Trọng Tâm Chiến Lược An Ninh Quốc Gia Của Chính Quyền Joe Biden

Ngày 3/3, Nhà Trắng đã công bố Hướng dẫn tạm thời cho chiến lược An ninh quốc gia của chính quyền Biden. Cùng ngày, Ngoại trưởng Antony Blinken cũng có bài phát biểu quan trọng về chính sách đối ngoại của chính quyền mới. Thông điệp xuyên suốt của cả 2 tuyên bố chính sách này là đối ngoại phải bám sát và phục vụ tốt hơn yêu cầu đối nội; đề cao sức mạnh của các nền dân chủ và vai trò của ngoại giao; nhấn mạnh phương châm phối hợp chặt chẽ cùng đồng minh và đối tác, đồng thời khẳng định nước Mỹ trước hết phải tự khôi phục sức mạnh nội tại của mình.

Bản Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời thể hiện quan điểm đối ngoại rõ nét của Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Nguồn: AP)

Về cấu trúc, Bản Hướng dẫn tạm thời cho chiến lược An ninh Quốc gia, ngoài các phần mở đầu và kết luận, bao gồm 2 phần chính: (i) Đánh giá bối cảnh an ninh toàn cầu; (ii) Xác định các ưu tiên an ninh quốc gia của Mỹ.

Về bối cảnh an ninh toàn cầu, Hướng dẫn tạm thời cho chiến lược An ninh Quốc gia nêu một số điểm: Một là, nhiều thách thức, đe dọa an ninh mang tính xuyên biên giới và đòi hỏi hành động tập thể. Hai là, các nền dân chủ trên thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức. Ba là, tương quan lực lượng trên thế giới đã thay đổi, tạo ra nhiều đe dọa. Về các nước lớn, Trung Quốc là đối thủ duy nhất có khả năng kết hợp sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để tạo thách thức nghiêm trọng, lâu dài với hệ thống quốc tế ổn định và mở. Nga vẫn muốn tăng cường ảnh hưởng toàn cầu. Cả Trung Quốc và Nga đều đang nỗ lực ngăn chặn ảnh hưởng của Mỹ. Bốn là, các liên minh, thể chế, luật lệ, chuẩn mực làm rường cột cho hệ thống quốc tế hiện đang bị thử thách. Sáu là, cuộc cách mạng công nghệ đang tạo ra cả những thách thức và cơ hội.

Trước cục diện mới, Mỹ thừa nhận không thể quay trở lại cách làm cũ hay đơn giản là khôi phục trật tự cũ, mà phải tìm hướng đi mới. Mục tiêu an ninh quốc gia của Mỹ là: (i) Bảo vệ an toàn của người dân Mỹ; (ii) Củng cố thịnh vượng kinh tế; (iii) Bảo vệ các giá trị dân chủ vốn là lẽ sống của Mỹ.

Từ đó, Mỹ xác định các định hướng lớn: (i) Củng cố sức mạnh nội tại; (ii) Thúc đẩy phân bổ quyền lực toàn cầu một cách có lợi nhằm ngăn chặn các đối thủ đe dọa Mỹ và các đồng minh, chặn quyền tiếp cận các không gian chung hay khống chế các khu vực trọng điểm; (iii) Duy trì hệ thống quốc tế mở và ổn định.

Về biện pháp: (i) Củng cố và đổi mới quan hệ với các đồng minh, đối tác, trong đó nhấn mạnh hiện diện của Mỹ sẽ tập trung nhiều vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Châu Âu và Singapore và Việt Nam là hai nước ASEAN duy nhất được nêu đích là các đối tác thân cận tại khu vực cùng Ấn Độ và New Zealand. Tài liệu viết: "Chúng tôi sẽ làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác với Ấn Độ và làm việc cùng với New Zealand, cũng như Singapore, Việt Nam và các quốc gia thành viên ASEAN khác, để thúc đẩy các mục tiêu chung" và "sẽ hỗ trợ các nước láng giềng của Trung Quốc và các đối tác thương mại trong việc bảo vệ quyền của họ để đưa ra các lựa chọn chính trị độc lập, thoát khỏi ép buộc hoặc ảnh hưởng quá mức của nước ngoài". Bình luận về những định hướng trên, với việc Việt Nam nổi lên như một nhân tố mới, các nhà quan sát bày tỏ lạc quan về việc nâng tầm hợp tác quốc phòng Mỹ - Việt dưới chính quyền của Tổng thống Biden. (ii) Khôi phục lại vị trí lãnh đạo của Mỹ tại các thể chế quốc tế, hợp tác cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu và các thách thức chung, trong đó có đại dịch Covid-19; (iii) Củng cố sức mạnh quân sự nhưng sẽ sử dụng vũ lực một cách có trách nhiệm, đồng thời đề cao vai trò tiên phong (first use) của ngoại giao (nêu rõ sử dụng vũ lực chỉ là biện pháp cuối cùng và Mỹ sẽ không tham gia vào các cuộc chiến bất tận); (iv) Khẳng định chính sách kinh tế, thương mại quốc tế của Mỹ sẽ phục vụ toàn bộ người dân Mỹ chứ không chỉ thiểu số đặc quyền; (v) Đề cao nhiệm vụ khôi phục sức mạnh nội tại, nhất là thông qua chống Covid-19 và phục hồi kinh tế; (vi) Nhấn mạnh ưu tiên khôi phục lại sức mạnh nền dân chủ Mỹ và hợp tác cùng các đồng minh, đối tác để vãn hồi dân chủ trên toàn cầu.

Về chính sách với Trung Quốc, định hướng chiến lược An ninh Quốc gia nhấn mạnh một số điểm: (i) Khẳng định bằng cách củng cố sức mạnh nội tại, nhất là sức mạnh của nền dân chủ, Mỹ sẽ chiến thắng trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc; (ii) Bảo đảm rằng Mỹ chứ không phải Trung Quốc mới là nước ấn định nghị sự toàn cầu; (iii) Răn đe sự hung hăng của Trung Quốc; bảo vệ các không gian chung, trong đó có việc thực thi quyền tự do hàng hải và hàng không theo luật pháp quốc tế; (iv) Cam kết ủng hộ Đài Loan; (v) Nhấn mạnh Mỹ sẽ không hy sinh các giá trị trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc và sẽ tiếp tục bảo vệ dân chủ, nhân quyền trong các vấn đề Hồng Công, Tân Cương và Tây Tạng.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Blinken cho biết Trung Quốc là "thách thức địa chính trị lớn nhất mà Mỹ đối mặt trong thế kỷ 21"; quan hệ của Mỹ với Trung Quốc sẽ là cạnh tranh khi cần thiết, hợp tác khi có thể và trở thành đối thủ khi bắt buộc. Không chỉ xem Trung Quốc là thách thức địa chính trị lớn nhất mà Mỹ đối mặt, Ngoại trưởng Blinken cho rằng: "Trung Quốc hiện là quốc gia duy nhất có đủ sức mạnh về kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ, hình thành thách thức nghiêm trọng với hệ thống quốc tế ổn định và mở cửa, trong khi hệ thống này phục vụ lợi ích của Mỹ và ‘giá trị' của người dân Mỹ". Mỹ cần hợp tác với các đồng minh để đối phó với thách thức này; khẳng định sẽ cứng rắn với Bắc Kinh về vấn đề Tân Cương và Hồng Công.

Về phương châm đối ngoại: cả Hướng dẫn tạm thời cho Chiến lược An ninh Quốc gia và phát biểu của Ngoại trưởng Blinken đều đề cao yếu tố hợp tác, can dự để xử lý các thách thức toàn cầu mà không nước nào tự mình giải quyết được; nhấn mạnh vai trò tiên phong của ngoại giao song cũng khẳng định ngoại giao cần được hỗ trợ bằng sức mạnh quân sự. Ngoại trưởng Blinken xác định 8 ưu tiên đối ngoại: (i) Ngăn chặn Covid-19 và bảo đảm an toàn y tế toàn cầu; (ii) Xử lý khủng hoảng kinh tế và xây dựng một nền kinh tế toàn cầu ổn định, bao trùm hơn; (iii) Khôi phục dân chủ đang bị đe dọa, song cũng nêu rõ Mỹ sẽ không thúc đẩy dân chủ bằng việc can thiệp quân sự tốn kém hay tìm cách lật đổ các chế độ độc đoán bằng vũ lực; (iv) Xây dựng hệ thống nhập cư hiệu quả và nhân văn hơn; (v) Khôi phục quan hệ với các đồng minh, đối tác; (vi) Xử lý cuộc khủng hoảng khí hậu và thúc đẩy cách mạng năng lượng xanh; (vii) Bảo đảm Mỹ sẽ dẫn đầu về công nghệ; (viii) Xử lý thử thách địa - chính trị lớn nhất của thế kỷ 21 là quan hệ với Trung Quốc.

Phản ứng trước động thái trên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 4/3 cho biết, trong thời đại toàn cầu hóa, việc dùng ý thức hệ để kéo bè kéo cánh, lập "phe nhóm riêng" để đối phó với một quốc gia riêng biệt là không được lòng người và không có lối thoát; Trung Quốc sẽ kiện định bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của mình; hy vọng Mỹ sẽ nhìn nhận quan hệ Trung - Mỹ một cách khách quan và lý tính, thuận theo xu thế thời đại, từ bỏ "tư duy trò chơi có tổng bằng không" lỗi thời, tập trung vào hợp tác và kiểm soát bất đồng, đưa quan hệ hai nước trở lại con đường đúng đắn.

Nhận định về chiến lược an ninh mới của Mỹ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng Washington coi tất cả những ai cạnh tranh với mình, trong mọi lĩnh vực đều là mối đe dọa và kiềm chế Nga là một trong những mục tiêu của Washington, đồng thời nhấn mạnh Mỹ không để Moscow cạnh tranh bình đẳng. Theo lý giải của bà Zakharova, bên cạnh yếu tố thể hiện sự liên minh, đoàn kết, còn có yếu tố thua thiệt về cạnh tranh, hoặc yếu tố mà Mỹ không thể dẫn đầu theo những nguyên tắc được chấp nhận chung./.

Sở Ngoại vụ tổng hợp tin các báo

Từ khóa » Chiến Lược An Ninh Quốc Gia Mỹ 2021