Mỹ Nhân Xứ Huế - Kỳ Cuối: Con Phố Ngắn Nối Dài Những Người đẹp

Mỹ nhân xứ Huế - Kỳ cuối: Con phố ngắn nối dài những người đẹp - Ảnh 1.

Người đẹp Nguyễn Võ Hoàng Anh - Ảnh: DOÃN QUANG

Quán cà phê Ta số 44 Phạm Ngũ Lão có căn gác gỗ nhỏ xinh, dây leo xung quanh tạo cảm giác như phố núi Đà Lạt ngay ở phố Tây của Huế. Cô chủ Nguyễn Võ Hoàng Anh tươi cười tiếp đón, cô nói thời gian quá bận rộn bởi lịch dạy online ở Trường cao đẳng Y tế Huế gần như kín đặc.

Biểu trưng cho nét đẹp Huế

Nét đẹp, nét xinh tươi trong một nụ cười tự nhiên, hồn nhiên, phần nào kín đáo mang lại cảm giác yên bình cho người đối diện.

"Cô bé" trước mắt tôi rất tươi và rất xinh, giọng nói dịu dàng, tiếng cười trong trẻo, hồn nhiên, hình ảnh so ra không chênh lệch tuổi tác là mấy so với hình ảnh biểu trưng Festival Huế 15 năm trước khi cô mới 26 tuổi.

"Hoàng Anh có cách gì để giữ trẻ hoài như vậy?". "Mình cũng không biết nữa (cười). Nhiều người nói đúng là trẻ hơn so với tuổi. Đợt vừa rồi mình mới chụp lại áo dài, mà mọi người cứ nói y chang ngày xưa, ít thay đổi" - cô cười tươi và đưa ra mấy bức hình chụp cách mấy tháng trước.

Đúng là tuổi tác người phụ nữ ngoài 40 tuổi đã... biến đi đâu.

Hoàng Anh quá quen thuộc với mọi người dân Huế, thậm chí trông qua cô, ai cũng có thể nghĩ đã từng bắt gặp nhiều lần ở đâu đó. Đúng thôi, bởi cô hai lần làm hình ảnh biểu trưng cho lễ hội Festival Huế 2006 và 2008. Những poster mà cô trong trang phục áo dài "ngự trị" trên đó được treo khắp nơi, trong các công sở, phố phường.

"Mọi người hay nhắc tới việc mình lên poster festival, có cái chi đó hơi tự hào. Thực ra mình lên poster đó cũng bình dị thôi, rất là tự nhiên chứ không biết trước hoặc có kế hoạch chi trước cả".

Cô kể vào đầu năm 2006 đi chụp ảnh cưới cùng chồng là họa sĩ, nhà thiết kế thời trang Phan Quang Tân: "Dịp đó chuẩn bị vào festival, nhà thiết kế Minh Hạnh gợi ý mặc áo dài của cô để chụp ảnh xem thử có phù hợp với sự kiện sắp tới hay không.

Khi chụp xong, cô Minh Hạnh thấy phù hợp nên chọn. Cũng vui và may, khi lên poster thì mọi người có vẻ cũng thích, nhận xét có nét gì đó phù hợp lễ hội của Huế chứ không theo kiểu "chọn mặt gửi vàng" từ trước".

Biết bao thế hệ người đẹp

"Người đẹp poster" ở gần cuối đường Phạm Ngũ Lão, ngay giữa phố Tây sầm uất bậc nhất của Huế.

Con đường chỉ dài 222m, đầu thế kỷ 20 chưa đến 30 ngôi nhà, ngày nay con số cũng chỉ hơn gấp rưỡi. Vậy mà nó lại mang sứ mệnh "con đường giai nhân" của xứ Huế, "chẳng khác nào người đẹp từng lớp thời gian nối gót hồng về quy tụ nơi xóm nhỏ"...

Người đẹp Hoàng Anh là cháu gọi diễn viên Diễm My là cô.

Diễm My - người đẹp trong hàng loạt bộ phim như: Dòng sông hoa trắng, Về trong sương mù, Sắc đẹp và danh vọng, Đôi mắt của trái tim, Cô Ba Sài Gòn, Khi cánh hạc bay về... là con gái của bà Trà Mi. Mà Trà Mi là một trong "tứ đại mỹ nhân": Trà Mi, Kiều Mi, Nga Mi, Diệm Mi nổi tiếng không chỉ của "tuyến phố giai nhân" Phạm Ngũ Lão, mà còn của cả cố đô Huế một thời.

Mỹ nhân xứ Huế - Kỳ cuối: Con phố ngắn nối dài những người đẹp - Ảnh 2.

Hoàng Anh trên poster Festival Huế 2006

Bửu Ý, người ngắm nhan sắc đương thời, kể về họ vào thập niên 1950 - 1960: "Bốn chị em đều rất đẹp, nhưng mỗi người một vẻ. Trà Mi có cặp mắt đen thăm thẳm, nét mặt thường tự nhiên và ít cười, dáng đi đài các.

Kiều Mi hiền lành, thoắt biến thoắt hiện, như không muốn ai chú ý đến mình. Nga Mi có một sắc đẹp khác với chị em mình và cũng ít khi bắt gặp ở thiếu nữ Huế thời ấy: đẹp khỏe mạnh và tràn đầy sức sống.

Diệm Mi như thể được thừa hưởng các nét đẹp thu góp lại của mấy chị: trong bóng, hồng mọng, tưởng chừng như dễ vỡ, tưởng chừng như cặp mắt nam nhi nào nhìn vào cũng là phường phàm phu tục tử".

Trước thời "tứ Mi" tuyệt vời nhan sắc, khoảng thập niên 1940 con đường đã nổi tiếng với một giai nhân mắt xanh ở nhà số 9, đó là cô Hélène, con gái của một người Pháp.

Khi nàng Hélène rời đi, cũng chính ngôi nhà ấy "dậy thì một thiếu nữ có đôi mắt bồ câu cùng đôi môi hình trái tim thường ẩn hiện dưới chiếc nón bài thơ buộc chiếc dải màu đỏ thắm: đó là Cao Thị Phố Châu, nữ sinh Đồng Khánh suốt năm tuyền một màu áo trắng".

Đối diện số 9 là nhà số 10 "nườm nượp bóng hồng vào ra, nhưng nổi trội hơn cả là Hà Thị Như Nguyện với gương mặt sáng láng nhưng vẫn nhu mì và hình thể tuyệt mỹ".

Rồi người đẹp, nữ sinh viên Kim Thành ghé đây trọ học, hòa vào hàng lớp giai nhân của tuyến đường này. Kim Thành cũng là một diễn viên "độc vũ sexy" đặc biệt của Huế. Trong khi ở căn nhà số 1 đầu đường có nàng Minh Nguyệt.

Theo lời Bửu Ý: "Đến ngày nay, lâu lâu tôi gặp lại người đẹp năm xưa này, trong thoáng chốc, ở đâu đó tôi vẫn nhận ra được ngay vì gương mặt còn đẹp lắm, nhưng mái tóc thì như của một bà tiên trong truyện cổ tích. Một tiếng thở dài tưởng chừng vắt vẻo đâu đây".

Chưa hết, ở nhà số 4 từng có dãy dọc dãy ngang nhiều người ở trọ, thật xao động trái tim với người đẹp Lưu Thị Kim Đính mà mẹ từng là hoa khôi của Trường Đồng Khánh. Cũng ở địa chỉ này còn có một nhan sắc đặc biệt khác, đó là cô Ngọc Hà, một thiếu nữ đẹp như người mẫu...

Nối gót tài danh

Ban đầu con đường này có tên là Giao Thủy, đến năm 1956 được mở rộng và đặt tên là Phạm Ngũ Lão, song dân Huế vẫn cứ gọi là đường Hàng Me, theo 13 cây me cổ thụ phủ bóng thơ mộng trên đường. Trong trí nhớ của nhiều người, tuyến đường thường xuyên dập dìu tài tử giai nhân.

"Ban đêm, đặc biệt đêm trăng, chẳng rõ từ đâu túa về đây từng đoàn nam thanh nữ tú lóc cóc lanh canh guốc mộc trên con đường "đất thêu trăng" này. Đi bộ là phần lớn, và nhiều guốc, thuở ấy rất ít dép, chỉ có dép nhẹ đi trong nhà và loại sandale nửa giày nửa dép.

Thuở 1950, 1960 ấy, con trai Huế hiền lành, ngơ ngác, chỉ biết giắt sẵn bên mình thú vui "bát phố", dạo phố không mục đích rõ rệt và đi "nghễ", ngóng nhìn con gái đẹp" - nhà văn Bửu Ý nhớ lại.

Đầu thế kỷ trước, chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng và nhà khoa học Phạm Đình Ái từng ở trên con đường này. Từ đầu thập niên 1950 trở về sau, con đường ngắn quy tụ toàn những văn nhân, nghệ sĩ. Trong đó, nhà số 4 (nay số 10) có Đặng Tiến, một cây bút phê bình sắc sảo đang ở Pháp.

Nhà này sau thành nơi ở của Linh Giang, tay trống ở Đài Phát thanh Huế, rồi đến họa sĩ, thi sĩ Hoàng Hương Trang. Nhà số 6 (nay là 12) có Trần Hoàng (nhà văn Nhất Hoan). Nhà số 7 (nay là 9) của nhà văn Bửu Ý. Nhà số 9 (nay là 13) có nhạc sĩ Khuê...

"Bao nhiêu người đẹp nay không còn lấy một ai. Hay dẫu như còn ai chăng nữa, tất nhiên người ấy không còn là người đẹp nữa rồi. Bao nhiêu nước đã chảy qua cầu. Thời gian ảnh hưởng lên tất cả, không chừa một ai, kể cả người đẹp.

Nhưng kìa! Tôi suýt quên một người đẹp hiện giờ đang ở ngôi nhà số 42, một người đã được chọn làm biểu trưng cho nét đẹp Huế của Festival Huế 2006 vừa qua, như là đại diện và truyền nhân của phái đẹp Huế qua các thời kỳ: đó là Nguyễn Võ Hoàng Anh, đẹp nhẹ nhàng và lặng lẽ, đẹp cho đời và cho người" - nhà văn Bửu Ý viết về "con đường giai nhân xứ Huế" Phạm Ngũ Lão.

Mỹ nhân xứ Huế - Kỳ 7: Khu vườn tuyệt diệu của người đẹp Huế Mỹ nhân xứ Huế - Kỳ 7: Khu vườn tuyệt diệu của người đẹp Huế

TTO - Hun đúc từ tình yêu nghệ thuật Lê Bá Đảng (1921-2015), người đẹp Lê Cẩm Tế đã tạo ra một khu vườn - không gian tuyệt đẹp, sang trọng và tinh tế tương xứng với tinh thần nghệ thuật của người họa sĩ nổi tiếng.

Từ khóa » Gót Xinh Huế