Người Mẹ Ra Trận

"Ngày hôm nay (26-3 âm lịch), tròn 1 năm mẹ rời xa cõi tạm. Biết bao lo toan, vất vả trong cuộc sống, biết bao khó khăn, gian khổ trên suốt những chặng đường hành quân trải dọc Trường Sơn đến tận chiến trường Tây Nguyên trong những năm tháng bom đạn ác liệt nhất vẫn không quật ngã được mẹ, vậy mà...! Suốt cả cuộc đời vì chồng, con, vì gia đình. Luôn sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ mọi người vô điều kiện, với năng lượng tình thương và tấm lòng nhân hậu vô bờ bến. Những ngày cuối cùng, khi nằm trên giường bệnh, dù đây là lần đại phẫu thứ 2 (lần trước do di chứng chất độc da cam ở chiến trường B3) mẹ vẫn tìm cách động viên, giúp đỡ những bệnh nhân nằm cùng phòng. Dù thể trạng rất yếu, mẹ không hề phàn nàn mà vẫn luôn cố gắng để không phiền hà đến ai, kể cả con, cháu... Có lẽ, đức tính hy sinh, lòng nhân ái đã là một phần của con người mẹ như máu thịt vậy. Mẹ tôi, Nguyễn Nguyệt Ánh-Thiếu tá, diễn viên Đoàn Ca múa Quân đội, Tổng cục Chính trị (4-8-1939 / 7-5-2021)" (nhạc sĩ Doãn Nguyên). Câu chuyện dưới đây, trên tư cách là một nhà văn viết về người lính và chiến tranh, tôi xin tiếp lời người con-nhạc sĩ Doãn Nguyên-để kể về đôi vợ chồng nghệ sĩ Doãn Nho-Nguyệt Ánh trong những năm tháng chiến tranh để tưởng nhớ về bà. Mùa khô năm 1967, Mặt trận Tây Nguyên gian khổ và ác liệt chưa từng thấy. Những vị tướng dạn dày trận mạc, những đoàn quân chủ lực được đưa vào tăng cường. Một cánh quân nghệ thuật của Đoàn Ca múa quân đội cũng lên đường. Trong đoàn quân ấy, có một đôi, chồng là nhạc sĩ sáng tác, vợ là ca sĩ xuất sắc. Họ có một con gái nhỏ. Trước ngày đi, anh chị bế con sang gửi cô em ruột của chị, cũng là một ca sĩ trong đoàn-có chồng là nhạc sĩ đợt này cũng ra trận, đi theo cánh quân Trị Thiên Huế-với lời dặn: “Cũng phải một năm là ít”... “Nếu chị có làm sao, thì sau này em làm mẹ thay chị nhé”. Sáng sớm hôm sau, trời đất còn tinh mơ, ngay cả những người trong đoàn vào mặt trận hôm ấy cũng không ai được biết có một cánh quân nghệ thuật lên đường vào tận chiến trường Tây Nguyên. Tiễn đưa duy nhất có người đoàn trưởng, cứ hút thuốc lặng lẽ nhìn theo anh em, cho đến lúc xe khuất vào cuối con đường... Bắt đầu những ngày hành quân bộ. Những suối sâu, đèo cao, rồi ngút ngàn đỉnh núi đã sừng sững ngay trước mặt. Ngước lên nhìn, lòng ai cũng thoáng ngại ngần. “Ta vượt trên trên triền núi cao Trường Sơn, đá mòn mà đôi gót không mòn”. Hát mãi nhạc ông Hối, ông Thục rồi (Vũ Trọng Hối và Đăng Thục) mà còn ngại ngần gì nữa, không lẽ chỉ là hát suông? Thế là lại cắn chặt răng, vai còng xuống vác ba lô gắng từng bước leo lên đỉnh núi. Người chồng quay lại nhìn vợ mà như ứa nước mắt, giơ tay cho chị nắm vào để kéo chị lên từng bước, gắng nở nụ cười méo xệch: “Sắp lên tới đỉnh rồi. Gắng thêm chút nữa thôi. Trạm giao liên ở sườn núi bên kia kìa...”.

leftcenterrightdel

Ca sĩ Nguyệt Ánh thời trẻ. 

Nhưng khi tối đến, võng đã mắc lên những thân cây ở trạm giao liên, đã không ít người mệt quá mà nằm thở như kéo bễ, nhạc sĩ lại bỗng nghe có tiếng khóc. Hình như tiếng khóc của vợ mình. Bấm đèn pin lần tới võng chị nằm, thì đúng là chị đang khóc thật. “Em nhớ con quá!”, chị thốt lên. Anh không biết dỗ dành thế nào cho chị nguôi ngoai, bởi chính anh cũng đang rất nhớ con. Anh chỉ biết ngồi bên, cầm lấy bàn tay chị. Bấy giờ anh mới chợt hiểu rằng, không phải núi cao vực sâu, mà với chị, với người mẹ ra trận, đáng sợ nhất lại là nỗi nhớ con thăm thẳm mà mình phải vượt qua... Rồi những cơn mưa xối xả, những trận bom B52, chất độc hóa học quân thù thả xuống trắng xóa đường đi. Những bữa ăn giữa rừng sâu mà lại thèm đến thế một ngọn rau luộc, một bữa măng xào. Bởi rừng đã trơ trụi rồi, chỉ có nắm cơm vắt ăn với muối vừng, chỉ có những thỏi lương khô 701, 702 càng ăn càng cồn cào khát nước. Và những trận sốt rừng, sốt rét, sốt, sốt li bì. Những lần như thế, anh thường bón cháo cho chị ăn, dỗ dành chị như ngày ở nhà dỗ dành đút cơm cho con gái nhỏ, trong khi người anh cũng đang sốt run bần bật, miệng đắng ngắt. Chỉ là người sốt ít đút cho người sốt nhiều hơn mà thôi... Vượt qua nỗi nhớ con. Vượt qua những cơn mưa dầm dề, những núi cao vực sâu, những cơn sốt ôm nhau suốt đêm cho bớt run bần bật... Nhưng đến một ngày anh bỗng giật mình, khi phát hiện ra vợ mình, cùng nhiều nữ diễn viên khác, họ có một nỗi sợ vô cùng là... phai tàn nhan sắc. Những nữ nghệ sĩ quân đội vốn xinh đẹp là thế, như vợ anh ngày xưa nổi tiếng là hoa khôi, bỗng một ngày khi soi mình vào gương, soi xuống lòng suối, soi vào mắt nhau, ai cũng phát hoảng, muốn khóc không còn nhận ra nổi mình. Là bởi những cơn sốt rừng, là bởi những ngày đêm trèo đèo lội suối, là bởi những thỏi son mang từ hậu phương vào đến mặt trận này cũng đã hết. Ra sân khấu bỗng thấy thiếu tự tin hẳn, thậm chí còn thấy tủi thân. Và chỉ khi nhìn xuống bên dưới, thấy những chiến sĩ còn xanh xao hơn mình, có người còn băng đầu, chống nạng... mới thấy xót thương anh em nhiều hơn, muốn phục vụ họ nhiều hơn mà quên đi nỗi xót thương thân mình. Có lần, trước một buổi diễn, dù đã son phấn hóa trang rồi, chị nói với chồng: “Em cứ như con ma đói thế này. Còn hát với hò gì nữa!”. Anh trang nghiêm nhìn vợ: “Không. Em vẫn rất đẹp. Em đừng sợ thời gian, đừng sợ hoàn cảnh sống dù bom đạn thế nào, bao giờ em cũng rất đẹp, vì trong tâm hồn em luôn có một bông hoa hồng ngát thơm”.

leftcenterrightdel

Nhạc sĩ Doãn Nho và ca sĩ Nguyệt Ánh. 

Một buổi chiều, khi các nữ diễn viên đang tắm ở suối, bỗng nghe cậu nuôi quân hét toáng lên: “Chị Ánh, chị Nguyệt, chị Tần ơi, anh Nho về rồi! Anh Nho về rồi!”. Cả Minh Nguyệt, Vũ Tần đều thốt lên, rồi kéo tay chị Ánh chạy như phát rồ. Đến cửa hầm đoàn trưởng thì thấy hết ông này đến ông kia, hết bà này đến bà nọ cứ xông tới ôm ghì lấy nhạc sĩ, khiến cả anh cả chị đều ngơ ngác chẳng hiểu điều gì. “Cái gì thế này hả các ông các bà?”. Thì ra mấy ngày trước đó, nhạc sĩ được cử đi tiền trạm cùng một đoàn xe vận tải vũ khí, đoàn xe này bị B52 rải thảm, bộ đội hy sinh rất nhiều. Trong số đó có một chiến sĩ lái xe cũng tên là Nho hy sinh, nhưng khi báo cáo bộ tư lệnh, mọi người lại nhầm tưởng đó là nhạc sĩ Doãn Nho cùng đi chuyến xe ấy. Tin đồn loang về đoàn, ai cũng thương anh mà nước mắt đầm đìa, chỉ có chị là không biết gì. Là bởi trong khi chưa thể xác minh, đoàn trưởng yêu cầu toàn đoàn ai biết cũng phải giữ kín tin này, không để cho chị biết... Chỉ đến buổi chiều này, khi nhạc sĩ hoàn thành nhiệm vụ trở về, đeo ba lô hớn hở bước vào, thì mọi người mới tin anh còn sống. Lúc ấy chị mới biết hết sự thể và mới hay chồng mình “đúng là từ cõi chết trở về”... Ôi Tây Nguyên. Núi và rừng. Bom và đạn. Chất độc hóa học và củ sắn lùi chiến sĩ nhường cho văn công. Những hoàng hôn nhớ con thăm thẳm. Những cơn sốt rét run bần bật. Một mùa khô B52 rải thảm. Một mùa mưa trắng xóa đất trời. Rồi cũng đến lúc họ hoàn thành nhiệm vụ và trở về hậu phương. Nhạc sĩ đã vô cùng hạnh phúc vì những tháng năm ấy, anh hoàn thành được chùm ca khúc mới tuyệt vời về Tây Nguyên, ký tên con gái ở hậu phương: Ánh Quyên. Và một điều đặc biệt nữa, chính những ngày tháng lửa đạn Trường Sơn-Tây Nguyên ấy, đã hoài thai cho anh chị một đứa con trai. Anh nhớ những con đường ra trận, nhớ những tháng năm lửa đạn và gian khổ ở Trường Sơn-Tây Nguyên, nhớ con sông Pôkô, con sông Krông Ana mùa mưa đến nước lũ trào dâng, nhớ những trận B52 rải thảm và người chiến sĩ tên Nho ấy cùng rất nhiều những người lính trẻ đi cùng xe với anh đã hy sinh... Ôi Tây Nguyên, lại càng nhớ những người anh hùng như Kpa Klòng mà anh đã dành những giai điệu đẹp nhất để ngợi ca... Anh chị cảm tưởng như đứa con mới chào đời, đã mang tất cả Trường Sơn và Tây Nguyên trong hình hài, trong tâm hồn, trong cuộc đời, nơi có con đường cha mẹ nó ra trận, nơi có những cánh rừng, dòng suối cha mẹ đã hoài thai nên nó. Và bởi thế, anh chị đã đặt tên con là Doãn Trường Nguyên... Và giờ đây, bạn có nghe những bản nhạc vang lên dưới cánh tay chỉ huy của người nhạc trưởng mang tên Doãn Nguyên, hay bạn có nghe những bài hát vang lên mà người sáng tác mang tên Doãn Nguyên, thì bạn hãy hiểu đấy là đứa con của hai người chiến sĩ-nghệ sĩ ra trận, đấy là đứa con của Trường Sơn và Tây Nguyên, đấy là đứa con của những đại ngàn, của những thác nước gầm vang, của những dòng sông tung bọt trắng xóa, của những mùa chiến dịch đạn bom thét gào và những mùa mưa rừng đằng đẵng của Trường Sơn và Tây Nguyên...

CHÂU LA VIỆT

Từ khóa » Gót Xinh Huế