Nam Bộ Kháng Chiến - Hào Khí Và Quyết Tâm Bảo Vệ Nền độc Lập, Tự ...

Kỷ niệm 76 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến

(23/9/1945-23/9/2021)

---

Nam Bộ kháng chiến - Hào khí và quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do của nước nhà

Rạng sáng ngày 23/9/1945, cách đây 76 năm, quân và dân Nam Bộ đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược lần thứ hai với khí phách anh hùng, với quyết tâm “thà chết tự do còn hơn sống nô lệ” để bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, tạo điều kiện cho Trung ương Đảng, Chính phủ và Nhân dân cả nước có thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lâu dài.

Rạng sáng ngày 23/9/1945, được sự giúp đỡ của quân đội Anh, thực dân Pháp chính thức bội ước, cho hàng ngàn lính nổ súng tấn công, đánh chiếm Sài Gòn, chính thức mở ra cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. “Sơn hà nguy biến”, Xứ ủy, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Kháng chiến Nam bộ và Đại diện Tổng bộ Việt Minh đã thống nhất ra Lời kêu gọi đồng bào cầm vũ khí đánh đuổi quân xâm lược. Nam Bộ bước vào cuộc chiến trực diện với kẻ thù.

Ngày 26/9/1945, qua làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ chí Minh kêu gọi; “Hỡi đồng bào Nam bộ! Nước ta vừa tranh quyền độc lập, thì đã gặp nạn ngoại xâm... Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam bộ. Chúng ta nên nhớ lời nói oanh liệt của nhà đại cách mạng Pháp “thà chết tự do còn hơn sống nô lệ” ... Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quốc dân. Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc đấu tranh của chúng ta là chính đáng”.

Hưởng ứng lời hiệu triệu của Bác Hồ và Chính phủ, nhân dân Nam bộ đã triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ thành quả cách mạng, ra sức củng cố, xây dựng lực lượng vũ trang. Mặc dù trong tay chủ yếu là vũ khí thô sơ, song quân và dân Nam Bộ với tinh thần “Độc lập hay là chết”đã anh dũng chiến đấu, tích cực tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, hoàn thành tốt nhiệm vụ kìm giữ chúng ở thành phố và các thị xã trong một thời gian dài, tạo điều kiện cho quân và dân cả nước có thêm thời gian để củng cố thực lực, bước vào cuộc kháng chiến lâu dài. Khắp các địa phương trong cả nước sục sôi “Ủng hộ cuộc kháng chiến anh dũng của đồng bào Nam bộ”, thanh niên nô nức tòng quân, các chi đội Nam tiến gấp rút lên đường vào Nam chiến đấu…Chiến trường Nam bộ quy tụ sức mạnh cả nước đúng lên chống thực dân Pháp xâm lược.

Từ Thủ đô Hà nội Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng theo dõi sát sao diễn biến chiến trường Nam bộ, ngày 29/10/1945, trong Lời kêu gọi đồng bào Nam bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Từ Nam chí Bắc, đồng bào ta luôn luôn sẵn sàng. Mấy triệu người như một, quyết tâm đánh tan quân cướp nước, không quân đội nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của toàn thể một dân tộc…Trước nạn ngoại xâm, toàn thể quốc dân đã đoàn kết chặt chẽ thành một khối kiên cố, thành một lực lượng thống nhất mà không một đội quân xâm lăng nào đánh tan được…”. Ghi nhận và biểu dương tinh thần chiến đấu kiên cường bất khuất của quân và dân Nam Bộ, tháng 2/1946, thay mặt Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng đồng bào Nam Bộ danh hiệu vẻ vang:“Thành đồng Tổ quốc”.

Ý chí ngoan cường, hào khí Nam bộ kháng chiến, sự chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, gian khổ, hy sinh tiếp tục được đồng bào Nam bộ phát huy suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp để cùng cả nước làm nên chiến thắng Điên Biên Phủ, “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Sự kiện Nam Bộ mở đầu cuộc kháng chiến trường kỳ, toàn dân và toàn diện chống thực dân Pháp xâm lược giai đoạn 1945-1954 đã đi vào lịch sử của dân tộc ta, thể hiện rõ khát vọng cháy bỏng và ý chí không có gì lay chuyển được của quân và dân ta vì nền độc lập, thống nhất Tổ quốc. Cuộc kháng chiến của đồng bào Nam bộ đã để lại những bài học có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn sâu sắc, đó là:

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân để chống lại đội quân nhà nghề: Ngay sau khi quân Pháp nổ súng xâm lược, sáng 23/9/1945, Xứ ủy và Ủy ban nhân dân Nam Bộ đã triệu tập Hội nghị tại đường Cây Mai, quyết định phát động toàn dân kháng chiến. Đồng thời gửi điện xin chỉ thị của Trung ương Đảng và sau khi có chủ trương của Trung ương đã nhanh chóng thành lập Xứ ủy Nam Bộ – cơ quan lãnh đạo kháng chiến toàn Nam bộ; kiện toàn các tổ chức đảng, củng cố chính quyền, các tổ chức, đoàn thể cách mạng; thống nhất các lực lượng vũ trang; chia nội thành Sài Gòn thành 4 mặt trận tiền tuyến ngăn chặn quân địch; tổ chức các đơn vị mũi nhọn bí mật vào nội đô tập kích nhiều vị trí, cơ sở quan trọng của quân Pháp…

Sau khi nhận được điện của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, ngày 26/9/1945, qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đến đồng bào Nam Bộ bức thông điệp thể hiện niềm tin vào “lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ”. Ngày 25/11/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị về kháng chiến kiến quốc, trong đó xác định rõ những “Nhiệm vụ chiến thuật của ta ở Nam bộ”. Sự lãnh đạo thống nhất của Trung ương Đảng đã tạo tiền đề, quyết định để cuộc kháng chiến từng bước phát triển về mọi mặt.

Xây dựng thế trận lòng dân: Trong lời hiệu triệu toàn dân của Chính phủvào ngày 26/9/1945: Hãy ủng hộ phong trào đấu tranh oanh liệt của đồng bào Nam Bộ. Từ đó, nhiều đoàn quân “Nam tiến” trong cả nước liên tiếp lên đường; nhiều đợt quyên góp của cải, vật chất của nhân dân kịp thời chi viện cho miền Nam, thể hiện ý chí toàn dân đứng lên bảo vệ nền độc lập, thống nhất đất nước.

Thời gian đã 76 năm trôi qua, nhưng tinh thần, tầm vóc, giá trị lịch sử và hiện thực của 15 tháng kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ở Nam Bộ đã để lại những kinh nghiệm sâu sắc và bài học lịch sử rất quý giá vẫn còn mang nhiều giá thực tiễn sâu sắc, cần được nghiên cứu, kế thừa, phát huy và vận dụng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ hội nhập.

Tuấn Anh

Từ khóa » Pháp Tấn Công Việt Nam đầu Tiên ở đâu