Mỹ điều Chỉnh Chiến Lược Quốc Phòng, An Ninh Tại Khu Vực Châu Á
Có thể bạn quan tâm
Việc thay đổi chính sách của một số cường quốc và vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương thời gian qua đã tác động không nhỏ đến an ninh và lợi ích cốt lõi của nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ. Vì thế, Mỹ đã có một số điều chỉnh chiến lược quốc phòng, an ninh, nhằm duy trì và bảo đảm vị thế lãnh đạo thế giới của mình.
Những thách thức đối với nước Mỹ
Thời gian qua, Mỹ phải đối mặt với một số khó khăn trong việc triển khai các chính sách do nước này đang phải căng trải nguồn lực trên phạm vi toàn cầu và tập trung đối phó với đại dịch Covid-19, khôi phục nền kinh tế. Cùng với đó là các thách thức tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương được các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia quân sự hàng đầu của Mỹ chỉ ra. Đáng chú ý một số vấn đề sau:
1. Mỹ xác định Trung Quốc là quốc gia duy nhất có đủ khả năng kết hợp sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ tạo ảnh hưởng lâu dài đối với sự ổn định quốc tế, điều này được Mỹ thể hiện trong Chỉ dẫn Chiến lược An ninh quốc gia tạm thời, công bố tháng 3/2021. Trong báo cáo thường niên về sức mạnh quân sự của Trung Quốc năm 2020, Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định: Hai thập kỷ qua, Trung Quốc không ngừng gia tăng sức mạnh quân sự và hiện đại hóa quân đội, trong đó số lượng tàu hải quân thậm chí vượt Mỹ (Trung Quốc có khoảng 350 tàu hải quân, trong đó có gần 70 chiếc tàu ngầm, so với Mỹ là 280 tàu hải quân, trong đó có 68 tàu ngầm). Trung Quốc cũng đang tiến hành đóng mới tàu ngầm tấn công hạt nhân với tên lửa dẫn đường mới, mở rộng kho tên lửa và dự kiến năm 2023 đưa tàu sân bay thứ hai vào sử dụng. Mặc dù trang thiết bị quân sự không theo kịp Mỹ về mức độ hiện đại, song các chuyên gia quân sự Mỹ cho rằng, những tiến bộ của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ siêu thanh, an ninh mạng, cùng với năng lực hải quân được xây dựng như hiện nay và việc mở rộng ảnh hưởng trong khu vực sẽ là một thách thức lớn đối với Mỹ trong thời gian tới.
2. Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Vladimir Putin, nước Nga đang tìm cách khôi phục vị thế, tăng cường can dự và gia tăng ảnh hưởng tại khu vực châu Á. Theo các chuyên gia quân sự, ngoài việc tham gia các cuộc tập trận quy mô lớn với Trung Quốc và Ấn Độ ở Thái Bình Dương, đưa lực lượng, phương tiện quân sự đến khu vực Viễn Đông (trong đó có hệ thống phòng không S-300V4), nước này đang có xu hướng xích lại gần hơn với Trung Quốc. Tuy mối quan hệ này khó trở thành đồng minh thân thiết, nhưng sự gắn kết giữa hai nước cũng tạo ra đối trọng đáng kể với Mỹ.
3. Sức nóng tại bán đảo Triều Tiên, eo biển Đài Loan và khu vực Biển Đông, Biển Hoa Đông tiếp tục tạo ra thách thức đối với Mỹ. Sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều (2020) không đạt kết quả như mong muốn, Triều Tiên liên tục tiến hành các vụ thử tên lửa, đặc biệt tháng 9/2021, nước này còn tuyên bố thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh, gây quan ngại cho nhiều quốc gia. Căng thẳng tại eo biển Đài Loan do các bên có sự điều chỉnh chính sách cũng đặt ra nhiều vấn đề đối với Mỹ. Trên Biển Đông, Biển Hoa Đông, việc tranh chấp chủ quyền biển, đảo vẫn diễn biến phức tạp, khó lường với sự can dự của các cường quốc, đe dọa an ninh, ổn định khu vực, tác động trực tiếp đến lợi ích của Mỹ.
4. Tác động mạnh mẽ của an ninh phi truyền thống thời gian qua, nhất là các vấn đề: biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế thế giới,… đặt ra yêu cầu Mỹ phải tiếp tục khẳng định vai trò dẫn dắt, giải quyết các thách thức này với tư cách là một siêu cường thế giới.
5. Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, một số quốc gia đang nghi ngờ ý đồ chính trị của Mỹ nên còn lưỡng lự trong đẩy mạnh hợp tác quốc phòng, an ninh. Ngay trong “Bộ tứ” (Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia), các thành viên vẫn chưa thống nhất được phương châm, phương hướng quan hệ với các nước lớn do còn nhiều quan điểm và lợi ích khác nhau.
Mặc dù phải đối mặt với các thách thức tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhưng Chính quyền Tổng thống Joe Biden lại nhận được sự ủng hộ của nội bộ nước Mỹ cùng sự chia sẻ của một số đồng minh và đối tác khi xác định chủ trương chiến lược quốc phòng, an ninh.
Một số điều chỉnh chiến lược
Mục tiêu của Washington tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương là tiếp tục duy trì vai trò lãnh đạo trong nhiều năm tới, nhằm bảo đảm Thế kỷ XXI vẫn là “thế kỷ của Mỹ”. Theo đó, thời gian qua, Mỹ có một số điều chỉnh chiến lược quốc phòng, an ninh đối với khu vực này theo hướng: nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội; củng cố quan hệ với các đồng minh và đối tác; tập trung đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống.
Để nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Chính quyền Tổng thống Joe Biden đề xuất ngân sách quốc phòng năm 2022 cao kỷ lục khoảng 768 tỉ USD, trong đó bổ sung 700 triệu USD cho Sáng kiến “Răn đe Thái Bình Dương”; 75 triệu USD để nâng cấp hệ thống vũ khí tấn công của lực lượng Hải quân; 200 triệu USD đầu tư vào công nghệ siêu thanh cho lực lượng Không quân. Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương cũng đề xuất tăng thêm ngân sách giai đoạn 2021 - 2026 là 20 tỉ USD. Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng khẳng định, nguồn lực dành cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương thời gian tới sẽ được củng cố, nhất là sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan. Ngoài ra, Mỹ ưu tiên trang bị công nghệ hiện đại cho quân đội, tập trung vào các lĩnh vực: công nghệ siêu thanh, tàu ngầm, máy bay ném bom, tàng hình, tuần tra và phương tiện không người lái, v.v. Với việc tập trung ưu tiên cho lĩnh vực công nghệ, Mỹ hy vọng sẽ duy trì ưu thế quân sự vượt trội trên biển so với các đối thủ.
Cùng với đó, Mỹ ưu tiên thắt chặt quan hệ với đồng minh, đối tác tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hệ thống đồng minh “trục và nan hoa” đã và đang mang lại cho Mỹ lợi thế “bất cân xứng” so với các đối thủ. Việc củng cố và mở rộng hệ thống đồng minh, đối tác trong khu vực của chính quyền Tổng thống Joe Biden diễn ra theo hướng: (1) Khuyến khích, thúc đẩy các đồng minh trong và ngoài khu vực tham gia sâu hơn vào việc duy trì an ninh, trật tự khu vực dựa trên luật pháp quốc tế; (2) Nâng cao năng lực quốc phòng cho các đồng minh và đối tác ở Đông Nam Á, nhất là năng lực hàng hải. Theo đó, Washington đề cao vai trò của “Bộ tứ” và liên minh ba bên: Mỹ - Anh - Australia (AUKUS). Nếu như dưới thời Tổng thống Donald Trump, “Bộ tứ” chỉ tồn tại như một diễn đàn đối thoại để các nước bày tỏ sự quan ngại, thì dưới thời Tổng thống Joe Biden, “Bộ tứ” đã đạt được sự đồng thuận cao hơn về quy mô và tần suất các hội nghị (năm 2021 đến thời điểm này đã tiến hành 02 hội nghị thượng đỉnh). Các nước thành viên cũng gia tăng hoạt động hợp tác quân sự song phương và ba bên, tham gia các cuộc tập trận chung Sea Dragon, Malabar. Bên cạnh “Bộ tứ”, liên minh ba bên AUKUS mới thành lập cũng là bước hiện thực hóa mục tiêu kết nối các đồng minh châu Âu với châu Á nhằm tăng cường sự hiện diện của Mỹ và phương Tây, đồng thời nâng cao năng lực, khả năng phối hợp giải quyết các vấn đề tại khu vực. Ngoài ra, Mỹ còn quyết định chuyển giao công nghệ tàu ngầm hạt nhân cho Australia và không loại trừ thời gian tới có thể chuyển giao công nghệ này cho các đồng minh khác, như: Nhật Bản, Ấn Độ.
Với khu vực Đông Nam Á, Mỹ đặc biệt coi trọng vai trò của các đồng minh truyền thống và các đối tác trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), điều đó được thể hiện qua các chuyến thăm một số nước Đông Nam Á của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Phó Tổng thống Kamala Harris hồi tháng 7 và tháng 8 vừa qua. Mỹ cũng đã đạt bước tiến lớn khi cùng đồng minh Philippines khôi phục Thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng (VFA). Đây là cơ sở pháp lý để quân đội Mỹ duy trì hiện diện quân sự tại Philippines và tiến hành các hoạt động quân sự chung, như: tập trận chung thường niên, tổ chức huấn luyện quân sự, triển khai hoạt động hỗ trợ nhân đạo, v.v. Chính quyền Tổng thống Joe Biden còn chú trọng nâng cao sức mạnh quân sự cho một số quốc gia khu vực thông qua các hoạt động trao đổi, huấn luyện quân sự, tập trận. Đặc biệt, thông qua chương trình “Mua bán vũ khí quân sự nước ngoài” (FMS), Mỹ đã giúp các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp cận hệ thống khí tài quân sự hiện đại, như: máy bay tiêm kích, cường kích, ném bom, trực thăng, tên lửa, tàu tuần duyên, v.v.
Đối với các thách thức an ninh phi truyền thống, Mỹ tiến hành nhiều biện pháp, như: đưa vấn đề biến đổi khí hậu là trung tâm trong chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia hay tập trung mọi nguồn lực để đối phó với đại dịch toàn cầu, v.v. Trong đối phó với đại dịch Covid-19, Mỹ mở 04 văn phòng đại diện, trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) tại các khu vực trên thế giới, trong đó có 01 văn phòng tại Hà Nội. Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng tích cực hỗ trợ vaccine, trang thiết bị y tế cho các nước thông qua cơ chế COVAX và “Bộ tứ”. Riêng “Bộ tứ” đã cam kết phân phối 1,2 tỉ liều vaccine cho toàn cầu, trong đó Đông Nam Á là khu vực được ưu tiên hàng đầu. Với nỗ lực này, Mỹ hy vọng sẽ giúp các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương sớm kiểm soát được dịch Covid-19, cũng như sớm phát hiện và đối phó với các dịch bệnh trong tương lai, qua đó bảo vệ nước Mỹ.
Những điều chỉnh chiến lược quốc phòng, an ninh, đối ngoại của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương vẫn cần nhiều thời gian để đánh giá, nhưng chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đối với khu vực. Về mặt tích cực, thế cân bằng chiến lược ít có khả năng bị phá vỡ; xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác tiếp tục được duy trì; luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 sẽ được các nước tôn trọng và áp dụng trong xử lý các quan hệ; các nước trong khu vực cũng có thể tranh thủ nhiều hơn nguồn lực từ bên ngoài để phục vụ mục tiêu phát triển và đảm bảo an ninh. Tuy nhiên, sự điều chỉnh này cũng có thể sẽ làm nảy sinh một cuộc chạy đua vũ trang mới; cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc sẽ gia tăng; những bất ổn tại một số điểm nóng có thể vượt khỏi tầm kiểm soát, đe dọa hòa bình, ổn định khu vực. Ngoài ra, sự nổi lên của các tập hợp đa phương như: “Bộ tứ”, liên minh ba bên (AUKUS) cũng buộc ASEAN phải điều chỉnh để tiếp tục là cơ chế đa phương đóng vai trò trung tâm tại khu vực.
MỸ CHÂU - QUỐC CHUNG
Từ khóa » Chiến Lược An Ninh Quốc Gia Mỹ 2021
-
Trọng Tâm Chiến Lược An Ninh Quốc Gia Của Chính Quyền Joe Biden
-
Mỹ Viết Lại Chiến Lược An Ninh Quốc Gia Vì Cuộc Chiến Ukraine?
-
Mỹ Sắp Công Bố Chiến Lược An Ninh Quốc Gia đối Phó Trung Quốc
-
''Chiến Lược An Ninh Quốc Gia'' Mỹ: Ưu Tiên Củng Cố Dân Chủ Và Siết ...
-
Thấy Gì Từ Hướng Dẫn Tạm Thời Về Chiến Lược An Ninh Quốc Gia Của ...
-
Mỹ Công Bố Chỉ Dẫn Chiến Lược An Ninh Quốc Gia Tạm Thời | VOV.VN
-
Chiến Lược An Ninh Quốc Gia Năm 2021 Của Nga: Thích ứng Với Một ...
-
Mỹ Công Bố Hướng Dẫn Chiến Lược An Ninh Quốc Gia
-
Những Bước Chuyển Mới Trong Chiến Lược Của Mỹ
-
Những ưu Tiên Trong Chính Sách An Ninh Của Tổng Thống Mỹ Joe Biden
-
An Ninh Của Trung Quốc Tại Khu Vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
-
Biển Đông Trong Chiến Lược An Ninh Quốc Gia Của Mỹ
-
Hướng Dẫn Chiến Lược An Ninh Quốc Gia Tạm Thời - Công An Nhân Dân
-
Phản ứng Của Việt Nam Trước Bản Hướng Dẫn Chiến Lược An Ninh ...