Mũi Chỉ đường Kim Dệt Nên Mãnh Lực | Thời Báo Tài Chính Việt Nam

Không thể gục ngã

Dệt may, với sự nghiệp sản xuất kinh doanh giản dị của mũi chỉ đường kim đã chứng minh được sức mạnh kiên cường, không thể gục ngã trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Dự Lễ phát động thi đua năm 2022 của Tập đoàn Dệt May Việt Nam và Hiệp hội Da, giày và túi xách Việt Nam ngày 8/1/2021 là sự kiện tiếp nối chuỗi hoạt động của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với ngành này.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm một phân xưởng may của Tổng công ty May 10, ngày 8/1/2022.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm một phân xưởng may của Tổng công ty May 10, ngày 8/1/2022.

Trước đó, vào thời điểm khép lại năm 2021, ngày 27/12/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm và làm việc với Công ty cổ phần Dệt may 29/3 Đà Nẵng. Đây cũng là nơi hồi tháng 7/2021 bị phong tỏa, toàn bộ lãnh đạo doanh nghiệp phải cách ly tập trung, hơn 2.000 công nhân phải “3 tại chỗ” và còn bị mang tiếng là “địa chỉ lây nhiễm”. Chủ tịch Hội đồng Quản trị khi gửi tâm thư tới tất cả người lao động trong công ty mình đã nhìn nhận công ty gặp phải “thử thách lớn lao chưa từng có trong lịch sử 45 năm xây dựng và phát triển”. Xác định phải chiến thắng cho được thử thách, năm 2021, doanh nghiệp này vẫn vượt đích tổng doanh thu trên 830 tỷ đồng, bằng 110% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu đạt 72 triệu USD, bằng 114% so cùng kỳ; thu nhập bình quân của người lao động đạt 8,5 triệu đồng/người/tháng.

Nguồn: Tập đoàn Dệt may Việt Nam.
Nguồn: Tập đoàn Dệt may Việt Nam.

Còn vào thời điểm tháng 8/2021, lúc “bão” Covid-19 quần thảo dữ dội khắp các tỉnh miền Nam, hầu khắp hoạt động sản xuất kinh doanh gần như tê liệt, Chủ tịch nước gặp mặt các điển hình tiên tiến trong thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa sản xuất của ngành Dệt may. Tại buổi gặp mặt, người đứng đầu Nhà nước cảm ơn những tấm gương sáng của ngành và 5 triệu lao động trong toàn ngành đã cùng hợp lực, trở thành minh chứng rõ nét dù hoàn cảnh gian nan thế nào thì tinh thần cần cù vượt khó của người Việt Nam không những không suy giảm mà ngược lại. Sự kiên cường của ngành dệt may là động lực cho tất cả những ngành nghề khác cùng vượt khó, ra sức chống chọi với dịch bệnh để duy trì hoạt động.

Đứng trên khủng hoảng

Năm 2021, bởi đại dịch Covid-19, cuộc khủng hoảng về lao động đã diễn ra ở mức nghiêm trọng chưa từng có. Các con số từ Tổng cục Thống kê, năm 2021, 24,7 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, trong đó có 2,3 triệu người mất việc làm; hơn 12,4 triệu người phải tạm nghỉ việc do doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất, kinh doanh để thực hiện giãn cách xã hội; 16,9 triệu lao động bị giảm thu nhập. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là 3,22%, nếu tính cả tỷ lệ người lao động thiếu việc làm, thì con số thất nghiệp thực tế của năm 2021 lên tới 6,32%.

Rực lửa tăng trưởng

Vào tháng 11/2020, khi còn là Thủ tướng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dành riêng một cuộc làm việc với ngành Dệt may, da giầy trong bối cảnh thị trường xuất khẩu của ngành lần đầu tiên sau 25 năm lâm vào cảnh suy giảm khi thị trường thế giới gần như tê liệt vì phải đóng cửa chống dịch. Khẳng định vị thế, vai trò của ngành rất quan trọng vì giải quyết việc làm cho rất đông người lao động, ông tuyên bố tại cuộc làm việc: “Chính phủ sẽ ban hành ngay lập tức tất cả những biện pháp có trong quyền hạn để quyết tâm lấy lại đà tăng trưởng cho ngành”.

Theo khí thế “rực lửa” tăng trưởng đó, bất chấp đại dịch Covid-19 hoành hành còn dữ dội gấp bội phần năm 2020, năm 2021, thị phần toàn ngành dệt may Việt Nam đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Dù cũng như mọi ngành nghề khác trong năm 2021 phải trải qua những tháng ngày đóng cửa, giãn cách xã hội, sống với “3 tại chỗ”, đặc biệt trong cả quý III/2021 gần như toàn bộ doanh nghiệp dệt may tại 19 tỉnh phía Nam phải ngừng hoạt động, đã có những thời điểm có trên một triệu công nhân trong ngành không thể đến nhà máy, nhưng toàn ngành vẫn cán đích với nhiều kỳ tích. Đơn vị lớn nhất của ngành là Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) năm 2021 ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục với doanh thu đạt trên 16.400 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.200 tỷ đồng, gấp 2 lần so với năm 2020 và vượt kế hoạch tới 70%. Không chỉ đạt lợi nhuận kỷ lục cho mình, dệt may Việt Nam còn thể hiện vai trò dẫn dắt với hiệu quả sản xuất kinh doanh cao, có nhiều sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Năm 2021 cũng chứng kiến cuộc di dân lớn chưa từng có kể từ sau chiến tranh khi theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, đã có 2,2 triệu người di chuyển từ các trung tâm kinh tế, công nghiệp về các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Tây, Tây Nguyên và miền Trung. Theo Tổng cục Thống kê, con số thực tế còn lớn hơn.

Trong bối cảnh đó, dệt may gần như là ngành duy nhất đứng trên khủng hoảng. Dệt may không chỉ hoàn thành mục tiêu phục hồi về mức trước đại dịch mà còn vượt xa mục tiêu này, đồng thời đạt mục tiêu giữ vững lao động và vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Vào thời điểm đầu quý IV/2021, các tỉnh phía Nam mở cửa trở lại, trong khi các doanh nghiệp khác tỷ lệ lao động quay lại là rất thấp thì ngành dệt may đã lấy lại được gần như toàn bộ người lao động, nhiều đơn vị đạt đến trên 90% lao động quay lại làm việc. Năm 2021, thu nhập bình quân tháng của người lao động ước tính là 6,6 triệu đồng, thu nhập của người lao động trong ngành Dệt may vượt lên hẳn với khoảng trên 8 triệu đồng. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, năm Nhâm Dần 2022 với mãnh lực vươn lên của hổ, ngành dệt may, da giày của Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được những kết quả vượt mong đợi, giữ vững được xưng tụng Việt Nam - “vương quốc” dệt may của thế giới.

Ra sao nếu thiếu giấc mơ?

Ngày 8/1/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ phát động thi đua năm 2022 của Tập đoàn Dệt May Việt Nam và Hiệp hội Da, giày và túi xách Việt Nam tại trụ sở Tổng công ty May 10 - nơi đúng ngày này 63 năm trước Bác Hồ đã về thăm. Một ngày sau đó, ngày 9/1/2022, ông tới Lễ phát động Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi, kêu gọi có nhiều hơn nữa các món ăn tinh thần để mau chữa lành những tổn thương, mất mát cho trẻ em khi đất nước vừa trải qua một năm với hàng triệu trẻ em không được đến trường và hàng nghìn trẻ em bỗng chốc trở thành mồ côi vì đại dịch Covid- 19.

“Văn học làm cho con người xích lại gần nhau, biết san sẻ, yêu thương nhau. Điều đó được thể hiện đậm nét qua cơn đại dịch Covid-19”- Chủ tịch nước nói - “có biết bao con người khi mở trang sách ra đã tìm thấy ánh sáng của tình yêu thương, niềm hy vọng và khát vọng sống”. Cho rằng ở bất cứ thời đại nào và ở bất cứ quốc gia nào, một câu hỏi lớn luôn được đặt ra là: Một đứa trẻ lớn lên sẽ thành một con người như thế nào nếu trong tâm hồn chúng không tràn ngập những giấc mơ trong trẻo, người đứng đầu Nhà nước khẳng định các cây bút viết cho thiếu nhi đã tạo ra một thế giới trong sáng, nhân ái và tràn ngập giấc mơ tươi đẹp, thuần khiết trong tâm hồn trẻ thơ. Ông kêu gọi các nhà văn Việt Nam, kêu gọi toàn xã hội hãy vì tương lai của dân tộc mình mà dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em. “Trẻ em như búp trên cành”, tất cả cùng có trách nhiệm làm cho những cái búp ấy lớn lên một cách khoẻ mạnh cả về hình hài lẫn tâm trí.

Chủ tịch nước còn nhắn nhủ, “nhân loại luôn luôn phải đương đầu, luôn luôn phải đấu tranh với cái ác. Để chống lại cái ác, để chiến thắng cái ác thì thành trì bền vững nhất và có sức mạnh nhất chính là lương tri, là phẩm giá của con người. Nếu không gieo những hạt giống của cái đẹp và lòng nhân ái vào tâm hồn trẻ em hôm nay thì trong tương lai sẽ khó mà có được những mùa người nhân ái”.

Từ khóa » đẹt Mũi