Muôn Vàn Cách Biến Tấu Món ăn Ngon Từ Trái Bần - đặc Sản Miền Tây

Miền Tây sông nước từ lâu được biết đến là vùng đất có thiên nhiên trù phú và nhiều loại cây trái gắn liền với đời sống người dân nơi đây. Mùa nước nổi ở miền Tây không chỉ đem đến nguồn cá tôm dồi dào mà còn là mùa bội thu của các loại cây trái hoang dại. Du khách đến đây thường nhớ tới bông súng, lục bình nhưng quên mất rằng, trái bần cũng là một đặc sản quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này.

Trái bần có hình tròn dẹt, nhỏ nhắn như bánh cam, phần đuôi nhọn và cuống có nhiều cánh tỉa ra giống hệt như hình ngôi sao. Hương vị đặc trưng nhất của bần là chua chua, bùi bùi lạ miệng, từ lâu đã xuất hiện trên mâm cơm của người dân miền Tây qua những món ăn bình dị, không kém phần hấp dẫn.

Gỏi bông bần

Hoa bần vào mùa nở rộ (tháng 6 đến tháng 9 âm lịch) có màu tím hồng, nhị trắng rất đẹp. Người dân miền tây thường hái những búp hoa chưa hoặc vừa mới nở để trộn gỏi với thịt heo hoặc tôm tép…

Gỏi quả bần
Gỏi bông bần là món ăn rất ngây nghiện.

Cách làm gỏi hoa bần cũng đơn giản. Các bạn chỉ cần tách lấy phần cánh hoa, bỏ cùi và trái nhỏ bên trong rồi đem ngâm nước muối, để ráo.Tôm tép hoặc thịt heo thái nhỏ, luộc sơ rồi đem trộn chung với hoa bần, giấm chua, chanh, đường và các gia vị khác. Nêm nếm đến khi vừa ăn là được.

>>> Đọc thêm: Bỏ túi công thức nấu bún nước lèo miền Tây sông nước – nghe là thèm

Canh chua trái bần

Canh chua bần có vị chua rất thanh khác hẳn vị chua gắt của me. Cách chế cũng tương tự như với me, dầm nhuyễn bần chín vào nước ấm, rồi lọc bỏ hạt, trút vào nồi nước sôi, tiếp theo cho cá còn tươi ngon vào… Khi nước đã có vị chua thì bỏ thịt cá vào và nêm thêm gia vị cho vừa ăn, đợi đến lúc cá chính thì cho thêm rau hoặc có thể cho thêm khóm và cà chua vào cho bắt mắt hơn.

Canh chua bần
Vị chua từ món canh chua bần giúp giải nhiệt giữa cái nắng gắt.

Vị chua của bần kết hợp với vị ngọt của cá cùng sắc xanh của môn, ngò, sắc tím lẫn trắng của bông bần đã tạo nên món ăn đặc sản gợi nên tình quê đậm đà sâu nặng.

>>> Có thể bạn quan tâm: Món lạ bánh xèo bông điên điển chỉ có ở miền Tây

Lẩu bần

Lẩu bần không chỉ hấp dẫn bởi cái tên mà còn vì hương vị rất đặc trưng của món ăn này.

Lẩu bần
Vị chua của lẩu bần rất thanh dịu khiến người ăn như được gợi nhắc về “hương đồng gió nội”.

Nguyên liệu để nấu lẩu bần có thể là cá basa, cá diêu hồng hay cá ngát, thậm chí có thể dùng ba ba hay cua đinh để nấu. Phần nước lẩu có đủ vị chua, cay, mặn, ngọt nhưng đặc trưng nhất là hương vị trái bần khá đặc biệt.

Cá kho bần

Cá kho bần chìu lòng rất nhiều thực khách dù chỉ dùng thử một lần. Cá dùng để kho với bần rất nhiều loại, nhưng hợp khẩu vị với nhiều người nhất có lẽ là cá lóc, cá rô. Vị béo buồi của cá quyện vào các loại gia vị cùng vị chua lạ miệng của bần khiến hương vị món ăn càng thêm thơm ngon, ăn mãi không ngán và rất hao cơm.

Cá kho bần
Khi chế biến cá kho bần, người nấu thường đợi cá kho đến đậm thì mới dầm trái bần lấy nước cho vào nồi cá kho.

Thi thoảng, các bạn có thể nấu nhiều nước cá để ăn với bún cũng rất ngon.

>>> Đừng bỏ lỡ: Mè láo – Món bánh đặc sản miền Tây ngọt thơm hương vị quê hương

Trái bần chấm mắm

Bên cạnh việc dùng làm nguyên liệu để chế biến các món ăn kể trên, trái bần còn có thể ăn sống với các loại mắm miền Tây như: mắm sặc, mắm lóc, mắm tép… Vị chua thanh, chát chát của bần hòa quyện với hương vị đậm đà, mặn nồng của mắm, vị cay của ớt quả thật đem đến cho người ăn những trải nghiệm vị giác thật độc đáo, khó tìm thấy ở các loại trái ăn kèm khác.

Bần chấm mắm
Bần chấm mắm là một trong những món ăn dân dã đặc trưng của miền sông nước.

Nhờ những món ăn với những nguyên liệu vô cùng dân dã, ẩm thực miền Tây sông nước ngày càng trở nên phong phú và hấp dẫn hơn. Nếu có dịp đặt chân đến miền Tây, các bạn nhớ hãy thử qua các món ăn độc đáo, mới lạ, đặc biệt là món ăn chế biến từ trái bần có một không hai ở đây nhé!

Từ khóa » Các Món ăn Làm Từ Trái Bần