Mụn Hạt Kê (Milia) ở Trẻ Sơ Sinh Và Những điều Cha Mẹ Cần Biết

Mụn hạt kê là bệnh về da lành tính thường gặp nhiều nhất ở trẻ sơ sinh. Trong trường hợp bé cảm thấy khó chịu, quấy khóc vì mụn hạt kê thì cha mẹ nên sớm cho con thăm khám với bác sĩ Da liễu để có cách xử lý phù hợp.

Mụn hạt kê ở trẻ là gì?

Mụn hạt kê là tình trạng thường thấy ở trẻ sơ sinh. Theo thống kê, gần 50% các bé sơ sinh bị mụn hạt kê. Có bé nổi mụn hạt kê từ rất sớm, chỉ 1 đến 2 ngày sau sinh đã thấy những chấm trắng nhỏ li ti xuất hiện nhiều ở má, mũi, cằm.

Mụn hạt kê (Milia) là những nang chứa chất nhờn hay keratin to bằng đầu kim, màu trắng nhạt trên nền da hay niêm mạc bình thường. Mụn có thể mọc cả trên nướu hoặc vòm họng của bé.

Nguyên nhân bé bị nổi mụn hạt kê là do sự ứ đọng của chất bã, hormone nhận từ mẹ. Mụn hạt kê thường lành tính, không đau, không ngứa đối với trẻ.

Mụn hạt kê có thể tự biến mất sau khoảng vài tuần, tuy nhiên cũng có trường hợp kéo dài tới vài tháng. Trong trường hợp bố mẹ không biết cách chăm sóc cho con, vùng da mụn kê  có thể bị kích ứng, viêm nhiễm gây khó chịu để lại di chứng trên da trẻ suốt đời.

Dấu hiệu nhận biết mụn hạt kê ở trẻ

Mụn kê milia có đặc điểm là các sẩn nhỏ < 3mm, màu trắng, xuất hiện rải rác hoặc tập trung thành đám trên da, sẩn màu đỏ hồng. Trên da có mụn nước nhỏ, đôi khi mụn mủ trắng xen lẫn ở vùng da bài tiết nhiều mồ hôi như ngực, lưng, trán.

Tổn thương ở trẻ sơ sinh thường là các sẩn nhỏ, màu trắng rải rác hoặc tập trung thành đám ở quanh mũi, mặt, nửa trên thân mình.

Một số trẻ có thể xuất hiện triệu chứng ngứa ngáy do tắc nghẽn ống tuyến mồ hôi, trẻ khó chịu, quấy khóc và gãi nhiều.

Hạt kê chia thành 5 dạng chính gồm:

  • Mụn hạt kê bẩm sinh: rất thường gặp , tỷ lệ 40% – 50% trẻ sơ sinh , tổn thương là các sẩn nhỏ,màu trắng rải rác hoặc tập trung thành đám ở quanh mũi, mặt, nửa trên thân mình, trong niêm mạc miệng, có thể tự khỏi mà không cần điều trị
  • Mụn hạt kê nguyên phát: thường gặp xung quanh mí mắt, má, trán và cơ quan sinh dục. Bệnh thường tự khỏi sau vài tuần tới vài tháng nhưng có xu hướng dai dẳng hơn kê bẩm sinh
  • Mụn hạt kê en plaque là thể hiếm gặp, mảng viêm trên bề mặt có nhiều nốt sẩn. Mụn thường mọc trên mí mắt, sau tai, trên má hoặc hàm và có thể liên quan với các bệnh da khác: lupus dạng đĩa,...
  • Mụn hạt kê liên quan tới bệnh da di truyền
  • Mụn hạt kê thứ phát: Chia làm 3 thể chính gồm mụn hạt kê liên quan tới chấn thương bề mặt, do thuốc hoặc liên quan đến các bệnh về da
Hạt kê
Mụn hạt kê có thể gây ngứa ngáy ở một số trẻ - Ảnh: youmed.vn

Cách chữa mụn hạt kê cho trẻ sơ sinh

Mụn hạt kê thường lành tính, không ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, trong trường hợp mụn hạt kê gây ngứa khiến trẻ không ngủ được, không tăng cân mới phải điều trị.

Để tránh mắc sai lầm khi chăm sóc cho bé bị mụn hạt kê hoặc khi bé có biểu hiện quấy khóc, khó chịu vì mụn, cha mẹ nên cho con thăm khám với bác sĩ Da liễu từ xa để được tư vấn biện pháp khắc phục, xử lý kịp thời.

Khi bé bị hạt kê, cha mẹ nên lưu ý:

  • Rửa mặt và tắm hàng ngày cho bé bằng sữa rửa mặt, sữa tắm cho trẻ em dịu nhẹ
  • Pha nước ấm vừa đủ, không dùng nước quá nóng làm hại da trẻ, gây phỏng rộp, khô da dẫn đến các bệnh về da ở trẻ nhỏ khác do da trẻ rất mỏng manh
  • Lau khô người cho trẻ sau khi tắm bằng khăn mềm
  • Không cho trẻ dùng nước hoa, chất khử mùi vì có thể gây dị ứng cho trẻ
  • Không nên kỳ cọ mạnh cho bé khi tắm, ảnh hưởng đến da của bé
  • Giữ cho làn da bé luôn khô ráo và thoáng mát, mặc quần áo mềm, chất liệu thấm hút mồ hôi, tránh mặc các loại vải cứng cọ sát nhiều vào da
  • Giặt sạch quần áo cho trẻ bằng xà phòng ít chất tẩy, ngâm trong nước xả vải cho mềm
  • Giặt đồ, phơi khô cất vào tủ dành riêng cho bé, để bé dùng tã vải cho thoáng, không mặc tã giấy làm bít hơi
  • Giặt chăn màn, khăn lau, vệ sinh giường chiếu, đồ chơi của bé thường xuyên

Cha mẹ lưu ý, nếu sau 3 tháng mà mụn kê trên làn da bé vẫn còn nhiều, cha mẹ nên cho con thăm khám với bác sĩ Da liễu càng sớm càng tốt.

Tuyệt đối không thoa bất kỳ loại kem hoặc thuốc mỡ nào vào những chấm trắng, nốt mụn khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, không cố gắng ép nặn hay lấy kim lể làm tổn thương và gây sẹo cho da bé.

Từ khóa » Hình ảnh Mụn Kê ở Trẻ Sơ Sinh