Năm 2020, Tăng Trưởng Kinh Tế Của Việt Nam Nằm Trong Mức Cao ...

Trưởng đại diện của Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Việt Nam Francois Painchaud.

Trước thềm Xuân Tân Sửu 2021, Trưởng đại diện của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam Francois Painchaud đã có bài viết dành riêng cho Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm đánh giá bức tranh tổng quan về kinh tế Việt Nam trong năm qua, đưa ra những dự báo, khuyến nghị trong năm tới. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết này.

Nền kinh tế Việt Nam đã thể hiện khả năng chống chịu tốt trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Tăng trưởng kinh tế đạt 2,9% trong năm 2020 và nằm trong mức cao nhất trên thế giới, phản ánh sự tăng trưởng mạnh mẽ trong ngành chế biến chế tạo và xuất khẩu, sự mở rộng mạnh mẽ các hoạt động đầu tư của Chính phủ, cùng khả năng phục hồi của tiêu dùng cá nhân, bất chấp những căng thẳng trong thị trường lao động.

Tuy nhiên, một số lĩnh vực đã bị ảnh hưởng nặng nề, bao gồm nhà hàng, khách sạn, bán lẻ, vận tải cùng các ngành sản xuất như may mặc, giầy dép. Thật không may là nhiều công nhân của Việt Nam đã bị tác động tiêu cực bởi đại dịch COVID-19, mặc dù thị trường lao động đang dần phục hồi.

Kết quả chung đáng ghi nhận của Việt Nam trong năm 2020 đã phản ánh các biện pháp mà các cơ quan quản lý của Việt Nam thực hiện trước và kể từ sau khi bùng phát COVID-19. Trước đại dịch, Việt Nam đã giảm thâm hụt ngân sách và tỷ lệ nợ công trên GDP và tăng dự trữ ngoại hối. Sức khỏe tài chính của hệ thống ngân hàng cũng được cải thiện. Khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, việc nhanh chóng áp dụng các biện pháp ngăn chặn, kết hợp với truy vết quyết liệt, xét nghiệm có mục tiêu và cách ly các trường hợp nghi nhiễm đã giúp ngăn chặn các ca nhiễm mới. Việc ngăn chặn thành công COVID-19 ở Việt Nam đã cho phép nền kinh tế trong nước phục hồi nhanh hơn so với nhiều quốc gia khác. Các chính sách thận trọng trước khi COVID-19 bùng phát cho phép Việt Nam hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch. Chính sách tài khóa được đưa ra để hỗ trợ các hộ gia đình dễ bị tổn thương và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Các biện pháp từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép giảm chi phí đi vay, tạo điều kiện tiếp tục thúc đẩy dòng chảy tín dụng. Nhìn chung, các biện pháp này đã giúp hạn chế thiệt hại về kinh tế do đại dịch COVID-19.

Tăng trưởng kinh tế dự báo sẽ tăng lên 6,5% vào năm 2021 khi hoạt động kinh tế trong và ngoài nước trở lại bình thường. Các chính sách tài khóa và tiền tệ cần tiếp tục hỗ trợ, nhất là áp dụng chính sách tài khóa cho đến khi sự phục hồi diễn ra vững chắc. Tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn sẽ làm giảm sự cần thiết phải tích lũy dự trữ ngoại hối. Việc giám sát chặt chẽ các rủi ro trong lĩnh vực ngân hàng rất quan trọng do đệm vốn yếu hơn so với các ngân hàng trong khu vực, đồng thời các quy tắc ghi nhận và phân loại nợ xấu cần được dần trở lại bình thường để hỗ trợ niềm tin vào hệ thống ngân hàng. Về trung hạn, trọng tâm của chính sách tài khóa là huy động nguồn thu để hỗ trợ cho cơ sở hạ tầng xanh và hiệu quả, củng cố hệ thống an sinh xã hội và bảo đảm tính bền vững của nợ công.

Mặc dù chúng tôi kỳ vọng sẽ có sự phục hồi mạnh mẽ, song triển vọng vẫn còn nhiều yếu tố bất định. Các đợt dịch mới bùng phát, sự phục hồi toàn cầu có thể kéo dài và căng thẳng thương mại đang diễn ra sẽ tác động tiêu cực đến triển vọng của Việt Nam. Ngược lại, việc triển khai vaccine hoặc các liệu pháp chữa trị hiệu quả có thể thúc đẩy niềm tin vào triển vọng tăng trưởng, đồng thời Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi từ Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA) được phê chuẩn gần đây và việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), cùng với việc tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu. Với những yếu tố bất định này, Chính phủ và Ngân hàng nhà nước sẽ cần phải điều chỉnh linh hoạt các chính sách phù hợp với điều kiện kinh tế đang thay đổi.

Để tận dụng tối đa tiềm năng mạnh mẽ của Việt Nam, cần tiếp tục chú trọng cải cách cơ cấu cần thiết nhằm cải thiện năng suất và giảm tình trạng mất cân đối kinh tế. Những cải cách này sẽ thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ và bao trùm, đồng thời giảm bớt sự chênh lệnh kinh tế giữa khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hiệu quả và khu vực kinh tế ngoài FDI lớn hơn nhưng lại tương đối kém năng suất, lĩnh vực tạo ra phần lớn công ăn việc làm cho lao động Việt Nam.

Chúng tôi hoan nghênh Việt Nam tiếp tục các nỗ lực cải cách kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh. Việt Nam cần ưu tiên giảm gánh nặng thủ tục cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước, cải thiện việc tiếp cận đất đai và các nguồn tài chính, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời đẩy lùi tệ nạn tham nhũng. Việc thiết lập cơ chế phá sản riêng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ giúp khai thông nguồn vốn và tránh việc giải thể không cần thiết. Giảm tình trạng thiếu kỹ năng lao động, cải thiện nguồn vốn con người và tiếp cận công nghệ cũng sẽ thúc đẩy năng suất lao động.

(*) Đầu đề là của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ khóa » Tốc độ Tăng Gdp 2020