Năm 2021- Dấu ấn 100 Năm Đảng Cộng Sản Trung Quốc Và "nghị ...
Có thể bạn quan tâm
Năm 2021 đánh dấu một cột mốc hết sức quan trọng đối với Trung Quốc. Đảng Cộng sản Trung Quốc tròn 100 năm tuổi.
"Thời đại mới" và "Giấc mơ Trung Quốc"
Theo cách phân tích của Đảng Cộng sản Trung Quốc, lịch sử Trung Quốc từ thời cận đại có thể chia thành bốn giai đoạn khác nhau. Kể từ khi chủ nghĩa đế quốc phương Tây đô hộ từ giữa thế kỷ XIX, xã hội Trung Quốc trở thành xã hội nửa thuộc địa nửa phong kiến, đất nước lâm vào thời kỳ đen tối nhất mà người Trung Quốc gọi là "trăm năm ô nhục", là "thế kỷ nhục nhã" của dân tộc Trung Hoa. Năm 1949, cuộc cách mạng dân tộc dân chủ mới do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo thành công, lập nên nước CHND Trung Hoa, Trung Quốc bước vào "thời đại đứng lên". Từ khi thực hiện công cuộc cải cách mở cửa bắt đầu từ năm 1978, kinh tế phát triển với tốc độ phi mã, thành tựu rực rỡ, đất nước thay đổi một cách đáng kinh ngạc. Đó là "thời đại giàu lên". Tổng Bí thư Tập Cận Bình cho rằng, giờ đây Trung Quốc đã bước vào thời đại mới – "thời đại mạnh lên".
Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện là chính đảng lớn nhất trên thế giới hiện nay, với 95 triệu đảng viên (Ảnh: SCMP)
Một dân tộc có 5 ngàn năm lịch sử với bao nhiêu cống hiến cho nhân loại trong quá khứ bỗng nhiên bị đế quốc phương Tây chèn ép, bắt nạt, đẩy vào cảnh ngộ lầm than, ô nhục, dân tộc này đã nuôi một ý chí phục hưng từ đó. Đó chính là "Giấc mơ Trung Quốc", là khát vọng tìm lại sự vĩ đại trong quá khứ của dân tộc Trung Hoa, giấc mơ đó đã ăn sâu vào lòng người Trung Quốc. Nhưng hàng trăm năm nay giấc mơ vẫn chưa thành hiện thực. Giờ đây, khi nhìn lại lịch sử 100 năm của Đảng, Tổng Bí thư Tập Cận Bình khẳng định chắc chắn rằng: "Ngày nay, chúng ta đang ở gần hơn, có lòng tin và năng lực hơn để thực hiện mục tiêu phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa so với bất kỳ thời kỳ nào trong lịch sử".
Năm 2021 cũng là năm Trung Quốc tuyên bố hoàn thành "mục tiêu 100 năm" thứ nhất, xây dựng thành công toàn diện xã hội khá giả, bước vào tiến trình mới thực hiện "mục tiêu 100 năm" thứ hai từ nay đến giữa thế kỷ, đó là hiện thực hóa "Giấc mơ Trung Quốc".
Hội nghị Trung ương lần thứ 6
Ngoài lễ kỷ niệm long trọng được tổ chức đúng ngày 01 tháng 7, ngày thành lập Đảng cách đây 100 năm, tháng 11 vừa qua đã diễn ra Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 khóa XIX. Đây không chỉ là một sự kiện chính trị có ý nghĩa đặc biệt của năm 2021 mà còn là sự kiện đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Hội nghị toàn thể lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIX (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Theo thông báo chính thức, Hội nghị này đã xem xét và thông qua "Nghị quyết về triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX của Đảng" vào nửa cuối năm 2022. Nhưng sự kiện đáng được quan tâm nhất đối với nhân dân trong nước và dư luận quốc tế là Hội nghị đã xem xét và thông qua Nghị quyết "Về những thành tựu quan trọng và kinh nghiệm lịch sử trong 100 năm phấn đấu của Đảng", còn gọi là "Nghị quyết lịch sử thứ ba".
Tại sao lại là "Nghị quyết lịch sử thứ ba"? Trong 100 năm qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã từng đưa ra hai "Nghị quyết lịch sử", những nghị quyết này nhằm nhìn lại một một chặng đường đã đi, tổng kết chỗ đúng, chỗ sai, đúc rút bài học kinh nghiệm cho chặng đường tiếp theo. Lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc vô cùng phức tạp, không biết bao nhiêu thăng trầm của Đảng dẫn đến những biến động dữ dội của đất nước đông dân nhất thế giới này. Bởi vậy việc tổng kết từng giai đoạn lịch sử, khẳng định đúng-sai thật không hề đơn giản.
Nhìn lại những "Nghị quyết lịch sử" trong quá khứ
"Nghị quyết lịch sử thứ nhất" ra đời năm 1945, khi Đảng chưa cầm quyền. Hội nghị Trung ương lần thứ 7 khóa VI diễn ra tại căn cứ địa cách mạng Diên An kéo dài từ tháng 5 năm 1944 đến tháng 4 năm 1945 với nhiều nội dung quan trọng. Một cuộc Hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng kéo dài gần một năm trời đã cho thấy rõ ràng đây là một cuộc chỉnh đốn Đảng, một cuộc đấu tranh nội bộ hết sức gay gắt. Hội nghị nhìn lại quá trình cách mạng kể từ khi thành lập Đảng năm 1921 đến thời điểm lúc bấy giờ (năm 1945), nhưng chủ yếu tập trung phân tích diễn biến tình hình từ Hội nghị Trung ương lần thứ 4 (năm 1931) đến trước Hội nghị Tuân Nghĩa (năm 1935). Đó là lúc Đảng Cộng sản và Hồng quân lâm vào nguy cơ bị diệt vong, những sai lầm "tả khuynh" trong Đảng gây tổn thất to lớn cho cách mạng Trung Quốc, đồng thời tạo thành cuộc khủng hoảng nội bộ Đảng. Cuối cùng Trung ương Đảng quyết định thực hiện cuộc rút lui chiến lược đầy gian khổ để bảo toàn lực lượng – cuộc "Vạn lý trường chinh" trên chặng đường hiểm trở dài 12.000 km.
Thành quả quan trọng của Hội nghị Trung ương 7 khóa VI là thông qua "Nghị quyết về một số vấn đề lịch sử", trong đó phân tích những sai lầm nghiêm trọng của "chủ nghĩa tả khuynh mạo hiểm" mà đại diện là Ủy viên Bộ Chính trị Vương Minh, đồng thời đánh giá cao những cống hiến của Mao Trạch Đông. Ngay sau khi Hội nghị kết thúc vài ngày là Đại hội Đảng lần thứ VII, xác lập "Tư tưởng Mao Trạch Đông" là tư tưởng chỉ đạo của Đảng.
"Nghị quyết lịch sử thứ hai" ra đời năm 1981, khi công cuộc cải cách mở cửa vừa mới bắt đầu. Hội nghị Trung ương lần thứ 6 khóa XI thảo luận và thông qua "Nghị quyết về một số vấn đề lịch sử kể từ khi thành lập nước", nhìn lại quãng thời gian 30 năm từ khi nước CHND Trung Hoa ra đời (năm 1949) đến giai đoạn đầu cải cách mở cửa. Nghị quyết đã chỉ ra một số sai lầm làm cho đất nước lâm vào khó khăn, phân biệt rạch ròi sự đúng đắn của "Tư tương Mao Trạch Đông" với những sai lầm 20 năm cuối đời của cá nhân Mao Trạch Đông, kết luận công-tội rõ ràng. Đặc biệt Nghị quyết đã phân tích nguyên nhân và rút ra những bài học từ những sai lầm của Đảng do Mao Trạch Đông làm hạt nhân như, xác định sai mâu thuẫn chủ yếu trong nước, có tư tưởng duy ý chí, nóng vội, quyền lực quá tập trung vào tay cá nhân, tệ sùng bái cá nhân v.v... dẫn đến những sai lầm lớn như "đại nhảy vọt" (1958-1960) và tai họa nhất là 10 năm "Đại cách mạng văn hóa vô sản" (1966-1976). Nghị quyết đã làm thay đổi một cách cơ bản tư duy trong toàn Đảng, từ đó xóa bỏ tư tưởng duy ý chí và phương châm "hai phàm là" để nhìn thẳng vào thực tiễn, vững tin bước vào công cuộc cải cách mở cửa.
"Nghị quyết lịch sử thứ ba"
Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 6 khóa XIX lần này được gọi là "Nghị quyết lịch sử thứ ba" vì nó ra đời vào thời điểm lịch sử khi Đảng Cộng sản Trung Quốc tròn 100 năm tuổi. Nội dung Nghị quyết gồm 7 phần chính: (1) Giành thắng lợi vĩ đại cuộc cách mạng dân chủ mới; (2) Hoàn thành cách mạng XHCN và thúc đẩy xây dựng CNXH; (3) Tiến hành cải cách mở cửa và xây dựng hiện đại hóa XHCN; (4) Mở ra thời đại mới XHCN đặc sắc Trung Quốc; (5) Ý nghĩa lịch sử 100 năm phấn đấu của Đảng Cộng sản Trung Quốc; (6) Kinh nghiệm lịch sử 100 năm phấn đấu của Đảng Cộng sản Trung Quốc; (7) Đảng Cộng sản Trung Quốc thời đại mới.
Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới với GDP năm 2021 dự kiến ước đạt 15.600 tỷ USD. (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Nhìn tổng thể, Nghị quyết này có ba đặc điểm khác với hai "Nghị quyết lịch sử" trước đó. Trước hết, khoảng thời gian của Nghị quyết này xuyên suốt 100 năm lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong khi hai nghị quyết trước đó chỉ giới hạn trong một khoảng thời gian cụ thể sau khi Đảng được thành lập. Thứ hai, lần này không đi sâu phân tích những sai lầm quá khứ. Tổng Bí thư Tập Cận Bình cho rằng: "Hai nghị quyết trước cơ bản đã giải quyết những vấn đề đúng sai quan trọng trong lịch sử của Đảng kể từ khi thành lập đến thời kỳ đầu cải cách mở cửa, những lập luận và kết luận cơ bản đến nay vẫn còn nguyên giá trị". Bởi vậy Nghị quyết lần này tập trung tổng kết những thành tựu quan trọng và những kinh nghiệm lịch sử 100 năm qua của Đảng. Thứ ba, Nghị quyết này nêu bật trọng điểm "thời đại mới" của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. "Thời đại mới" là khái niệm được định danh từ Đại hội XIX của Đảng năm 2017 trên cơ sở xác định thành tựu của 40 năm cải cách mở cửa. Có thể hiểu rằng, nêu bật trọng điểm thời đại mới có nghĩa là tập trung phân tích tương lai nhiều hơn.
Nghị quyết nhấn mạnh "hai xác lập" quan trọng. Đó là xác lập đồng chí Tập Cận Bình giữ vai trò hạt nhân trong Trung ương Đảng và vai trò hạt nhân trong toàn Đảng; xác lập vai trò chỉ đạo của Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới.
Chân dung các nhà lãnh đạo Trung Quốc qua các thời kì tại cuộc triển lãm tại Bắc Kinh năm 2019 (Ảnh: CNN)
So sánh bối cảnh ra đời cả 3 "Nghị quyết lịch sử" có thể thấy rằng, "Nghị quyết lịch sử thứ nhất" xác lập địa vị tối cao của Chủ tịch Mao Trạch Đông trong giai đoạn cách mạng dân chủ mới để đi đến thắng lợi bằng sự ra đời của nước CHND Trung Hoa; "Nghị quyết lịch sử thứ hai" xác lập địa vị tối cao của Đặng Tiểu Bình trong giai đoạn cải cách mở cửa để đi đến thắng lợi vĩ đại đưa đất nước giàu lên nhanh chóng; "Nghị quyết lịch sử thứ ba" xác lập vai trò "hạt nhân" của Tổng Bí thư Tập Cận Bình và vai trò chỉ đạo của Tư tưởng Tập Cận Bình trong tiến trình thực hiện "giấc mơ phục hưng dân tộc Trung Hoa" từ nay đến giữa thế kỷ. Dư luận cho rằng, mặc dù Nghị quyết tập trung vào những thành tựu quan trọng và kinh nghiệm lịch sử trong 100 năm phấn đấu của Đảng, nhưng nổi bật nhất vẫn là vấn đề vai trò hạt nhân trong Đảng của Tổng Bí thư Tập Cận Bình.
Phát biểu tại cuộc họp báo về Hội nghị Trung ương lần thứ 6 khóa XIX, ông Giang Kim Quyền, Chủ nhiệm Văn phòng Nghiên cứu chính sách Trung ương Đảng nhấn mạnh: "Việc giữ vững và bảo vệ vị trí hạt nhân của Tổng Bí thư Tập Cận Bình là để đảm bảo Đảng có người ra quyết định quan trọng, nhân dân có chỗ dựa và con tàu phục hưng dân tộc có người cầm lái". Ông còn nhắc lại lời của Đặng Tiểu Bình trước đây rằng: "Bất kỳ một tập thể lãnh đạo nào cũng cần có một hạt nhân, không có lãnh đạo hạt nhân thì đứng không vững". Ông nói thêm: "Vậy 95 triệu đảng viên, 56 dân tộc, 1,4 tỷ người nếu như không có hạt nhân của Trung ương, hạt nhân toàn Đảng thì không thể tưởng tượng được, rất dễ đổ vỡ, làm gì cũng không thành".
Có lẽ cũng vì như vậy mà toàn văn Nghị quyết dài hơn 36 ngàn chữ, tổng kết 100 năm phấn đấu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã dành đến hơn một nửa, tức hơn 18 ngàn chữ nói về những thành tựu quan trọng 9 năm qua từ Đại hội XVIII (năm 2012) khi Tập Cận Bình được bầu làm Tổng Bí thư đến nay. Những thành tựu đó được thể hiện trên 13 lĩnh vực, cụ thể như: về việc kiên trì sự lãnh đạo toàn diện của Đảng; về quản lý Đảng nghiêm minh toàn diện; về xây dựng kinh tế; về đi sâu cải cách mở cửa toàn diện; về xây dựng chính trị; về quản lý đất nước theo pháp luật toàn diện; về xây dựng văn hoá; về xây dựng xã hội; về xây dựng văn minh sinh thái; về xây dựng quốc phòng và quân đội; về bảo vệ an ninh quốc gia; về kiên trì "một nước hai chế độ" và thúc đẩy thống nhất Tổ quốc và về công tác ngoại giao.
Kỉ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (Ảnh: CNN)
Một nội dung có ý nghĩa lịch sử khác là Nghị quyết đã đúc kết 10 kinh nghiệm lịch sử trong suốt 100 năm qua của Đảng Cộng sản Trung Quốc, còn gọi là "10 kiên trì": (1) Kiên trì sự lãnh đạo của Đảng; (2) Kiên trì nhân dân trên hết; (3) Kiên trì sáng tạo lý luận; (4) Kiên trì độc lập tự chủ; (5) Kiên trì con đường Trung Quốc; (6) Kiên trì rộng lòng với thiên hạ; (7) Kiên trì mở mang sáng tạo; (8) Kiên trì dám đấu tranh; (9) Kiên trì mặt trận thống nhất; (10) Kiên trì tự cách mạng bản thân.
Kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. (Ảnh: CNN)
Như vậy nghị quyết đã trả lời câu hỏi mà Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã đặt ra trong bài phát biểu nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 01 tháng 7 năm nay, đó là "từ 100 năm phấn đấu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhìn rõ tại sao chúng ta đã thành công trong quá khứ và làm thế nào để tiếp tục thành công trong tương lai"’.
Qua những kết luận của Hội nghị Trung ương lần này được thể hiện trong Nghị quyết, có thể nhận biết được vai trò "cầm lái" của Tổng Bí thư Tập Cận Bình trong lộ trình phía trước của Trung Quốc. Không cần suy luận nhiều người ta cũng có thể thấy Đại hội XX sắp tới, ông sẽ tiếp tục giữ vai trò hạt nhân ít nhất một nhiệm kỳ nữa. Thậm chí giới phân tích cho rằng, với việc xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước trong Hiến pháp Trung Quốc năm 2018 và chủ trương "hai xác lập" tại Nghị quyết lần này, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã mở lại con đường "lãnh đạo suốt đời" cho nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước.
Đảng Cộng sản Trung Quốc công bố quy định thúc đẩy minh bạchVTV.vn - Ngày 25/12, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) đã công bố một quy định nhằm thúc đẩy minh bạch trong các vấn đề của Đảng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Từ khóa » đảng Cộng Sản Trung Quốc Tiến Hành Công Cuộc Cải Cách Mở Cửa Vào Thời điểm Nào
-
Cải Cách Hành Chính ở Trung Quốc Từ Thời điểm Cải Cách Mở Cửa ...
-
Trung Quốc: Nhìn Lại Quá Trình 40 Năm Cải Cách, Mở Cửa
-
Trung Quốc Tiến Hành Cải Cách - Mở Cửa Bắt đầu Vào Thời Gian
-
Đảng Cộng Sản Trung Quốc Tiến Hành Công Cuộc Cải Cách, Mở Cửa ...
-
Cải Cách Kinh Tế Trung Quốc – Wikipedia Tiếng Việt
-
Đảng Cộng Sản Trung Quốc – Wikipedia Tiếng Việt
-
Đảng Cộng Sản Trung Quốc | Hồ Sơ - Sự Kiện - Nhân Chứng
-
Trung Quốc 40 Năm Cải Cách Mở Cửa - Mega Story
-
Giáo Dục ở Trung Quốc Trong Cải Cách Mở Cửa
-
Trung Quốc 30 Năm Cải Cách Mở Cửa
-
Trung Quốc: Những đổi Mới Trong Công Tác Tư Tưởng Lý Luận Sau 30 ...
-
Bài Học Kinh Nghiệm Từ Quá Trình Cải Cách Hành Chính Tại Trung Quốc
-
100 Năm Ngày Thành Lập Đảng Cộng Sản Trung Quốc - Hànộimới