Mười Năm Cuộc Chiến Syria: Từ “Mùa Xuân Arab” đến “cuộc Chiến ...

Theo giới phân tích chính trị quốc tế, chiến lược toàn cầu của Mỹ sau Chiến tranh lạnh được ví như “cuộc thập tự chinh mới”(1). Chiến lược này diễn ra theo hai hướng chủ yếu. Hướng thứ nhất, Mỹ tiếp tục mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và sử dụng liên minh này làm lực lượng xung kích trong chiến lược bao vây, kiềm chế ảnh hưởng của Nga, không để cho Nga tồn tại và phát triển như một quốc gia có chủ quyền(2). Hướng thứ hai, Mỹ sẽ đẩy Nga ra khỏi nhiều khu vực ảnh hưởng mà Liên Xô trước đây đã từng thiết lập và Nga được kế thừa cái được gọi là “thế giới thứ ba”. Một trong những khu vực đó là Đại Trung Đông - vành đai địa - chính trị hết sức quan trọng kéo dài từ khu vực Bắc Phi - Trung Đông qua bán đảo Balkan, dãy núi Kavkaz, Trung Á và Nam Á. “Đề án Đại Trung Đông” của Mỹ nhằm đẩy Nga và Trung Quốc ra khỏi khu vực này(3).

Dưới thời Tổng thống Mỹ George Bush, “Đề án Đại Trung Đông của Mỹ” là sự kế thừa “Đề án Trung Đông” đã từng được nhiều đời Tổng thống Mỹ đề xuất. Theo Đề án này, việc chiếm đóng Afghanistan và Iraq sau sự kiện Mỹ bị tấn công khủng bố vào ngày 11-9-2001 chỉ là giai đoạn đầu tiên trong một “cuộc thập tự chinh” lâu dài của Mỹ nhằm “xúc tiến dân chủ” trên toàn bộ khu vực Trung Đông. Tháng 6-2004, tại Hội nghị Nhóm tám quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G-8), “Đề án Đại Trung Đông” được đánh giá như Định ước Helsinki năm 1975 do Mỹ và các đồng minh NATO ký kết để “phổ biến dân chủ”, “bảo đảm quyền con người” và “cải cách kinh tế” ở Liên Xô trước đây cũng như các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu(4).

Syria - tâm điểm “cuộc thập tự chinh mới” của Mỹ ở Trung Đông

Các biến động chính trị - xã hội mang tên “Mùa xuân Arab” là giai đoạn tiếp theo trong “Đề án Đại Trung Đông” của Mỹ dưới thời chính quyền của Tổng thống Barack Obama(5). Trong “Mùa xuân Arab”, Mỹ lựa chọn Syria là một mục tiêu then chốt và quan trọng nhất liên quan tới mục tiêu chiến lược chống Nga(6).

Tổng thống B. Obama đánh giá các biến động chính trị - xã hội “Mùa xuân Arab” có ý nghĩa quan trọng đối với Mỹ như sự kiện Bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989, mở đầu sự tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô(7) (8). Nhận xét về tầm quan trọng của Syria đối với kế hoạch thực hiện “Đề án Đại Trung Đông”, ông Paul Craig Roberts - thành viên của Đảng Cộng hòa, đồng thời là cựu Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ dưới thời của Tổng thống Ronald Reagan - đã cho rằng, bằng cách gây ra cuộc khủng hoảng chính trị ở Syria, Mỹ muốn loại bỏ hoàn toàn ảnh hưởng địa - chính trị của Nga và Trung Quốc khỏi khu vực địa - chính trị quan trọng này của thế giới(9). Để thực hiện mục tiêu xóa bỏ chính thể của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đề ra học thuyết “lãnh đạo từ phía sau”, theo đó sử dụng sức mạnh tổng hợp trên cơ sở kết hợp giữa “quyền lực cứng” và “quyền lực mềm”(10).

Từ khóa » Cuộc Chiến Tranh ở Syria