Mùng Tơi Trong Thơ Tiền Chiến | Nguoinhabe

Mùng tơi bình thường lắm, là một loại giây leo có thể gặp khắp nơi ở vùng quê, rất gần gũi với người Việt, ít người không biết tới. Mùng tơi dễ trồng, người ta hay cho leo theo hàng rào hay lên giàn cây dựng đơn giản. Lá mùng tơi màu xanh, có bông trắng và trái khi trở già màu tím. Hình ảnh của giàn mùng tơi nhan nhản với mọi người nhưng có lẽ vì không đài các như hồng, vương giả như lan hay ít ra rực vàng như mai như cúc nên mùng tơi hầu như không xuất hiện trong văn chưong thi phú cho tới khi Nguyễn Bính và Lưu trọng Lư tài tình đem lá mùng tơi vô trong những bài thơ của họ thì giậu mùng tơi xanh mỡn, đơn sơ, gần trong ánh mắt hàng ngày mới có nét lãng mạng hơn.

Trong các bài thơ của Nguyễn Bính, “Cô Hàng Xóm” được biết tới, nhắc nhở và tạo ra nhiều cảm hứng nhất:

Nhà nàng ở cạnh nhà tôi,

Cách nhau cái giậu mùng tơi xanh rờn.

Hai người sống giữa cô đơn,

Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi.

Giá đừng có giậu mùng tơi,

Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng.

Tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng…

Có con bướm trắng thường sang bên này.

Bướm ơi! Bướm hãy vào đây!

Cho tôi hỏi nhỏ câu này chút thôi…

Chả bao giờ thấy nàng cười,

Nàng hong tơ ướt ra ngoài mái hiên.

Mắt nàng đăm đắm trông lên…

Con bươm bướm trắng về bên ấy rồi!

Bỗng dưng tôi thấy bồi hồi,

Tôi buồn tự hỏi: “Hay tôi yêu nàng?”

— Không, từ ân ái lỡ làng,

Tình tôi than lạnh gio tàn làm sao?

Tơ hong nàng chả cất vào,

Con bươm bướm trắng hôm nào cũng sang.

Mấy hôm nay chẳng thấy nàng,

Giá tôi cũng có tơ vàng mà hong.

Cái gì như thể nhớ mong?

Nhớ nàng? Không! Quyết là không nhớ nàng!

Vâng, từ ân ái nhỡ nhàng,

Lòng tôi riêng nhớ bạn vàng ngày xưa.

Tầm tầm giời cứ đổ mưa,

Hết hôm nay nữa là vừa bốn hôm.

Cô đơn buồn lại thêm buồn,

Tạnh mưa bươm bướm biết còn sang chơi?

Hôm nay mưa đã tạnh rồi!

Tơ không hong nữa, bướm lười không sang.

Bên hiên vẫn vắng bóng nàng,

Rưng rưng… tôi gục xuống bàn rưng rưng…

Nhớ con bướm trắng lạ lùng!

Nhớ tơ vàng nữa, nhưng không nhớ nàng.

Hỡi ơi! Bướm trắng tơ vàng!

Mau về mà chịu tang nàng đi thôi!

Đêm qua nàng đã chết rồi,

Nghẹn ngào tôi khóc… Quả tôi yêu nàng.

Hồn trinh còn ở trần gian?

Nhập vào bướm trắng mà sang bên này!

Nguyễn Bính và cô hàng xóm cách nhau bằng hàng rào có mùng tơi phủ xanh rờn sơ sài lại biến thành “kỳ đà cản mũi” khiến cho nhà thơ không sang thăm cô hàng xóm được:

Giá đừng có giậu mùng tơi,

Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng.

Có đúng là vì giậu mùng tơi sông ngăn, núi cách mà Nguyễn Bính không đi được? Có thể thấy rõ không phải lỗi ở giậu mùng tơi, mà tác giả tơ lòng đã đứt, lửa lòng đã nguội lạnh:

— Không, từ ân ái lỡ làng,

Tình tôi than lạnh gio tàn làm sao?

Vâng, từ ân ái nhỡ nhàng,

Lòng tôi riêng nhớ bạn vàng ngày xưa.

Vết thương lòng đã làm ông như con chim từng bị tên thấy cành cong thì sợ, đổ vở trước đã làm tác giả  chơi vơi, ngần ngừ. Chính nội tâm của nhà thơ là một trở lực quá lớn, ông không thể bước qua cái giậu mùng tơi trong lòng mình để sang thăm cô hàng xóm được.

Xin đừng trách giậu mùng tơi

Vì lòng rướm máu, chơi vơi ngại ngùng

chớ giậu mùng tơi giữa hai nhà đâu lại nỡ trở thành chướng ngại không thể vượt qua được của nhà thơ, Nguyễn Bính đã ký thác, gởi gấm lòng mình vô giậu mùng tơi hiền lành không hề phấn son trau chuốt.

Tuy không được học hành nhiều như những nhà thơ tiền chiến khác, Nguyễn Bính nhận xét rất mẫn cảm và tinh tế về không gian cũng như thời gian chung quanh ông:

Từ độ mồng tơi thôi trổ lá

Là cô hàng xóm cũng thôi sang

Mùng tơi ở vùng khí hậu ấm ra lá quanh năm nhưng khi trồng nơi lanh như vùng quê Nguyễn Bính khi hết mùa Hè trở lạnh thì không ra lá nửa. Tới mùa Thu, cô hàng xóm đi lấy chồng mất rồi nên đã “thôi sang”, để lại nổi trống vắng và hụt hẩn cho nhà thơ(1)(2).

Với cái tài hoa, Lưu trọng Lư đã nâng những lá mùng tơi xanh tươi mát mắt, bình dị vào nét cổ kính, tiêu sơ “Năm tháng ta chen chốn bụi hồng, Cảnh xưa dừng bước một chiều đông” trong bài thơ Lá mồng tơi của mình:

Lá mồng tơi

(Tặng hương hồn một bác sĩ)

Hoa lá quanh nàng lác đác rơi,

Cuối vườn đeo giỏ hái mồng tơi,

Mồng tơi ứa đỏ đôi tay nõn,

Có bé nhìn tay, nhí nhảnh cười.

Cách tường tiếng gọi sẽ đưa sang;

Rẽ lá cô em trốn vội vàng,

Quên giỏ mồng tơi bên giậu vắng;

Ta qua nhặt lấy gửi đưa nàng.

Năm tháng ta chen chốn bụi hồng

Cảnh xưa dừng bước một chiều đông,

Cây trơ, giậu đổ, mồng tơi héo

Cô bé vườn bên đã lấy chồng.

Lưu Trọng Lư (Tiếng thu, 1939)(3)

khởi đầu bằng hình bóng vui tươi, trẻ trung đầy sức sống của cô gái hái mùng tơi và tận cùng với cảnh chiều Đông tiêu điều. Thấp thoáng đâu đây nét xưa của Thôi Hộ:

Đề tích sở kiến xứ

Khứ niên kim nhật thử môn trung

Nhân diện đào hoa tương ánh hồng

Nhân diện bất tri hà xứ khứ

Đào hoa y cựu tiếu đông phong

và tâm trạng ngỡ ngàng khi Kim Trọng trở lại vườn Thúy:

Ðầy vườn cỏ mọc lau thưa

Song trăng quạnh quẽ vách mưa rả rời

Trước sau nào thấy bóng người

Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.

Người xưa chọn cảnh tang thương cũng còn ráng gượng cánh hoa đào cười đón gió Đông, chứ ở đây bức tranh quê “Cây trơ, giậu đổ, mồng tơi héo” rất bình thường với cuộc đời của người thôn dã nhưng lại đem đến cho nhà thơ bao tê tái khi cô bé hàng xóm vườn bên đã đi lấy chồng. Cảnh cũ không còn và người năm trước thì biệt tăm, giàn mùng tơi không còn ai hái lá, cũng héo hắt buồn theo.

Hầu như ai cũng biết giây mùng tơi bò theo hàng rào bên nhà nhưng có mấy người đã chú trọng tới loài rau luôn luôn sẵn sàng ngay tầm tay mình đâu. Chỉ có nhà thơ với tâm hồn nhạy bén và “có thời giờ” mới gữi gắm nỗi lòng qua hàng mùng tơi mộc mạc đó. Có lẽ Nguyễn Bính và Lưu trọng Lư là người đã đem hình ảnh và gợi sự chú ý cho đời nhiều nhất về giàn mùng tơi và nồi canh cũng bớt nhớt, đậm hưong hơn, ngọt ngào hơn cộng thêm một chút thơ qua bao nhiêu sự thay đổi.

(1)  Theo tác giả Tuệ Chương Hoàng Long Hải, trong Một Chút Tình Thu: http://vanlangseattle.org/public/documents/motchuttinhthu.html.

(2)  Vì không kiếm được nguyên bài thơ có hai câu này nên không biết tựa cũng như có phải chắc chắn là của Nguyễn Bính hay không.

(3)  Có người cho là bài thơ “Lá mùng tơi” là của nguyễn Bính

Share this:

  • Twitter
  • Facebook
  • Email
Like Loading...

Related

Từ khóa » Giậu Mồng Tơi Thơ