Về Miền Tây Tần Ngần ăn Trái Bần Chua - 2SAO

Bần là loại cây đặc thù ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, còn gọi là cây thủy liễu. Đây là loại cây sống trong môi trường bùn nước, có rễ phụ mọc nhô lên khỏi mặt bùn. Trái bần, hoa bần từ lâu đã đi vào đời sống ẩm thực của người dân miền Tây qua những món ăn bình dị nhưng cũng không kém phần hấp dẫn. 

Một vài món ăn được chế biến từ trái bần

- Món canh chua trái bần: Nếu như trái me có vị chua gắt, thì vị chua của trái bần lại rất thanh. Để chế biến món canh này, người dân lấy trái bần chín dầm với nước ấm, bỏ hạt, lọc lấy nước cốt bần. Cá sau khi được sơ chế, cho vào nước cốt bần nấu chín. Có thể cho thêm một số loại rau như: Rau nhút, bắp chuối bào sợi, cọng kèo nèo, cọng súng, rau muống và nêm gia vị vừa ăn.

Về miền Tây tần ngần ăn trái bần chua-1

- Món cá kho bần: Nguyên liệu thường là cá bông và cá lóc. Sau khi cá được kho chín, người dân cũng dầm trái bần lọc lấy nước cốt rồi đổ vào nồi cá kho. Vị béo và đậm đà của cá sau khi thêm vào vị chua của bần hòa quyện vào các loại gia vị, thì sẽ càng ngon, ăn mãi không ngán, và rất hao cơm.

Hoa và trái bần còn có nhiều cách chế biến khác

Người miền Tây thường tận dụng cả hoa và trái bần để chế biến thành những món ăn dân dã. Hoa bần vào mùa nở rộ rất đẹp, dùng để trộn gỏi với thịt heo hoặc các loại thủy sản. Hoa bần vừa búp hoặc vừa hé nở thì được hái về, tách ra, lấy phần cánh bỏ cùi và trái nhỏ bên trong, sau đó đem ngâm nước muối, để ráo. Tép bạc, cá sặc hoặc thịt heo thái nhỏ, luộc sơ rồi đem trộn chung với hoa bần. Thêm giấm chua, chanh, đường và các gia vị khác, nêm nếm sao cho phù hợp khẩu vị người ăn. Gỏi hoa bần có thể xem là món đặc sản ở Cù lao Dung, Sóc Trăng.

Về miền Tây tần ngần ăn trái bần chua-2

Riêng trái bần chua, dùng để ăn sống chấm kèm mắm cá sặc, mắm rô, mắm lóc, mắm tép... Vị chua, chát của bần quyện với vị mặn nồng của các loại mắm cá đồng tạo nên hương vị đặc trưng, khó tìm thấy được ở các loại trái ăn kèm khác.

Về miền Tây tần ngần ăn trái bần chua-3

Ngày nay, khi công nghệ chế biến hiện đại, ta dễ dàng bắt gặp những nước cốt bần và mứt bần đóng hộp dùng để nấu lẩu chua và chấm thịt luộc. Việc đóng hộp vừa hợp vệ sinh lại thuận tiện khi khách du lịch ghé qua mua về làm quà biếu người thân.

Ở một số nước Đông Nam Á còn dùng lá, búp non của cây bần làm rau ăn sống. Tại Philippines, nông dân ven biển dùng trái bần ổi chín ủ thành giấm để nấu ăn trong gia đình. Vì những công dụng đặc biệt trong ẩm thực nói riêng và các ngành sản xuất khác nói chung, bần đã trở thành loại trái đặc sản mang đậm dư vị vùng miền.

Ẩm thực Nam Bộ với trái bần càng trở nên đặc biệt. Các loại cây trái dân dã xứ này có thể dùng để chế biến những món ngon tuyệt vời rất riêng biệt không giống bất cứ nơi đâu. Nếu có thể bạn hãy thử đến miền Tây và thưởng thức những món ăn từ cây bần để được biết hương vị đặc trưng của loại cây này nhé.

Về miền Tây tần ngần ăn trái bần chua-4Ăn Đến Tiền Giang không thể bỏ qua những món ngon này

Theo VietNamNet 

Từ khóa » Các Món ăn Làm Từ Trái Bần