Mụn Sữa Trẻ Sơ Sinh Bao Lâu Khỏi? Khi Nào Trẻ Nên đi Khám? • Hello ...

Mụn sữa có thể phát triển trên khuôn mặt hoặc cơ thể bé dưới dạng những nốt mụn li ti màu đỏ hoặc trắng. Tuy loại mụn này có thể tự lành sau vài ngày hoặc vài tuần nhưng không ít trường hợp vẫn cần được điều trị đặc hiệu.

Vậy bé sơ sinh bị mụn sữa phải làm sao? Dấu hiệu nhận biết là gì? Bài viết dưới đây của Hello Bacsi sẽ giải đáp cho bạn những thắc mắc này.

Mụn sữa là gì?

Mụn sữa (hay mụn trứng cá sơ sinh, mụn nang kê ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ) là một tình trạng da phổ biến ở trẻ, chiếm khoảng 20% trẻ sơ sinh, và mang tính chất tạm thời.

Khác với mụn trứng cá nhũ nhi, em bé nổi mụn sữa không có nhân mụn hở hay nhân đầu đen. Trong khi đó, mụn trứng cá nhũ nhi thì có nhân và còn có thể xuất hiện dưới dạng u nang có mủ hoặc nốt sần đầu trắng. Trong một số ít trường hợp không điều trị thì mụn trứng cá nhũ nhi còn có khả năng để lại sẹo. Tin vui là tình trạng này ít phổ biến hơn nhiều so với mụn trứng cá sơ sinh.

Dấu hiệu nhận biết bé nổi mụn sữa

Trẻ sơ sinh bị nổi mụn sữa trên mặt
Trẻ sơ sinh bị nổi mụn sữa trên mặt

1. Triệu chứng

Em bé bị mụn nang kê có thể nổi mụn ở bất cứ vị trí nào trên khuôn mặt, nhưng thường gặp nhất là trên má và mũi. Một số trẻ sơ sinh bị mụn sữa ở trán, cằm, da đầu, phần lưng ngực trên hoặc cổ. Đôi khi trẻ mới sinh cũng đã có mụn nang kê.

Dưới đây là những dấu hiệu nổi mụn sữa ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ điển hình:

  • Tương tự như mụn trứng cá ở tuổi dậy thì và người lớn, mụn sữa ở trẻ sơ sinh thường xuất hiện dưới dạng mụn đỏ hoặc mụn nhọt nhỏ.
  • Mụn mủ hoặc mụn đầu trắng cũng có thể mọc lên.
  • Vùng da quanh các nốt mụn có màu đỏ.

Mụn nang kê có thể trở nên dễ thấy rõ hơn khi trẻ quấy khóc. Trẻ cũng có thể nổi nhiều mụn nang kê hơn khi đang bị nóng, da bị dính nước bọt, sữa hay tiếp xúc với quần áo vải thô ráp.

2. Khi nào nên đưa bé bị mụn sữa đi khám da liễu?

Những trường hợp sau thì bố mẹ nên đưa trẻ sơ sinh mọc mụn sữa đi khám da liễu ngay:

  • Mụn trên mặt trẻ trở thành mụn đầu đen, mụn mủ hoặc viêm
  • Mụn gây đau hoặc khó chịu cho trẻ.

Đọc thêm

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có 4 loại da, mẹ đã biết chưa?

Nguyên nhân của mụn sữa

Vì sao trẻ sơ sinh bị mụn sữa?
Vì sao trẻ sơ sinh bị mụn sữa?

Hiện tại, nguyên nhân chính xác khiến trẻ sơ sinh bị mụn sữa vẫn chưa được biết rõ. Một số nhà nghiên cứu tin rằng tình trạng này là do hormone của mẹ hoặc trẻ sơ sinh gây ra. 

Ngoài ra cũng có một số nguyên nhân khiến bé bị mụn sữa có thể kể đến như:

  • Dược tính của thuốc: Mẹ dùng thuốc trong thời gian mang thai, hoặc trẻ sơ sinh có vấn đề sức khỏe và phải dùng thuốc có thể gây tác dụng phụ là mụn nang kê.
  • Uống sữa bột: Một số trẻ có thể bị mụn sữa do không hợp với sữa chứa nhiều đạm albumin.
  • Mẹ ăn nhiều đồ nóng và hệ tiêu hóa của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh cũng là một trong những yếu tố có thể kích thích mụn trứng cá sơ sinh xuất hiện.
  • Phì đại tuyến bã được cho là một trong những nguyên nhân gây mụn sữa ở trẻ sơ sinh.

Đọc thêm

Vì sao trẻ bị mụn nhọt? Cách chữa mụn nhọt ở trẻ em nhanh nhất

Mụn sữa ở trẻ sơ sinh khi nào hết?

Mụn sữa trẻ sơ sinh thường chỉ xảy ra trong vài tháng đầu đời của trẻ (thậm chí là vài tuần). Một số trường hợp mụn nang kê kéo dài đến khi trẻ được 2 tuổi.

Trong thời gian này, để bé mau khỏi mụn, cha mẹ có thể áp dụng một số cách trị mụn sữa cho trẻ sơ sinh đơn giản, hiệu quả được đề cập trong bài viết này.

Điều trị mụn sữa ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Bôi thuốc chữa mụn sữa cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Bôi thuốc chữa mụn sữa cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

1. Thăm khám bác sĩ

Mụn sữa trẻ sơ sinh là tình trạng có thể được chẩn đoán bằng mắt, không yêu cầu thực hiện xét nghiệm y khoa nào. Vậy, trẻ sơ sinh bị mụn sữa có sao không? Hiện nay vẫn chưa có biện pháp điều trị mụn nang kê ở trẻ. Tuy nhiên, loại mụn này thường tự khỏi mà không cần điều trị. Trong một số trường hợp, thời gian bị mụn của trẻ có thể kéo dài hàng tháng thay vì hàng tuần.

Mặc dù vậy, bạn vẫn nên đưa trẻ bị mụn sữa đi khám trong trường hợp mụn gây đau, khó chịu, kéo dài không hết. Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo ý kiến ​​bác sĩ nhi khoa nếu có bất kỳ thắc mắc nào. Khi đưa trẻ sơ sinh bị mụn nang kê đi thăm khám định kỳ hoặc kiểm tra tổng quát, bố mẹ nên đặt câu hỏi với bác sĩ về tình trạng mụn sữa ở trẻ sơ sinh cũng như bất kỳ vấn đề nào về sức khỏe của bé.

2. Điều trị bằng thuốc

Nhiều cha mẹ thắc mắc không biết bé bị mụn sữa bôi thuốc gì? Đối với vấn đề mụn sữa ở trẻ sơ sinh bôi thuốc gì, thì để điều trị dạng mụn cứng đầu này, bác sĩ nhi khoa có thể kê toa một loại kem trị mụn nang kê hoặc thuốc mỡ giúp thoa lên da trẻ. Tuy nhiên, bạn cần phải thông qua ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc bôi da nào lên mặt trẻ.

Bố mẹ không nên dùng các loại thuốc không kê đơn có tác dụng trị mụn trứng cá cũng như các sản phẩm rửa mặt hoặc kem dưỡng da. Làn da của trẻ rất nhạy cảm, những phương pháp này có thể làm cho tình trạng mụn trở nên nghiêm trọng hơn hoặc gây kích ứng da của trẻ.

3. Mẹo chữa mụn sữa ở trẻ sơ sinh tại nhà

Lau sạch mặt là cách chữa mụn sữa ở trẻ sơ sinh.
Lau sạch mặt là cách chữa mụn sữa ở trẻ sơ sinh.

Trong khi chờ cho các nốt mụn của trẻ tự khỏi, bạn cũng có thể thực hiện một số cách sau để giữ cho làn da bé luôn khỏe mạnh.

3.1. Giữ khuôn mặt trẻ sạch sẽ

Rửa mặt cho trẻ hàng ngày bằng nước ấm là cách trị mụn sữa ở trẻ sơ sinh quan trọng nhất. Tắm là thời điểm phù hợp nhất để rửa mặt trẻ. Bạn không cần phải sử dụng bất cứ thứ gì ngoài nước nhưng nếu muốn, bạn vẫn có thể dùng một loại xà phòng nhẹ dành riêng cho da em bé hoặc sữa rửa mặt không chứa xà phòng.

Tránh dùng sản phẩm có mùi thơm vì chúng có khả năng gây kích ứng da trẻ. Hãy tham vấn ý kiến các bác sĩ nhi khoa trước khi sử dụng.

3.2. Mẹo tắm lá khế trị mụn sữa cho trẻ sơ sinh

Trong dân gian, một trong những cách trị mụn sữa ở trẻ sơ sinh là tắm nước lá khế. Với phương pháp này, mẹ có thể dùng một nắm lá khế, rửa thật sạch với nước. Tiếp theo, đem đun sôi lá khế và lọc lấy nước cho bé tắm.

Mẹ chỉ nên áp dụng phương pháp này cho bé nổi mụn sữa khoảng 3 lần một tuần, vì tắm nhiều lá khế có thể khiến da bé dễ bị xỉn màu.

Lưu ý

Khi dùng lá khế để tắm cho bé sơ sinh, mẹ nên thử thoa một ít nước lá đun lên tay bé và quan sát kỹ xem có phản ứng lạ hay không, rồi mới bắt đầu sử dụng.

3.3. Tránh các sản phẩm có độ tẩy mạnh

Cách chữa mụn sữa ở mặt trẻ sơ sinh là nói “không” với các sản phẩm có độ tẩy mạnh. Các sản phẩm chứa retinoids (dẫn xuất của vitamin A) hoặc erythromycin thường được sử dụng để trị mụn trứng cá ở người trưởng thành. Tuy nhiên, để chữa mụn sữa ở trẻ em thì không nên dùng các sản phẩm này.

Lưu y

Khi trẻ sơ sinh bị mụn sữa ở mặt, bạn cũng không nên sử dụng bất kỳ loại xà phòng có mùi thơm, tạo bọt hoặc các loại xà phòng khác có chứa nhiều hóa chất có tác động mạnh mẽ đến da.

3.4. Không dùng các loại kem dưỡng da

Một trong những cách chữa mụn sữa ở mặt trẻ sơ sinh là không sử dụng các loại kem dưỡng da cho bé. Các loại kem dưỡng có thể làm tình trạng mụn nang kê của trẻ sơ sinh nặng thêm.

Bạn nên bỏ qua các bước thoa kem này nếu cho rằng da trẻ đang cần được “trợ giúp” từ dưỡng chất để nhanh chóng khỏi mụn.

3.5. Mẹo chữa mụn sữa ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: Không chà xát

Chà xát da bằng khăn có thể làm nặng thêm tình trạng trẻ bị mụn sữa. Thay vào đó, bạn hay lau mặt trẻ nhẹ nhàng bằng khăn mềm theo chuyển động tròn hoặc vỗ nhẹ khăn lên da mặt trẻ để thấm hút nước rửa mặt.

3.6. Không nặn mụn sữa trẻ sơ sinh

Tuyệt đối không được nặn mụn trên mặt bé bị mụn sữa. Điều này sẽ gây kích ứng da trẻ và làm cho tình trạng mụn trên mặt trẻ sơ sinh nghiêm trọng hơn.

3.7. Hãy kiên nhẫn

Mẹo chữa mụn sữa ở trẻ sơ sinh là gì? Rất đơn giản: Hãy kiên nhẫn! Mụn nang kê ở trẻ thường vô hại vì không gây ngứa hay đau cho bé. Bạn hãy kiên nhẫn đợi cho mụn tự khỏi nhưng cũng đừng quên làm sạch da mặt trẻ dịu nhẹ mỗi ngày.

Trên đây là giải đáp của Hello Bacsi cho câu hỏi trẻ sơ sinh bị mụn sữa phải làm sao, cũng như biện pháp khắc phục mụn sữa ở trẻ tại nhà mà cha mẹ cần lưu ý. Hy vọng rằng qua bài viết trên, giúp cha mẹ có cách xử trí khi trẻ sơ sinh lên mụn nang kê nhé!

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Từ khóa » Cách Chữa Mụn Sữa Trên Mặt Trẻ Sơ Sinh