Sau 10 Năm Chiến Tranh, Thường Dân Syria Vẫn Khốn Khổ Trong Cảnh ...

  • Nga trung gian hòa giải thành công lệnh ngừng bắn mới ở Syria
  • Loạt tên lửa Israel bị phòng không Syria bắn rụng
  • Phòng không Syria dùng vũ khí Nga hạ tên lửa Israel

Người đứng đầu Ủy ban Điều tra của LHQ về Syria, ông Paulo Pinheiro, ngày 14/9, cảnh báo tương lai người dân quốc gia Trung Đông này "ngày càng ảm đạm" do nền kinh tế sa sút cùng tình hình xung đột leo thang ở khắp các vùng Tây Bắc, Đông Bắc và miền Nam.  

LHQ: Thường dân Syria khốn khổ trong cảnh bị vây hãm -0
10 năm xung đột khiến cơ sở hạ tầng ở Syria xuống cấp trầm trọng. Ảnh: UN

"Các bên xung đột (ở Syria) tiếp tục gây ra tội ác chiến tranh và vi phạm các quyền con người. Cuộc chiến nhắm vào dân thường Syria vẫn xảy ra và họ rất khó tìm được nơi trú ẩn an toàn", quan chức LHQ nói.

Ủy ban của LHQ cũng bày tỏ quan ngại về việc những người tị nạn Syria không có nơi nào để trở về. Khi giao tranh bùng nổ, lực lượng Chính phủ Syria đã tái áp dụng chiến thuật vây hãm nhằm cô lập các tay súng phiến quân, song đã khiến dân thường bị mắc kẹt.

Tại vùng Afrin và Ras al-Ayn thuộc tỉnh Aleppo, chỉ trong vài tháng, 243 dân thường đã thiệt mạng trong các vụ đánh bom xe do các phần tử cực đoan tiến hành ở các khu chợ, đường phố; trong khi nhiều người khác chết vì những đợt pháo kích qua lại của phiến quân và quân đội chính phủ.

Các thành viên Ủy ban Điều tra của LHQ và Syria cũng xác nhận, lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad hiện kiểm soát tới 70% lãnh thổ và khoảng 40% dân số, nhưng các biện pháp hòa giải không được đẩy mạnh và chưa mang lại kết quả khả quan nào.

Hồi tháng 3/2021, nhân dịp 10 năm xung đột nổ ra ở Syria, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres từng cảnh báo: "Giải pháp quân sự không phải là cách giải quyết cuộc xung đột ở Syria, còn tình hình hiện nay tại đây đang tiếp diễn theo hướng "không còn chiến tranh, nhưng cũng chẳng có hòa bình"".

"9/10 người Syria hiện đang sống trong cảnh nghèo đói, với 60% dân số có nguy cơ bị đói trong năm nay - con số cao nhất chưa từng có trong lịch sử xung đột Syria", Tổng Thư ký Guterres phát biểu. "Syria là cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất thế giới".

Syria lâm vào nội chiến năm 2011 sau khi làn sóng Mùa xuân Arab tràn qua nước này. Năm 2014, với sự trỗi dậy của khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria và Iraq, Chính phủ Syria mất gần như toàn bộ lãnh thổ vào tay các nhóm phiến quân và khủng bố Hồi giáo cực đoan.

Năm 2014, liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu khởi động chiến dịch chống IS trong lãnh thổ Syria, đồng thời ủng hộ nguồn lực cho dân quân người Kurd chiến đấu chống Chính phủ Syria.

Tháng 9/2015, Nga khởi động chiến dịch tấn công khủng bố tại Syria theo lời đề nghị của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và hậu thuẫn chính trị cho ông này. Ngoài Nga, Damascus cũng nhận trợ giúp từ Iran và các nhóm dân quân đồng minh như Hezbollah.

Đến năm 2017, IS và các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan đã cơ bản bị đẩy lùi khỏi Syria. Chính quyền của ông Assad giành lại quyền kiểm soát phần lãnh thổ rộng lớn ở bờ Đông sông Euphrates; dân quân thân Mỹ kiểm soát khu vực bờ Tây. Các nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan co cụm ở vùng Tây Bắc.

Song song với cuộc chiến chống khủng bố, Nga tích cực nhất thúc đẩy các giải pháp chính trị ở Syria. Tháng 1/2018, tại hội nghị hòa bình Syria do Nga tổ chức, các bên đã ký kết một thỏa thuận về việc thành lập một Ủy ban gồm 150 thành viên để soạn thảo hiến pháp mới của Syria.

Tuy nhiên, gần hai năm sau, cuối năm 2019, các bên mới thống nhất được thành phần của ủy ban hiến pháp. Ủy ban này đã nhóm họp một số lần, nhưng kết quả thu lại không đáng kể. Hàng triệu người Syria vẫn đang mòn mỏi chờ đợi một cuộc bầu cử tự do mới, vốn chỉ được tiến hành sau khi có hiến pháp mới.

Từ khóa » Cuộc Chiến Tranh ở Syria