 2022 sắp tới, tôi muốn tuyển team kinh doanh mới với ít nhất 5 nhân viên kinh doanh, có từ 3 năm kinh nghiệm trở lên. Mục tiêu tuyển dụng cần hoàn thành trước ngày 15/11/2021. |
Ví dụ 10 – Gia tăng lượng truy cập blog công ty
S – Cụ thể | Tôi muốn gia tăng lượng truy cập blog công ty |
M – Đo lường | Lên mức ít nhất 10.000 lượt truy cập mỗi tháng |
A – Tính khả thi | Với độ phủ các kênh và khối lượng, chất lượng tin bài hiện nay của blog, tôi có thể thực hiện thành công mục tiêu |
R – Tính liên quan | Nhằm giúp gia tăng độ phủ thương hiệu của công ty |
T – Giới hạn thời gian | Mốc 10.000 lượt truy cập mỗi tháng cần đạt được trước 31/12/2021 |
Mục tiêu SMART | Nhằm giúp gia tăng độ phủ thương hiệu của công ty, tôi muốn gia tăng lượng truy cập blog công ty lên mức ít nhất 10.000 lượt mỗi tháng. Mục tiêu cần đạt được trước 31/12/2021. |
Lợi ích và hạn chế
Dù quy tắc SMART có thể đem lại cho bạn nhiều lợi ích nhưng cũng có mặt hạn chế.
Lợi ích của mục tiêu SMART
Áp dụng thiết lập mục tiêu theo nguyên tắc SMART có thể giúp bạn đạt được nhiều lợi ích vượt trội:
Cụ thể hóa mục tiêu
Mục tiêu cần được thiết lập cụ thể ngay từ đầu. Với SMART, bạn có thể cụ thể hóa mục tiêu để tập trung nguồn lực bắt đồng triển khai công việc.
Bạn nên bắt đầu triển khai công việc với một mục tiêu rõ ràng, cụ thể. Một mục tiêu mơ hồ sẽ khó giúp bạn tiến xa hay đạt được kết quả như kỳ vọng ban đầu.
Tất cả chúng ta đều sợ những điều mơ hồ. Bạn không nên tự đặt mình vào những mục tiêu mơ hồ và làm chính mình ngày càng bức bối, hoảng loạn với công việc.
Liên tưởng một cách hình ảnh thì SMART cũng giống một cái cần gạt giúp bạn xóa đi, gạt đi những hơi nước, bụi bẩn trên “tấm kính” mục tiêu của bạn.
Triển khai công việc dễ dàng hơn
Áp dụng SMART sẽ giúp bạn hoạch định, thiết lập mục tiêu hiệu quả, khoa học, mục tiêu thử thách nhưng có thể đạt được. Khi bạn đã chắc chắn về mục tiêu của mình thì bạn cũng sẽ nhanh chóng bắt đầu triển khai công việc dễ dàng hơn.
Thực tế, khó khăn lớn nhất khi bắt đầu công việc là bước đầu tiên triển khai. Khi bạn đã bước ra được bước đi đầu tiên thì công việc sẽ được thực hiện theo kế hoạch. Mục tiêu theo SMART lúc này như một điểm mốc giúp bạn tiến về phía trước với niềm tin và động lực cao hơn.
Cải thiện sự tập trung và hiệu suất
Hiệu suất được tính bằng công thức:
Kết quả đạt được / Chi phí.
Chi phí ở đây không chỉ là về tiền bạc, tài chính mà còn là thời gian, nỗ lực bạn cần bỏ ra cho công việc.
SMART có thể giúp bạn tối ưu hóa kết quả công việc đạt được trên cơ sở chi phí thấp nhất. Có điều đó là nhờ SMART giúp bạn rõ ràng và tập trung về những điều cần làm, nên làm để đạt được mục tiêu. Do đó, bạn có thể tập trung để làm việc thông minh, hiệu quả hơn và từ đó cũng đạt được hiệu suất công việc tốt hơn.
Xác định đúng mục tiêu
Khi thiết lập mục tiêu theo phương thức SMART, bạn sẽ đảm bảo mục tiêu được thiết lập đúng hướng, phù hợp với thực tế nguồn lực, nhu cầu hiện tại của bạn. Có điều này là vì xác định mục tiêu theo nguyên tắc SMART luôn đòi hỏi bạn phải thiết lập mục tiêu có sự căn chỉnh phù hợp với thực tế.
Bạn có thể hình dung kỳ vọng của bạn như một chiếc diều bay bổng. Xây dựng mục tiêu theo nguyên tắc SMART, bạn sẽ gắn chiếc diều kỳ vọng đó với một điểm mốc thực tế, chắc chắn tại mặt đất.
Giữa kỳ vọng và thực tế, xác định mục tiêu theo nguyên tắc SMART sẽ giúp bạn xác định đúng mục tiêu thử thách nhưng thực tế và có thể đạt được nếu nỗ lực.
Dễ dàng đo lường việc thực hiện mục tiêu
SMART sẽ giúp bạn đo lường được mục tiêu đạt được một cách nhanh chóng, theo thời gian thực. Có điều đó là vì khi áp dụng SMART, bạn sẽ luôn phải gắn mục tiêu với yếu tố đo lường cụ thể ngay từ đầu.
Ví dụ:
Bạn thiết lập mục tiêu doanh thu công ty gia tăng hơn 5% so với quý trước. Vậy 5% ở đây là thước đo rất cụ thể để bạn đo lường xem bạn đã thực sự đạt được mục tiêu hay chưa.
Liên kết được các mục tiêu trong một tổng thể
Phương pháp thiết lập mục tiêu SMART sẽ không chỉ là thao tác thiết lập 1 mục tiêu đơn lẻ mà luôn có tính liên kết mục tiêu. Liên kết mục tiêu ở đây được thực hiện theo nhiều hướng: liên kết với mục tiêu cao hơn, với mục tiêu ngang hàng và cả các mục tiêu nhỏ hơn tiếp theo. Vì vậy, áp dụng SMART sẽ giúp bạn liên kết được các mục tiêu trong một tổng thể, một bức tranh chung rộng lớn hơn.
Hạn chế của mục tiêu SMART
Thiết lập mục tiêu theo phương thức SMART có thể dẫn đến các mục tiêu có tính linh hoạt hạn chế. Lý do là vì mục tiêu SMART luôn có tính liên kết với mục tiêu chung của tổ chức có tính ổn định khá cao. Thông thường, mục tiêu chung của tổ chức sẽ được thiết lập trong khoảng 1 năm một lần.
Ví dụ:
Mục tiêu năm 2021 của công ty bạn là mở rộng thị trường. Tuy nhiên, dịch bệnh bất ngờ ập đến và các mục tiêu SMART của bạn cũng không còn phù hợp nữa. Lúc này, bạn chỉ có thể thay đổi các mục tiêu SMART bên dưới sau khi đã điều chỉnh mục tiêu chung.
Để khắc phục điểm hạn chế của mục tiêu SMART, bạn có thể tham khảo, áp dụng lý thuyết thiết lập mục tiêu của Edwin Locke. Vào những năm 1960, Locke đã công bố học thuyết thiết lập mục tiêu. Theo đó, ông cho rằng một cá nhân sẽ nỗ lực, tập trung cao độ hơn khi có mục tiêu cụ thể, rõ ràng.
Theo học thuyết Locke, một mục tiêu được thiết lập hợp lý sẽ cần thực hiện theo các bước sau:
- Bước 1: Xác định mục tiêu phù hợp
Nghiên cứu của Locke khuyến khích các nhà quản lý thiết lập các mục tiêu cụ thể và có tính thử thách. Ông lý giải: một mục tiêu cụ thể và thử thách thì hiệu suất cũng như kết quả công việc thường đạt được vượt trội hơn rất nhiều so với các mục tiêu mơ hồ hoặc dễ dàng.
Thay vì động viên, thiết lập mục tiêu cho nhân viên một cách mơ hồ theo kiểu “cố lên”, “cố hết sức đi” thì bạn có thể cụ thể hóa mục tiêu như “cố gắng hoàn thành ít nhất 80% khối lượng công việc trước thứ 6” chẳng hạn.
- Bước 2: Chấp nhận mục tiêu, sẵn sàng hành động
Bạn hãy thuyết phục nhân viên chấp nhận mục tiêu bằng tính hợp lý của mục tiêu đó thay vì dùng quyền lực, bắt buộc nhân viên thực hiện mục tiêu. Nhân viên sẽ khó sẵn sàng hành động, hướng đến mục tiêu nếu chính họ không nhận thấy được điểm hợp lý, cần thiết thực hiện mục tiêu đó.
Để giúp nhân viên chấp nhận mục tiêu, bạn hãy hướng suy nghĩ của nhân viên về những kết quả vượt trội sẽ đạt được nếu họ đạt được mục tiêu đó.
- Bước 3: Tạo điều kiện, môi trường làm việc thuận lợi và phản hồi để giúp nhân viên đạt được mục tiêu
Để nhân viên đạt được mục tiêu, bạn cần tạo điều kiện, môi trường làm việc thuận lợi cho họ. Đặc biệt, bạn cần phản hồi kịp thời, theo tiến độ công việc để nhân viên có những điều chỉnh hợp lý.
Khi phản hồi, bạn hãy xem những phản hồi của mình như một món quà dành tặng nhân viên để họ làm việc tốt hơn. Bạn hãy phản hồi tích cực và cả phản hồi tiêu cực nhưng chỉ phản hồi trên cơ sở công việc. Bạn không nên để các yếu tố cảm xúc, định kiến ảnh hưởng đến phản hồi công việc mình dành cho nhân viên.
Theo học thuyết của Locke, bạn cũng nên để nhân viên cùng thiết lập mục tiêu công việc. Như vậy nhân viên sẽ dễ dàng chấp nhận và tự nguyện, chủ động thực hiện mục tiêu.
Tìm hiểu thêm: 10 kỹ năng phản hồi HIỆU QUẢ trong công việc
*
Để thiết lập và thực hiện mục tiêu hiệu quả, bạn cũng có thể áp dụng phương pháp quản trị mục tiêu OKRs. OKRs là phương pháp quản trị mục tiêu dựa trên việc thiết lập mục tiêu (O) có tính thử thách, truyền cảm hứng. Mỗi một mục tiêu sẽ đi kèm từ 3 đến 5 kết quả chính (KRs). Khi nhân viên của bạn đạt được những kết quả chính cũng sẽ tiệm cận dần và đạt được mục tiêu như kỳ vọng.
Với OKRs, bạn sẽ khắc phục được sự ràng buộc, kém linh hoạt của SMART khi luôn liên kết với mục tiêu chung. Mục tiêu OKRs có chu kỳ thiết lập ngắn hơn, có thể theo tháng, theo quý và sẽ giúp SMART cũng có tính linh hoạt hơn.
Tìm hiểu thêm: OKRs là gì?
*
Mục tiêu SMART có thể áp dụng rất đa dạng cho các công ty, tập đoàn lớn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc thậm chí là áp dụng cho mục tiêu công việc của cá nhân. Bạn có thể thiết lập mục tiêu theo phương pháp SMART hiệu quả, thông minh để giúp tập trung tối đa nguồn lực, gia tăng hiệu suất, hiệu quả công việc.
Nếu bạn muốn tìm hiểu kỹ hơn mục tiêu SMART là gì? hay cần tư vấn về phần mềm hỗ trợ, quản lý hiệu suất hiệu quả, bạn có thể liên hệ với đội ngũ GoalF. Phần mềm GoalF có thể cung cấp cho bộ công cụ đồng bộ để thiết lập và quản trị mục tiêu hiệu quả. Bạn có thể liên hệ với đội ngũ GoalF ngay hôm nay.
Tìm hiểu thêm: Nguyên tắc SMARTER là gì? So sánh SMART & SMARTER
GoalF
- Trụ sở chính: 25 Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội
- Điện thoại: 0904232369
- Email: support@okrs.vn
- Fanpage: https://www.facebook.com/GoalF.vn
Từ khóa » Mục Tiêu Smart Trong Phục Hồi Chức Năng
-
Thiết Lập Mục Tiêu Smart Trong điều Trị Phục Hồi Chức Năng
-
THIẾT LẬP MỤC TIÊU SMART VÀ THANG ĐO ĐẠT MỤC TIÊU GAS
-
Thiết Lập Mục Tiêu Smart Trong điều Trị Phục Hồi Chức Năng
-
Bệnh Viện Phục Hồi Chức Năng Tỉnh Thừa Thiên Huế
-
THIẾT LẬP MỤC TIÊU... - Bệnh Viện Trung ương Quân đội 108
-
Cách Thiết Lập Mục Tiêu Phục Hồi Chức Năng Cho Bệnh Nhân đột Quỵ
-
Thiết Lập Mục Tiêu Thông Minh - SMART
-
Lưu Trữ Mục Tiêu Smart Trong Phục Hồi Chức Năng - Simple Seeding
-
Thiết Lập Mục Tiêu - Khoa Điều Dưỡng - Đại Học Duy Tân
-
Thiết Lập Mục Tiêu - Các Nguyên Tắc Của Phục Hồi Chức Năng - 123doc
-
Giáo Trình Phục Hồi Chức Năng - SlideShare
-
Phục Hồi Chức Năng Và Phòng Ngừa Biến Chứng Trong Chăm Sóc ...
-
Hướng Dẫn Chẩn đoán Và điều Trị Phục Hồi Chức Năng Cho Người ...
-
Khoa Phục Hồi Chức Năng Chuyên Biệt Cho đối Tượng Bệnh Nhân ...